Máy thở là gì? Khi nào bệnh nhân Covid-19 cần đến máy.
Virus corona đang khiến hệ thống chăm sóc y tế toàn cầu chao đảo, và một loại thiết bị y tế có vai trò quan trọng trong việc giữ mạng sống cho nhiều người lại đang rơi vào tình trạng khan hiếm: máy thở cơ khí.
Máy thở giúp các bệnh nhân không thể tự thở bình thường bằng cách bơm không khí vào phổi họ thông qua một đường ống được phẫu thuật nối trực tiếp vào khí quản. Bởi Covid-19, dịch bệnh gây ra bởi virus corona, ảnh hưởng lên hệ hô hấp, nên số lượng các bệnh nhân nhập viện cần sự trợ giúp từ máy thở đã tăng vọt kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Hầu hết các bệnh viện tại Mỹ có đủ máy thở để phục vụ bệnh nhân trước đại dịch – theo lời bác sỹ Albert Rizzo, Giám đốc Y tế tại Hiệp hội Phổi Mỹ. Nhưng hiện nay, nhiều người đang lo sợ chúng sẽ sớm cạn kiệt.
"Đây là một căn bệnh cướp đi sinh mạng con người thông qua bệnh hô hấp. Họ không chết vì tim ngừng đập, họ không chết vì sốc. Họ chết vì không thể đưa oxy vào máu, và điều đó khiến các cơ quan khác ngừng hoạt động theo" – Rizzo nói.
Chúng ta đang có nguy cơ cạn kiệt máy thở vì số người nhiễm Covid-19 ngày càng tăng.
Những số liệu thống kê này có thể nhỏ, nhưng vì virus corona đã và đang lây nhiễm cho quá nhiều người – gần nửa triệu người trên toàn thế giới – các bệnh viện đang trở nên quá tải.
"Với tỉ lệ người bệnh quá lớn, và một phần đáng kể trong số họ sẽ có diễn biến bệnh nghiêm trọng đòi hỏi phải có máy thở cơ khí, đó là lý do tại sao lại nói rằng chúng ta đang có nguy cơ cạn kiệt một nguồn tài nguyên quan trọng, là máy thở" – Tiến sỹ Benjamin Singer, trợ lý giáo sư y khoa lĩnh vực phổi và hồi sức cấp cứu tại Đại học Y dược Feinberg (thuộc Đại học Northwestern), cho biết.
Ai cần máy thở?
Máy thở là những cỗ máy đặt cạnh giường trong bệnh viện, dùng để hỗ trợ hai chức năng quan trọng: đưa đủ oxy vào máu và dọn sạch carbon dioxide – thứ có thể tích tụ khi bệnh nhân quá yếu, không đủ sức tự đưa không khí ra và vào phổi. Quyết định cắm máy thở vào bệnh nhân được thực hiện khi có căn cứ rõ ràng rằng phổi của họ đã bị viêm quá nặng, hoặc bị chấn thương nghiêm trọng, không thể tự thực hiện chức năng của chúng nữa, và khi những thao tác ít can thiệp hơn như đeo mặt nạ oxy trên mũi và miệng không thể đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân nữa.
"Thông qua nhiều thiết lập khác nhau, chúng tôi có thể đồng bộ máy thở với nhịp thở của bệnh nhân và hỗ trợ họ bằng cách bổ sung áp suất, dung tích khí, luồng khí" – Singer nói.
Những người được dùng máy thở thường là những bệnh nhân nặng nhất trong bệnh viện, và quyết định cho họ sử dụng máy thở thường là giải pháp cuối cùng nhằm cứu lấy tính mạng họ. Các bệnh nhân không phải lúc nào cũng hồi phục, và có khả năng họ chỉ bị viêm phổi, không được ưu tiên dùng máy thở - Rizzo nói. Những chấn thương phổi của họ cũng có thể trở nên trầm trọng hơn nếu máy thở không được điều chỉnh đúng cách (cũng có những bệnh nhân được dùng máy thở vì nhiều lý do khác ngoài các vấn đề về hô hấp, như những người bị bệnh thần kinh cơ, bao gồm ALS, hay các bệnh nhân bị chấn thương não).
Với tình trạng bệnh như virus corona, vốn lây lan thông qua các giọt hô hấp, máy thở cũng tiềm ẩn những nguy cơ nhất định đối với các nhân viên y tế.
Máy thở là một hệ thống đóng, do đó một khi bệnh nhân đã được lắp máy, đứng xung quanh họ sẽ chẳng phải là một mối nguy hiểm đối với bạn. Nhưng quy trình đặt ống thở vào, gọi là "đặt nội khí quản", có thể khiến các nhân viên y tế nhiễm bệnh thông qua khí dung thoát ra từ đường thở của bệnh nhân. Những giọt hô hấp đó có thể bị hít vào nếu thiếu trang thiết bị bảo vệ cá nhân phù hợp, như khẩu trang N95, một mặt hàng cũng đang khan hiếm trên toàn thế giới.
"Có nhiều thứ trong bệnh viện tạo ra khí dung - những hạt mang theo virus – có thể lẩn khuất trong không khí lâu hơn nhiều so với các giọt hô hấp, và chúng tôi nghĩ chúng tiềm ẩn nguy cơ cao hơn nhiều" - Singer nói.
Khoảng thời gian mà một bệnh nhân sử dụng máy thở có thể từ vài ngày đến vài tuần. Tại Trung tâm Y tế Tulane ở New Orleans, các bệnh nhân virus corona thường được gắn máy thở trong 1 – 2 tuần.
"Rất ít người có chuyển biến tốt lên" – tức chưa đến 3 ngày, theo lời bác sỹ Joshua Denson chuyên về phổi và hồi sức.
Một khi bệnh nhân không còn cần đến máy thở nữa, ống nối sẽ được tháo ra, và máy thở sẽ được chuyển sang cho bệnh nhân tiếp theo sau khi được vệ sinh khử trùng kỹ càng.
Máy thở chỉ là một phần trong số những thứ mà các bệnh nhân với triệu chứng khó thở nặng cần đến.
Theo Tiến sỹ David Zaas, chủ tịch bệnh viện Duke Raleigh và là phó giáo sư chuyên ngành phổi và hồi sức cấp cứu tại Trường Y Đại học Duke, máy thở chỉ là một phần trong số những thứ mà các bệnh nhân với triệu chứng khó thở nặng cần đến. Họ còn cần một đội ngũ nhân viên y tế được huấn luyện bài bản giám sát liên tục trong bộ phận hồi sức cấp cứu.
"Chúng ta có thể làm ra 1 triệu máy thở, nhưng chúng ta có đủ các chuyên gia phổi được huấn luyện để chăm sóc các bệnh nhân đang sử dụng máy thở hay không, và chúng ta có đủ y tá được huấn luyện để chăm sóc các bệnh nhân đang trong tình trạng nghiêm trọng hay không?" – ông nói.
Ước tính Mỹ có khoảng 160.000 máy thở - theo số liệu thống kê từ Trung tâm An toàn Y tế Johns Hopkins – một con số mà các chuyên gia cảnh báo là sẽ không đủ nếu biện pháp social distancing và các nỗ lực khác nhằm hạn chế sự lây lan dịch bệnh không được thực hiện hiệu quả.
Các viên chức y tế, các nhà làm luật, và các công ty đang tìm mọi cách để có thêm máy thở: các công ty xe hơi như GM, Ford, và Tesla đang tập trung sản xuất máy thở. Và các viên chức y tế tại New York đang dự định dùng một máy thở cho hai bệnh nhân cùng lúc – một điều họ chưa từng thử trước đó.
"Tôi nghĩ có nhiều cách để làm điều đó, và có thể an toàn, nhưng làm điều đó trong bao lâu thì chúng ta vẫn đang tìm câu trả lời" - Zaas nói.
Theo vnreview