• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Vĩnh biệt Nàng Tô Thị

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Vĩnh biệt Nàng Tô Thị

    Vĩnh biệt Nàng Tô Thị
    Hà Vinh

    Click image for larger version

Name:	nangtothi.jpg
Views:	77
Size:	25.5 KB
ID:	265008Lạng Sơn cách thủ đô Hà Nội 154km về phía Bắc là một vùng phong cảnh nên thơ của Tổ Quốc, nơi có tên trên bản đồ Việt Nam từ năm 981 và là nơi ghi dấu nhiều chiến tích anh hùng trong suốt nhiều thời kỳ giữ nước.

    Từ thị xã Lạng Sơn qua khỏi sông Kỳ Cùng là đã có thể nhìn thấy bóng dáng nàng Tô Thị, một phiến đá thiên tạo trên dãy núi đá vôi ở phía Bắc, trong giống người đàn bà ôm con ngóng trông về một phương trời xa xăm nào đó. Không biết từ bao giờ, dân gian ta gọi đó là núi Vọng Phu (trông chồng) với nhiều câu chuyện đầy huyền thoại và lãng mạn. Trên đất nước ta, trí tưởng tượng phong phú của người dân đã đặt cho nhiều ngọn núi có cái tên vọng phu, như ở Bình Định, ở Khánh Hòa chẳng hạn. Nhưng không đâu bằng Lạng Sơn, nàng Tô Thị với núi vọng Phu đã trở thành một biểu tượng của lòng sắt son, đã là nguồn thi hứng của bao danh nhân nho sĩ lỗi lạc.

    Nguyễn Du đã cảm xúc khi đứng trước nàng Tô Thị:

    “Thạch da, nhân da, bỉ hà nhân.
    Độc lập sơn đầu thiên bách xuân
    Vạn kiếp điều vô vân vũ mộng
    Nhật trinh lư đắc cổ kim thân”

    (Đá chăng? Người chăng? Đó là ai?
    Đứng sững đầu non nghìn năm rồi
    Muôn kiếp mây mưa không vướng mộng
    Lòng son nay trước trọn bao đời)

    Nàng Tô Thị, núi Vọng Phu được dân gian truyền lại qua một huyền thoại đầy tính thi ca. Tục truyền rằng, nơi đây ngày xưa có một cô gái nhan sắc mặn mà. Nàng lấy chồng sinh được đứa con trai. Một hôm người chồng ra đi rồi mãi mãi không về. Chiều chiều nàng Tô Thị bồng con lên đỉnh núi mong ngóng. Trải qua bao năm dãi dầu mưa nắng nàng mỏi mòn và rồi hóa đá.

    Trong dân gian có nhiều câu chuyện giải thích thêm lý do tại sao người chồng của nàng Tô Thị bỏ đi mãi không về. Có truyền thuyết nói rằng chồng nàng Tô Thị là Đậu Thao làm lính đời xưa, đi chống phong kiến Phương Bắc và không còn có ngày trở lại. Đó là hình ảnh của người chinh phụ đầy tính hào hùng và lãng mạn.

    Thế nhưng cũng có huyền thoại truyền tụng một câu chuyện đầy kịch tính. Chuyện kể rằng ngày xửa ngày xưa, một gia đình nọ sinh được hai anh em một trai một gái. Một hôm thằng anh nghịch ngợm kê một lóng mía trên đầu em gái để róc vỏ. Lưỡi dao bén phạm vào đầu làm đứa em bất tỉnh. Chủ nhỏ sợ cha mẹ rầy đã bỏ xứ mà đi. Mười lăm năm sau hai anh em gặp nhau như người xa lạ và họ đã kết nghĩa vợ chồng. Một hôm nhân khi âu yếm, người chồng nhận ra trên đầu vợ mình có vết sẹo dài, anh hỏi và nghe vợ kể lại lai lịch của mình theo lời mẹ cha. Anh đau xót cảm thấy đã xúc phạm vào điều thiêng liêng nhất. Thế là không nói một lời anh bỏ nhà ra đi – người vợ mòn mỏi lên núi chờ chồng và...hóa đá.

    Dù chuyện dân gian có thế nào đi nữa, nhưng ít ra câu chuyện về nàng Tô Thị đã nói lên một điều mang tính chất phẩm giá và lòng sắt son của người phụ nữ. Phải chăng vì vậy mà nàng Tô Thị đã đi vào thi cả, đã đi vào tâm hồn của dân tộc, trở thành một biểu tượng cao quý của tình nghĩa vợ chồng. Nàng Tô Thị đã sống mãi trong lòng người và núi đá Tô Thị đã được ghi vào sử sách. Thế nhưng bây giờ thì nàng Tô Thị đã vĩnh biệt chúng ta. Nàng không chết vì thiên nhiên tàn phá. Trời đất hàng thế kỷ đã khắc họa một sự trung trinh về người phụ nữ trong huyền thoại này. Nàng Tô Thị đã chết vì sự thô bạo và dốt nát của một số người...

    Vào tháng bảy năm 1991, nàng Tô Thị đã bị giật sập và người ta đã đem nàng nung vôi. Chuyện kỳ lạ ở phía bắc con sông Kỳ Cùng xảy ra từ hai ba năm nay. Dư luận và báo chí ở địa phương đã nhiều lần báo động điều này khi một đơn vị khai thác đá vôi lên đây đào bới cả một quần thể thiên nhiên nổi tiếng ở Lạng Sơn. Người dân ở đây ban đầu phàn nàn sau đó là căm phẫn và bây giờ là hối tiếc. Nhưng mọi sự cũng đã rồi.
    Điều đáng nói ở đây là việc “hành quyết” nàng Tô Thị hoàn toàn không phải là chuyện ngẫu nhiên hay do sơ suất.

    Khu du tích Nhị Thanh, Tam Thanh và núi Tô Thị cách thị xã Lạng Sơn không bao xa và việc tàn phá di tích này không phải diễn ra trong một ngày một tháng, không phải chỉ là năm bảy người đục đẽo, mà là cả một “đội quân” được tổ chức qui mô. Trên hiện trường ấy, hơn một năm nay đã diễn ra biết bao vụ nổ mìn, biết bao âm thanh chát chúa, khói bụi thì mịt mù năm này tháng nọ. Lò nung vôi ở cửa động Nhị Thanh gần đó đã tiêu hủy nàng Tô Thị và biết bao nhiêu bài thơ của các bậc danh nhân chí sĩ một thời ghi khắc vào núi đá, hang động.

    Ngô Thì Sĩ (cha của Ngô Thì Nhiệm), một danh nhân của đời Lê Cảnh Hưng đã ghi vào quần thể văn hóa này một bài thơ nổi tiếng và khắc cả chân dung mình vào một động thạch nhũ:

    “Nhân cưỡi lừa chơi chốn động xưa
    Dùng dằng bên động cảnh càng ưa
    Suối trong đá trắng đường reo gọi
    Núi trước nàng Tô dãi nắng mưa”.

    Có sống vào thời buổi này chắc chắn Ngô Thì Sĩ cũng sẽ phải đau lòng khóc khi phải vĩnh biệt nàng Tô Thị, vĩng biệt nguồn thi hứng dạt dào.
    Chung số phận với nàng Tô Thị là núi Tam Thanh với nhiều hang động nối tiếp. Đối diện với núi Vọng Phu, nằm trong dãy núi đá vôi, cách thị xã Lạng Sơn chứng 2km ở phía Tây Bắc, Tam Thanh có ba hang động rất đẹp.

    Động Nhất Thanh nhỏ nhất, bên trong đó có thờ Phật và tượng Ngô Thì Sĩ. Bên động Nhất Thanh là Nhị Thanh không rộng bằng nhưng khá sâu, chiều dài khoảng 500 mét xuyên từ bên này sang bên kia núi. Trước hang có nhiều cây cổ thụ rợp bóng, những cụm phong lan nhiều màu sắc rũ xuống rất dịu dàng. Hang động này có nhiều nhũ đá đủ màu sắc lung linh. Ra khỏi cửa hang Nhị là Tam Thanh, không sâu nhưng cao đến hơn 8 mét với nhiều nhũ đá đẹp. Dưới hang có dòng suối róc rách, bên trong hang có ngôi chùa cùng tên Tam Thanh là nơi nhiều du khách thường xuyên đến đây viếng cảnh.

    Chính tại ngôi chùa này, sau ngày nàng Tô Thị bị nung vôi, cái đứa con của nàng được một bà lão giữ chùa mang về đây thờ cúng. Bà lão giữ chùa đã tìm thấy chiếc đầu ấy khi người ta định nung vôi và một sự cảm xúc đầy nhân ái đã khiến bà kính cẩn nhặt lấy mang về thờ. Đây là phần “thân xác” duy nhất của mẹ con nàng Tô Thị còn được giữ lại, không phải do ngành văn hóa hay cơ quan bảo vệ di tích mà do một bà lão tốt bụng và nhận chân được cái giá trị thiêng liêng của cuộc sống này: đó không phải là đồng tiền kiếm được mà là tình người.

    Còn ngành văn hóa thông tin thì sao? Nhà của đồng chí Quyền giám đốc Sở Văn hóa Thông Tin Lạng Sơn ở Pò Xoài, cách nàng Tô Thị và các khu di tích hang động chưa đầy 1km. Bộ Văn Hóa Thông Tin và Thể Thao cách Nàng Tô Thị và núi Tam Thanh 154km(Ý nói ở Hà Nội) và chẳng phải đã không nghe được những lời than vãn về đợt tàn phá di tích này, bởi trong thời đại hiện nay các phương tiện khoa học kỹ thuật đã rút ngắn chiều dài khọng gian lẫn khoảng cách thời gian.

    Phải chăng, nàng Tô Thị không thể khóc than khi bị người ta đem nung vôi vì nàng đã hóa đá. Cho nên không ai trong số những người trách nhiệm nhận ra lời kêu cứu bi thảm của một người vợ thủ tiết chờ chồng?
    Phải chăng chỉ có những than vãn nói lên lời mới đánh thức được lương tri?

    Bây giờ thì nàng Tô Thị đã vĩnh biệt chúng ta. Và rồi đây, dù đời sau có xây dựng bao nhiêu nàng Tô Thị đi nữa cũng không thể nào bù đắp được một món quà tặng đầy ý nghĩa mà thiên nhiên đã ban cho chúng ta.

    Kết thúc bài viết, chúng tôi xin ghi lại xúc cảm của nhạc sĩ Lê Thương, người đã làm tôn vinh lòng sắt son của người chinh phụ trong trường ca Hòn Vọng Phu nổi tiếng được anh sáng tác cách đây gần nửa thế kỷ, lấy nguồn cảm hứng âm nhạc từ sự tích nàng Tô Thị.

    “Tôi vô cùng thương tiếc khi biết người ta giết nàng Tô Thị: Đó là sự mất mát tình cảm không chỉ của riêng tôi mà còn là sự tiêu hủy những nguồn thi hứng, nhạc cảm: một sự xúc phạm thiên nhiên thô bạo. Lợi lộc có đáng bao nhiêu đâu mà người ta phải làm một việc sai lầm như thế”.
    Dù sao thì nàng Tô Thị cũng đã vĩnh biệt chúng ta!

    22.9.1991
    (Trích Khởi Hành)
    Đã chỉnh sửa bởi hoangvu; 01-06-2023, 07:19 AM.
    Sống trên đời

    Similar Threads
  • #2

    tôi thật sự bàng hoàng khi đọc xong bài viết này.thật đau lòng khi di sản văn hóa rơi vào tay những kẻ vô văn hóa.

    Comment

    • #3

      Nỗi oan nàng Tô thị

      Nỗi oan nàng Tô thị


      18 năm trước,( bài này viết năm 2009 ) vụ án “đem tượng nàng Tô Thị nung vôi” gây chấn động trong cả nước, người ta nhanh chóng tìm ra kẻ “thủ ác” và cũng đã nhanh chóng cho xây dựng lại tượng nàng Tô Thị…




      Tượng nàng Tô Thị nguyên bản (ảnh chụp năm 1990, một năm trước khi tượng bị sụp đổ)



      Tượng nàng Tô thị sau khi được phục chế


      Kỳ 1: Vụ án tày đình

      Tượng nàng Tô Thị ở quần thể di tích – thắng cảnh Tam Thanh, thành phố biên ải Lạng Sơn là một trong những chủ đề cho nhiều ca khúc, bài thơ, cảm xúc sáng tác của người Việt Nam qua bao thế hệ, trong đó có trường ca Hòn Vọng Phu bất hủ.

      Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
      Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh”

      Kẻ tội đồ

      17g chiều ngày cuối tuần 27.7.1991, trong khi mọi người dân sống dưới chân núi đang chuẩn bị bữa cơm chiều thì một cơn mưa tầm tả, một cơn mưa mà ông Đồng Văn Hàm, một cư dân ở ngay phía dưới chân núi Tô Thị, bảo là mưa như “trút hết cả nước từ trời xuống” rồi một tiếng nổ rất lớn chấn động quanh vùng. Và chuyện “động trời” đã xảy ra: nàng Tô Thị đã đổ sụp hoàn toàn!

      Tin lan nhanh khắp cả nước, chính quyền địa phương, công an nhanh chóng vào cuộc, dư luận báo chí lập tức lên tiếng phẫn nộ đòi tìm ra bằng được thủ phạm phá đổ tượng nàng Tô Thị.

      Ba ngày sau, công an đã nhanh chóng tìm ra “thủ phạm”. Đó là ông Đoàn Văn Quyết, một người hành nghề bán quán trước cổng trường Việt Thắng. Công an vào tận nhà đọc lệnh bắt, lúc đó ông Quyết đang nấu cơm chiều, vợ ông đang ốm rất nặng. Đứa con gái đầu lòng mới gần ba tuổi của ông thấy người lạ vào khám xét nhà rất đông nên khóc thét… Ông Quyết khi ấy rất bất ngờ vì lệnh bắt này, nhưng cũng cố bình tĩnh xin các anh công an cho thu xếp đưa vợ đi viện, đưa con đi gởi và sẽ ra trình diện sau.

      Nhưng do cho đây là “vụ án” lớn nên công an đã kiên quyết bắt khẩn cấp và đưa ông Quyết ra công an thị xã Lạng Sơn, lập tức tống ông vào nhà tạm giam. Sau đó người ta còng tay ông dẫn giải về núi Tô Thị cho nhiều phóng viên, nhà báo quay phim, chụp ảnh. Và rất nhanh chóng tên tuổi của “kẻ tội đồ” được tung lên hầu hết các báo, đài trung ương và địa phương với những lời kết tội hùng hồn. Bỗng chốc, ông như là một kẻ “sát nhân” đã “giết chết” nàng Tô Thị khi báo chí đưa tin bằng những cái tít “Đã bắt được kẻ nung vôi nàng Tô Thị”, “Phá đá, nung vôi nàng Tô Thị…”. Dư luận bùng lên cả một làn sóng phẫn nộ đòi kết tội thật nặng kẻ đã cả gan đặt mìn giật cho đổ nàng Tô Thị đưa vào lò nung vôi…

      Nỗi đau người lính

      Bà Phương, vợ ông Quyết khi ấy đã vào nhập viện sau khi nhờ người gởi đứa con gái về tận Bắc Ninh. Sau đó bà Phương trốn viện lên công an thị xã nằm vật ra đòi thả chồng bà khỏi chốn địa ngục giam cầm…

      Dư luận báo chí ngày ấy cực kỳ phẫn nộ, nhưng ít ai biết nhân thân “kẻ tội đồ” Đoàn Văn Quyết là ai? Ông Quyết tên thật là Đoàn Văn Thường, sinh năm 1956 tại Thị Cầu, Bắc Ninh, tình nguyện nhập ngũ tháng 1.1975 và có mặt trong lực lượng bộ binh chiến đấu tiền phương của sư đoàn 320 quân đoàn 3 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, có mặt trong cánh quân tiền phương tiến chiếm bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn ngày 30.4.1975.

      Năm 1977 tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam và tháng 1.1979 tham gia quân tình nguyện Việt Nam trong chiến dịch giải phóng thủ đô Phnôm Pênh của nước bạn Campuchia và bị thương rất nặng trong cuộc chiến này. Tháng 7.1979 đơn vị ông Quyết lại được điều động ra chiến đấu trong cuộc chiến tranh vệ quốc biên giới phía Bắc. Do bị thương rất nặng nên năm 1981, thượng sĩ Đoàn Văn Quyết được phục viên với tấm giấy chứng nhận thương binh nặng, loại 4/4. Năm 1985 lấy vợ là một cô công nhân nhà máy sợi Hà Nội, năm 1989 hai vợ chồng xin nghỉ chế độ, về quê vợ ở phường Tam Thanh, dưới chân núi Tô Thị để mưu sinh…

      Tháng 10.2009, mười tám năm sau “vụ án tày đình”, chúng tôi tìm đến Lạng Sơn, nàng Tô Thị vẫn đứng đó, nhưng là tượng phục dựng ngay sau khi xảy ra “vụ án nung vôi” năm xưa, người nàng giờ trông như một cái xác cắt rời từng mảng chỉ được chắp vá lại một cách vụng về, loang lỗ.



      Tượng nàng Tô thị sau khi được phục chế

      Dưới chân núi Tô Thị có một cái quán bán nước nhỏ do một người đàn ông tóc điểm bạc với vẻ mặt đầy nhẫn nhịn, cam chịu, đứng trông hàng. Khi được hỏi về câu chuyện “vụ án nung vôi nàng Tô Thị” năm xưa, người đàn ông không ngần ngại giới thiệu với chúng tôi: “Vâng, tôi chính là Quyết, kẻ tội đồ của vụ án nàng Tô Thị năm xưa đây…”.

      Ông Quyết kể, sau cái ngày vợ ông trốn viện chạy lên công an thị xã kêu cứu chồng, hai ngày sau ông được đưa ra khỏi phòng giam và công an cho ông làm tạp dịch trong khuôn viên công an thị xã. Có lần một công an viên cho ông biết: “Tội ông rất nặng, có tờ báo còn đề nghị kết án tử hình ông vì tội dám nổ mìn nung vôi một trong những di tích hàng đầu đất nước kìa!”. Thế nhưng trong thực tế thì không hề có cuộc lấy cung nào cho dù ông một mực kêu oan. Sau hơn một tháng bị giam, ông Quyết được trả tự do mà không hề có một tờ giấy tạm tha hay lời buộc tội nào!


      Ông Quyết ngày ngày ngồi dưới chân nàng Tô Thị để tự minh oan cho mình


      Ông Quyết kêu oan khắp nơi, nhưng chẳng ai quan tâm. Sau vụ án oan, ông vất vả lê la đi làm thuê làm mướn khắp nơi. Và như một định mệnh, ông cũng thôi không bán quán hàng ăn cho học sinh ở trước cổng trường Việt Thắng nữa, mà tìm đến ngay nơi nàng Tô Thị sụp đổ dưới chân núi để mở bán hàng nước.

      Mở quán bán nước mưu sinh dưới chân núi Tô Thị, ông Quyết đã nghe không biết bao nhiêu lời lên án, miệt thị, nguyền rủa của những du khách. Có người kể tội ông, có người còn đi xa hơn, chửi quàng cả dân Lạng Sơn. Thậm chí có người thì khẳng định như đinh đóng cột rằng kẻ nung vôi nàng Tô Thị đã bị kết án tử hình, người thì nói bị tù chung thân. Không giận dữ, phẫn nộ, ông chỉ mời những người khách chén trà, rồi ôn tồn bảo: “Cái thằng mà bà con bảo là bị tù chung thân hay tử hình, chính là tôi đây…”. Rồi ông từ tốn giải thích mọi chuyện cho những vị khách phương xa…

      Ông Quyết không phải là kẻ nung vôi nàng Tô Thị, vậy thì ai là người đã làm nên chuyện tày đình kia ?...


      (Theo SGTT)


      ***************

      Kỳ cuối: Câu chuyện của một “thầy địa lý”


      Những ngày này đang là mùa vắng khách vãng cảnh nàng Tô Thị, suốt cả buổi chiều không một bóng người lên núi. Ngồi phe phẩy chiếc quạt mo trong cái quán cóc vắng như chùa Bà Đanh của mình, ông Quyết trầm ngâm: “Tôi ngồi đây như một định mệnh gắn chặt với nàng Tô Thị. Ban đầu tôi cắn răng im lặng. Vụ án này ồn ào cả nước, nên mười người lên thăm nàng Tô Thị thì hết chín người buông lời trách cứ, lên án. Tính cách người lính đã từng vào sinh ra tử như tôi khá nóng nảy, muốn phản ứng mạnh. Nhưng dần dần tôi trở nên trầm tĩnh, cố tìm cách kể câu chuyện oan khuất của mình, và đa phần du khách nghe xong đều chia sẻ với hoàn cảnh của tôi. Nhưng bia miệng có vạn, mà miệng tôi chỉ có một nên có mấy ai hiểu cho mình?”.

      Tự minh oan dưới chân nàng Tô Thị

      Lý do công an bắt ông để trấn an dư luận, có lẽ “chứng cứ” duy nhất có được vì những năm tháng đó không riêng gì ông, gia đình nào cũng đói kém, cứ rảnh việc là ông cũng cùng cư dân lối xóm đi quanh chân núi đục đá mang bán cho các lò nung vôi.

      Ông Quyết kể: “Những năm chiến tranh biên giới xảy ra, tôi đã chứng kiến pháo Trung Quốc từ bên kia biên giới bắn sang núi Tô Thị, nay vẫn còn nhiều vết đạn. Khi ấy tôi đã rất căm giận quân xâm lược vì cố tình bắn phá một di tích tuyệt đẹp của quê hương, không lẽ tôi lại đi làm cái việc phá đá nung vôi nàng Tô Thị?”.

      Ở khối 7, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn, nhiều người dân vẫn còn nhớ vụ án “nàng Tô Thị bị nung vôi” và nỗi oan của ông Quyết. Ông Đồng Văn Hàm, người dân tộc Tày, nguyên cán bộ khu gang thép Thái Nguyên, ngụ tại nhà số 31 ngay dưới chân núi Tô Thị, cho biết: “Thỉnh thoảng đá cũng rơi từ trên núi xuống, có lúc rơi cả tảng lớn sập cả chuồng heo nhà tôi mà. Cả xóm ai cũng bất ngờ khi chú Quyết bị kết tội nổ mìn làm đổ tượng nàng Tô Thị mang đi nung vôi. Bà con ai cũng tin chú ấy vô tội bởi chú ấy là người hiền lành, sống chan hoà với lối xóm và rất có ý thức bảo vệ di tích thắng cảnh nơi này. Đó là một nỗi oan mà chú ấy đã gánh chịu trong 18 năm qua”.

      Ông Quyết có ngờ đâu, trong đoàn người viếng nàng Tô Thị sau khi phục chế, có một người từ Sài Gòn xa xôi năm nào cũng tìm đến và âm thầm minh oan cho ông…


      Thầy địa lý đi tìm thủ phạm

      Ngay sau khi tượng nàng Tô Thị sụp đổ, khi ông Quyết còn nằm trong tù, có một thầy giáo trẻ tìm đến khảo sát nguyên nhân sự cố. Đó là Trương Hoàng Phương, giảng viên khoa địa lý trường đại học sư phạm TP.HCM. Khi ấy anh Phương đang học thạc sĩ chuyên ngành địa lý tại Hà Nội, ý định lên Lạng Sơn ban đầu cũng vì bức xúc qua thông tin của báo chí “người ta đã nổ mìn phá đá nung vôi nàng Tô Thị”.





      Hòn Gà Chọi – vịnh Hạ Long có nguy cơ đổ sụp bất cứ lúc nào do hiện tượng karst gặm nhấm trong tự nhiên như tượng nàng Tô Thị năm xưa

      Ban đầu, cùng với dư luận chung, Trương Hoàng Phương cũng đã viết báo lên án ông Quyết, nhưng qua khảo sát, anh Phương thấy rằng, tượng nằm chơi vơi ngoài mép núi, vết trượt của tượng là một vết cắt 45 độ, không thấy có dấu vết của sự phá hoại. Và từ ngày đó bắt đầu hành trình âm thầm minh oan cho một con người mà ông “thầy địa lý” này còn chưa hề biết mặt.

      Năm 1998, lần đầu tiên ông “thầy địa lý” Trương Hoàng Phương gặp được ông Đoàn Văn Quyết dưới chân núi Tô Thị. Biết được tấm lòng của thầy giáo Phương, ông Quyết rất xúc động. Và cũng kể từ đó, quán nước nhỏ xíu của ông Quyết đã trở thành nơi thầy Phương tổ chức các buổi thuyết trình địa lý cho sinh viên và cả du khách, đặc biệt là nguyên nhân làm sụp đổ bức tượng, và đây cũng là cơ hội để ông Quyết giãi bày nỗi oan của mình.

      Theo thạc sĩ Trương Hoàng Phương, đá vôi tại Lạng Sơn hình thành cách nay từ 245 – 362,5 triệu năm, là một loại đá vôi rất tinh khiết với thành phần CaCO3 thuần nhất. Đá bị hoà tan mạnh do tác dụng của dòng nước tạo ra các dạng của địa hình karst từ đá tai mèo đến giếng, máng, thung, cánh đồng karst và hệ thống hang động theo phương nằm ngang. Khối đá vôi tại Lạng Sơn bị quá trình karst phá huỷ mãnh liệt tạo địa hình cánh đồng karst. Chúng ta dễ dàng thấy được điều này qua hình ảnh các khối đá vôi đơn độc nằm ngay trên lớp đá phi karst (như khối núi Vọng Phu) và hệ thống sông suối khá phát triển tại đây (như sông Kỳ Cùng, suối Ngọc Tuyền trong hang Nhị Thanh).

      Tượng nàng Tô Thị được hình thành do sự hoà tan không đều của các lớp đá vôi. Các lớp đá này có độ nghiêng 450, bao gồm bốn lớp: lớp hông, lớp vai – bụng, lớp cổ và lớp đầu. Lớp hông tựa vào vách núi tạo một lõm chứa nước nhỏ, nguồn nước này di chuyển và mở rộng khe nứt nghiêng đến 450 giữa lớp hông và vách núi. Sự hoà tan để lại một lớp đất đỏ mỏng (terra rosa) vẫn còn thấy rõ trên mặt trượt sau khi biến cố bức tượng tự sụp đổ xảy ra. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến nàng Tô Thị trượt từ sườn núi cao xuống. Còn trận mưa lớn chiều ngày 27.7.1991 chỉ là nguyên nhân trực tiếp.

      Hiện tượng karst chính là nguyên nhân đẩy tượng nàng Tô Thị trượt xuống vách núi, mà theo ghi nhận của thạc sĩ Trương Hoàng Phương đó cũng chính là nguyên nhân xô ngã bức tượng người cha trong hòn Phụ Tử tại Kiên Giang rạng sáng ngày 9.8.2006 xuống biển. Hiện tượng karst đang gặm dần chân của các núi vôi trong nhiều di tích thắng cảnh ở Việt Nam, trong đó có hòn Gà Chọi trên vịnh Hạ Long. Có thể trong một ngày không xa, chỉ sau một cơn mưa chiều, biểu tượng không chính thức của du lịch Việt Nam chỉ còn một chú gà trơ trọi trên vịnh Hạ Long nếu chúng ta không có giải pháp bảo vệ, gia cố, trùng tu một cách khoa học.

      Cám cảnh ông Quyết, thạc sĩ Phương bộc bạch: Ngày xưa tôi cũng bức xúc, cũng viết báo lên án kẻ nổ mìn phá đá, nung vôi nàng Tô Thị, nhưng cuối cùng không phải vậy, tôi rất ân hận và quyết phải làm điều gì đó để minh oan cho ông. Cho đến bây giờ ngay trên mạng internet vẫn còn những thông tin đó, chưa hề có một lời minh oan cho ông Quyết. Báo chí cũng nên tạo ra sự công bằng với con người trước dư luận, cho dù đó chỉ là một phận người nhỏ bé nào đó trên cuộc đời này…”.

      Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 02-03-2011, 07:59 PM.
      ----------------------------

      Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

      Comment

      • #4

        Nàng Tô Thị mới

        Nàng Tô Thị mới

        24/08/2010, 06:17:18 AM



        Núi Tô Thị, di tích lịch sử Quốc gia


        (Vfej.vn)-Cách đây gần 20 năm, vào khoảng 17 giờ ngày 27/7/1991 trời mưa như trút nước và đất trời tối sầm. Sau đó, một tiếng nổ lớn rúng động quanh vùng, mọi người đổ xô ra đường thì thấy tượng nàng Tô Thị trên núi Tô Thị (hay còn gọi là núi Vọng Phu thuộc phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn)-biểu tượng bất hủ của sự thủy chung đã đổ ập xuống. Sau đó, người ta vội vàng xây tượng nàng Tô Thị mới và khép cho một người địa phương đặt mìn phá tượng.

        Người bị khép là “kẻ tội đồ’ nung vôi nàng Tô Thị chính là cựu chiến binh Đoàn Văn Quyết, tên thật là Đoàn Văn Thường, sinh năm 1956 tại Thị Cầu, Bắc Ninh là thương binh nặng, loại 4/4.

        Gần 20 năm trời theo đuổi sự việc và tìm hiểu, thầy “địa lý” Trương Hoàng Phương, hiện là thạc sĩ, giảng viên khoa địa lý của Trường Đại học sư phạm TP.HCM, đồng thời là giám đốc Marketing của Công ty du lịch Vietmark đã tìm ra nguyên nhân tượng nàng Tô Thị bị đổ và minh oan cho ông Quyến .

        Sự thật là tượng nàng Tô Thị được hình thành do sự hoà tan không đều của các lớp đá vôi. Các lớp đá này có độ nghiêng 450, bao gồm bốn lớp: lớp hông, lớp vai – bụng, lớp cổ và lớp đầu. Lớp hông tựa vào vách núi tạo một lõm chứa nước nhỏ, nguồn nước này di chuyển và mở rộng khe nứt nghiêng đến 450 giữa lớp hông và vách núi. Sự hoà tan để lại một lớp đất đỏ mỏng (terra rosa) vẫn còn thấy rõ trên mặt trượt sau khi biến cố bức tượng tự sụp đổ xảy ra.

        Nghi án tượng nàng Tô Thị đổ được giải, “bà” Tô Thị bị sập không phải là do mìn, mà chính do sự bào mòn của các lớp đá vôi đã khiến “bà” bị trượt dài từ sườn núi cao xuống. Còn trận mưa lớn chiều ngày 27/7/1991 chỉ là nguyên nhân trực tiếp gây đổ tượng.

        Sự việc là một bài học lớn trong công tác bảo vệ di tích trước các tác hại của môi trường và cả cho các cơ quan chức hành pháp trong việc đưa người vô tội vào vòng lao lý .


        Chùm ảnh “Nàng Tô Thị mới”của tác giả Nhật Viên, TPHCM chụp ở Lạng Sơn tháng 3/2010 gửi dự thi ảnh “Phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường”:



        Đường lên núi Tô Thị nơi nàng Tô Thị mới là những lớp đá vôi sắc cạnh



        Tượng nàng Tô Thị được dựng mới bằng đá xanh nhìn từ xa...



        Và tượng nàng Tô Thị nhìn gần



        Gần 20 năm qua, ngay từ khi còn là một sinh viên ngành địa lý của trường ĐH Hà Nội cho đến bây giờ là "thầy địa lý" của trường ĐH Sư phạm TPHCM, Th.s Trương Hoàng Phương vẫn không ngừng nghiên cứu về cấu trúc các tầng đá vôi ở núi Tô Thị và ông cũng miệt mài đưa các đoàn khách du lịch đến tận nơi để minh oan cho sụp đổ của nàng Tô Thị là do thiên nhiên gây ra.



        Như một định mệnh, sau khi ra tù người thương binh Đoàn Văn Quyết mở quán nước dưới chân núi Tô Thị để phục vụ cho học sinh và khách thăm núi Tô Thị , cũng như là cách để minh oan cho sự trong sạch của mình.
        VFEJ - VET


        Link
        ----------------------------

        Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

        Comment

        • #5

          Hòn Vọng Phu I II III - Lê Thương

          ----------------------------

          Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

          Comment

          Working...
          Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom