Năm 1955 (năm tôi 6 tuôi), ba tôi cưới vợ lần thứ hai. Đó là một phụ nữ đã có một đời chồng, một đứa con trai riêng, ở dưới Sịa. Khi đi lấy chồng, bà để đứa con trai riêng ở với bà ngoại.
Kể từ khi cha tôi có vợ mới. Ông không còn quan tâm tới tôi nữa, không khí gia đình khác hẳn. Tôi phải từ bỏ lần lượt các cuộc đi chơi bằng xe gắn máy (dạo đó là chiếc HMW) với cha tôi. Từ bỏ dần các bửa ăn tại các quán như cháo lòng Đồng Ý ở Phan Bội Châu, bún bò ở đường Chi Lăng - Chùa Bà hoặc bánh khoái ông Thân tại cầu Đông Ba, …
Cha tôi, ngoài công việc điều hành thợ, học trò làm cửa sắt, đồ xây dựng tại xưởng làm, thời gian còn lại ông dành cho bà vợ mới.
Bà nội tôi là người thấy được sự ghẻ lạnh của không khí gia đình, sự bênh vực thái quá của cha tôi với bà vợ sau này. Bà nội tôi ghét bà dì ghẻ (mà bọn tôi kêu bằng thím) ra mặt. Bà nội chướng và thường chửi rủa bà dì ghẻ. Cha tôi bắt đầu thấy sự trái chướng trái nết của bà nội. Ông công khai binh vực vợ. Cứ thế không khí gia đình thường bất hòa, ngột ngạt, mất vui.
Một hôm trong bửa ăn, cha tôi ngõ ý là ông quyết định để bà vợ về Sịa sinh sống như trước. Lý do là không ở được với bà nội tôi.
Thế là gia đình tôi lại trở về sinh hoạt như trước. Kể từ khi bà thím về Sịa, cha tôi chọn ngày thứ bảy và chủ nhật để về dưới đó sống với vợ. Công việc nội trợ, việc chi tiêu, hoạch định kinh tế trong gia đình , cha tôi hoàn toàn quyết định. Nghĩa là ông phát tiền đi chợ cho bà chị dâu, nhà có kỵ giỗ, tiệc cưới, … ông hoàn toàn chi tiền và giao cho bà chị dâu lo.
Như vậy việc chợ búa, chi tiêu trong gia đình, kể từ nay lại giao trở về lại cho bà chị dâu của tôi, thu nhập gia đình tôi trong những năm tháng làm việc tại xưởng làm rất cao. Tất cả cửa kéo, cửa ngõ mà những nhà ở trên phố như tiệm Rồng Vàng , Thái Lợi, Trương Đình Kiểm , Đức Phương, …phải nói là đều do cha tôi lãnh làm, kể cả mảng sắt bê tông ông cũng làm luôn. Thế nhưng tiền bạc thu hoạch được thì mấy anh em chúng tôi không mấy khi quan tâm.
7 anh chị em chúng tôi vẫn lớn dần trong sự ngột ngạt của gia đình cùng với cuộc chiến VN ngày càng tăng . Mỗi anh em chúng tôi bằng sự cố gắng của mỗi cá nhân vẫn chiếm được một chỗ đứng trong xã hội, không đến nỗi đói nghèo. Còn cha tôi khi lấy vợ lần thứ hai, ông có thêm một gái và một trai. Nhưng vì không sinh hoạt trong gia đình mà lại về ở Sịa trong các ngày thứ bảy và chủ nhật, nên có lời dị nghị trong bà con, bạn bè là đứa con thứ hai (đứa sau cùng) của bà vợ kế không phải là con của ông.
Nhưng tất cả vẫn chỉ là tin đồn mà bắt nguồn vẫn là từ người con gái của bà vợ kế. Không hiểu sao, trong một lần nhổ tóc sâu cho cha tôi, nó tỉ tê bảo rằng, nó tận mắt chứng kiến cảnh mẹ nó ngủ với Dượng Khâm (người mà bố tôi tin là có tằng tịt với bà vợ của ông). Chính vì vậy mà tội nghiệp cho nó, sau này lớn lên, đứa con trai mãi mãi mặc cảm về lời đồn đãi ấy. Tuy nhiên, với tôi, tôi nghĩ rằng đó là con của cha tôi.
Đất nước can qua, thời thế đảo lộn, tang điền biến vi thương hải. Sau năm 1975, cha tôi không còn làm việc kiếm tiền được nữa, xưởng làm sản xuất đồ sắt ngày nào, bấy giờ bỏ không, học trò, thợ làm đều bỏ đi. Cha tôi ở với bà chị dâu và đứa cháu nội gái. Đây là bà chị dâu đầu của gia đình tôi. Ông anh tôi, trước kia là lính Bảo an, năm 1954, ông nghe lời rủ rê, tập kết ra Bắc, xét lý lịch, thuộc thành phần ngụy, ông bị đưa đến Nghệ An, chỗ ấy dành để quản lý thành phần ngụy tập kết. Và cuộc đời của ông mãi mãi nơi ấy. Ông có vợ mới, 2 trai, 2 gái, đâu còn quan tâm đến bà vợ trong Nam nữa. Thế là bà chị dâu vẫn ở vậy, một mình với đứa con gái độc nhất. Sau 1975, ông có vào thăm cha tôi cùng bà chị dâu con gái một đôi lần gì đó, thế rôi lại bỏ đi. Ra Nghệ An ở với bà vợ thứ, thời gian tập kết ra Bắc.
Các anh em chúng tôi trong này hàng tháng gửi tiền về cho bà chị dâu lo việc nấu ăn, săn sóc cho ông, tiền cho ông tiêu vặt, …ngày thứ bảy, chủ nhật, ông vẫn xuống Sịa đều ở với bà vợ.
Nhưng sức khỏe của ông mỗi ngày mỗi yếu. Ông bị huyết áp cao, cần có người săn sóc ông và canh chừng trong vấn đề ăn uống. Điều này thật khó cho anh em chúng tôi. Đôi lần tôi về Huế thăm ông và nghe ông anh thứ ba kể lại thì ông ăn uống không kiêng dè, thích gì ăn đó, thoải mái. Mặt khác bà chị dâu và đứa con gái đối xử với ông không được chu đáo trong vấn đề ăn uống. Mấy anh em chúng tôi đã nhiều lần khuyên ông nên đến ở với ông anh tôi ở An Cựu hay vào Đà Nẵng ở với chúng tôi nhưng ông nhất định không chịu rời bỏ ngôi nhà mà ông đã dày công xây dựng, nơi ghi dấu với ông biết bao kỉ niệm vui, buồn.
Cả mấy anh em chúng tôi sau khi hội họp lại, lấy ý kiến chung và hỏi ý kiến của cha tôi, tất cả đều đồng ý mời bà vợ kế lên để trao đổi về việc hai vợ chồng cha tôi nên sống chung với nhau.
Tôi nhớ hôm đó là một buổi chiều, bà vợ kế của cha tôi, ông anh thứ ba của tôi và tôi, tất cả 4 người cùng ngồi ăn cơm dưới mái hiên của gian nhà chính. Bấy giờ ông anh tôi mới đi thẳng vào đề. Ông nói:
- Lúc ni chú đã già (chúng tôi vẫn thường gọi cha tôi bằng chú), sức khỏe không còn mạnh như trước nữa. Chú cũng không còn làm việc kiếm tiền được nữa. Tụi tui nghĩ rằng thím lên đây sống với chú. Hai người săn sóc, vui buồn có nhau. Tiền bạc, chi tiêu bọn chúng tôi sẽ gửi đủ để chú, thím lo toan. Như rứa, thím về Sịa thu xếp dưới đó để lên đây sống với chú. Còn nếu không, thím vẫn giữ quan hệ như trước ni, nghĩa là lâu lâu lên một lần thì thôi, thím về luôn. Như rứa thím lựa bên mô, về luôn hay lên đây ở với chú luôn?
Bà vợ kế trả lời chắc bẳm, không chút lưỡng lự:
- Rứa thì để cho tui về luôn anh nờ.
Nghe câu trả lời, hai anh em chúng tôi ngao ngán. Giận quá, ông anh nói:
- Rứa thì thím về luôn đi, không ai cần thím nữa mô nờ.
Nhưng với cha tôi thì ông buồn hẳn đi. Ông không nói một lời nào nữa. Im lặng. Hoàn toàn im lặng.
Đó cũng là bữa cơm cuối cùng mà tôi ngồi ăn cùng cha tôi và bà thím ghẻ. Kể từ đó, cha tôi bệnh gia tăng, chứng huyết áp lên xuống thất thường. Giai đoạn đó, không có thuốc uống hạ huyết áp như bây giờ. Bác sĩ Bửu ở đường Chi Lăng về khám chui cho cha tôi, ông bảo phải nghiêm khắc trong vấn đề ăn uống. Cự tuyệt không được ăn mặn và ăn những thức ăn có mỡ, …Nhưng hình như nỗi buồn làm cho ông càng thêm bướng trong vấn đề ăn không kiêng . Bạn bè trong xóm thường đến chơi buổi chiều , uống trà. Ông rất vui. Một hôm, ông gọi bánh bèo, nậm, bánh bột lọc nách từ bên kia Tây Thượng qua bán. Ông ăn thoải mái, dùng nước mắm không cần kiêng dè. Thế là ông ngã bệnh nặng.
Ba anh em chúng tôi ở Đà Nẵng nhận được tin ông hấp hôi, vội trở về Huế cấp tốc ngay buổi chiều. Khi cả gia đình tề tựu đông đủ bên ông thì ông cũng vừa ra đi. Ông anh ở Huế nói rằng ông bị xuất huyết nội.
Ngày hôm sau, hai mẹ con bà thím ghẻ xuất hiện. Từ ngoài xa, ông anh thứ hai của tôi đã thấy, bà vừa xuất hiện, anh tôi cầm ngay một cái hèo gỗ. Ông chạy đến lao vào bà thím ghẻ. Mọi người đến can. Ông anh tôi chỉ mặt hét to:
- Bà biến đi, khi cha tui đang còn bệnh, răng bà không lên săn sóc ông. Bây chừ chết rồi về xin bịt khăn? Biến đi!
Mọi người hoảng sợ, khuyên bà vợ kế nên tránh đi. Bà nghe lời dẫn đứa con trai sau cùng, một mạch đi thẳng.
Sau này, tôi nghe nói rằng, khi quan tài cha tôi đã được chôn cất xong. Mọi người ra về thì bà vợ kế đã đến bên phần mộ cha tôi khóc ròng.
Chuyện đến đây vẫn chưa hết hẳn. Mươi năm sau, khoảng năm 1987, tôi được tin, đứa con gái một cha khác mẹ của tôi, sau khi đi lấy chồng, sống không êm đẹp, đã bỏ chồng, lang thang, bụi đời, hút xách và vẫn thường xuyên về dưới Sịa vòi vĩnh tiền bà mẹ.
Thế rồi, có một lần nó lại về đòi tiền mẹ nó. Bà mẹ không cho hoặc không còn tiền cũng không biết nữa. Lúc đó, nó nói:
- Tiền mà con đoài đây là tiền của chú, chứ mô phải là tiền của mạ mà mạ noái là con đoảng.
Bà mẹ im lặng, không nói một lời nào nữa. Đứa con gái bỏ đi
Ngày hôm sau, người ta hay tin bà vợ kế của cha tôi ngày nào đã thắt cổ tự tử chết.
Cái chết của bà là chấm dứt một tấn thảm kịch. Một câu chuyện buồn.
Nếu bà vợ kế của cha tôi có một chút hy sinh, một chút nghĩa tình, nghe lời anh em chúng tôi có lẽ sẽ có một kết thúc khác hẳn .
Mãi sau này tôi mới biết được thì ra bà vợ kế của cha tôi là một người hoạt động cho kinh tài CS tại Quảng Điền, Tổ chức đã móc nối để bà lọt vào gia đình tôi, rút tiền của cha tôi cho hoạt động CS mà cha tôi không mảy may hay biết.
Điều này đã giải thích được tại sao, cha tôi và con cái mồ hôi nước mắt làm lụng mấy mươi năm mà cuối cùng không hiểu tiền bạc đi đâu hết. Nhưng có một điều mà mãi đến bây giờ tôi vẫn không hiểu được, tại sao một người đàn bà đã sống với cha tôi có hai đứa con mà vẫn không mảy may một chút tình cảm nào đối với cha tôi.
Và hai đứa con của bà, mãi đến ngày hôm nay, với anh em chúng tôi vẫn có một hàng rào ngăn cách. Chúng tôi gặp nhau một đôi lần người con trai út của bà, một chút ngượng nghịu, một thoáng bối rối. Có lẽ do những lời đồn đãi ngày nào vẫn còn đó.
Nhưng mà với tôi, thì nó vẫn là em tôi. Vẫn là một kỉ niệm cho dù rất cay đắng.
Đứa em đó, bây giờ đã có một chỗ đứng trong xã hội: Là Hiệu trưởng một trường Trung học ở quận Phong Điền
Còn đứa em gái, thì vẫn lang bạt, nay đây mai đó. Một vài người nói với tôi là nó có về Đà Nẵng, đến một quán ăn gần nhà tôi, nhưng không dám vào nhà vì sợ.
Cho anh có một lời nhắn nhủ: Nếu lúc nào đó, cần đến thăm anh hay một sự giúp đỡ nào đó, thì anh vẫn sẵn sàng.
Bởi vì em là em gái của anh!