• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

UỐNG TRÀ

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • UỐNG TRÀ

    UỐNG TRÀ


    Đối với người Việt Nam, thú uống trà gần như là một tập tục do người xưa được sống trong cảnh một nền văn hóa hài hòa đã lưu lại. Trong những ngày nhàn rỗi không có gì Link" align="left" border="0" alt="" style="padding:7px;" />thú vị hơn đối với một người Việt Nam thanh lịch là được cùng một tri kỷ vừa hàn huyên vừa uống trà.

    Huyền Thoại Về Trà:

    Huyền sử Trung Hoa có kể chuyện vua Thần Nông thời Thượng cổ, một hôm ngồi hóng mát ở hiên cung, bỗng có gió thổi rơi vào tách nước nóng ông đang uống một số lá cây. Vua thấy nước có mùi thơm hợp khẩu vị nên truyền lịnh cho dân trồng nhiều cây này để chế nước uống gọi là trà.
    Thư liệu Trung Hoa cũng có kể chuyện về trà trảm mã. Số là vua Tần Thủy Hoàng kéo quân đánh với quân một nước láng giềng. Nhưng quân đối phương do tướng Sát Cáp Nhĩ có một con tuấn mã cực kỳ dũng mãnh gây nhiều tổn thất cho quân Tần. Vua Tần Thủy Hoàng sai Lâm Phi, một ái phi sũng ái của ông, cải trang làm cô gái bán cỏ ngựa cho ngựa Sát Cáp Nhĩ ăn, đồng thời làm mỹ nhân kế làm Sát Cáp Nhĩ mê mệt. Lâm Phi bày chuyện uống trà trảm mã. Chiều ý người đẹp, từ lúc sáng tinh mơ Sát Cáp Nhĩ cho tuấn mã lên núi cao Ma Vương Các, ăn đọt trà non còn ướt đậm hơi sương rồi cho ngựa phi về lúc mặt trời vừa lên. Đợi cho trà thấm vào bao tử ngựa rồi giết ngựa, moi trà ra ướp mật sấy khô làm trà uống vào sẽ sống lâu. Vì Sát Cáp Nhĩ muốn có trà ngon phục vụ người đẹp mà ngựa của Sát Cáp Nhĩ phải chết. Thiếu tuấn mã dũng mãnh, Sát Cáp nhĩ đành bỏ mạng ở sa trường.

    Huyền thoại Ấn Độ có nói về nguồn gốc của cây trà. Truyền rằng: Thánh Bo Rát Ma vào thời gian cuối đời, quyết tâm không ngủ để thiền và tu luyện khổ hạnh. Nhưng ông lại cứ hay buồn ngủ, đã thế khi ngủ lại nằm mơ thấy được nhiều cô gái trẻ đẹp quấn quýt nuông chiều... Tỉnh giấc, thánh Bo Rát Ma giận mình không được tự chủ, bèn cầm kéo cắt hai mí mắt vất xuống đất. Hôm sau tại đó mọc lên hai cây có tàng lá xum xuê. Ngắt lá hãm trong nước sôi thì có được một chất nước uống làm hết buồn ngủ và tâm hồn thêm phần tỉnh táo. Người Ấn Độ xem đó là nguồn gốc cây trà.
    Nhật Bản cũng có truyện tích về việc uống trà. Vào thế kỷ 13, một danh tướng Nhật bị lâm bệnh nặng về tiêu hóa. Nhiều thầy thuốc được mời đến chữa, nhưng bệnh vẫn không lành. May được một thiền sư đến xem mạch, kê toa và khuyên nên đặc biệt uống trà. Sau vài lần uống những tách trà đậm đặc, Minamoto Sanetomo được bình phục. Từ đó dân Nhật có tập tục uống trà.

    Câu hỏi người đời thường đặt ra là để biết người Việt Nam biết uống trà từ thời nào? Thật khó mà trả lời chính xác. Nhưng ngày nay, ít nhất ngành khảo cổ cũng giúp cho người đời nay biết rằng trong các cuộc khám quật tại di chỉ Nông Giang tại Thanh Hóa, trong nhiều đồ tuẫn táng có tìm thấy được nhiều chén trà, dĩa trà có thời gian tính ngang với các đời Tống, Minh bên Trung Hoa. Như thế chứng tỏ người Việt Nam thời xưa đã biết uống trà khá lâu trước thời Tống.

    Sách An Nam Chí Lược từng ghi rằng: “Vào tháng Năm, năm thứ Tám niên hiệu Khai Bảo Đinh Liên có tiến cống vua nhà Tống trà thơm”.

    Tất nhiên trà tiến công phải là trà khô. Việc này chứng tỏ rằng từ thời xa xưa trước đó, người Việt Nam đạt được kỹ thuật cao trong việc chế biến sao cho trà có hương thơm (chậm nhất cũng khoảng thời Tống). Tất cả những sự kiện này chứng tỏ rằng tập tục uống trà của người Việt Nam không hề bắt nguồn từ văn hóa Hán.

    Người Việt Nam khắp nước đều uống trà tuy rằng với nhiều phương cách khác nhau. Tuy vậy cách nào cũng đều đem lại cho người uống những khoái vị đặc thù của nó.

    “Khách đến nhà không trà thì bánh”. Bình trà nóng dùng đãi khách không thể thiếu trong mọi việc tiếp tân hay lễ hội. Tách trà nóng tỏa hương thơm ngát đều được mọi người ưa thích. Nhất là biết trà có tác dụng thông lợi ngũ tạng, giải nhiệt hạ đàm, tăng lưu thông máu, giảm nguy cơ hoặc ngừa trị được một số bệnh và kéo dài được tuổi thọ. Lợi ích mà trà đem lại cho con người thật quá nhiều. Vì vậy nếu:

    Bình minh sở trảm trà,
    Mỗi nhật cứ như thế,
    Lương y bất đáo gia.
    dịch:
    Sáng sớm vài chén trà,
    Ngày nào cũng như thế,

    Thầy thuốc không bao giờ tới nhà.

    Trà qua Thi ca:

    Ngày xưa trà Mạn Hảo được phổ biến nhiều ở Bắc Phần Việt Nam. Trà có mùi vị rất hấp dẫn nên ai cũng thích uống:

    Làm trai biết đánh tổ tôm,
    Uống trà Mạn Hảo, xem nôm Thúy Kiều.

    Nhưng theo thời gian, Huế là kinh đô của cả nước, đã trở thành trung tâm văn hóa, qui tụ nhiều tao nhân mặc khách. Lề lối pha trà, uống trà trở nên một nghệ thuật với nhiều sắc thái cầu kỳ, nên câu thơ trên đã biến đổi:

    Làm trai biết đánh tổ tôm,
    Uống trà kiểu Huế, ngâm nôm Thúy Kiều.

    Vì uống trà kiểu Huế đã trở thành một thú thưởng thức mà trong đó mỗi chi tiết như lối pha trà, bộ đồ trà, cách uống trà, nơi uống trà đều là những yếu tố nghệ thuật, tạo được thú vui tuy thanh đạm nhưng cầu kỳ.
    Nếu trong dân gian các nơi đã thích ứng trà thơm với chén sành:

    Nước trong còn ở nguồn sành,
    Trà thơm có đợi chén sành hay không?

    Thì khi nhìn bộ đồ trà của giới tao nhân mặc khách ở Huế, là có thể có ngay một nhận thức về hình ảnh cao quý thanh lịch của dân tộc.
    Bộ đồ trà gồm những chiếc khay hình chữ nhật chân quì bằng ngà trơn hay trạm trổ hay trạm đồi mồi hay nạm bạc. Chén gồm những chén quân hay chén Tống thanh nhã. Ấm trà thì phải loại Thế Đức, loại Lưu Bội hay Mạnh Thần.

    Nổi tiếng nhất và được quý trọng nhất là các bộ trà Giáp Tý và Mai Hạc. Trên mặt dĩa trà Giáp Tý có hai câu thơ:

    Thủy sắc du xuân noãn
    Kiên tâm nại tuệ hàn
    (Sắc biếc mơ xuân ấm,
    Lòng kiên chịu tuệ hàn)

    Bộ trà Mai Hạc được nổi tiếng với lời thơ:

    Nghêu ngao vui thú yên hà,
    Mai là bạn cũ, Hạc là người quen.

    Tập tục uống trà đã gắn liền sâu đậm với mọi giới người Việt Nam như thế, nên nếu có nhiều thi nhân, danh nhân có tán tụng trà nhiều cũng là lẽ thường.

    Viên Chiễu thiền sư đời Lý Nhân Tông, tiễn chân bạn, đã có lời thơ:

    Tặng quân thiên lý viễn,
    Tiên bả nhất bình trà.
    dịch:
    Tiễn chân ai bước đường xa,
    Miệng cười đưa một bình rà tặng nhau.

    Vào thời nhà Trần, trong các tập Phục Hưng Viễn của Thượng tướng Trần Quang Khải, Tang Sĩ Đồ Tư của Huyền Quang, Xuân Đài của Chu Văn An hoặc Cửu Nguyệt Tam Thập Dạ Hiên của Trần Nguyên Đán đều tràn đầy lời tán tụng thú uống trà.

    Thi hào Nguyễn Du trong Kim Vân Kiều, khi diễn tả sự nhớ nhung người yêu, đã mượn hình tượng hương trà để thổ lộ:

    Hương gây mùi nhớ, trà khang giọng tình.

    Hoặc:

    Khi hương sớm, lúc trà trưa,
    Bàn lan diễm nước, đường tơ họa đàn.

    Thi sĩ Trần Tế Xương thì dí dỏm thú nhận mấy đam mê của mình:

    Một trà, một rựu, một đàn bà,
    Ba cái lăng nhăng nó quấy ta.

    Vào thời Lê, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng có lời ca ngợi thú uống trà. Nguyễn Trãi cũng từng mơ ước:

    Bao giờ mây quyện mái tranh,
    Trà pha nước suối, đá xanh gối nằm.

    Nói tóm lại đối với người Việt nam ngày trước, trà không chỉ là một lối thức uống từ ngàn xưa lưu lại mà còn là một món thuốc bổ tuyệt vời cho sức khỏe con người. Trà là bạn tri âm của những tâm hồn thanh cao. Việc người Việt Nam ngày trước có tập tục uống trà đã phản ảnh cá tính đặc thù của một dân tộc ưa chuộng những tác phong thanh nhã nhưng lịch sự, dịu dàng mà vẫn trang trọng.

    Rấc tiếc ngày nay ở các thành phố ở Việt Nam cũng như trong các gia đình Việt Nam ở hải ngoại, trà không còn được phổ biến nhiều như xưa. Đi tới nhà ai, đồ uống được mời thường chỉ còn là một ly nước ngọt hay một tách cà phê mà y khoa ngày nay chưa tìm được một lợi ích dầu nhỏ cho sức khỏe con người. Những người lớn tuổi lần lượt vắng bóng, không hiểu còn lại bao nhiêu người trung thành chung thủy với trà trong giới trẻ tương lai !

    Phan Hưng Nhơn
    Sống trên đời

    Similar Threads
  • #2

    Người xưa uống trà là để thuởng thức, để tìm thú vui tao nhã trong hương trà, trong tâm thức và trong cảnh thiên nhiên. Trà có thể nhâm nhi một mình hoặc uống cùng tri kỷ. Như vậy có thể thấy trà phù hợp với lối sống thanh nhàn, sống "chậm", còn như cuộc sống gấp gáp bây giờ dường như không cho con người ta không gian và thời gian thích hợp để nhâm nhi bên tách trà.

    Nhưng nói như vậy không có nghĩa là không còn ai giữ thói quen uống trà trong nhịp sống hiện đại ngày nay. Có lẽ cũng đã hơn 3 năm gần đây Hiền là người uống trà thay nước. Đến độ nhiều lần thấy Hiền pha trà, bố lại nói: "mày sao mà giống bà già quá". Vì nhiều người vẫn cho rằng chỉ có người lớn tuổi mới có thú vui uống trà, bởi uống trà là uống để thuởng thức, để chiêm nghiệm mà. Nhưng dĩ nhiên là "trình độ" uống trà của Hiền chưa đạt đến cảnh giới đó mà Hiền uống trà vì lý do khác, thực tiễn hơn.

    Khí hậu miền Nam VN thường là nóng quanh năm nên người miền Nam có thói quen uống nước đá. Nhà Hiền cũng vậy. Nên lúc trước Hiền rất hay bị đau cổ họng, sau này để ý mới biết là do khi ăn thức ăn chiên, xào lại uống nước lạnh và nằm quạt máy nên cổ họng dễ bị đau. Hơn nữa sống trong khí hậu nhiệt đới nên người dân vùng này dễ bị nóng trong người. Cho nên uống nước lạnh (nước đá) rất không tốt cho sức khoẻ do đó Hiền chuyển sang uống nước trà. Vì là uống thay nước nên phải uống nhiều, không thể thưởng thức trà trong cái chung (tách) be bé được mà phải dùng ly, ca mới đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể.

    Ban đầu theo lời khuyên của một số người bạn Hiền uống trà Atiso cho mát. Lúc đầu chưa quen thấy mùi Atiso cũng chẳng có gì đặc biệt nhưng uống riết rồi cảm ra được cái vị ngon của nó. Gần đây báo chí hay đăng những bài viết về tác dụng của trà xanh nên mẹ Hiền cũng mua lá trà về nấu nước sôi bỏ vô uống. Ở công ty Hiền cũng có những gói trà xanh để sẵn cho mọi người dùng. Vậy là Hiền có cơ hội để thưởng thức thêm hương vị của trà xanh nhưng vẫn không thể nào quên trà Atiso. Bây giờ trong một ngày Hiền uống hai thứ: trà xanh và trà Atiso thay nước. Uống vậy quen rồi nên nhiều khi uống nước lọc, nước tinh khiết hay nước sôi để nguội thấy nhạt nhẽo, thiếu mùi vị. Mà uống trà phải uống nóng mới ngon, vừa uống vừa hít hà... nhắc tới lại thấy khát rồi...thôi Hiền phải đi rót một ly trà nóng mới được...
    Đã chỉnh sửa bởi nhé; 27-12-2008, 01:27 AM.
    Tôi yêu tiếng nước tôi

    Audio Truyện Kiều

    Comment

    • #3

      Trước thềm điện Diên Thọ bàn chuyện thưởng trà xưa nay

      Đất Việt là cái nôi sinh trưởng của cây trà và người Việt biết dùng trà làm thức uống thông thường, lễ phẩm cúng tế, dâng tặng, ban thưởng từ hàng ngàn năm nay.

      Vào thời Đường (619 - 907), các vị cao tăng ở Giao Châu như Định - Không trưởng lão, Duy - Giám pháp sư… thường được thỉnh sang Kinh đô Trường An (Trung Quốc) thuyết giảng kinh Phật. Giới văn, thi nhân Trung Quốc rất kính trọng, hâm mộ và có giao tình thân thiết với các nhà sư Việt. Thơ từ xướng họa của họ còn lưu lại trong sử sách (xem Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn - Toàn Đường Thi).

      Qua việc giao lưu, truyền bá đạo Phật có thể “Trà thang lễ” theo Bách Trượng thanh quy và “Trà Kinh” của Lục Vũ đã được giới tăng sĩ phổ biến trong chùa chiền ở Giao Châu. Dần dần việc uống trà nâng lên thành sinh hoạt văn hóa, thú vui tao nhã di dưỡng tinh thần, tu tâm dưỡng tính. Tiến sĩ Trương Tịch làm thơ tặng Nhật tăng có câu:

      “Thứu thạch tân khai tỉnh,
      Xuyên lâm tự chủng trà”.
      Nghĩa:
      Lật đá khơi giếng mới,
      Mở rừng tự trồng chè.
      Bước vào giai đoạn độc lập, tự chủ đầu tiên, Vua Đinh (970 - 979) dùng trà thơm đặc sản của nước Việt dâng cống Vua Tống (Theo sách An Nam chí lược của Lê Tắc). Sang thời Lý (1010 - 1225), Thiền sư Viên Chiếu dùng trà tiễn bạn đi xa:

      “Tặng quân thiên lý viễn,
      Tiếu ngã nhất trà bình”.
      Nghĩa:
      Tặng ông lúc đi xa ngàn dặm
      Cười tôi chỉ một bình trà

      Ngày xưa chùa chiền thường tọa lạc ở chốn núi đồi thanh vắng nên trồng trà còn là nguồn lợi phục vụ đời sống:

      “Sơn tăng hoạt kế trà tam mẫu,
      Ngư phủ sinh nhai trúc nhất cần”.

      Nghĩa:
      Thầy tu ở núi trồng ba mẫu trà làm kế sinh hoạt,
      Ông chài dùng một cần câu lo việc mưu sinh

      Triều Lê, Nguyễn Trãi (1380 - 1442) viết sách: “An nam vũ cống” (Dư địa chí) ghi nhận tại châu Sa - Bôi (Quảng Trị) sản xuất loại trà lưỡi sẻ (tước thiệt) rất thơm ngon. Suốt đời ông luôn luôn mơ ước có ngày:

      “Hà thời kết ốc vân phong hạ
      Cấp giản phanh trà chẩm thạch miên”
      Dịch thơ:

      Bao giờ dưới núi làm nhà,
      Nước khe gối đá pha trà ngủ say
      (Vũ Thế Ngọc)

      Dương Văn An (1514 - 1591) triều Mạc Quang Bảo nhuận sắc tác phẩm “Ô Châu cận lục” viết: trà ở huyện Kim trà (nay là Hương Trà - Thừa Thiên Huế) tên gọi lưỡi sẻ (tước thiệt) trồng tại vùng đồi núi An Cựu giải khát, trừ phiền, chữa thũng, đứng đầu trăm loại thảo, dược tính linh diệu”.

      Danh sĩ Phạm Đình Hổ (1768 - 1839) mô tả việc uống trà ở Bắc Hà như sau: “Ta sinh trưởng đương lúc thịnh thời Cảnh - Hưng. Các nhà quý tộc, công hầu, con em nhà quý thích đều đua chuộng xa xỉ. Có khi mua một bộ ấm chén phí tổn đến vài mươi lượng bạc… Thậm chí có kẻ đặt tiền sẵn mua cho được hiệu trà Chính Sơn, gởi tàu buôn đặt cho được ấm chén kiểu mới lạ… Lò, siêu, ấm chén lại chế ra nhiều kiểu thích dụng… Vì uống chè ấm chén cốt cho nhỏ, mỏng, khi pha mới nổi hương vị. Vòi ấm thẳng thì nước không đọng, mặt dĩa phẳng thì đặt chén không nghiêng. Đế lò dầy mà lỗ thưa thì than lửa không bốc nóng quá. Lòng ấm siêu lồi lên và mỏng thì sức lửa dễ thấu, chóng sôi… Gần đây lại có chế tạo ra thứ siêu đồng, không bằng dùng siêu đất nung pha chè tốt hơn.” (Vũ Trung tùy bút).

      Nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 - 1784) năm 1775 vào tiếp quản Phú Xuân (Huế) tả cảnh uống trà thời chúa Nguyễn: “Binh lính cũng đều ngồi chiếu mây, có gối dựa. Bên cạnh đặt lư đồng, pha chè Tàu ngon để uống, dùng chén sứ bịt bạc, ống nhổ bằng thau.” (Phủ Biên tạp lục).

      Cao Bá Quát (1809 - 1854) bày tỏ quan niệm thưởng trà của mình qua bài: “Vị minh tiểu kệ”.

      Chọn bạn chọn bề ngoài,
      Không thấy điều hẳn hoi.
      Uống trà có ướp hoa,
      Biến mất hương trà rồi.
      Sáng sớm múc nước giếng,
      Lửa nhỏ nắm than rời
      Không khói cũng không bụi
      Rửa tay khề khà ngồi
      Nếm mùi cốt thực chất
      Không cần thêm vị ngoài
      Chớ vì chút của hiếm
      Lừa dối mũi ta hoài
      Người đẹp không ở áo
      Thơ hay thường ít lời
      Kệ này hãy ghi nhớ
      Chứng quả việc trên đời
      (Vũ Thế Ngọc dịch)

      Thời cận đại nhà văn Nguyễn Tuân (1910 - 1987) viết truyện: “Chén trà trong sương sớm”, tả việc thưởng trà: “La liệt trên chiếu cói cạp điều, Cụ ấm đã bày lên đấy khay trà, ống nhổ, ấm đồng và hỏa lò đất. Cái điếu bát vẽ mai hạc kêu vang lên một hồi rất giòn, rất đều… Cụ khẽ nâng vuông vải tây điều phủ trên khay trà gỗ trắc có chân quỳ. Nhẹ nhàng khoan thai, Cụ ấm nhắc cả dĩa dầm, chén tống, chén quân ra khỏi lòng khay. Đến lúc rờ tới cái ấm con chuyên trà thì cụ kềnh càng hơn. Cụ ngắm nghía mãi chiếc ấm màu đỏ da chu bóng không chút gợn. Dáng ấm làm theo hình quả sung… Trên chiếc hỏa lò để không, cụ đặt thêm một ấm cò bay khác…”.

      Qua các cứ liệu chính xác nêu trên chúng ta thấy rằng từ xưa đến nay, tại Việt Nam chưa từng nâng việc uống trà thành “trà đạo” như ở Nhật Bản, cũng khác với cách thưởng trà của người Trung Quốc từ triều Thanh về sau.

      Người Việt xem trà là thú tao nhã như cầm, kỳ, thi, họa để di dưỡng tinh thần. Thời Lý, Trần dùng trà tươi hay bánh trà khô nấu trong nồi lớn rồi chế vào bát để uống. Từ triều Lê, Nguyễn về sau loại trà này chỉ dành cho giới bình dân, riêng vua chúa, tầng lớp quyền quý ưa thích dùng trà rời hong sấy khô nhập từ Trung Quốc sang (gọi là trà Tàu) như Chính Sơn, Long Tĩnh, Bảo Vân... Hoặc trà mạn ướp sen, Tuyết Sơn của miền Bắc Việt :

      “Làm trai biết đánh tổ tôm,
      Uống trà mạn hảo, ngâm nôm Thúy Kiều”.
      Trà cụ truyền thống Việt Nam gồm:

      Ấm chén:
      - Ấm chuyên trà: dùng loại ấm sứ hoặc ấm đất Nghi Hưng được người xưa xếp hạng: thứ nhất Thế Đức gan gà, thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần. Tùy ít hay nhiều người uống mà chọn ấm độc ẩm (một người uống), song ẩm (hai người), quần ẩm (ba hay bốn người).
      - Bộ chén trà: chế tạo tại Cảnh Đức trấn gồm chén tống đặt trong dĩa dầm, ba hay bốn chén quân để trong dĩa bàn.
      Từ thế kỷ 17 - 19 tầng lớp quyền quý, giàu sang nước ta thường gửi kiểu cách qua các lò sứ danh tiếng ở Cảnh Đức Trấn đặt làm riêng đồ dùng trong đó có đồ trà. Người sành điệu cầu kỳ phải sắm đủ bốn kiểu ấm chén thưởng trà theo bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, với đề tài trang trí, thơ văn do tự mình sáng tác hay chọn lựa cho phù hợp. Ngoài ra nhà buôn Trung Quốc cũng tìm hiểu thị hiếu của người Việt từng miền Bắc, Trung, rồi chế tạo ấm, chén bình thường mang qua bán. Pha trà kỵ nhất là dùng ấm, chén bằng kim loại. Tốt nhất là dùng ấm chuyên bằng đất và chén bằng sứ.

      Khay, kỷ trà:
      - Khay trà: hình chữ nhật hay hình vuông làm bằng gỗ quý chạm khắc hoa văn, cẩn xà cừ. Loại đặc biệt làm bằng tre già, đồi mồi, ngà voi. Kiểu cách khác nhau, loại chân quỳ dạ cá hoặc chân thấp thành lựu, bàn toán tùy theo sở thích.
      - Kỷ trà: là cái bàn nhỏ, chân cao, kiểu cách thanh nhã để bày khay, ấm, chén. Người thưởng trà ngồi ghế tựa quanh bàn. Nếu kỷ trà chân thấp thì đặt trên sập hoặc ván ngựa để bày đồ thưởng trà .

      Hỏa lò, siêu đun nước:
      - Có nhiều kiểu dáng làm bằng đồng hoặc bằng đất trong nước hay nhập từ Trung Quốc về. Kiểu siêu có tay cầm thường gọi là ấm cò bay.

      Nước pha trà:
      - Tốt nhất là dùng nước suối, nước sông thượng nguồn, xa cách vùng dân cư đông đúc, mộ địa. Kế đến là nước giếng đá ở đồi, núi cao. Tại Huế, ngày xưa thường dùng nước sông Hương khoảng trước đền Ngọc Trản (Hòn Chén), nước giếng Thanh Phương (Chùa Giác Hoàng), giếng Hàm Long (Chùa Báo Quốc), giếng Cam Lộ (dưới núi Túy Vân).
      Pha trà phải đun nước sôi già đúng 100ºC. Để nguội bớt còn từ 90º đến 95ºC, pha các loại trà hồng như Thiết Quan âm, Thiết La - Hán, Ô Long… (Trung Quốc) hoặc trà mạn ướp sen (Việt ). Pha các loại trà xanh như Long tỉnh, Sư phong, Thiên vụ… (Trung Quốc) hay trà Thái Nguyên, Bảo Lộc nước nóng từ 85º đến 90ºC. Một ấm trà chỉ nên chế từ 2 đến 3 lần. Không nên dùng trà ngâm trong ấm lâu đã nguội lạnh.

      Người Việt thưởng trà vào buổi sớm mai hay lúc đêm thanh canh vắng, một mình đối bóng suy nghiệm thế thái nhân tình. Có khi cùng với bạn tâm giao, tri âm, tri kỷ bàn chuyện văn chương kim cổ, suy thịnh việc đời. Nhìn bộ đồ trà ký kiểu là đoán biết được giai tầng xã hội, tâm ý, trình độ của chủ nhân. Chọn bộ đồ trà làm tặng phẩm, là gửi gắm tình cảm lời cầu chúc tốt lành thích hợp đến người nhận. Biết bao biểu tượng, điển tích, lịch sử, thi họa dùng làm đề tài trang trí cho đồ trà trải qua các thời đại…
      Cảm hứng trào dâng, tôi muốn nói thêm về kỷ thuật pha chế trà, lợi ích của trà đối với sức khỏe… nhưng hoàng hôn vội buông xuống, Cung Diên Thọ rạng rỡ ánh đèn lồng. Ngồi nhìn những tà áo lụa hồng, tím, vàng mơ… thướt tha, uyển chuyển tay nâng chén trà mạn ngát hương sen thấm giọng mà tâm trí tôi mường tượng cảnh sắc nước, hương trời chốn cung cấm ngày xưa.

      Lòng thầm ước ao các “Trà gia” hai bên tả, hữu chính điện Diên Thọ (Nơi các đại thần, mệnh phụ ngồi thưởng trà khi vào chầu thỉnh an Hoàng Thái hậu) sẽ được tôn tạo như xưa, để giới thiệu với du khách trong và ngoài nước kiểu cách thưởng trà tao nhã của người cố đô qua bốn mùa xuân, hạ, thu, đông bằng các loại danh trà nước Việt.
      Trần Đình Sơn (Tạp chí Sông Hương
      Đã chỉnh sửa bởi GRANDET; 04-07-2009, 08:26 AM.
      Bạn Gần Không Tới........Bạn XA Chưa Về.......

      Comment

      Working...
      X
      Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom