• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Tìm trầm

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Tìm trầm



    Chuyện về ác thú thì lớn lên đọc sách mới biết. Nhưng chuyện về ác nhân thì con người thường được nghe kể từ thuở lên ba. Vậy mà đọc truyện này vẫn thấy như mới nghe lần đầu. Thì vẫn là ác nhân, ác thú đấy thôi. Nhưng ở đây là cái lẽ sòng phẳng đến khủng khiếp của cuộc đời. VPL.


    Tìm trầm

    Hoa Ngõ Hạnh


    Sau này mỗi lần gặp bất trắc trong đời, tôi luôn nghĩ tới ba tôi.
    - Con ạ! Làm thằng đàn ông bản lĩnh không, chưa đủ. Phải biết người biết ta... Lòng người khó đo.

    Làng tôi ở một vùng núi hẻo lánh, khỉ ho, cò gáy. Ba tôi trước đây làm nghề thợ rừng. Mười tám tuổi ba đã là thợ gỗ nổi tiếng với những đường đẽo sẵc sảo, với sức mạnh và lòng dũng cảm "ăn của rừng rưng rưng nước mắt". Thời gian sau có người phất lên nhờ nghề trầm. Ba tôi bỏ nghề gỗ chuyển sang làm trầm. Gỗ hay trầm đều là của rừng cả.

    Năm thứ ba ở trường đại học tôi bị kỷ luật vì đi thi giùm đứa bạn. Trở về nằm nhà, sống hoang hoải. Hậu quả của sự càn rỡ vay mượn, bồng bột ngây thơ đã làm tôi buồn đến khánh kiệt. Một bữa ba tôi có ý định cho tôi đi theo lên rừng tìm trầm. "Cho con biết thế nào là lao động đích thực, thế nào là cực nhục" - ba tôi bảo vậy. Ði đợt này có ba người: Ba tôi, tôi, anh Ðang - con bác Hai tôi. Ði bộ năm sáu ngày đường mới đến nơi có trầm. Ðường đi khó khăn lắm, phải cắt rừng, vượt thác, trèo lên những con dốc đứng đến nỗi mũi chạm đất. Trưa ngày thứ sáu chúng tôi đến ngọn núi có tên là Sương Mãi. ở đây đêm ngày sương mù vây phủ, khái niệm về thời gian mất đi.

    Tôi hết sức ngạc nhiên khi phát hiện ra giữa khu rừng heo hút, âm u này một nấm mộ, cỏ đã lên xanh. Trả lời sự thắc mắc của tôi, ba tôi kể:


    Câu chuyện thứ nhất:
    Hai anh em Phú, Quý quê ở Phú Khánh ra vùng này tìm trầm. Cùng đi trong bầu (1) có hai người nữa tên là Thân và Lương. Trước khi đi họ làm lễ ăn thề, sống chết có nhau, gặp phúc cùng hưởng, gặp nạn cùng chia.

    Hơn nửa tháng dạo quanh ngọn Sương Mãi vẫn không tìm được chút trầm nào. Họ bắt đầu nản chí. Lương thực gần cạn. Sang ngày thứ mười bảy, hai anh em Phú, Quý đang ngồi nghỉ chân, hút thuốc bên cạnh một lùm gai mây rậm rạp, tình cờ phát hiện một cây dó mục nằm dài dưới giàn mây. Họ phát cây và dây leo quấn quanh nó, bóc hết lớp gỗ và mối, dần dần những gộc trầm lớn hiện ra đen óng ánh. Hai anh em mừng đến ngạt thở, chất đầy hai ba lô trầm loại dách. ước chừng số trầm bán được khoảng trên bốn trăm cây vàng.

    Mang về trại báo cho hai người kia biết xong, bốn người trong bầu quyết định trở (2) sau buổi trưa. Hai anh em Phú, Quý xuống suối xách nước trong khi hai tên Lương, Thân tìm củi bắc bếp. Một thoáng thâm hiểm của hai tên này gặp nhau. Chúng đã hiểu ý. Phú, Quý vừa mang nước từ dưới suối lên liền lãnh trọn hai nhát cúp (3) vào đầu, bổ xuống từ sau gốc cây trên đường xuống suối. Hai anh em chết ngay không kịp kêu lên một tiếng.
    Hai tên Lương và Thân khoác hai ba lô trầm đi như bay, bất kể gai rừng. Ði miết đến tối mịt khi nào chúng cũng không hay. Ðã thấy đói, chúng dừng chân bắc cơm ăn tạm. Tên Thân vừa lúi húi thổi cơm vừa hỏi:

    - Này?

    - Gì?

    - Ð. mẹ... Hai thằng ấy to con mà rẻ tiền. Mới ăn có một nhát mà vội vàng trẩu (4) liền. Tao thấy mày chơi khá đấy!

    - Khá cái con mẹ gì!

    - Khoảng một tuần nữa là sống vương giả. Lúc ấy ông có leo lên đái trên đầu thiên hạ chúng vẫn cười. à, còn tao với mày chia chác với nhau bằng trầm hay bằng vàng đây?

    - Ðây, chia bằng cái này! "Bụp".

    Cái cúp phang mạnh vào gáy. Tên Thân kêu lên một tiếng thất thanh rồi ngã dụi. Tiếng kêu rít lên rồi chìm hẳn trong rừng đêm như tiếng đá ném xuống khe núi. Tên Thân ngã úp mặt vào nồi cơm đang sôi dở, tóc bắt lửa cháy khét lẹt, máu từ gáy nhỏ xuống than đỏ kêu xèo xèo. ánh lửa lụi dần, cảnh tượng trông hết sức ma quái.

    Một mình tên Lương xốc lại hai ba lô trầm băng rừng đi trong đêm như điên như dại. Sự hưng phấn tột độ, nỗi ám ảnh của ba cái chết và nhất là mấy trăm cây vàng trên vai làm hắn mụ mị. Giữa đêm, hắn bị xịnh (5) vào một khu rừng toàn mây gai không thể nào ra nổi. Những sợi mây to như bắp chân bắt từ ngọn núi này sang sườn núi kia đan vào nhau chằng chịt như trận đồ bát quái. Ðến ngày thứ năm hắn hoàn toàn kiệt sức ngã quỵ xuống úp mặt lên hai ba lô trầm mà chết, hai bàn tay hai móng diều hâu bấu chặt lấy miệng ba lô.

    Nửa tháng sau một bầu khác xuyên qua rừng mây gặp xác tên Lương đang nằm sấp trong tư thế níu kéo cố giữ lấy hai chiếc ba lô. Ðùi và bụng của hắn bị heo rừng và kỳ đà ăn gần hết. Bọn này định lấy hai ba lô trầm nhưng hai bàn tay tên Lương cứ giữ chặt đến nỗi kéo mãi cũng không ra. Sau này chúng dùng rựa chặt đứt lìa hai cổ tay mới lấy được.

    Có một bầu nữa gặp xác anh em Phú Quý với hai vết thương trên đầu. Cùng hội cùng thuyền nên cũng dễ hiểu được tình thế. Bầu này chôn hai anh em chung một ngôi mộ và cắm lên đầu một gộc trầm làm bia.


    Câu chuyện thứ hai:

    Ông Nghệ là người làng Hạ, võ thuật cao cường, nổi tiếng mạo hiểm. Là dân tìm trầm đã tám năm nhưng chưa bao giờ ông chịu chung bầu với người dưng nước lã trong làng.

    Có một huyền thoại về cây dó sau trăm tuổi ở trên núi Sương Mãi, toàn bộ phần ruột cây đó biến thành kỳ nam nhưng chưa ai tìm thấy. Nhiều người sành, có cơ may bắt mùi hương của nó nên đoán được loại kỳ nam. Ðúng ngọ ngày mùng một và ngày rằm hàng tháng nó mới phát tiết. Hương trầm tỏa thơm nồng cả cánh rừng. Người nào đi vào phạm vi tỏa hương của nó cũng ngơ ngẩn, đầu óc mê muội đi không biết ngày đêm, không biết mình là ai. Ðến lúc mùi hương ma quái đó biến mất họ mới sực tỉnh và tiếc nuối. Người mới gặp mùi hương này về nhà sống trong nỗi hoài nhớ mãnh liệt, ba tháng mười ngày sau thì chết. Ðúng ngọ thi thể họ hóa ra mùi trầm thơm ngát.

    Hai cha con ông Nghệ nhất quyết mạo hiểm tìm cho được cây dó đã thành kỳ nam đó. Ông dọn mình sạch sẽ, ăn chay nằm đất một tháng ông. Dâng lễ cúng, ông Nghệ gieo quẻ âm dương chín lần trên núi Sương Mãi mà vẫn không được. Ông nghĩ bụng: "Tìm không ra bất quá về không. Ðã đến là phải tìm".

    Một ngày nọ ông dạo dó trên sườn núi, thằng con dạo dưới suối. Ðúng ngọ - bữa đó là rằm tháng bảy - ông Nghệ sững người khi bắt đầu nghe mùi trầm lẩn khuất mê mẩn. Ông lần theo mùi hương để tìm cho ra nơi xuất phát nhưng chỗ nào cũng nồng nàn một mùi như nhau. Mùi hương cứ chập chờn quyến rũ, mời gọi, mê hoặc một cách ma quái.

    Lúc ông Nghệ hôn mê trong làn hương trầm thần bí cũng là lúc thằng con ông bắt gặp bên cạnh suối một đùi nai bỏ dở, máu còn tươi rói, cạnh đấy là một đống xương nhẵn nhụi. Nó hì hục vác đùi nai về trại.

    Ông Nghệ thoát ra khỏi mùi hương bừng tỉnh và tiếc nuối. Lúc mặt trời lặn, ông cắt rừng về trại. Nhìn thấy đùi nai treo lủng lẳng cạnh bếp lửa, ông Nghệ sửng sốt kêu lên một tiếng - tiếng thở than bất lực của người đi rừng kinh nghiệm:

    - Trời ơi! Mày giành mồi của Ông Lớn (6) rồi! Chết đến nơi rồi con ơi!

    Ông Nghệ biết chắc chắn chiếc đùi nai ấy là mồi thừa của con cọp. Bất hạnh sẽ ập xuống bất cứ lúc nào. Ðêm đó ông dỡ sạp xuống đốt một đống lửa lớn giữa trại. Ông nằm mở mắt thao láo, tay cầm chắc cái rựa chờ đợi... Giữa khuya một bóng đen dài vút qua trại, cả căn trại rung lên. Chiếc ba lô đựng lương thực cạnh cửa biến mất.

    Hai cha con ông Nghệ ngồi đốt lửa đến sáng. Con cọp mất mồi tưởng chiếc ba lô là cái đùi nai nên lao vào vồ lấy và chạy biến.

    Sáng ra ông Nghệ quyết định trở ngay. Ông đi trước, thằng con đi sau. Ra cách trại chừng ba trăm mét bỗng một tiến "ào" vang lên. Quay nhanh lại đằng sau ông nhìn thấy con cọp vằn cắp ngang cổ thằng con ông đang lao xuống vực rậm. Ông đứng nhìn theo nhỏ những giọt nước mắt dài.

    Mấy ngày sau đó một mình ông Nghệ vác cây AR 15 cưa nòng trở lại núi Sương Mãi, tìm được bộ xương và cả cái đầu lâu nhẵn sạch trơ hốc bên bờ suối. Gần đó một đống xương thú ngổn ngang. Chỗ này chính là nơi thằng con ông đã lấy đi cái đùi nai. Ông Nghệ đem bộ xương của con táng trên núi Sương Mãi, trên mộ cắm một gốc trầm. Xong xuôi ông bắn ba loạt súng lên trời và quay về. Nghe nói từ đó ông bỏ nghề.

    - Thế cái gộc trầm làm bia trên mộ đâu rồi ba? - Tôi hỏi.

    - Có một bầu "đói" quá nên nhổ về bán rồi.

    Tôi, ba và anh Ðang vào sâu hơn, đóng trại ở thung lũng Ðá Hang, cạnh suối. Suối có nhiều đá lớn. Anh Ðang xuống suối bắt được vô số là ếch đá. ếch trong núi không có mùi tanh. Con nào cũng đen thui, chân dài ngoẵng. Không cần chặt đầu lột da, anh Ðang chỉ moi ruột rồi bỏ vào nấu cháo. Cháo chín, những con ếch nổi lềnh bềnh chồng chất trong nồi, ngổn ngang là chân cẳng. Tôi thoáng nhớ đến những người chết trên núi Sương Mãi. Có cái gì đó... Từ hôm ấy tôi không bao giờ ăn thịt ếch nữa.

    Mưa rừng. Những cơn mưa dây dưa, buồn, trắc ẩn. Ðêm nằm trong rừng nghe gió âm u, tiếng suối chảy ầm ào cả đêm. Nhắm mắt lại cứ ngỡ đấy là tiếng mưa lớn, dai dẳng như mưa trong giấc mơ. Xa xa tiếng những con chim ăn đêm kêu vọng lại: Bóp... Bóp... Bóp... Tiếng kêu nhỏ dần rồi lịm hẳn.

    Ai nằm ban đêm trong rừng sâu mới biết, giữa rừng thấy con người thật là nhỏ bé, yếm thế. Tôi chợt thấy mình chỉ là hạt cát nhỏ nhoi, là con sâu cái kiến đớn hèn, bất cứ lúc nào cũng đứng bên bờ vực của sự bất trắc, lãng quên, sẵn sàng tan biến, sẵn sàng vô nghĩa. Vậy mà con người lại đang tâm đi làm những việc tày trời. Phải chăng sự cơ cực đã bắt con người dám giẫm đạp lên các lẽ thường tình.

    Ở đây sống chết, hạnh phúc, hiểm họa chỉ là sợi tóc mỏng manh, chỉ cần một chút hèn nhát, một chút đê tiện, muối mặt là con người tan tành ra tro bụi. Tự dưng tôi buồn đến phát khóc.

    Sau gần một tháng không tìm được chút trầm nào, lương thực cạn. Chúng tôi bò ra được bìa rừng lúc chạng vạng tối của một ngày. Ba tôi vào một cái rẫy hoang nhổ sắn đốt lửa lên nướng. Tôi đã ăn những củ sắn nướng ngon lành, vừa ăn vừa rơi nước mắt.

    Ba tôi nói khi nhìn thấy tôi vừa ăn vừa khóc:

    - Thiện tâm trên đời này khó kiếm hơn cả trầm. Ðừng buồn! Ðàn ông phải can đảm lên.

    Ðêm đó ngủ ở bìa rừng trên những chiếc lá tơi, tôi mơ thấy mình đâm chết con hổ vằn, máu nó phun ra xối xả. Những giọt máu rơi xuống đất bỗng biến thành trầm. Cây trầm đen óng ánh. Rừng trầm chợt phát tiết thơm nồng nàn. Mùi thơm quyến rũ, mê man. Thơm lịm người. Cơ man nào là hương thơm và hương thơm... khôn tả xiết.

    Bây giờ tôi là thằng sinh viên bị đuổi học. Cuộc đời phía trước còn dài.

    Khương Hạ, 2-1995

    (1). Bầu: Những người cùng chung một nhóm tìm trầm (bầu điệu) - Tiếng lóng.
    (2). Trở: Ði về. (3). Cúp: Dụng cụ nửa là rìu nửa là cuốc.
    (4). Trẩu: Chết (tiếng lóng).
    (5). Xịnh: Ði lạc, lạc rừng (tiếng lóng).
    (6). Ông lớn: Cọp (tiếng lóng).
    Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 28-09-2010, 07:57 AM.
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.
    Similar Threads
  • #2

    Hay quá, thanks ban nhiều quạ Đọc suy ngẫm hay quá. Phải cố gắng trong cuộc sống hiện tại này mới đươc.

    Comment

    • #3

      Thật đúng rằng : Ăn của rừng rưng rưng nước mắt...
      Tôi khám phá ra bí mật của đại dương khi suy niệm về một giọt sương mai.

      Comment

      • #4

        ..::~Trích dẫn nguyên văn bởi M Mít Đặc View Post
        Thật đúng rằng : Ăn của rừng rưng rưng nước mắt...

        Vô vọng tìm trầm: Tỉnh giữa rừng, thấy ngủ chung với rắn
        14/10/2010 07:04:28

        "Hơn hai tuần, cả đoàn 21 người lang thang trong rừng tìm trầm mong “phát tài”. Thế nhưng 3 người bị sốt rét nặng, các thành viên trong đoàn thay nhau ốm… Cả đoàn phải ăn rau rừng chống đói" - Ông Mai Xuân Long kể lại.


        TIN LIÊN QUAN


        "Bệnh tật thì ai cũng mắc"

        Ông Mai Xuân Long (làng Sơ Ró – xã Sơ Ró – huyện Kông Chro – Gia Lai) kể lại: "Đầu tháng 9 năm nay, tôi nghe tin có người trúng trầm nên rủ thêm mấy anh em cùng đi tìm trầm. Nói đến lợi nhuận của trầm ai cũng hào hứng gia nhập đoàn. Thế là sau 2 ngày chuẩn bị dụng cụ cần thiết, thuốc men… thế là ngày 16/9 lên đường."
        Lượng thực mang đi chưa đầy 6 ngày đã hết, cả đoàn phải hái rau rừng ăn chống đói. Một số anh em do sức khỏe yếu, cộng thêm muỗi rừng đốt, vắt cắn nên đã bị sốt rét. Dù đã trù liệu những bệnh này nhưng thuốc cũng hết, thấy tính mạng của thành viên nguy hiểm quá nên phải cử hai người khiêng về điều trị.



        Bữa cơm của người tìm trầm có cá khô kho mặn và bát canh rau rừng là đã quá "thịnh soạn"


        Đói khát, bệnh tật, những tai nạn không ngờ luôn rình rập. Có đêm, cả đoàn ông Long ngủ mệt, sáng ra không ai dám nhúc nhích vì đang ngủ chung với...rắn. Ấy là chưa kể thường xuyên phải chạy thục mạng trốn ong rừng.


        Một căn lều của những người tìm trầm bỏ lại sau khi trở về quê.


        Anh Phạm Văn Tùng (Quảng Ngãi) kể lại: "Tôi thấy trên báo nói có nhiều người trúng trầm trở nên giàu có. Gia đình tôi nghèo nên tôi quyết định thử vận may một chuyến. Mới tối hôm 28/9 này, khi đang ngủ thì bị con rắn cạp nia cắn vào đùi. May mà trong đoàn có anh Quân biết lá chữa rắn cắn chứ không thì tôi bỏ mạng trong rừng này rồi”.
        Sau nửa tháng trời lang thang trong rừng, trầm không có lấy một mảnh, nhưng bệnh tật thì ai cũng mắc. "Đúng là tiền mất tật mang" - ông Long thở dài.

        Vận may chưa thấy, về ôm theo cục nợ

        Nhóm của anh Nguyễn Văn Chung (Đức Phổ - Quảng Ngãi) tâm sự: "Nhóm có 8 anh em cùng quê nghe tin nhiều người trúng trầm có tiền tỷ nên 8 anh em tôi rủ nhau vào đây tìm kiếm mong sao “trời ban vận may”.
        Lang thang trong rừng 17 ngày trời, đi hết rừng này đến suối kia, chặt cả trăm cây cổ thụ, đào cả mấy km đường những chẳng thấy trầm đâu. Nhóm anh Chung, người thì bệnh vì muỗi rừng, vắt rừng, người thì kiệt sức vì ăn uống kham khổ quá, sức khỏe không đảm bảo…”.


        Nhóm anh Long trong căn lều tạm ở bìa rừng.


        "Giữa chốn đại ngàn này ai cũng biết là rất nguy hiểm nhưng những người nông dân như chúng tôi thấy kiếm được tiền nhiều ai chẳng thích, cũng phải bất chấp nguy hiểm mà đi thôi" - anh Hoàng Văn Anh tâm sự.
        Sau 17 ngày lưu lạc trong rừng, nhóm của anh Chung tập kết tại xã Sơ Ró để trở về quê. Mọi chi phí trong chuyến đi này các anh đều đi vay từ những người bạn trong xã.

        Khi trở về, đồ đạc dụng cụ như: mai, cuốc, xẻng, dao, xoong nồi… đều vứt cả lại trong rừng. Những dụng cụ này đều được người đi tìm trầm mua cả triệu bạc thế nhưng khi trở về thì chẳng còn ai đủ sức để mang theo bên mình.


        Dụng cụ, đồ đạc sắm bạc triệu khi về đành vứt lại giữa rừng sâu


        Thế là trầm không tìm được, khi trở về nhiều người mang theo cả cục nợ mà với những người nông dân như họ là khó trả.

        Nhiều người sau khi đi tìm trầm thất bại trở về như anh Chung đều khẳng định một điều, ai tìm được trầm chỉ là do may mắn chứ khi đi tìm rồi sẽ thấy nó gian khổ và thất vọng như thế nào.
        Anh Long bảo: “Từ nay mãi mãi tôi sẽ không bao giờ nghĩ đến chuyện tìm “trầm” để mong đổi đời nữa. Tất cả những ai đang đi tìm trầm như tôi đây đều chỉ nghe tin đồn, mà tin đồn thì chẳng bao giờ có thật”.

        Duyên Linh
        ----------------------------

        Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

        Comment

        • #5



          Ngậm ngải tìm trầm - Thanh Tịnh


          Hôm ấy chúng tôi vào phía rừng Kim Vân gần chân núi Trời để đo mấy khoảnh ruộng tranh mới vỡ. Ðường đi gồ ghề và hóc hiểm lắm đoạn phải lội qua suối nước lên quá lưng quần.

          Chúng tôi đi một dây dài cho có vẻ nhiều và mạnh. Thật ra đường cũng hẹp, không thể đi hàng hai được. Ði trước là người mang hòm máy rồi đến người xách mấy mo cơm nắm và thức ăn. Tôi đi giữa, phía sau tôi là hai người cầm "ra lông" và "mia". Tôi chỉ cầm bản đồ để dò đường nên phải đưa mắt nhìn quanh mãi. Vào giữa trưa, chúng tôi đến đầu địa phận làng Thanh Mỹ. Trời về tiết hạ nhưng may cũng chưa nắng gắt. Có lẽ vì nhờ hơi đá bốc lên cao và khói sương ủ xuống nặng. Trời tuy nắng nhưng thời tiết có vẻ dễ chịu. Qua khỏi đồi thông, am Sơn Thần, trước mắt chúng tôi hòn núi Truồi dựng lên sừng sững, oai nghiêm như một vị linh thần. Sườn núi từ trên cao chạy xuống từng đường trắng, rồi tỏa rộng bốn bề trông như những ngọn thác lùa đá ùn thành đồi.

          Chúng tôi đang loay hoay tìm chỗ ngồi ăn trưa thì may gặp một nền nhà cũ bỏ hoang khá bằng phẳng.

          Chung quanh nền nhà có mấy thanh sắt dựng lên thật cao. Bên tay trái có mấy sợi dây thép dằng qua lại giữa hai cây sắt đã dỉ cùn đầu. Cây bìm bìm tha hồ thả dây leo và đang kết thành một hàng rào lá chạm lọng khá dày. Quái lạ, một hàng rào sắt bao quanh một nền nhà đất sét! Thật là một chuyện lạ ra ngoài tưởng tượng. Hay đây là bãi chiến trường xưa...?

          Tôi đang phân vân muốn biết chuyện hàng rào sắt thì một bà lão thấy chúng tôi ngồi ăn, liền đến đứng xem. Và cũng nhờ bà ta, chúng tôi mới biết câu chuyện sau đây:

          "Xóm Bình Lư hồi ấy có độ trên mười nóc nhà. Xóm ấy thuộc về làng Thanh Mỹ thượng. Họ chuyên nghề vào rừng đốn củi hay đi săn. Cách sinh kế của lớp người này rất đơn giản. Rừng núi đã chu cấp cho họ gần hết vật liệu họ cần dùng. Thiếu gạo đã có ruộng rừng, họ ra công cày cấy lấy. Ðồ ăn phần nhiều là thịt hươu nai ướp muối hay ép thật khô. Thỉnh thoảng họ mới xuống chợ bán củi để mua ít thức cần, phần nhiều là vải, muối hay diêm. Ðời họ ở xa cách thành thị, có tiền nhiều họ cũng không biết sắm thêm gì và không vượt ra khỏi cơm ngày hai bữa. Hy vọng của họ cạn và gần, và nhờ thế rất dễ được mãn nguyện. Trong xóm ấy có hai vợ chồng bác Diệm nhà nghèo nhưng ở với làng nước rất thảo. Bác gái là người làng Ngô Xá ở Quảng Trị. Lấy nhau sáu năm bác gái sinh được một trai và một gái. Thấy trong nhà nhiều miệng ăn, muốn cho vợ con được no ấm, bác trai liền nghĩ cách vào núi tìm trầm. Nhưng tìm trầm rất khó, không phải đôi ba ngày mà tìm ra được. Có khi phải đi đến hàng tuần hàng tháng. Rồi kết quả lắm lúc cũng chẳng ra gì. Ðó là chưa nói phải vào tận trong núi xanh và vượt qua nhiều cánh rừng nguy hiểm. Muốn tránh tai họa, người đi tìm trầm phải ngậm ngải. Theo lắm người kể chuyện, ngải là một thứ củ cây do người Mọi ở Trường Sơn luyện rất công phu. Họ hấp củ cây ngải trong lò mật ong một tháng, để giữa dòng suối chảy một trăm ngày. Ðoạn phải đặt trong tay đủ năm người chết, và đeo trước ngực năm bà già trong đời giữ vẹn tiết trinh. Vẫn chưa hết. Xong phải nhét vào trong cái giò heo để lừa cho hổ ăn. Nghĩa là nếu may thì ngải sẽ nằm trong bụng hổ. Ðoạn phải bẫy cho được con hổ ấy, rồi giết ngay và lấy ngải ra.

          Ngải lúc ấy là một cái bùa thiêng có sức mạnh huyền bí. Ai ngậm nó mà đi vào rừng thì không ăn không uống cũng sống được. Và thú dữ dù đi sát bên cạnh cũng không thấy mình được. Nhưng hạn trong ba tháng mười ngày phải trở về nhà nhả ngải ra. Nếu không thì người ấy sẽ mọc lông, trổ vuốt, thêm nanh và hóa ra hổ thật.

          Chuyện ngậm ngải tìm trầm, thổ dân ở các dải núi miền Trung cho là rất thường. Cái mỉm cười ngờ vực đối với câu chuyện họ nói về sức phi thường của ngải sẽ quyến được cái quắc mắt giận dỗi hay cái trề môi ngạo nghễ của họ ngay vì họ quá tin đến dám xem thường tất cả người nào không chịu tin như họ, nghĩa là không hiểu rõ sức uy hùng bí mật của rừng thẳm núi cao.

          Bác Diệm trai vào rừng đã gần ba tháng nhưng vẫn chưa thấy ra. Bác gái ngày nào cũng nhìn vào núi Truồi để chờ tin tức. Có lẽ chỉ lần này bác trai mới vào rừng lâu nhất. Mấy lần trước bác chỉ đi trong một vài tháng là nhiều. Bác gái ngày đêm lo sợ nhưng cũng không biết làm sao được. Bác liền đi hỏi thăm mấy nhà hàng xóm. Có người an ủi lấy cớ bác Diệm rất thông minh, thế nào bác cũng nhớ về nhà đúng kỳ hạn. Lắm người bông đùa một cách quái ác, là nói bác đã vào tận Bình Ðịnh, Quy Nhơn, rồi lấy vợ bé trong ấy rồi. Bác Diệm gái vẫn trông mong chồng và đêm nào cũng ra phía sau nhà nhìn về phía dãy Trường Sơn bát ngát. Nhưng dải núi thì cao và hùng vĩ quá, không thể đem lại sự yên lành trong tâm hồn chất phác của cô gái quê được.

          Ba tháng mười ngày đã qua từ lâu. Bác Diệm gái lại càng lo sợ hơn nữa. Ðêm nào bác cũng ra đứng giữa sân thẫn thờ nhìn về dãy núi, rồi đến đêm khuya bác với trở vào nhà ngồi khóc rấm rứt.

          Ngày tháng cứ lặng lẽ trôi, rất nặng nề trong lòng người mong đợi. Rồi giữa một đêm trăng mờ cuối thu, Bác Diệm gái bỗng nghe tiếng rú xa xa, đứt quãng rồi kéo dài rất ảo não. Bác Diệm tung chiếu chạy ra sau nhà, tim đập mạnh và tay chân run lập cập.

          Phía xa trên một đồi nhỏ, lọt trong rặng thông lơ thơ, một bóng người đang nhìn về xóm Bình Lư đã từ lâu im lìm trong đêm vắng. Tuy chưa nhận rõ là ai, linh tính đã báo cho bác biết đó là chồng bác, bác Diệm trai. Rồi không suy tính, bác đâm đầu chạy ra, lòng mừng khấp khởi. Nhưng mới chạy được một quãng ngắn, bác đã lạnh người đứng dừng lại. Một tiếng rú nghe lạnh và uất như một người câm cố thét lên để nói được tiếng của loài người.

          Tuy sợ nhưng lòng bác Diệm gái thương chồng mạnh hơn. Bác gắng sức chạy đến chân đồi, cái bóng đen liền chờn vờn đi lại phía bác, hai tay thả lỏng, đầu gật gù lưng cúi lom khom. ánh trăng thu giây bụi vàng nhạt trên mớ tóc dài đen nháy của con người kỳ dị lại làm bác gái giật mình, muốn đứng lại ngay. Giữa lúc ấy bác nhận thấy một manh áo nâu đã rách tươm còn vướng trên cổ người ấy... Thôi rồi! Chồng bác đã gần hóa hổ, bác run sợ và bồi hồi... Nhưng bác cũng cố đứng nhìn và đợi. Cái bóng đen vừa tiến đến vừa rên hừ hừ, như bị ngạt trong cổ. Lúc thoáng thấy cặp mắt chồng đã tròn xoe và hoe sáng như lửa, cằm đã mọc râu dài và thưa, bác Diệm gái liền đi thụt lùi rất gấp. Nhưng bác vấp phải một cành cây nằm ngang ở phía sau. Bác thét lên một tiếng rồi ngã nhào, chết ngất.

          Sáng hôm sau, lúc bừng mắt tỉnh dậy, bác Diệm gái thấy mình đang nằm trên giường nhà. Hỏi mấy người đến thăm, bác mới biết tiếng rú đêm qua, dân xóm đều nghe rõ ràng cả. Họ cũng lần ra phía đồi để xem thì gặp lúc bác nằm chết ngất trên cành cây khô. Mấy người khiêng bác về nhà. Còn những người bạo dạn thì lấy roi hèo đánh đuổi con người quái lạ kia đi. Nghe đến đấy bác Diệm gái mở lớn đôi mắt, băn khoăn hỏi:

          - Dân xóm có đánh người ấy à?

          Một ông lão đáp:

          - Không, chỉ dọa thôi. Thật ra cũng không ai dám đến gần hắn.

          Bác gái nói thầm như để một mình nghe:

          - Chồng tôi đó!

          Nói xong bác ứa nước mắt thở dài một cách ngao ngán.

          Luôn mấy đêm sau, bác Diệm gái ra sau nhà đứng nhìn về phía mấy ngọn đồi nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng chồng đâu nữa. Bác lại trở vào nhà âm thầm nằm đợi nghe tiếng rú.

          Qua tháng sau, một buổi chiều, bác xuống chợ Truồi mua gạo thì bác trai mon men vào nhà. Bác đem theo một buồng chuối hoang và mấy trái cam dại. Hai đứa con mới nhận thấy bác đã khóc vang lên. Bác lo sợ cúi gầm đầu xuống và đưa cam chuối cho chúng ăn. Chúng thấy người ấy không làm gì hại và còn cho ăn tử tế thì ngồi yên lặng ngay.

          Bác Diệm trai muốn vuốt ve con, nhưng tay bác sờ đến đâu, áo quần của hai đứa nhỏ rách toang đến đấy. Thì ra móng tay bác đã sắc và nhọn lắm rồi.

          Thừa lúc đứa con trai quay mặt nhìn ra sân bác Diệm liền thè lưỡi liếm đầu nó. Bác muốn tỏ vẻ yêu mến con, lòng bác còn là lòng người, nhưng chao ôi, cử chỉ của bác đã nhuộm đầy vẻ thú. Lưỡi bác đã rám và sắc hơn dao rồi. Chỉ đưa đi đưa lại mấy cái, tóc đứa con đã rụng tua tủa. Hai đứa con sợ quá, liền bỏ chạy ra sân la lớn. Cũng ngay lúc ấy bác Diệm gái đi chợ về. Thấy chồng lông đầy người và mầu lông đã hơi vàng, hai tay trước thòng gần chấm đất và nanh trắng nhe ra ngoài môi, bác Diệm gái cũng hoảng hốt la tiếp.

          Nghe tiếng ồn ào, dân quanh xóm liền chạy đến và đuổi con vật nửa người nửa thú chạy bán sống bán chết vào rừng. Muốn che chở người cô quả, dân xóm Bình Lư xuống xin mấy người làm đường xe lửa ở gần ga Truồi một chục thanh sắt và mấy sải dây thép về làm một cái hàng rào vây quanh nhà bác Diệm gái. Từ đó bác Diệm trai không dám bén chân về nhà nữa.

          Nhưng qua mùa xuân sau, cũng một đêm trăng mờ như bảy tháng trước, bác Diệm gái lại nghe tiếng rú kinh hồn trên đồi thông vắng. Bác liền vội vã chạy ra sau nhà. Trong bầu ánh sáng nhạt, nhuộm sương khuya, bác Diệm thấy một bóng người - không, một con vật thì đúng hơn - chụm mạnh bốn chân xuống đất, ngẩng đầu lên cao, đang đăm đăm nhìn về phía bác. Thôi thế là hết! Chồng bác đã hoàn toàn hóa hổ... Bác ôm mặt khóc rất thê thảm. Con hổ cũng rú lên một hơi dài như để đáp lại tiếng lòng của vợ. Tiếng rú nghe lạnh và buồn.

          Ðoạn con vật quay mình lẳng lặng đi vào phía núi Truồi, rồi biến dần trong ánh trăng xanh nhạt.

          Dãy núi Truồi từ đó đã như một bức thành kiên cố chia đôi tình nhân loại với cảnh huyền bí của sơn lâm.
          Tôi khám phá ra bí mật của đại dương khi suy niệm về một giọt sương mai.

          Comment

          • #6


            Cây trầm hương hai thân với những "giọt nước mắt" kỳ lạ.

            “Vua kỳ nam xứ Nẫu” và cây dó bầu 160 năm tuổi

            02/10/2010 16:55





            Nghệ nhân Võ Hiệp bên tác phẩm “Nam Bắc một nhà”


            Võ Hiệp quê ở xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, được phong “Vua kỳ nam xứ Nẫu” vì đã trúng đậm kỳ nam và trở thành “tỉ phú”.
            Cũng từ đây, ông “rửa tay gác kiếm”, từ bỏ nghề đi địu (đi tìm trầm, kỳ nam), nhưng có lẽ vẫn còn “duyên số” với trầm hương nên mấy năm qua, Võ Hiệp đã lặn lội đến tận vùng rừng biên giới để tìm cây dó bầu có thân đôi hàng trăm năm tuổi làm nguyên liệu cho tác phẩm dự triển lãm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

            Lặn lội tìm trầm hương
            Sau đợt trúng đậm kỳ nam đó, tui bỏ hẳn nghề đi địu vì sức khỏe không còn như ngày trước nên khó mà kham nổi điều kiện khắc nghiệt của núi rừng. Nhưng tui vẫn mê trầm hương nên quyết định lên tận biên giới để tìm trầm hương làm nguyên liệu cho tác phẩm dự triển lãm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”, Võ Hiệp mở đầu câu chuyện hành trình đi tìm cây dó bầu có thân đôi hàng trăm năm tuổi làm nguyên liệu cho tác phẩm “Nam Bắc một nhà” mà ông vừa hoàn thành.

            Trước khi lao vào chế tác các tác phẩm bằng cây dó bầu có trầm hương, Võ Hiệp đã có thú đam mê sưu tầm đá cảnh và đã sưu tập được hàng trăm tác phẩm. Trong giới chơi đá cảnh, ông được xếp vào tốp đầu ở Phú Yên, nhưng đó chưa phải là niềm đam mê thật sự. Cuộc đời Võ Hiệp đã có 30 năm gắn bó với nghề đi địu nên trong ông luôn thường trực suy nghĩ “nguyên liệu chủ đạo cho các tác phẩm nghệ thuật phải là cây trầm hương, như vậy mới xứng danh Vua kỳ nam xứ Nẫu”.
            Vậy là, Võ Hiệp bắt đầu hành trình đi tìm cây dó bầu có trầm hương để chế tác tác phẩm mà ông đã ấp ủ bấy lâu.

            Bây giờ, rừng ở Việt Nam không còn những cây dó bầu có độ tuổi hơn 100 năm, đặc biệt là những cây đã có trầm hương. Tui phải lặn lội từ Nam ra Bắc, nhiều lần đi nhưng đành về tay không. Tui có tâm huyết và ước nguyện phải có được tác phẩm làm bằng trầm hương tham dự Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội để khỏi phụ lòng người đời phong tặng cho tui danh hiệu Vua kỳ nam xứ Nẫu. Điều này đã thôi thúc tui không ngại gian khó sang tận những cánh rừng biên giới Campuchia để sưu tầm. Nhưng phải nói là tui có duyên với trầm hương nên chỉ hơn ba năm đã tìm gặp được cây dó bầu hơn 160 năm tuổi rất ưng ý”, Võ Hiệp chia sẻ.


            Trầm hương trong cây dó bầu của tác phẩm “Nam Bắc một nhà”


            Cây dó bầu có trầm hương mà Võ Hiệp nói đến có độ tuổi trên 160 năm, là cây thân đôi cao 6,8m, chu vi thân lớn là 2,1m, chu vi thân nhỏ 1,8m thuộc loại “hàng hiếm”.
            Anh Nguyễn Trường Đăng, ở xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa, Phú Yên, một “cao thủ” cũng đã có hơn 30 năm trong nghề đi địu, đã "ngã mũ" thán phục khi nhìn thấy cây dó bầu Võ Hiệp mang về.

            Cây dó bầu của Võ Hiệp làm nguyên liệu để chế tác ra tác phẩm “Nam Bắc một nhà” thuộc hàng hiếm mà tôi chưa từng thấy. Bởi hiện nay, cây dó bầu ở những cánh rừng Việt Nam cũng chỉ có tuổi hơn 60 năm nhưng phần lớn là thân đơn. Điều đặc biệt là cây dó bầu của Võ Hiệp là thân đôi, lại có hàng trăm năm tuổi nên rất khó tìm thấy”, Nguyễn Trường Đăng cho biết.

            Thổi hồn vào trầm hương
            Cây dó bầu thuộc hàng hiếm nếu lọt vào tay người đi địu bình thường thì nó chỉ đơn thuần là trầm hương vô hồn và trở thành hàng hóa. Nhưng với lòng nhiệt huyết, cộng với con mắt của một nghệ nhân và đôi tay khéo léo, Võ Hiệp đã thổi hồn vào cây dó bầu có trầm hương với ý tưởng ban đầu tên của tác phẩm là “Nước Giọt”.
            Trong Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Ban tổ chức đã giao cho tỉnh Phú Yên 500m2 để trưng bày 300 tác phẩm sinh vật cảnh gồm các thể loại: cây cảnh nghệ thuật (bonsai), gỗ mỹ nghệ, đá cảnh tự nhiên sông Ba Hạ, gỗ lũa và đá bán quí.

            Vì đã có ý tưởng từ trước nên khi có nguyên liệu, “Vua kỳ nam xứ Nẫu” cùng một người cháu bắt tay vào việc chế tác.
            Tui bắt đầu phác họa tác phẩm ra giấy cho đến khi ưng ý mới bắt tay vào chế tác. Vì là loại cây quí, hơn nữa, một tác phẩm “độc” phải luôn tôn trọng dáng tự nhiên nên tôi chỉ gọt giũa những nơi cần phải chỉnh sửa nhưng không được mắc sai lầm, nếu sai lầm thì không thể tìm đâu ra cây dó bầu thứ hai để thay thế. Tui phải cẩn trọng từng chi tiết nhỏ và cũng phải mất hơn sáu tháng tác phẩm mới hoàn thành”, Võ Hiệp tiết lộ.

            Tác thẩm “Nước Giọt” có ý nghĩa gì? Võ Hiệp giải thích: “Tác phẩm là cây dó bầu thân đôi, một thân cao và một thân thấp để nói lên tình huynh đệ đồng cảm, thương yêu gắn bó với nhau. Vì quê tôi ở miền Trung gắn liền hai miền Nam và Bắc nên tôi gửi mong muốn những người Việt Nam hãy thương yêu, cùng nhau xây dựng đất nước ngày càng phát triển phồn vinh”.
            Để làm tác phẩm “Nước Giọt” nổi bật hơn, Võ Hiệp còn sắp đặt hai cây dó bầu thân đơn có trầm hương đi kèm theo hai bên. Nhờ vậy, tác phẩm “Nước Giọt” đã tăng thêm giá trị mỹ thuật lẫn độ hoành tráng.


            Bộ rễ của cây dó bầu có trầm hương mà Võ Hiệp chế tác thành tác phẩm “Nam Bắc một nhà”


            Ông Nguyễn Trọng Đoan - Chủ tịch Hội sinh vật cảnh Phú Yên cho biết: “Tác phẩm cây dó bầu có trầm hương của Võ Hiệp đại diện cho tỉnh Phú Yên tham dự Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội nên ngoài việc nguyên liệu đặc sắc thì tên tác phẩm cũng phải nổi bật để tôn vinh tác phẩm. Lúc đầu, nghệ nhân Võ Hiệp đặt tên tác phẩm là “Nước Giọt”, nhưng sau đó anh em trong hội đã cùng bàn với tác giả thống nhất đặt tên tác phẩm là “Nam Bắc một nhà” với hàm ý dân tộc Việt Nam là một, dù rằng trong quá khứ có lúc hai miền đất nước chia cắt song cuối cùng đất nước thống nhất độc lập, Nam - Bắc một nhà. Đây là tác phẩm đặc biệt lần đầu tiên tôi nhìn thấy”.
            Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 19-10-2010, 08:22 PM.
            ----------------------------

            Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

            Comment

            Working...
            X
            Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom