• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Dư âm của chiến tranh

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Dư âm của chiến tranh

    Dư âm của chiến tranh



    Tôi nhớ rất rõ . Đấy là một buổi sáng chủ nhật cả nhà tôi đang chuẩn bị đi chơi thì có điện thoại. Vợ tôi nhấc máy rồi quay sang tôi:
    - Điện thoại của anh.
    Tôi cầm máy. Tiếng cô bác sĩ trực vang lên trong ống nghe
    - Chủ nhiệm! Anh đến ngay bệnh viện có một ca mổ rất nguy cấp.
    Tôi gác máy, thở dài và nhìn vợ. Vợ tôi cười.
    - Lại có ca cấp cứu hả anh? — Tôi gật đầu lúng túng không biết nói gì với vợ thì vợ tôi đã bảo — Không sao đâu. Anh đi đi. Hai mẹ con em sẽ sang bên nhà bà ngoại chơi vậy. Lúc nào anh xong việc thì anh gọi cho em.
    Còn con bé con gái tôi thì phụng phịu:
    - Bố lúc nào cũng công việc. Bố thử không đến bệnh viện một ngày xem có ai chết không nào.
    Vợ tôi nghiêm ngay nét mặt mắng con gái.
    - Con không được nói như thế. Con nên nhớ bố con sống được đến ngày hôm nay là do có những người không phải là công việc của mình mà họ vẫn làm.
    Con gái tôi biết lỗi , nó chống chế
    - Con sai. Gớm có mỗi chuyện ấy mà mẹ cứ nhắc đi nhắc lại mãi

    Vợ tôi lắc đầu
    - Con sinh ra và lớn lên trong thời bình, sống trong một cuộc sống đầy đủ nên con luôn nghĩ mình có thể sống mà không cần đến một ai. Nhưng rồi sẽ đến lúc con sẽ nhận ra rằng: Thực ra cuộc sống của mỗi con người luôn luôn gắn chặt với những người xung quanh mình. Mình phải sống tốt đẹp, có trách nhiệm thì đến khi mình gặp hoạn nạn mới mong có một người chìa bàn tay ra cứu giúp. Như bố con ấy, nếu như những ngày trước bố con không hết lòng với thương binh của mình thì liệu hôm bố con bị thương liệu có thương binh nào chịu cáng bố con về đội phẫu không?
    Đúng thế thật. Đấy là mùa mưa năm 1974, lúc ấy tôi còn là đội trưởng một đội phẫu trung đoàn. Trong chiến dịch Đắc Tô — Tân cảnh đội phẫu của chúng tôi bị đánh trúng. Tôi mê man không biết gì cả. Đến khi tỉnh lại thấy mình đang nằm trong đội phẫu của sư đoàn. Về sau này tôi mới biết toàn bộ đội phẫu của tôi đã hi sinh. Chính những người thương binh đã tổ chức nhau cáng tôi về đội phẫu của sư đoàn. Tôi không biết bằng cách nào mà những người thương binh đầy mình thương tật ấy lại có thể cáng tôi suốt hai ngày đường đầy những dốc dựng đứng, trơn tuột của mùa mưa Tây Nguyên.
    Tôi đến bệnh viện, thay vội quần áo rồi đến ngay phòng mổ. Mọi người đã đông đủ cả chỉ còn đợi tôi để hội chuẩn. Tôi cầm tấm phim X quang soi lên ánh đèn. Khối u lớn quá. Tôi thầm nghĩ. Bằng kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, chỉ thoáng qua là tôi đã biết đây là một khối u ác. Tôi hỏi cô bác sĩ trực
    - Thể trạng của bênh nhân thế nào?
    - Yếu lắm ạ
    Nghe cô bác sỹ trực nói, lúc ấy tôi mới quay sang người bệnh.
    - Hạ!
    Tôi kêu lên. Tấm phim rời khỏi tay tôi rơi xuống đất. Trên bàn mổ, một người đàn bà nét mặt khắc khổ, gầy yếu, tóc đã bạc gần hết. Nhìn thấy tôi, cô ấygiật mình hoảng hốt
    - Anh Thành! Sao anh lại làm ở đây?
    Quên mất là mình đã vô trùng để mổ, tôi nắm lấy vai Hạ kêu lên
    - Trời ơi! Sao em ra nông nỗi này?
    Tôi không nhận ra nổi giọng mình. Tiếng kêu của tôi đầy bi thương ai oán. Còn Hạ, cô ấylại rất bình tĩnh. Hình như cô ấyđã chuẩn bị trước tinh thần cho giờ phút như thế này.
    - Em không ngờ lại gặp anh trong hoàn cảnh này. Có hai điều em muốn nói trước khi ca mổ tiến hành có được không anh?
    - Em nói đi.
    Hạ nhìn tôi. Trong con mắt em , tôi biết em đang phải đấu tranh dữ dội với chính mình. Lặng đi một lúc, tôi thấy em nghiến răng lại một cái rồi mới nói.
    - Điều thứ nhất: Em không muốn anh là người mổ cho em
    Mọi người trong phòng ồ lên một tiếng kinh ngạc. Tôi không tin vào tai mình nữa vội hỏi lại
    - Em nói lại xem nào. Anh nghe không rõ
    Hạ nhìn thẳng vào mặt tôi điềm tĩnh, rành rọt nói lại từng tiếng một
    - Em không muốn anh là người mổ cho em
    - Sao chị lạ thế? — Cô bác sỹ trực hỏi chen vào — Chị có biết anh ấy là bác sỹ ngoại khoa giỏi nhất ở tỉnh ta không?
    - Tôi biết — Hạ gật đầu rồi quay lại nói với tôi. — Em biết bệnh của mình. Em đang bị ung thư giai đoạn cuối do di chứng của chất độc mầu da cam hồi trong chiến trường. Em khó lòng qua khỏi. Chính vì vậy mà em không muốn anh mổ cho mình. Em không muốn về cuối đời, anh lại bị giày vò vì cái chết của em.
    Mắt tôi cay cay. Hạ ơi! Sao suốt đời em cứ lo nghĩ cho người khác vậy. Em hãy để lại một chút để lo lắng cho mình đi. Không! Anh sẽ mổ cho em. Thà rằng anh bị giày vò nếu ca mổ thất bại còn hơn bị lương tâm cào xé vì đã chỉ đứng nhìn mà không làm gì khi thần chết đến cướp em đi.
    - Điều thứ hai: Nếu như anh thấy em có thể chết ngay trên bàn mổ thì anh hãy cho dừng ngay ca mổ lại. — Hạ nắm lấy tay tôi nói giọng tha thiết — Không phải là em sợ chết mà em cần sống thêm một hai tháng nữa để làm nốt một vài việc còn đang dang dở. Anh hãy nhìn em và hãy hứa đi.
    Em còn định làm gì nữa trong hoàn cảnh như thế này Hạ ơi. Tôi đau đớn kêu lên trong lòng
    Tôi nắm chặt lấy tay em, thu hết can đảm nói giọng tắc nghẹn
    - Anh hứa
    Hãy tha thứ cho anh Hạ ơi. Anh không thể thực hiện lời hứa với em. Cuộc đời tôi đã nhiều lần thất hứa và lần nào tôi cũng áy náy thế nhưng đây là lần đầu tiên tôi thất hứa mà lòng không hổ thẹn với lòng. Tôi quay sang nhóm gây mê hồi sức ra lệnh
    - Bắt đầu
    Khi ổ bụng mở ra, tôi choáng váng. Khối u đã di căn ra toàn bộ ổ bụng. Tôi không còn đủ sức để tiếp tục ca mổ. Buông con dao mổ xuống khay dụng cụ, tôi quay sang bảo người bác sỹ phụ mổ cho mình.
    - Đóng ổ bụng lại.
    Nói xong tôi đi lại cái ghế kê ở góc phòng mổ ngồi phịch xuống đấy hai tay ôm mặt cảm nhận những giọt máu còn nóng hổi của em từ đôi găng mổ loang ra khắp mặt mình. Người tôi rung lên. Tôi khóc! Lần đầu tiên trong đời tôi khóc. Cuộc đời tôi đã chứng kiến bao nhiêu cái chết nhưng tôi chưa bao giờ khóc. Không phải là tôi vô cảm. Mỗi lần con dao mổ trong tay tôi bị đánh bại dưới lưỡi hái của tử thần là một lần răng tôi nghiến lại, mái tóc lại bạc thêm vài sợi nhưng nước mắt của tôi không chảy. Hạ ơi! Hôm nay anh đã phải khóc vì em

    *
    * *
    Tôi cho chuyển em xuống phòng hậu phẫu, căn dặn bác sỹ trực cẩn thận rồi đi về nhà. Phải ngày mai em mới tỉnh táo trở lại. Nhìn thấy tôi, vợ tôi biết ngay ở bệnh viện có chuyện. Vợ tôi đi pha cho tôi một ấm trà đặc rồi nhẹ nhàng hỏi
    - Ca mổ thất bại hả anh?
    Tôi lặng lẽ lắc đầu. Vợ tôi không hỏi gì nữa. Cô ấy lẳng lặng đi vò cái khăn mặt đưa cho tôi
    - Anh lau mặt đi. Mặt anh vẫn còn những vết máu kìa.
    Tôi cầm lấy cái khăn mặt và cầm luôn bàn tay của vợ, nhìn vợ mình bằng ánh mắt biết ơn. Trong tôi , một trận siêu bão đang ầm ầm cuốn tới. Cả ngày hôm ấy, tôi như người mất hồn, những kí ức của một thời xa xưa tôi tưởng đã chôn vào quên lãng lại dồn dập kéo về.
    Đến đêm, sau khi con bé nhà tôi đã đi ngủ còn tôi đang ngồi ở phòng khách đắm mình vào trong những suy tư thì vợ tôi đi vào. Đặt trước mặt tôi một tách cà phê, vợ tôi thủng thẳng nói
    - Nào ! bây giờ anh muốn thú nhận điều gì với em thì thú nhận đi.
    Tôi nhìn vợngạc nhiên
    - Sao em lại nghĩ là anh có điều muốn thú nhận với em?
    - Làm gì em chả biết. Cả ngày hôm nay anh như người mất hồn. Thỉnh thoảng anh lại nhìn trộm em. Anh nói đi. Bệnh nhân hôm nay có phải là một cô gái không?
    Tôi không dám nhìn vợ, khẽ gật đầu.
    - Thế cô ấyvà anh có mối quan hệ gì?
    -Cách đây hai mươi hăm năm anh gặp cô ấytại trạm thu dung của quân đội và ….
    - Và đấy là lần đầu tiên anh đã phản bội em. Đúng không?
    Mặt vợ tôi sầm xuống, giọng đanh lại. Tôi hoảng hốt
    - Không! Không hẳn là như thế. Em phải bình tĩnh nghe anh nói
    - Em đang rất bình tĩnh. Nếu không phải là như thế thì là gì? Anh nói đi.
    Tôi lúng túng cố gắng tìm lời giải thích cho vợ.
    - Khi anh gặp cô ấy thì cô ấy là một thương binh được chuyển ra từ chiến trường Tây Nguyên . Cô ấy đã nhiều tuổi. Toàn bộ gia đình đã chết hết trong chiến tranh. Cô ấy xin anh một đứa con để làm nguồn vui sống trong quãng đời còn lại. Nếu em là anh thì em có thể từ chối được không?
    Nghe tôi nói, nét mặt vợ tôi dịu xuống. Im lặng một lúc vợ tôi hỏi
    - Lúc ấy cô ấy có biết là anh đã có vợ con rồi chứ?
    Tôi gật đầu và nói thêm
    -Cô ấy hứa là sau khi có con cả đời cô ấy không gặp lại anh nữa và anh không phải có bất cứ một trách nhiệm nào với đứa bé. Nhưng cô ấy vẫn xin anh cho đứa bé mang họ của anh.
    Ngập ngừng một lúc, vợ tôi hỏi
    -Thế bây giờ đứa bé thế nào rồi? Nó là trai hay gái?
    - Anh cũng không biết. Anh chưa kịp hỏi. Lúc anh đến thì cô ấy đã ở trên bàn mổ chờ phẫu thuật
    Im lặng môt lúc rất lâu. Tôi cứ như con kiến đang bò trên miệng chảo lửa. Đôt nhiên vợ tôi hỏi giọng quan tâm
    - Tình hình của cô ấy gay go lắm phải không?
    . Tôi thở phào nhẹ nhõm. Tôi đã được ân xá
    - Cô ấy bị nhiễm chất độc màu da cam và…
    Tôi nói đến đây, đột nhiên một ý nghĩ chợt bùng lên như một tia chớp giật. Trời! Đứa bé. Mặt tôi tái nhợt.
    - Đứa bé!
    Vợ tôi cũng hốt hoảng kêu lên. Cô ấy cũng có ý nghĩ giống tôi. Bàn tay vợ tôi nắm lấy tay tôi run run.
    Tối hôm ấy tôi biết vợ tôi không ngủ. Cô ấy trằn trọc trở mình suốt đêm. Sáng hôm sau, trước khi đi làm vợ tôi bảo.
    - Anh đến bệnh viện xem tình hình chị ấy thế nào và nhớ hỏi về tình hình đứa bé.
    Tôi ôm lấy vợ xúc động
    - Cám ơn em
    *
    * *

    Tôi đến bệnh viện vào ngay chỗ Hạ nằm. Hạ đã tỉnh hẳn. Tôi kiểm tra lại vết mổ rồi vắt một cốc nước cam mang đến. Hạ nhổm người định ngồi dậy thì tôi đã nắm lấy vai em giữ lại.
    - Em cứ nằm yên.
    Tôi cắm một ống mút vào cốc rồi ngồi xuống cạnh em giữ cốc cho em uống.
    - Liệu em còn sống được bao lâu nữa hả anh?
    Hạ hỏi tôi thăm dò. Tôi cười. Tôi đã phải dùng toàn bộ nghị lực của mình để nở nụ cười này. Tôi cười còn con tim tôi thì rớm máu
    - Sao em bi quan thế? Nhưng chắc cũng không được lâu chỉ khoảng bốn năm năm trở lại.
    Hạ nhìn tôi cười điềm tĩnh.
    - Anh đừng lừa em. Em không sợ chết. Em biết, sự sống của em chỉ có thể tính bằng ngày nhưng em cần biết rõ em còn bao nhiêu ngày để còn thu xếp công việc của mình.
    Cái chết! Không mấy người có đủ bình tĩnh để chờ đón nó. Tôi biết có những bệnh nhân nữ khi khám khu phụ biết là mình bị ung thư đã cứ thế cởi truồng chạy ra giữa sân kêu khóc. Còn có những người sợ chết đến mức phải đi tìm chính cái chết để giải thoát cho mình. Còn em, em đang đếm từng ngày sống của mình, đang giằng lấy từng ngày sống của mình một cách quyết liệt. Con dao mổ trong tay tôi đã bị lưỡi hái trong tay tử thần đánh bại nhưng tử thần đang bị đánh bại trong trong tay em.
    Làm như vô tình tôi hỏi em
    - Thế đứa bé đâu? Sao anh không thấy nó đưa em đi?
    Nghe tôi hỏi em giật mình hoảng sợ nhưng rồi em lấy lại được sự bình tĩnh rất nhanh. Em hỏi lại tôi
    - Đứa bé nào?
    - Còn đứa bé nào nữa? Con của chúng ta ấy
    - À em quên nói với anh là lần ấy em bị sảy thai. Em xin lỗi vì đã không giữ được nó cho anh.
    . Tôi thở phào nhẹ nhõm. Tôi biết những người bị nhiễm chất độc màu da cam rất dễ bị sảy thai. Tối hôm đó tôi về báo tin cho vợ biết. Vợ tôi cũng vui mừng.
    - Nếu thế thì thật may cho chị ấy và cũng thật may cho chúng mình.
    Ngày nào dù bận việc đến mấy tôi cũng phải ghé đến giường bệnh của em một hai lần. Tự tay tôi khám cho em.
    Một tuần trôi đi. Tối chủ nhật lúc một giờ sáng, một hồi chuông điện thoại kéo tôi ra khỏi chăn. Mắt nhắm mắt mở, tôi cầm lấy điện thoại. Tiếng người bác sỹ trực đêm hoảng hốt
    - Chủ nhiệm! Chị Hạ bỏ đi rồi.
    - Cái gì? — Tôi tỉnh hẳn ngủ - Bỏ đi khi nào?
    - Em không biết. Vừa nãy em đi kiểm tra các phòng mới biết chị ấy đã bỏ đi. Chị ấy để lại cho anh một lá thư.
    Tôi phóng thẳng đến bệnh viện. Người bác sỹ trực đêm đưa cho tôi một lá thư của Hạ. Lá thư vẻn vẹn có mấy dòng chữ
    Anh Thành
    Em xin lỗi vì đã bỏ đi mà không nói trước với anh vì em biết nếu nói với anh ,anh sẽ không bao giờ cho em ra đi. Những ngày sống của em còn rất ngắn ngủi em không thể lãng phí nó.
    Em cầu chúc cho anh mạnh khỏe có cuộc sống hạnh phúc
    Em
    TB: Em để lại ít tiền anh thanh toán viện phí giúp em. Nếu thiếu thì anh cho em xin.
    Tôi ngồi phịch xuống chiếc giường em vẫn nằm. Hạ ơi! Em còn có thể làm gì đây với những ngày sống ngắn ngủi này.
    Tôi trở về nhà. Vợ tôi vẫn thức đợi . Thấy tôi vợ tôi hỏi ngay
    - Sao anh. Chị ấy thế nào
    Tôi lẳng lặng đưa lá thư của Hạ cho vợ. Vợ tôi đọc lá thư, cắn môi suy nghĩ.
    - Em thấy có điều gì đó không bình thường ở đây. — Vợ tôi nói. — Anh! Thông thường những bệnh nhân biết mình sắp chết họ hành động như thế nào?
    - Thường thì họ sợ hãi và buông xuôi mọi việc ngoại trừ việc muốn được cứu chữa mong kéo dài cuộc sống
    - Thế thì phải có một cái gì đó to lớn lắm mới có thể làm chị ấy quên đi cái chết. — Vợ tôi đi đi lại lại trong căn phòng mồm lẩm bẩm. — Đó là cái gì nhỉ?
    Đang đi , đột nhiên vợ tôi đứng sứng lại quay phắt về phía tôi. Bốn mắt chúng tôi gặp nhau. Cả hai chúng tôi cùng kêu lên một lúc
    - Đứa con!
    Cho đến tận cuối cuộc đời tôi không bao giờ có thể tự tha thứ cho mình vì đã ngờ nghệch tin em. Sao tôi có thể ngu ngốc đến vậy. Hạ ơi! Sao em có thể sắt đá đến vậy?
    - Ngày mai anh phải đến bệnh viện xem trong bệnh án của chị ấy ở đâu gửi chị ấy lên đây? Bằng cách nào chúng ta cũng phải tìm được chị ấy trước khi quá muộn.
    Sáng hôm sau, tôi đến bệnh viện lấy bệnh án của Hạ. Hạ được một bệnh viện của một huyện miền núi gửi lên. Tôi định một mình lên đấy tìm Hạ nhưng vợ tôi không đồng ý.
    - Em đã xin nghỉ phép rồi. Em sẽ đi với anh
    Chúng tôi đến bệnh viện huyện và dẽ dàng tìm được địa chỉ của em trong đám bệnh án còn lưu lại
    Từ huyện, chúng tôi đến thẳng nhà em. Một ngôi nhà nhỏ nhắn, xinh xắn nằm gọn giữa một vườn cây ăn quả xanh tốt. Yên tĩnh và êm ả. Tôi không biết làm sao một thương binh bị nhiễm chất độc màu da cam như em lại có thể lao động để dựng lên một cơ ngơi như thế này. Chúng tôi đi vào trong sân. Qua cánh cửa sổ khép hờ để tránh ánh nắng dọi vào, chúng tôi thấy em đang nằm trên giường. Một thanh niên mặt bị biến dạng bởi những cục thịt to bằng nắm tay mọc khắp nơi trên mặt, mồm méo lệch hẳn sang một bên đang ngồi bên cạnh em bón cho em từng thìa cháo. Lòng tôi quặn thắt. Con của chúng tôi đấy. Tôi sực nhớ đến cái câu mà Hạ đã nói với tôi trong cái đêm ấy
    - Em chẳng còn gì. Gia đình, người thân đã chết hết. Chồng thì chắc em không thể lấy được ai. Anh hãy cho em xin một đứa con để làm niềm vui trong quãng đời còn lại.
    Hạ nói câu ấy từng tiếng một điềm tĩnh. Trong đêm, mắt Hạ cháy lên một ngọn lửa. Không phải ngọn lửa của nhục dục. Khi bị ngọn lửa nhục dục thiêu đốt người ta không thể nói từng tiếng một điềm tĩnh đến thế. Không phải ngọn lửa của tình yêu. Khi tình yêu bùng cháy, ánh mắt không thể quyết liệt đến thế. Chỉ có ngọn lửa của sự khát khao làm mẹ. Làm mẹ! Một niềm vui vô tận nhưng cũng là vực thẳm đau khổ đến tột cùng. Hạ ơi! Niềm vui trong quãng đời còn lại cuả em đây sao?
    Tôi nhìn sang vợ, hai dòng nước mắt chảy thành hàng trên má vợ tôi. Tôi nghe thấy Hạ nói với đứa con
    - Không biết khi mẹ đi rồi lấy ai chăm sóc cho con đây?
    Nói xong Hạ đăm đăm nhìn lên mái nhà. Một lúc sau tôi nghe thấy Hạ bảo với con
    - Con sang nhà bác Tâm mời bác ấy sang đây cho mẹ.
    Tôi ra hiệu cho vợ luồn ra đằng sau nhà. Tôi muốn nghe xem Hạ định xắp đặt cho con của mình thế nào. Một lúc sau, một người đàn bà đi cùng thằng bé về nhà
    - Cô thấy trong người thế nào? — Vừa vào trong nhà người đàn bà có tên là Tâm ấy hỏi ngay. Bà ta ngồi xuống cạnh Hạ lấy tay vạch những vòng băng quấn quanh bụng ra xem rồi lắc đầu. — Cô liều thật đấy. Sao không ở lại viện ít hôm nữa cho lành hẳn vết mổ rồi hãy về?
    - Không được chị ạ. — Hạ nắm lấy tay chị Tâm. — em chỉ còn sống được ít ngày nữa. Nếu em cứ nằm ở viện ngộ nhỡ em chết ở viện thì ai lo cho thằng Thắng?
    Trong nhà ắng đi một lúc khá lâu rồi tôi nghe thấy người đàn bà có tên là Tâm ấy thở dài.
    - Thế bây giờ cô định thế nào? Mà tôi nghe nói lần đi viện này cô gặp bố thằng Thắng cơ mà. Sao cô không mang thằng bé trao trả cho anh ta? Thế có phải yên tâm không?
    - Làm thế sao được hả chị. Ngày trước anh ấy vì thương em mà cho em thằng Thắng chứ nó có phải là kết quả của một tình yêu đâu chị. Khi xin anh ấy đứa con em đã hứa không bao giờ phiền hà đến anh ấy. Vả lại nếu thằng Thắng bình thường cơ thì có thể cho nó nhận bố . Đằng này nó lại như thế làm sao em có thể chất vào vai anh ấy gánh nặng này được.
    - Mà bố cái thằng Thắng cũng thật là vô tâm. Ai lại suốt ngần ấy năm chẳng ngó ngàng gì đến thằng bé
    - Không! Không! — Hạ vội vàng nói. — Chị đừng nói thế mà oan cho anh ấy. Anh ấy không biết em ở đâu. Vừa rồi gặp anh ấy, anh ấy có hỏi về đứa bé nhưng em nói dối là lần ấy em bị xảy thai. Người như anh ấy nếu biết mình có con và tình hình của em như thế này thì nhất định anh ấy sẽ tìm đến.
    - Cô lạ thật đấy. Thế cô không hề trách anh ta thật à?
    - Sao lại trách? Em phải biết ơn anh ấy mới đúng. Anh ấy đã cho em một đứa con. Cho em một niềm vui suốt hai mươi nhăm năm nay
    Nghe Hạ nói tôi lại càng đau đớn. Liệu trên đời này có được bao nhiêu người có thể coi đứa con dị dạng, quái thai là một niềm vui đây? Trời ơi! Cũng là đứa con ấy sao với em là một niềm vui sống còn với tôi em lại coi như một gánh nặng không thể đặt lên vai tôi?
    - Thế bây giờ cô định tính thế nào?
    - Em cũng khó nghĩ quá chị ạ. Tiền nuôi nó thì không thành vấn đề. Em đã dành dụm đủ tiền để nuôi nó cả đời. Nhưng biết giao tiền cho ai đây? Không cẩn thận tiền mình thì người ta tiêu còn con mình thì người ta bỏ mặc thì chết em cũng không nhắm nổi mắt.
    Người đàn bà có tên là Tâm cười
    - Cô dành được bao nhiêu mà dám nói rằng đủ tiền để nuôi nó cả đời?
    - Em dành được năm trăm triệu
    - Năm trăm triệu!
    Người đàn bà kêu lên kinh ngạc. Tôi cũng kinh ngạc không kém. Làm sao em có thể có một khoản tiền lớn đến như vậy?
    - Thì chị tính hai mươi nhăm năm nay toàn bộ số tiền thương binh của em ,em đều gửi vào tiết kiệm để để dành cho nó
    Có ngừời đàn bà nào trên thế giới này như người đàn bà Việt nam không? Ôi! Đất nước này vĩ đại bởi có những người đàn bà vĩ đại. Những người đàn bà luôn luôn quên mình là ai. Họ chỉ nhớ một điều họ là người mẹ
    - Thế thì tốt quá rồi. Cô đưa toàn bộ số tiền này cho bố nó thì còn gì phải suy nghĩ nữa?
    Tôi thấy Hạ cười nhẹ, ánh mắt xa xăm
    - Chị ơi! Số tiền ấy gửi vào tiết kiệm thì chỉ đủ cái mồm nó. Mà tiền bạc có là cái gì đâu so với công sức bỏ ra phục vụ nó. Vả lại anh chị ấy đều là cán bộ có chức vụ. Với họ, có một đứa con quái thai là một điều đáng hổ thẹn chị ạ
    . - Cô nhầm. -- Vợ tôi xô cửa đi vào. — Chúng tôi không phải là loại người ấy. Chúng tôi đến đây để đón cháu
    Tôi bước vào sau vợ. Nhìn thấy chúng tôi, Hạ kêu lên môt tiếng kinh ngạc. Cô ấy nhổm người định ngồi dậy nhưng vợ tôi đã đến bên cạnh ấn vai Hạ xuống
    - Em cứ nằm im không cần ngồi dậy
    Hạ nắm lấy tay vợ tôi nước mắt trào ra
    - Chị! Em có lỗi với chị. Xin chị hãy tha thứ cho em
    - Không! Chị không trách em. Em cứ yên tâm điều trị. — Vợ tôi ôm lấy Hạ. --Chị sẽ trông nom thằng Thắng.
    Hai người đàn bà ôm chặt lấy nhau. Nước mắt của họ trộn vào nhau. Tôi nghe thấy Hạ nói lẩm bẩm
    - Cám ơn trời phật đã cho con quá nhiều hạnh phúc. Người đã cho con đứa con để con thương yêu và nay, lúc con ra đi người lại cho con gửi được đứa con của mình vào những bàn tay tin cẩn. Chị ơi! Em sung sướng quá
    Bàn tay Hạ đột nhiên buông thõng xuống chiếu
    - Hạ!
    Similar Threads
Working...
X
Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom