• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

BĂNG NHẠC JO MARCEL

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • BĂNG NHẠC JO MARCEL






    Đối diện với các đĩa nhạc CD, VCD, DVD, tôi lại nhớ về các băng nhạc gọi là băng cối dùng cho máy mangétéphone một thời.
    Đó là giai đoạn mà sự phát triển của các máy nghe nhạc, các dàn âm thanh với máy phát nghe rất tuyệt hảo. Ta nhớ giai đoạn đó máy khuyêch đại âm thanh gọi là amply hiệu năng, công suất phát được dùng bởi các đèn chứ không phải transitor. Còn các máy chạy băng nhạc gọi là đầu desk như Akai, Pionner, Teac , Sony, … rất xịn,
    Đó cũng là giai đoạn mà sự phát triển sinh hoạt phòng trà nở rộ. Các ban nhạc, các ca sĩ, nhạc sĩ một thời làm mưa làm gió tại Sài Gòn, được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn đông, chính trong thời điểm này các bầu sô cùng lúc tung ra các băng nhạc thu tại các phòng trà như Shotsguns, Phạm Mạnh Cương, Họa Mi, Trường Hải, Trường Sơn, …
    Băng nhạc Jo Marcel đến với tôi vào khoảng thời gian năm 1969, 1970.
    Dạo ấy tôi là một sinh viên , ít khi có tiền nhưng lại mê nghe nhạc. Rất thèm một cuốn băng nhạc của Jo nhưng tôi không thể có tiền để mua cho được băng gốc, ngay cả băng sang tại tiệm. Nhớ lại ngày về học quân sự học đường tại Trung tâm huấn luyện Đống Đa Huế, khi mãn khóa, Đại đội sinh viên đã làm quà cho Đại đội trưởng, trung úy Đạm một cuốn băng cối gốc, nhạc do Jo Marcel thực hiện, lúc ấy là hách lắm rồi.
    Bố tôi thì chẳng bao giờ quan tâm đến món ăn tinh thần cho con. Ông chỉ lo làm việc và chỉ biết công việc. Với ông cho con đi học như vậy là tốt rồi, ngay cả những lúc con đau đầu , bị sốt, ông cũng chẳng quan tâm. Mỗi lần tôi cần tiền để mua một cuốn sách nào đó, hỏi xin ông là một vấn đề. Thử hỏi làm sao tôi có thể rớ tới băng nhạc Jo Marcel, ngay cả đến các tiệm thu băng để hỏi sang lại, tôi cũng thấy là một vấn đề. May mà có chợ trời.
    Chợ trời Huế nằm ở kế cận cầu Trường Tiền, đối diện với rạp chiếu bóng Tân Tân. Dạo ấy đồ Mỹ tràn ngập, nhưng với tôi, chỉ quan tâm đến mấy cuốn băng magnétéphone, nhạc Mỹ loại cũ (sekenhen) giá chỉ có 200 đồng tiền VNCH, loại 1800 FT.
    Tôi thì chẳng bao giờ quan tâm cuốn băng ấy là nhạc gì, mang về nhà, tôi bê cái mangnétéphone cũ, hiệu Sony, của người anh đã để lại cho tôi mang qua nhà người hàng xóm ở nhà đối diện đường Chi Lăng để sang.
    Máy của tôi, âm thanh mono, máy của anh hàng xóm, âm thanh stéréo, khi sang, tôi cẩn thận chuyền hai dây line của máy âm thanh nổi chụm vào một dây line của máy mono. Do đó khi thu xong, âm thanh phát ra rất tuyệt hảo.
    Và băng nhạc tôi thu, bao giờ cũng là Jo Marcel.
    Phải nói là tôi mê các băng nhạc của Jo, tôi chẳng bỏ qua một băng nhạc nào. Chúng ta cần lưu ý, Jo Marcel là người mở đường cho phong trào băng nhạc giai đoạn thập niên 60, tiếp đến phải kể đến một số băng nhạc khác như băng Phạm Mạnh Cương (Trung tâm Thúy nga, Tú Quỳnh sản xuất), Băng nhạc Shotguns do Ngọc Chánh Thực hiện, …
    Thành phố Huế, xa Sài Gòn quá, do đó những sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật mà nổi bật là sự phát triển của tân nhạc Việt Nam, cũng như nhạc nước ngoài như nhạc Pháp, nhạc Mỹ theo chân nước ngoài ồ ạt đến Việt Nam qua các hình thức phòng trà, quán nhạc như Đêm màu hồng, nhà hàng Ritz, …rất sôi nổi mà tôi không bao giờ biết đến. Thanh niên sinh viên Huế như tôi rất lạc hậu!!!
    Thời kỳ ấy sinh viên, HS Huế có lẽ chỉ biết tranh đấu, suốt ngày la cà ngồi ở quán Cà phê Tổng hội nói dóc, miệng vừa hút thuốc lá Salem vừa chửi Mỹ. Mà tôi, tôi lại không thích gia nhập phong trào đó.
    Tôi chỉ biết chìm đắm trong những bài hát tân nhạc Việt Nam do Jo thực hiện.
    Chính băng nhạc Jo Marcel trở thành một món ăn tinh thần cho tuổi trẻ như tôi. Qua băng nhạc của Jo, tôi tiếp cận được các bài hát tiền chiến nổi tiếng cũng như các bài hát của các ca sĩ hiện đại như Trịnh Công Sơn,Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Lê Uyên và Phương, …
    Cũng chính qua băng nhạc Jo, tôi biết được các ca sĩ mà tiếng hát của họ đã làm tôi say mê và xem họ là thần tượng một thời của tôi như Khánh Ly, Lệ Thu, Anh Khoa, Thanh Lan, Quỳnh Giao, Vi Vân, Tiny Young, Bạch Yến, … Các ban nhạc trẻ thời bấy giờ như ban nhạc Bốn phương của mấy chị em Quỳnh Giao, ban nhạc Dreamer’ s của gia đình Phạm Duy.
    Băng nhạc Jo làm cho tôi hình dung được phần nào không khí phòng trà khi tôi nghe Giao Linh đang hát bài "lạnh lùng" của Đinh Việt Lang, giữa chừng nàng cười khúc khích, thật sinh động, cũng như tiếng cám ơn của ca sĩ sau mỗi bài hát. Với Vi Vân thì âm hưởng của giọng mũi khi nàng hát nghe như nhạc nước ngoài, Vi Vân hát bài "biệt ly" của Doãn Mẫn thật độc đáo.
    Jo cũng tạo nên sắc thái mỗi bài hát cho từng ca sĩ, chẳng hạn bài “Đêm đông” ca sĩ Bạch Yến hát, tôi nghe đầu tiên cũng do Jo thực hiên. Sự phối âm bài hát gây ấn tượng rõ nét khi Jo tạo ra tiếng động như tiếng vỗ cánh của loài chim trong đêm đông lạnh lẻo.
    Tôi cũng biết được, khi nghe một nguồn tin , Jo đã có công trong việc săn lùng và đầu tư cho việc đào tạo ca sĩ, như Anh Khoa, Lệ Thu, …
    Với Anh Khoa, bài hát gì tôi quên mất tên của nhạc sĩ Lam Phương: “mất em rồi, xa em rồi, hoa đã tàn, tình đã phai, chiều hôm nay, trời thanh vắng, em đi về, về với ai” giọng ca của Anh Khoa như con gái làm tôi buồn cười, nhưng tôi lại thấy có một cái gì đó lạ lạ tạo nên sắc thái Anh Khoa.
    Sau này Anh Khoa hát nhạc thương mãi nhiều quá, làm tôi chán. Một hôm, tình cờ tôi gặp Anh Khoa tại Tổng y viện cộng hòa. Dạo đó, tôi bị gọi động viên, và học khóa sĩ quan tại trường bộ binh Long Thành, nhưng sau vì lí do sức khỏe, tôi được chuyển lên Tổng y viện Cộng hòa để khám, chờ ra Hội đồng miển dịch. Tôi gặp Anh Khoa tại đó, cũng vào khám, chắc là để có lý do hoản dịch. Đó là lần đầu tiên tôi tiếp cận trực tiếp ca sĩ. Sau đó tôi mời Anh Khoa đến phòng bệnh của tôi nằm, và chúng tôi nói chuyện với nhau khá lâu. Tôi than phiền, Khoa hát nhạc sến nhiều quá, làm sút giảm hình ảnh của Khoa trong lòng khán giả. Khoa trả lời: Người ca sĩ hát không phải chỉ vì nghệ thuật mà còn vì sinh kế nữa. Nếu chỉ hát cho Jo chẳng hạn thì kinh tế sẽ khó khăn. Trong lúc đó lượng khán giả nghe nhạc thương mãi, đa phần gồm thành phần tiểu thương, công nhân, người lao động rất đông.
    Khoa hứa sẽ gởi cho tôi một băng nhạc do Anh Khoa hát. Khi về Đà Nẵng, tôi sẽ nhận được. Tôi cám ơn. Nhưng rồi 30/4/1975 đến. Adieu!
    Một điều làm tôi ngạc nhiên, băng nhạc do Jo thực hiện, không thấy có giọng ca Thái Thanh, ban Hợp ca Thăng Long, Sĩ Phú, …Có thể vì những người này hát tại phòng trà “Đêm màu hồng”.
    Tôi nhớ cảnh Jo giới thiệu một buổi hát giúp vui cho các chiến sĩ VNCH, trong lúc hành quân. Trong đó Jo giới thiệu với kĩ thuật âm thanh do Jo thực hiện, qua băng nhạc của Jo, người nghe như đang thấy ca sĩ đang trình diễn trước mắt mình.
    Không phải chỉ giỏi trong vấn dề kĩ thuật, Ông bầu Jo còn là một ca sĩ hát nhạc nước ngoài, nhạc Việt Nam rất hay. Bài "mưa hồng", Jo hát giọng tròn, trong, rõ nghe rất ngọt và …yêu đời. Bài “Em tôi” của Lê Trạch Lựu, Jo hát với giọng tiếc nuối nhưng kĩ thuật hơi dài và lối ngắt rất âm rất điêu luyện. Trong chương trình TV dạo đó, tôi có xem show diển của Jo, bài “Em tôi”, Jo đứng hát trong đêm, áo vắt vai, ngước lên bầu trời sao và thế là "em tôi ưa đứng, nhìn trời xa xa, mang theo đôi mắt buồn như giấc mơ,..."
    Cố nhiên, nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng phản ảnh từng hoàn cảnh xã hội, nhưng đối diện với xã hội bây giờ, tôi cảm thấy bị dị ứng và không sao chịu nổi. Môi trường ô nhiễm nhiều quá, mà trong đó âm nhạc do tuổi trẻ bây giờ hát làm tôi ngột ngạt.
    Đà Nẵng hiện nay có con đường bờ sông Bạch Đằng dành cho người đi bộ rất đẹp và thoáng mát. Con đường đi bộ có hành lang rộng đến 10 mét, có ghế đá ngồi thư giản, hóng mát. Con đường này kéo dài từ trên Viện Cổ Chàm chạy dọc theo bờ sông đi quanh vòng đai biển ra tận chân cầu Thuận Phước (cầu mới) mà bên kia là Sơn Trà, làng cá. Ban đêm, tôi vẫn thường đi bộ thể dục dọc theo con đường này. Không khí thoáng mát dể chịu, tôi cảm thấy nhẹ lòng, bao phiền muộn đời thường như quên lãng. Vậy mà có những hôm, nghe thanh niên tuổi teen hát một bài hát nào đó, khiến tôi buồn nôn. Ôi! Tuổi trẻ!
    Một lần tôi được dự một buổi nói chuyện, đúng hơn là học tập nghị quyết trung ương Đảng , cán bộ báo cáo than thở:
    “Làm sao đây? Thanh niên bây giờ hát những bài hát lai căng kiểu nhạc Hàn, nhạc Thái muốn độn thổ. Có lời bài hát như thế này, các Đ/c nghe có chịu nỗi không? – Em là con thỏ của anh. Khi nhớ em, anh làm thịt con thỏ, anh ăn!!!, …”
    Trên VTV3, chương trình bài hát Việt, những hài hát nghe chói tai, vô cảm. Có ca sĩ quằn quại: “Hãy cháy cùng em!”
    Còn các ca sĩ, các sao, các thần tượng của tuổi trẻ tuổi teen?
    Một số ca sĩ hát với phong cách sinh động, mê đắm. Các ban nhạc hòa âm phối khí rất tuyệt vời, điêu luyện. Tuy nhiên một số ca sĩ, khi hát, hay phăng, làm biến thể bài hát là điều tôi không chịu nổi. Với Đàm Vĩnh Hưng, đang hát bỗng thở dài một cái thật to (như trong bài lạnh lùng), hoặc Thanh Lam hú, rú, khi hát cuối câu, như trong bài “Ru đời đi nhé” Thanh Lam ngân chữ “nhé” như ngựa hí!
    Ôi! Âm nhạc một thời say mê của tôi, còn không?
    Được biết Jo Marcel hiện nay sống một mình tại Mỹ. Xin được chúc ông sức khỏe.
    Xin được kính tặng ông một bông hồng!
    Đã chỉnh sửa bởi Nguyễn Lương Tuấn; 05-05-2013, 06:43 PM.
    Similar Threads
  • #2

    Cám ơn anh TUẤN
    Đã nhắc tới một thời ... kỹ thuật của âm nhạc mà ít người để ý đên....
    Anh TUẤN quán kem thời mình đi học ở gần cầu Đông ba cũ nổi lên cùng thời đó tên chi mà tự nhiên tôi quên mất????? hồi đó những bang trịnh "da vàng ca khúc " thưởng được chạy đi chạy lại mỗi ngày ....
    Một lần nữa cám ơn anh Tuân ....

    Comment

    • #3

      ..::~Trích dẫn nguyên văn bởi HAITRIEUAM2508 View Post
      Cám ơn anh TUẤN
      Đã nhắc tới một thời ... kỹ thuật của âm nhạc mà ít người để ý đên....
      Anh TUẤN quán kem thời mình đi học ở gần cầu Đông ba cũ nổi lên cùng thời đó tên chi mà tự nhiên tôi quên mất????? hồi đó những bang trịnh "da vàng ca khúc " thưởng được chạy đi chạy lại mỗi ngày ....
      Một lần nữa cám ơn anh Tuân ....
      Ở đường Huỳnh Thúc Kháng, Hàng Bè (đối diện bên kia sông là đường Bạch Đằng) có 2 quán kem, không phải gần cầu Đông Ba mà trên này một chút. Tôi chỉ nhớ tên một quán là Đào Nguyên.
      Hương vị của kem tôi không ấn tượng mà chỉ nhớ ly nước trong súc miệng có vị the bạc hà.
      Ngày ấy ai vào quán đó cũng gọi là sang lắm. Tôi chỉ vào ăn kem ở đó có một lần với ông anh.
      Chào anh
      Đã chỉnh sửa bởi Nguyễn Lương Tuấn; 06-05-2013, 03:56 AM.

      Comment

      Working...
      X
      Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom