• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Big - Bang Bỏ Túi

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Big - Bang Bỏ Túi

    Big - Bang Bỏ Túi

    Tác giả: Thu Nguyệt


    Trong tản văn Buồn ghiền tôi có viết: "Nếu tính hết những lần vỡ lẽ trong đời, gom lại thì tôi đủ làm một vụ hơn cả big-bang!" Bởi mỗi lần vỡ lẽ là tâm hồn nhà thơ bị chao đảo dữ dội không kém gì đứng trước một vụ nổ vũ trụ - big-bang!

    Thử kể bạn nghe vài vụ gần đây nhất:

    1. Đi xe buýt, thường xuyên thấy cảnh mấy chàng tráng niên ngồi rung chân trên ghế trong khi những người già yếu phải đứng treo tay. Một hôm, ngồi phía sau một em gái ăn mặc có vẻ mô-đen, thấy một bà già bước lên, em vội đứng dậy nhường ghế, rồi phải đứng treo tay ngay sau lưng tài xế. Chuyện cũng thường thôi nếu như bác tài xế - vì chăm chú ngó đường nên không biết hành xử tốt bụng của em - thấy em cứ đứng nhào tới ngã lui bên cạnh, liền cất tiếng hỏi: "Xuống trạm này hả?" Em lắc đầu. Bác tài xế cau có: "Chưa xuống đứng dậy chi?" Thay vì giải thích cho bác tài biết em phải đứng là bởi vừa nhường ghế (ghế em ngồi ngay sau lưng tài xế) cho người già, thì em lại làm thinh. Bác tài xế hơi lớn tuổi, có lẽ do suốt ngày căng thẳng, mệt mỏi nên sinh cáu bẵn, lại tiếp tục cằn nhằn: "Chưa xuống mà đã đứng lên…", "ham nhào tới nhào lui…", " Con gái bây giờ khoái cảm giác mạnh…" Bác cứ lầm bầm, xe đông người cũng không ai để ý, không ai thanh minh hộ em; ngay cả tôi ngồi cạnh, chứng kiến mà cũng im như hến. Đời nay thế, "sống chết mặc bay" là phương châm tự vệ của nhiều người. Mặc cho bác tài nói năng có hơi quá đáng, em vẫn lặng lẽ nhịn im. Nếu ở trường hợp em, ắt tôi sẽ ngay lập tức thanh minh để bác đừng mắng oan tôi nữa. Tôi ngồi nhìn em với ánh mắt ngưỡng mộ về chữ Nhẫn. Rồi tôi tự mắng, xỉ vả bản thân mình, bởi hay tự cho là mình có biết "tu" chút đỉnh nhưng ngẫm ra thì còn lâu mới đạt được sự nhẫn nhịn như em. Ôi, chuyện Quan Âm Thị Kính là chuyện trên sách vở, còn nay đang có một Quan Âm trẻ măng bằng xương bằng thịt đứng ngay trước mặt đó thôi. Tôi cứ thầm thán phục em và tự nhiếc mình mãi… Cho đến lúc dịp may bất ngờ đã xảy ra: Em xuống cùng trạm với tôi. Không nén được lòng ngưỡng mộ, tôi mỉm cười hỏi nhỏ khi cùng đi một đoạn bên em: "Sao em nhịn giỏi quá…?" Và thật bất ngờ em hất mặt: "Chấp gì cái thằng đui đó! Trả lời làm chi cho mỏi miệng!"

    Tôi đứng sững và em thản nhiên đi…!

    2. Một đồng nghiệp thơ bị báo chí "đánh". Đọc những bài viết có hơi quá đáng, nói chuyện ngoài văn chương, xúc phạm đến cá nhân người ấy, tôi buồn! Bùi ngùi cảm thương đồng nghiệp, lòng thầm nghĩ chắc bạn ấy đang rất thảm thương! Thế là bỏ công lùng sục số điện thoại, gọi đến chia sẻ nỗi đau cùng bạn. Chuẩn bị bao lời khuyên nhủ, cảm thông tha thiết nhất, mong rằng có thể an ủi, giúp bạn vơi buồn. "Alô…. " Và tiếng bạn cười rất vui như quanh bạn cuộc đời đang hực hỡ, lời ong tiếng ve chẳng sá gì. Mới đầu còn cứ tưởng chắc bạn cười nói thế thôi chớ ắt là dạ đau ghê lắm! Cứ gặng hỏi mãi rồi mới thiệt bụng an lòng biết là bạn không sao. Ngạc nhiên rồi cảm phục bạn. Lại thấy mình thiệt tệ! Có cái tâm, ráng "tu" hoài mà sao nó cứ chạy nhảy lăng xăng, hở chút là buồn, hở chút là buồn. Bạn giỏi quá, bản lĩnh quá! Có như thế mới làm nên sự nghiệp, mới đứng vững, trụ yên được chớ, ai như mình, động chút là nghiêng ngả, lao chao… Bởi vậy, mòn dép đất Sài Gòn mà vẫn cái đầu tỉnh lẻ vẫn lơ ngơ; nhận biết bao lời chúc "chân cứng đá mềm" mà hình như chỉ có cái chân... chất dại khờ là cứng nhất.

    Thấy tôi ngồi thừ người tự ti tủi phận, đang thầm tự nhiếc mình sao thiếu bản lĩnh, ẻo lã so với đồng nghiệp vững vàng như đá như kiềng ba chân; một chị bạn (cũng đồng hương tỉnh lẻ) – là phóng viên ban Văn nghệ, lăn lộn nhiều năm trong giới nghệ sĩ – quay qua hỏi: "Làm gì như bị ai quýnh vậy?" Tức tưởi kể chị nghe về sự yếu kém của mình, than thở không biết bao giờ mới có được sự vững vàng như bạn, chẳng sợ gì dư luận, chẳng thèm buồn trước những lời xúc phạm cá nhân.v.v… Chị bạn cười mỉm mỉm, nói tỉnh queo: "Thôi đi cô! Người ta còn ham bị đánh để nổi tiếng! Cô lại đi lo chuyện bao đồng!"

    ???

    Lắc đầu, quyết không vỡ lẽ. Bởi vỡ cái lẽ nào ra thì ta cũng chết! Vì nếu thái độ của người bạn thơ kia là tốt thật thì chị bạn đồng hương này nghĩ oan cho người khác là xấu? Còn nếu chị bạn phóng viên nói đúng thì không lẽ đồng nghiệp thơ kia tệ đến thế sao?

    Thôi, đừng vỡ lẽ.

    3. Nghe chuyện một nhà văn "biển thủ" mấy chai bia trong cuộc họp, ra về đánh nhau làm mấy chai bia rơi ra, mọi người phát hiện, đồn ầm ĩ. Thấy kỳ quá, ray rứt thổ lộ tâm sự với một nhà văn già: "Ông ấy làm chi vậy hổng biết! Mất thể diện nhà văn". Nhà văn già bình tĩnh bao dung nói: "Nó lấy vài chai bia dư, có gì đâu mà mọi người lu loa quá!" Chợt thấy hối hận ngập tràn. Sao lòng mình hạn hẹp. Nghĩ lại, nếu không có sự việc nọ xảy ra, ông ấy mang mấy chai bia về mời bạn uống, có khi còn đùa tếu với nhau: "Cái này tớ chôm ở hội nghị đấy!" Mọi người cười vui, thấy uống bia chôm ngon hơn bia chi. Vậy rồi thôi, quên hết. Có gì đâu. Quả là "vạn sự từ tâm khởi", ta thấy quan trọng thì nó trầm trọng, ta thấy bình thường thì nó nhẹ tưng.

    Chợt nhớ gần mười năm trước có lần ra Bắc, cùng leo lên đỉnh Yên Tử với các bạn văn ở miền Nam . Xuống núi, ra về, khi đã ngồi yên trên xe, ngập ngụa trong khói bụi đường trần mà mơ màng nhớ đến khói mây Yên Tử… thì một anh bạn văn chồm từ băng ghế sau lên nói nhỏ vào tai: "Nè Nguyệt! Tao mà cho mày cái này là mày sẽ mừng lắm cho coi!" "Cái gì?"– tôi lơ lễnh hỏi. Anh chìa ra một cái chung trà nhỏ xíu, bị mẻ một tí, nói ngon ơ: "Tao vừa ăn cắp nó ở trên chùa Đồng" "Á… trời! Anh cho tui thiệt nghen!" Tôi reo lên và vội chộp ngay, chẳng băn khoăn cái từ "ăn cắp", bởi món quà thiệt quí (dẫu chỉ là cái chung trà bằng sứ giả cổ, dành cho khách thập phương uống trà nghỉ mệt khi leo lên đến đỉnh Yên Tử mà thôi) Tôi yêu Yên Tử vì đó là vùng đất thiêng, nơi Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông ẩn cư tu tập, khởi nguồn thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Có được một kỷ vật nơi ấy thiệt là quí biết bao! Anh bạn nói: "Tao thấy mày cứ loay hoay lượm ba cục đá, ngắt mấy cái bông, đem về lưu giữ, tao biết mày ham lắm mà hổng có gan, thôi tao chịu tội thay cho. Đem về mà tưng tiu đi nhỏ!". Tôi đem cái chung trà ấy về cất kỹ và giữ gìn cẩn thận cho tới bây giờ. Có nhiều lúc nhìn thấy cái chung, tôi ngẫm nghĩ: Mình cũng ham mà không dám lấy, sợ mang tội; người khác lấy sẵn, cho, mình hí hửng nhận liền, bởi tội đã trút lên người khác. Ngẫm kỹ ra, tội này còn lớn dữ! Vừa lớn tội vừa thật là hèn!

    Lẽ đời đa sự biết bao. Ta có vỡ ra hay không thì lẽ vẫn còn y đó. Hãy cất nó vào trong túi, và liệu sức mình mà vỡ từ từ, chớ có "big-bang" dồn dập, kẻo bị (tổn) thương thì e khó mà lành lại – dẫu đời vốn đã là muôn mảnh.

    (Theo Thu Nguyệt Personal Site)

    Similar Threads
Working...
X
Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom