Huế
Lạp Chúc Nguyễn Huy
Văn hiến thiên niên quốc,
Xa thư vạn lý đồ.
Hồng Bàng khai tịch hậu,
Nam phục nhất Đường Ngu[1]
(Thơ trên điện Thái Hoà)
Lạp Chúc Nguyễn Huy
Văn hiến thiên niên quốc,
Xa thư vạn lý đồ.
Hồng Bàng khai tịch hậu,
Nam phục nhất Đường Ngu[1]
(Thơ trên điện Thái Hoà)
Xứ Huế[2] hình thành sau khi công chúa Huyền Trân[3] về Chiêm quốc (1306) mang theo con cháu vào châu Ô, châu Lý. Gần 3 thế kỷ sau, Thuận Hóa trở thành thủ phủ của nhà Nguyễn.
Suốt mấy thế kỷ, bao nhiêu tinh hoa của dân tộc kết tụ ở đây thành một trung tâm văn hóa như một bức tranh tranh tuyệt vời với sông Hương[4], núi Ngự, thành quách, cung điện vàng son, đền chùa cổ kính, lăng tẩm uy nghiêm u tịch, thắng cảnh thiên nhiên đầy thơ mộng.
Trong gần bốn thế kỷ (1558-1945), xứ Huế - Thuận Hóa - Phú Xuân từng là trung tâm chính trị - văn hóa nên Huế đã có quá trình hội tụ, bồi đắp, kết tinh các sắc thái văn hóa của cả nước thành «Văn hóa cung đình » được ví như một vườn hoa văn hóa muôn mầu muôn sắc. Vườn hoa này đã được mô tả trong nhiều tác phẩm nổi tiếng cho nên trong khuôn khổ du khảo thăm Huế, chúng tôi muốn:
- Giới thiệu sơ lược các sắc thái văn hóa đặc thù đã được UNESCO vinh danh là
- Trình bày chi tiết một góc đặc thù của văn hóa Huế. Đó là một số sáng tạo văn hóa thuần Việt như Áo dài, Nón Huế, Cơm vua, Cầu Trung Đạo, Kiến trúc được ngọn gió văn hóa cung đình thổi vào đời sống văn hóa của dân gian từ Bắc chí Nam. Mỗi sáng tạo văn hóa thuần Việt này được trình bày chi tiết trong một bài viết riêng biệt:
- Áo dài ngũ thân được Chúa Nguyễn Phúc Khoát khai sanh và nay mặc nhiên trở thành quốc phục của toàn dân,
- Cầu Trung Đạo là tấm gương giáo dục của muôn đời,
- Cơm vua là một tia sáng rọi vào văn hóa ẩm thực,
- Kiến trúc làm mẫu mựctừ nhà rường (Huế) đến nhà xuyên trính trên đồng bằng Cửu Long.
- Nón Huế nay được đội khắp nơi như biểu tượng thống nhất của dân tộc.
Mộc bản, châu bản, thơ văn trên kiến trúc
Mộc bản
Mộc bản là những văn bản chữ Hán-Nôm gồm 34.618 tấm gỗ quý được khắc ngược chữ Hán và chữ Nôm (giống như khắc con dấu), sau đó quét mực rồi ép mặt in ra giấy để nhân bản tài liệu nhằm phổ biến rộng rãi ra công chúng các chuẩn mực xã hội, các điều luật bắt buộc thần dân tuân thủ. Mộc bản cũng là những bản khắc lưu truyền công danh, sự nghiệp của các bậc vua chúa, các sự kiện lịch sử, các biến cố thời cuộc, các cuộc tiểu trừ giặc dã.
Năm 2003, mộc bản được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới[5]
Mộc bản
Mộc bản
Châu bản
Châu bản là văn bản hành chính của triều Nguyễn. Châu bản triều Nguyễn tập hợp toàn bộ các văn bản hành chính của triều Nguyễn từ khi vua Gia Long lên ngôi (1802) cho đến khi vua Bảo Đại thoái vị (1945). Châu bản bao gồm các tập tấu, sớ, phụng thượng dụ, chiếu, chỉ dụ, tư trình, bẩm, truyền, sai, phó, khiển... được đích thân vua ngự lãm hoặc ngự phê bằng mực màu son, truyền đạt ý chỉ hoặc giải quyết các vấn đề chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Châu bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới năm 2014.
Châu bản
Châu bản
Thơ văn trên kiến trúc
Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là một phong cách riêng trong trang trí kiến trúc cung đình[6] không có ở những nơi khác trên thế giới[7]. Hệ thống di sản thơ văn này là một bảo tàng sống động, độc đáo, chuyển tải những thông điệp lịch sử, văn hóa và nghệ thuật đặc sắc một giai đoạn trong lịch sử cận đại của Việt Nam.
Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được UNESCO công nhận năm 2016
Nhã nhạc cung đình
Ngày 7/11/2003, nhã nhạc[8] cung đình được UNESCO ghi tên vào danh sách kiệt tác di sản phi vật thể [9] (Intangible cultural heritage) của nhân loại. Theo đánh giá của UNESCO, "trong các thể loại nhạc cổ truyền ở Việt Nam, chỉ có Nhã nhạc đạt tới tầm vóc quốc gia" [1]. "Nhã nhạc đã được phát triển từ thế kỷ 13 ở Việt Nam đến thời nhà Nguyễn thì Nhã nhạc cung đình Huế đạt độ chín muồi và hoàn chỉnh nhất".
Nhã nhạc cung đình Huế là thể loại nhạc của cung đình thời quân chủ, được biểu diễn vào các dịp lễ hội trong năm (vua đăng quang, băng hà, các lễ hội tôn nghiêm khác) của triều đại nhà Nguyễn.
Thời Gia Long (1802 -1819), một tổ chức âm nhạc cung đình lớn được thành lập gọi là Việt Tương Đội gồm 200 nghệ nhân. Vua lại cho dựng đài Thông minh, một sân khấu ca múa nhạc và hát bội trong cung Ninh Thọ.
Vào thời kỳ 1820-1840, vua Minh Mạng cho xây dựng Nhà hát lớn Duyệt Thị Đường (1824), đổi Việt tương đội thành Thanh bình thự, lập thêm một Đội nữ nhạc với 50 ca nữ, vũ nữ, lại cho xây dựng từ đường thờ các tổ sư nghệ thuật âm nhạc và hát bội Huế: Thanh Bình từ đường (1825). Trước từ đường dựng một tấm bia[10], một sân khấu hát bội và ca vũ nhạc.
Năm1832, vua Minh Mạng qui định nhã nhạc là âm nhạc chính xử dụng trong các lễ chính của triều đình nhà Nguyễn (lễ nhạc). Nhã nhạc có 4 thành phần:
- Âm điệu tức nhạc khúc
- Nhạc chương tức là lời,
- Vũ khúc (múa),
- Nhạc khí
Về thành phần nhã nhạc thì có : Đại nhạc (nhạc khí lớn, âm thanh lớn) tiểu nhạc (nhạc khí nhỏ).
Nhã nhạc bắt đầu tấu bằng 3 tiếng chuông, 3 tiếng trống và chấm dứt tấu nhạc bằng 3 tiếng khánh.
Đến đời Tự Đức (1841-1883), âm nhạc cổ điển, nhã nhạc cung đình và hát bội cung đình đạt tới đỉnh cao[11].
Ảnh hưởng nhã nhạc lên nhạc dân gian
Nhã nhạc cung đình là nguồn gốc của nhạc lễ Nam Kỳ, nhạc tài tử Nam Kỳ và nhạc lễ của Đạo Cao Đài.
Nhạc lễ Nam Kỳ bắt nguồn từ nhạc cung đình Huế, nhưng qui mô, cấu trúc dàn nhạc và hệ thống bài bản[12] có phần đơn giản hơn. Đối tượng phục vụ của nhạc lễ Nam Kỳ là quan[13], hôn[14], tang[15], tế[16]. Đối tượng dâng lễ là ông bà tổ tiên.
Ngày 5-12-2013, tại thành phố Baku của nước cộng hòa Azerbaijan, UNESCO công nhận đờn ca tài tử Nam Kỳ vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo các nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc, bài bản, hơi điệu, nhịp điệu của nhạc tài tử Nam Kỳ đều bắt nguồn từ các loại nhạc: cung đình, thính phòng Huế, nhạc lễ, nhạc sân khấu hát bội và dân ca Nam Kỳ.
Quần thể di tích cố đô
Ngày 11/12/1993 quần thể di tích cố đô được UNESCO công nhận di sản văn hóa vật thể[17] của thế giới. Quần thể gồm chính yếu là Hoàng thành Huế và lăng tẩm.
Hoàng thành Huế
Hoàng thành Huế gồm ba lớp thành : kinh thành, hoàng thành, tử cấm thành.
Hoàng thành Huế khởi đắp tháng tư năm Ất Sửu (1805) cho đến năm 1824 mới hoàn tất.
Năm 1802, Huế là kinh đô của toàn quốc, tụ hợp nhân tài, nhân lực cả nước tạo nên trung tâm văn hóa : « văn hóa cung đình » có cấu trúc mang bản sắc độc đáo qua các yếu tố văn hóa sau.
Hệ thống thành quách được kiến trúc hòa hài với khung cảnh thiên nhiên sông núi. Xuyên suốt cả ba tòa thành là con đường Dũng đạo tức đường của khí mạch nhập vào đầu Rồng (Long nhập thủ) tức trục Dũng đạo[18]. Con đường này chạy từ sông Hương[19], Nghinh Lương Đình, Phú Văn Lâu, Kỳ đài, Ngọ Môn, điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, điện Càn Thành, cung Khôn Thái, lầu Kiến Trung… Hai bên đường Dũng Đạo là hàng trăm công trình kiến trúc bố trí hòa hài trong bố cục.
Hoàng thành được bố trí bảo vệ bốn mặt bởi ba trấn : Trấn Bình Đài án ngữ cửa sông, Trấn Hải Thành trấn giữ mặt biển, Hải Vân Quan án ngữ đường bộ phía Nam, Đàn Nam Giao (tế trời), đàn Xã Tắc[20], Hổ quyền (tranh đấu giữa voi-hổ), Văn Miếu, Võ Miếu…
Hoàng thành còn được bảo vệ bởi phong thủy: núi Ngự (cao104 M), dùng làm tiền án, Sông Hương làm minh đường[21], Cồn Hến và cồn Dã Viên trên sông Hương làm tả thanh long, hữu bạch hổ…
Hoàng Thành còn được tô điểm bởi những khu vườn Ngự[22] nổi tiếng như Ngự Viên, Thư Quang, Thường Mậu, Trường Ninh… Những vườn Ngự này định hình cho kiểu thức nhà vườn ở Huế tạo nên « Thành phố vườn, thành phố thơ », thế giới của thi nhân mặc khách. Mỗi khu nhà vườn tạo tác như kinh thành Huế thu nhỏ cũng có bình phong thế núi Ngự, bể nước minh đường thế sông Hương, đôi tảng đá cụm hoa thay cho cồn Dã Viên, Bộc Thanh (tả thanh long, hữu bạch hổ) cho đủ tiền án (núi Ngự), hậu chẩm (sông Hương), tả long, hữu hổ.
Hệ thống lăng tẩm
Nói đến Huế, sau Hoàng Thành là hệ thống lăng tẩm bao gồm lăng Gia Long (Thiên Thụ Lăng), lăng Minh Mạnh (Hiếu Lăng), lăng Tự Đức (Khiêm lăng), lăng Thiệu Trị (Xương lăng)… Thành phố Huế đã điều hòa tuyệt diệu sự phồn hoa với cảnh u tịch trang nghiêm của lăng tẩm.
Trong tạp chí Nam Phong năm 1918, Thượng Chi viết :« Lăng đây là cả màu trời sắc nước, núi cao, rừng rậm, gió thổi ngọn cây, suối reo hang đá. Lăng đây là bức cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp ghép vào một cảnh nhân tạo tuyệt vời. Lăng đây là cái nhân công tô điểm sơn hà, gợi nên tâm hồn não nùng, u uất như phảng phất trong cung điện âm thầm, như rì rào trên ngọn thông hiu hắt….nhưng không đâu có cái công dụng đặt của người ta với cái vẻ thiên nhiên của trời đất khéo điều hòa nhau bằng ở đây, cung điện, đình tạ cũng một màu, một sắc như núi non, như cây cỏ, tưởng cây cỏ ấy , núi non ấy, phải có đình tạ ấy, cung điện ấy mới là xứng, mà cung điện ấy, đình tạ ấy, phải có núi non ấy, cây cỏ ấy mới là hợp vậy ».
Còn sử gia Charles Patris viết về lăng tẩm như sau:
…Ces rois d’Annam très sages,
Qui font sourire la mort
Au décor
De familiers paysages
Foulon thì viết: Le deuil sourit, la joie soupire (Tóc tang cười nụ, vui mừng thở than)
Trong tạp chí Bulletin des Amis du Vieux Hue (B.A.V.H), có nhiều đề tài chuyên biệt về lịch sử Huế, cố đô Huế, văn thơ Huế, phương ngữ Huế, nhã nhạc, văn hóa cung
đình… của những tác giả tên tuổi như Thái Văn Kiểm, Phạm Quỳnh, Lê văn Hảo…
Cửa Ngọ Môn
Lầu Ngũ Phụng[23]
Ngai Vua tại Điện Thái Hòa
Cửu đỉnh[24]
Chùa Thiên Mụ
Sông Hương
Lăng Minh Mạng
Lăng Tự Đức
Núi Ngự Bình[25]
Thông reo Núi Ngự,
man mác sầu Thiên Mụ,
Tiếng chuông Thiên Mụ dặn dò,
Em đi cảnh vắng hẹn hò cùng ai ?
Để kết luận về vai trò văn hóa của Huế, chúng tôi mượn lời của ông Amadou MarltarM’bow, nguyên tổng giám đốc UNESCO :« Nhưng Huế không phải chỉ là mẫu mực về kiến trúc mà còn là một cao điểm về tinh thần và một trung tâm văn hóa sôi động. Ở đó đạo Phật và đạo Khổng đã thấm sâu, hòa nhuyễn vào truyền thống địa phương, nuôi dưỡng một tư tưởng tôn giáo, triết học và đạo lý hết sức độc đáo ».
Cái cảnh « Văn hiến kinh kỳ » nên thơ đó đã bị nội chiến Quốc-Cộng hủy hoại một phần lớn rồi sau năm 1975, các cung điện lăng tẩm được chính quyền cộng sản xử dụng làm nhà kho, làm cơ quan xí nghiệp truyền thanh, làm nhà in Bình Trị Thiên, làm Đại học tại chức, làm nhà tập thể của cán bộ công nhân viên nhà Nước, đàn Nam Giao được cải tạo làm đài liệt sĩ…
May sao nhờ UNESCO công nhận Huế là di sản của nhân loại mà Huế mới từ từ tìm lại bản sắc Huế.
Hỏi nay ai còn lo lắng cho bức tranh thơ mộng tuyệt vời của Huế? Chính khung cảnh thiên nhiên, môi trường địa lý đồi núi, sông ngòi, biển cả, truyền thống văn hóa và di tích lịch sử chung phần vẽ nên một bức tranh toàn cảnh về Huế. Từ đồi Vọng Cảnh, có thể nhìn dòng sông Hương xanh biếc quanh co giữa các ngọn đồi tả hữu. Người xưa coi đồi Vọng Cảnh là con mắt thần, là nơi hội tụ khí thiêng sông núi, có âm phần thiêng liêng26. Thế mà giữa bức tranh tuyệt mỹ đó, năm 2005, công ty du lịch Huế cho phép công ty khách sạn lớn Hòa Lan-Áo Project BV xây một khách sạn cao tầng ngay trên đồi Vọng Cảnh. Trước sự chống đối của dân chúng, dự án xây khách sạn phải ngừng nhưng dân đất Thần Kinh vẫn còn lo lắng vì Huế còn nhiều địa điểm ngoạn mục dưới con mắt kiếm tiền của các công ty khách sạn ăn thông với sự bao che đồng lõa của quan chức tham nhũng.
Vịnh phong thủy Huế
Dòng thơm (sông Hương) xuất hiện tự bao giờ?
Dành để Nguyễn triều lập đế đô.
Hương thủy tượng trưng nguồn long mạch,
Ngự bình hình dáng bóng hổ mơ.
Vọng cảnh bao la thiên địa hội,
Thiên Mụ đất linh trấn cõi bờ.
Nguyễn Phước mãi còn trong di tích,
Duyên lành Phong thủy dựng cơ đồ.
Thanh Thủy
Lạp Chúc Nguyễn Huy
*****
Chú thích:
----
[1] Nước ngàn năm văn hiến, Thống nhất muôn dặm xa. Từ Hồng Bàng mở cõi, Trời nam một sơn hà. Bản dịch khác:Nước ngàn năm văn hiến,Thống nhất toàn giang san,Từ buổi đầu lập quốc, Đã thịnh trị trời Nam.
[2] Huế đọc trại ra từ chữ Hóa (Thuận Hóa)
[3] Hàng năm có lễ hội Huyền Trân tại đền thờ Huyền Trân Công Chúa trên núi Ngũ Phong tại Huế
[4] Xưa gọi là sông Lô Dung, Linh Giang, hay sông Dinh, nay tên Hương do mùi thơm tinh khiết của những sâm rừng, xương bồ
(Acorus Gramineus) mọc khắp vùng.
[5]Còn gọi là Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO ra đời từ năm 1994. Mục đích của chương trình là để ghi nhận các di sản
văn hóa thuộc dạng tư liệu (Documentary Heritage) trên thế giới, đó có thể là cuốn sách, bộ phim, bức ảnh, giọng nói (băng ghi âm),
hay là bút tích.
[6] Bài thơ văn thường được trang trí theo lối “nhất thi nhất họa” hoặc “nhất tự nhất họa” Ngày 19.5.2016, tại Hội nghị toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (viết tắt là MOWCAP), thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế đã được công nhận là Di sản Tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
[7] Hiện trên kiến trúc cung đình Huế còn 2.967 ô thơ văn chạm khắc, sơn thếp trên gỗ, 146 ô thơ văn viết tráng men pháp lam và 88
đơn vị ô hộc, câu đối, bài văn đắp ngõa sành sứ. Một phần lớn các bài thơ đã được dịch bởi GS Huỳnh Minh Đức, cựu giảng sư Đại
Học Văn Khoa Sài Gòn. Ngày 19.5.2016, tại Hội nghị toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á -
Thái Bình Dương (viết tắt là MOWCAP), thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế đã được công nhận là Di sản Tư liệu thuộc Chương
trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
[8] Nhã nhạc là bản nhạc được tấu lên đúng lúc lễ nghi của triều đình thí dụ như lúc tế Nam Giao
[9] Di sản phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử,
văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng
truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác.
[10] Văn bia cho biết vào đời Minh Mạng, nghệ thuật âm nhạc và sân khấu đã phát triển tốt đẹp:" Vũ đài xuân rạng hàng ngũ chỉnh tề,
sân khấu mây lồng âm thanh dìu dặt (...) Khánh chuông ra lệnh xướng hòa, kèn trống nhịp nhàng đánh thổi (...) Trải mấy triều vương
đều khuyến khích, Biết bao âm nhạc thảy dồi dào (...) Giữa điện đình ca múa, tỏ điềm thái vận nước nhà; Trên lăng miếu xướng hòa,
ngưỡng đức cao thâm biển núi... (bản dịch của Ưng Dự).
[11] Tương truyền chính Tự Đức đã sáng tác bản nhạc Tứ đại cảnh nổi tiếng. Say mê thơ, nhạc và hát bội hơn chính trị, vua lập nên
Hiệu thơ phòng để cùng các danh nho trong triều đình xướng họa thơ văn, thưởng thức âm nhạc, sáng tác hay nhuận sắc các vở hát
bội. Nhà thơ và nhà soạn tuồng lỗi lạc thời Tự Đức là Đào Tấn (1845 - 1907)
[12] Bài bản âm nhạc trong nhạc lễ cơ bản gồm có 10 bài, 3 bài Nam: Nam Xuân, Nam Ai, Nan Đảo và 7 bài Cò (nhạc viết cho đờn
Cò) gồm: Xàng Xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá, Tiểu khúc. Nhạc lễ có vai trò rất quan trọng trong
sự hình thành nhạc tài tử Nam Kỳ
[13] Quan là cái mão, mũ ngày xưa người con trai đến 20 tuổi được coi như tuổi trưởng thành phải làm lễ gia quan (gia = thêm; quan =
cái mão) tức lễ đội mão, người con trai đặt cho mình một tên tự, (tên chữ). Cũng như người con gái từ 15 đến 20 tuổi phải làm lễ gia
kê (gia = thêm, kê = cây trâm) còn gọi cập kê tức lễ cài trâm lên tóc, tuổi có thể lấy chồng. Chủ trì hai lễ này là ông nội hoặc cha hay
người trưởng tộc của đương sự. Không gian hành lễ là bàn thờ gia tiên ở từ đường của dòng họ
[14] Hôn là đám cưới. Khi cử hành lễ nghinh thân tức lễ rước dâu, họ nhà trai đem ban nhạc đến họ nhà gái đón kiệu hoa của cô dâu.
Sau đó, tại họ nhà trai người trưởng tộc làm lễ thượng đăng (lễ lên đèn). Lễ nhạc được cử hành trước bàn thờ gia tiên, tiếp đó là lễ tơ
hồng trước bàn Điện nhạn đặt giữa sân nhà. Khi khách nhập tiệc chỉ còn ban nhạc hòa tấu giúp vui.
[15] Tang. Người mất phải là người có công khai cơ lập nghiệp cho địa phương hoặc có đức cao vọng trọng thì mới có lễ nhạc, người
dân bình thường thì chỉ có nhạc, không gian hành lễ là phía trước quan cữu người quá cố.
[16] Tế là cúng ở cấp độ cao, có nghi thức, có lễ nhạc. Ngoại trừ các đại lễ ở cung đình, lễ nhạc dùng trong những cuộc cúng lớn đều
gọi là tế, như các lễ lớn ở đình, miếu, các đám giỗ hội ở những gia tộc lớn có công với làng nước, các lễ đáo tuế, mừng thọ…
[17] Di sản văn hoá vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, bao gồm di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng
cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia
[18] Tại lăng, đền đình thờ Thần, trục tâm thì gọi là thần đạo, linh đạo
[19] Theo kể lại thì nước sông Hương có mùi thơm tỏa ra từ “Thạch Xương Bồ”, còn có tên gọi khác là “Ngoại Xương Bồ” (Acorus
Gramineus) xưa kia mọc nhiều hai bên bờ.
« Cộng ẩm Hương Giang thủy,
Vô nhân thức thủy hương »
Đào Tấn
(Cùng uống nước sông Hương mà không ai biết được hương thơm của nước)
[20] Xã 社: nền xã thờ Thần Đất, Tắc 稷: nền tắc thờ lúa Thần Tắc. Ngày xưa, lễ xã tắc vì vua cần đất ban cho dân (Thần Đất) và ban
giống ngũ cốc (Thần Tắc). Cứ đầu mùa xuân, vua ngự đến tế Thổ Thần (Thần Xã) và Thần Lúa (Thần Tắc). Năm 1906, vua Gia long
cho xây đàn xã tắc tại phường Thuận Cát bây giời. Tại đàn xã tắc ở tỉnh, quan Bố Chánh thay mặt vua hành lễ, Tế xã tắc xong, quan
Khâm Mạng cầy một luống ở sở tịch điền để làm hiệu mở đầu nông vụ. Xã tắc dùng để chỉ một quốc gia :Xã tắc lưỡng hồi lao thạch
mã, Non sông thiên cổ vững âu vàng. (Vua Trần Thánh Tôn) Trần Trọng Kim dịch : Xã tắc hai phen bon ngựa đá, Non sông thiên cổ
vững âu vàng.
[21] Minh đường là ánh sáng rực rỡ
[22] Vườn Ngự, tức vườn hoàng gia (khoảng 30 khu vườn ngự) với những phong cách riêng rất đặc sắc.được xây dựng cả bên trong và
bên ngoài hoàng cung, in dấu ấn của những bàn tay nghệ nhân tài hoa nhất về nghệ thuật đắp giả sơn, tạo mặt nước, tạo cây kiểng và
xây dựng các kiến trúc nghệ thuật.
[23] Gọi là lầu Ngũ Phụng vì toà nhà được ví như 5 con chim phụng hoàng đang đậu liền nhau.
[24] Cửu Đỉnh của nhà Nguyễn là chín cái đỉnh bằng đồng đặt ở trước Hiển Lâm Các đối diện với Thế Miếu
[25] Núi Ngự Bình (御屏), gọi ngắn gọn là núi Ngự, trước có tên là Hòn Mô hay Núi Bằng (Bằng Sơn); là một hòn núi đất cao 103 m ở
bờ phải sông Hương (giữa Cồn Hến và Cồn Giã Viên)
[26] Trước đây có đề nghị xây « Vọng Cảnh Lâu » cho cựu hoàng Bảo Đại, nhưng khi các lão thần đến khấn vái thì đã chạm một phiến đá có ghi hàng chữ « Vọng Cảnh vong thần, Thất thân khiếm thị » (Ai phá hủy đồi Vọng Cảnh thì sẽ bị liên lụy điên khùng(thất thần) và đui mù (khiếm thị).