• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

HÌNH DUNG NƯỚC PHÁP QUA THƠ CUNG TRẦM TƯỞNG

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • HÌNH DUNG NƯỚC PHÁP QUA THƠ CUNG TRẦM TƯỞNG

    HÌNH DUNG NƯỚC PHÁP QUA THƠ CUNG TRẦM TƯỞNG

    Trích đăng từ bài Phát Biểu Ngày Ra Mắt Thơ Cung Trầm Tưởng (Và Thơ Thời Du Học Của Cung Trầm Tưởng) của tác giả Trần Văn Nam trên văn học & nghệ thuật



    Cung Trầm Tưởng Tên thật là Cung Thức Cần. Sinh năm 1932 tại Hà Nội. Vào Sài Gòn năm 1949. Du học tại Pháp và Hoa Kỳ. Cựu trung tá không quân Việt Nam Cộng hoà. Tù cộng sản 10 năm. Hiện sống tại Saint Paul, Minnesota.
    Tác phẩm đã xuất bản: Tình ca (Cùng Phạm Duy, Ngy Cao Uyên), Lục bát Cung Trầm Tưởng (Con Ðuông), Thám hiểm không gian (dịch, Dziên Hồng), Lời viết hai tay (thơ 1999), Bài ca níu quan Ttài (thơ 2001); Những dấu chân trên một triền phiếm định (thơ 2002), Toàn tập thơ Cung Trầm Tưởng 1948 – 2008

    I- TƯỢNG ĐÁ VÀ LÁ MÙA THU
    Trước 1975, có những người Việt qua học bên Pháp, lưu lại những bài thơ gợi cảm về miền đất mà khi còn ở quê nhà chúng ta hằng mong ước đi đến. Trong số những bài thơ đẹp về nơi ấy, có thơ của Nguyên Sa và Cung Trầm Tưởng. Cái đẹp của thơ Nguyên Sa phảng phất sương mù của dòng sông Seine. Cái đẹp của thơ Cung Trầm Tưởng phảng phất không khí buốt giá của vòm trời nước Pháp, của thủ đô Paris mà dấu vết chúng ta thường gặp là tượng đá công viên. Tượng đá công viên, sản phẩm của văn hóa Tây Phương. Chúng ta biết như thế từ khi còn ở thời học sinh, một là qua bài hồi ký Pháp du hành trình của học giả Phạm Quỳnh trong đoạn nói về vườn Luxembourg, hai là qua bài hồi tưởng thời cắp sách đi học của nhà văn Anatole France, trong đó nhà văn nhớ lại bóng dáng của mình hai mươi lăm năm về trước, cái bóng đang nhảy tung tăng như con chim sẻ trong ngày khai trường, cái bóng dáng trên đường đi học thường qua một công viên nhìn lá thu vàng lả tả trên những pho tượng trắng. Nguyên Sa cũng đã từng ước ao làm một pho tượng trắng để đêm đêm chứng kiến những cặp tình nhân hò hẹn trên những ghế dài, dưới bóng sao và những hàng cây. Cái lối tình tự, khung cảnh để tình tự, mang nét Tây Phương, hiện diện trong thơ Cung Trầm Tưởng:
    Mùa thu âm thầm
    Bên vườn Lục xâm
    Ngồi quen ghế đá
    Không em buốt giá từ tâm.

    Mùa thu đêm mưa
    Phố cũ hè xưa
    Công trường lá đổ
    Ngóng em kiên khổ phút giờ
    (Trích bài: Mùa Thu Paris)

    II- TÓC VÀNG VÀ MÀU MẮT TÂY PHƯƠNG
    Không hiểu vì mặc cảm dân tộc hay vì một lý do nào khác, chúng ta thường trầm trồ những cặp vợ chồng: chồng Việt vợ Pháp, nhất là khi người vợ Pháp lại là một người đàn bà trẻ đẹp, có học thức. Khi qua Pháp, Cung Trầm Tưởng là một sinh viên du học, ông có người tình nhân là một cô gái Pháp mà chúng ta mường tượng là phải đẹp và cũng học trường Đại Học như ông, như thế mới đáp ứng lòng ngưỡng mộ có tính chất thơ mộng của ta. Đã là người con gái Tây Phương thì đặc điểm là tóc vàng và mắt nâu. Mắt đen lay láy cũng đẹp lắm, nhưng hình như để dành cho người Đông Phương. Chúng ta nhận thấy trong thơ Cung Trầm Tưởng dáng dấp người sinh viên Việt Nam du học vào ra một quán rượu mùa đông có người tình là nữ sinh viên Pháp học ở Paris, nhưng nơi cư trú là một tỉnh lỵ, cứ mỗi mùa hè ba tháng hay một trăm ngày thì nàng lại trở về gia đình cha mẹ:
    Mùa thu nơi đâu
    Người em mắt nâu
    Tóc vàng sợi nhỏ
    Mong em chín đỏ trái sầu
    Mùa thu Paris
    Trời buốt ra đi
    Người em gác trọ
    Sang anh gót nhỏ thầm thì
    (Trích bài: Mùa Thu Paris)

    Tiễn em về xứ mẹ
    Anh nói bằng tiếng hôn
    Không còn gì lâu hơn
    Một trăm ngày xa cách
    (Trích bài: Chưa Bao Giờ Buồn Thế)

    III- NHÀ GA ĐÈN VÀNG VÀ ĐOÀN TÀU TUYẾT PHỦ
    Trong thời kỳ đất nước bị chiến tranh tàn phá, chúng ta muốn tìm lại hình ảnh của những chuyến xe lửa "chở người đi nhớ, kẻ về thương" (thơ Nguyễn Bính). Những đường xe lửa ấy của người Pháp làm ra trên đất nước ta. Trước năm 1975, muốn tìm lại, chúng ta thường nhìn về góc trời nước Pháp hiển hiện trong thơ Cung Trầm Tưởng. Cũng là những sân ga đèn vàng; cũng là tiếng vọng của chuyến tàu ầm ầm rồi mất hút; cũng người này đưa tiễn người kia; cũng nhà ga mái giọt âm thầm trong những ngày mưa. Chỉ có một cái khác là tuyết phủ đầy chuyến tàu trong những tháng mùa đông. Vị trí của Cung Trầm Tưởng khi ở bên Pháp đứng nghe chuyến tàu chạy là một nơi khá cao, thời gian là lúc sẩm tối, nhà cửa dưới thung lũng ẩn hiện những ánh đèn điện nhạt nhòa trong gió bay:
    Mùa đông tuyết lũng âm u
    Bâng khuâng chiều tới tiếp thu trời buồn
    Nhớ ngày tàu cũng đi luôn
    Ga thôn trơ nỗi băng nguồn héo hon
    Phương xa nhịp sắt bon bon
    Tàu đi dưới tỉnh núi còn vọng âm
    Sân ga mái giọt âm thầm
    Máu đi có nhờ hồi tâm đêm nào
    Mình tôi với tuyết non cao
    Với cồn phố tịnh buốt vào xương da
    Với mây trên nhạt ánh tà
    Với đèn xóm hạ cũng là tịch liên
    Tôi về bước bước đăm chiêu
    Tâm tư khoác kín sợ chiều lạnh thêm. (Bài thơ: Khoác Kín)

    Ga Lyon đèn vàng
    Tuyết rơi buồn mênh mang
    Cầm tay em muốn khóc
    Nói chi cũng muộn màng
    Tàu em đi tuyết phủ
    Toa em lạnh gió đầy…
    (Trích bài: Chưa Bao Giờ Buồn Thế)

    IV- KHOÁC KÍN ÁO VÀ LA CÀ QUÁN RƯỢU
    Hễ nói về đời sinh viên du học, chúng ta thường gắn liền với một mối tình gặp gỡ trên đất người, và đời sống là một chuỗi ngày rất nghệ sĩ. Ít khi chúng ta nghĩ đến trường hợp du học tự túc nghèo nàn, như trong cuốn "Mây Ngàn" nhà văn Vi Ta Lê Văn Vị đã mô tả về một sinh viên nghèo, nghèo đến nỗi đi vào thư viện đã sơ ý để khoai tây đựng trong cặp da rơi rớt trước mắt những người con gái Tây Phương, nghèo đến nỗi phải mướn nơi trọ học thật cao trên từng lầu, và mỗi khi đói phải đem đi bán từng pho sách quý.
    Tôi là sinh viên nghèo
    Bữa có bữa không
    Tôi là sinh viên nghèo
    Trong giới lao công
    Ở tầng lầu cao ngất
    Mùa đông lạnh như cắt
    Mùa hè nóng như thiêu
    Lúc nào cũng túng rối
    Sống đầu tắt mặt tối
    Thân vất vả trăm chiều
    Áo quần rách rưới mạng nhiều chỗ
    Sách học mang đi bán từng pho
    Thân mây ngàn đâu xứ sở
    Thương nỗi mẹ luống trông chờ
    (Vi-Ta Lê Văn Vị)

    Hình ảnh người sinh viên du học hào hoa nghệ sĩ thì có rất nhiều, ở trong văn của Phạm Công Thiện, trong thơ của Nguyên Sa và Cung Trầm Tưởng. Họ thường la cà nơi quán rượu, trong xóm nghệ sĩ Saint – Germain de Pre’s. Tuy rượu đỏ và cà phê đen không có gì là xa hoa nhưng cũng có vẻ nhàn rỗi lắm. Cà phê đen cho Phạm Công Thiện những giây phút tĩnh mịch trong khung cảnh "Bay đi những cơn mưa phùn", còn rượu đỏ dành cho Cung Trầm Tưởng đỡ bồn chồn tấc dạ khi chưa thấy người yêu đến nơi hò hẹn:
    Mùa thu Paris
    Trời buốt ra đi
    Hẹn em quán nhỏ
    Rưng rưng rượu đỏ tràn ly.

    Một đặc điểm nữa của vòm trời nước Pháp nơi xứ sở lạnh, là cách ăn mặc. Về mùa đông buốt giá thì người nào cũng co ro khoác kín, khoác kín tấm thâm và khoác kín tâm sự của mình:
    Tôi về bước bước đăm chiêu
    Tâm tư khoác kín sợ chiều lạnh thêm

    Một vài đặc điểm có thể nào đại diện cho cả một vòm trời nước Pháp không? Có thể lắm. Theo tinh thần nghệ thuật chấm phá thì chỉ cần vài nét. Cũng như một cành trúc la đà, một con thuyền nhỏ trên sông lam, có thể hình dung cả một vòm trời và tâm hồn Đông Phương mà nay ta đã lâu rồi xa cách./.

    Trần Văn Nam

    Đã chỉnh sửa bởi Bbcode; 12-11-2010, 08:44 PM.
    Bb
    Similar Threads
  • #2

    Mùa Thu Paris -Thơ Cung Trầm Tưởng -Nhạc : Phạm Duy



    Jardin du Luxembourg in Autumn - Fontaine Médicis


    Mùa Thu Paris
    Thơ Cung Trầm Tưởng
    Nhạc : Phạm Duy
    Ca sĩ : Thái Thanh



    Mùa Thu Paris
    Thơ Cung Trầm Tưởng
    Nhạc : Phạm Duy
    Ca sĩ : Sĩ Phú





    Mùa Thu Paris
    Thơ Cung Trầm Tưởng
    Nhạc : Phạm Duy
    Ca sĩ : Vũ Khanh

    Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 28-08-2011, 06:17 AM.
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

    Comment

    • #3

      Tiễn Em _ thơ : Cung Trầm Tưởng _ Nhạc : Phạm Duy




      Tiễn Em
      _ thơ : Cung Trầm Tưởng
      _ Nhạc : Phạm Duy
      - Ca sĩ : Sĩ Phú




      Tiễn Em
      _ thơ : Cung Trầm Tưởng
      _ Nhạc : Phạm Duy
      - Ca sĩ : Tuấn Ngọc



      ----------------------------

      Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

      Comment

      • #4

        Cổ dao Cung Trầm Tưởng

        Cổ dao Cung Trầm Tưởng
        Cung Trầm Tưởng gắn bó với giai đoạn đầu của thời chia đôi đất nước, qua thi tập Tình Ca, mười ba bài mà Phạm Duy đã phổ nhạc năm bài, đó là Mùa Thu Paris, Kiếp Sau, Về Ðây, Khoác Kín (Phạm Duy đổi là Chiều Ðông) và Chưa Bao Giờ Buồn Thế (Phạm Duy đổi thành Tiễn Em). Tất cả năm bài đều thuộc vào những bài thơ phổ nhạc tiêu biểu cho sự gặp gỡ giữa thi ca và âm nhạc ở cung cao sáng tạo.


        Trong năm bản nhạc thơ ấy, có Kiếp Sau ít nổi tiếng hơn cả, nhưng lại là bài hay nhất. Thơ Cung Trầm Tưởng, nhạc Phạm Duy và tiếng hát Thái Thanh kết hưởng thành một thể toàn bích, gói trọn thiên thu trong khoảnh khắc. Nhạc Phạm Duy và giọng hát Thái Thanh, không lạ gì với thính giả, duy có chất Thơ trong bài Kiếp Sau, riêng nó đã đạt tới đỉnh nghệ thuật nhưng ít ai đề cập.

        Bài thơ rất ngắn, sau này Cung Trầm Tưởng có viết lại hai version khác, nhưng có lẽ vẫn không vượt được bản đầu in năm 1959 ở Sài gòn:
        Bù em một thoáng trời gần,
        đơm hoa kết mộng cũng ngần ấy thôi!
        Bù em góp núi chung đồi
        thiêu nương đốt lá cũng rồi hoang sơ
        Bù em suối có ngàn thơ,
        vẫn nghe trắc trở bên bờ sông thương
        Quên thôi, bông sẽ phai hường,
        mà xưa tiếng gọi nghe dường thiên thu.
        Non sông bóng mẹ sầu u,
        mòn trông ngưỡng cửa, chiều lu mái sầu
        Thôi em xanh mắt bồ câu,
        vàng tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau...
        Kiếp Sau làm năm 1956. Hơn bốn mươi năm. Không một vết nhăn.

        Trò chuyện về thơ tức là chuyện trò với chữ -vấn đề ngữ sự- nói như Cung Trầm Tưởng.

        Trước hết là chữ . Bù em. Phạm Duy có lẽ vì nhu cầu âm nhạc đã đổi ra đền. Ðền em, nũng nịu, Tây hơn, hợp thời hơn, nhưng Bù em, mới hiếm, mới Việt. Chữ đền có nghĩa đổi trao, lấy đi rồi đền lại. Chữ chỉ thấy cho, chỉ "lấp đầy". Nguyên lý lấp đầy lại rất phụ nữ, rất nhục cảm, rất Sartrien, rất Cung Trầm Tưởng. Bù lại gần với âm bu. Bu là gọi mẹ theo tiếng quê ta. Một người "Tây con" như Cung Trầm Tưởng thời ấy, làm thơ tặng những em "tóc vàng sợi nhỏ" mà lại viết em thật tuyệt.

        Nhưng Phạm Duy có lý khi ông đổi lại là đền em. Ai cũng hiểu. Ở Phạm Duy là ý thức cộng đồng, ý thức dân ca, ở Cung Trầm Tưởng là ý thức biệt dã, ý thức thi ca. Bù em là ngôn ngữ thứ nhất, ngôn ngữ bùa chú khác lạ, không giống ai: Ngôn ngữ vừa được nhà thơ tác tạo. Cả bài thơ có hơi cổ điển, có hồn ca dao. Nhưng không phải ca dao thuần túy mà là ca dao đã hóa thân, cổ điển đã tục lụy.
        Thiêu nương đốt lá cũng rồi hoang sơ
        Các cụ xưa đâu viết thế. Các cụ môn đăng hộ đối, đâu có thẩy bình dân "cũng rồi" ngồi chung chiếu với quý tộc "thiêu nương". Rồi lại:
        Thôi em xanh mắt bồ câu
        Ca dao đâu viết thế. Ca dao thường trực tiếp, dễ hiểu: Em thôi, mắt xanh, hay mắt em, thôi xanh v.v... Nên khi gặp thôi em xanh mắt người đọc lạc vào mê đạo.
        Mà xưa tiếng gọi nghe dường thiên thu
        Toàn thể câu thơ là một bể hoang đường, lạc đất.
        Tất cả những "cũng rồi", "mà xưa", "nghe dường" gieo vào câu thơ ở những chỗ bất ngờ nhất, làm lỗi nhịp, làm đảo thần lục bát, phát sinh một hồi âm mới: Wagner hay Mozart? Phạm Duy hay Văn Cao? Có hết. Tất cả đồng quy ở tiếng gọi thiên thu hay tất cả đều đã hoang sơ?

        Cung Trầm Tưởng đã xướng lên một thứ cổ dao hiện đại:
        Non sông bóng mẹ sầu u
        Mòn trông ngưỡng cửa, chiều lu mái sầu
        Những tiết tố âm nhạc, quá khứ, hiện tại, không gian, thời gian, ẩn hiện, giao tỏa với nhau. Những hình ảnh sáo mòn như "đơm hoa kết mộng", "sông Thương trắc trở" được hồi sinh trong một kiếp mới, nhờ cách xếp câu, đảo tứ:
        Bù em một thoáng trời gần,
        đơm hoa kết mộng cũng ngần ấy thôi!
        Bù em góp núi chung đồi
        thiêu nương đốt lá cũng rồi hoang sơ
        Bù em suối có ngàn thơ,
        vẫn nghe trắc trở bên bờ sông thương
        Những cách treo chữ: cũng rồi, cũng ngần..., buông chữ: bù em, thôi em..., đảo chữ: mòn trông..., hoặc tạo cảnh: chiều lu mái sầu... đều có tính cách phá tán âm thanh lục bát, phá tan nội dung ca dao để tạo ra, về mặt thời gian, một tiếng gọi từ ngàn xưa vọng lại, về mặt âm thanh và tư tưởng, một khúc điệu mới, phong liệm nỗi buồn nguyên thủy, rồi nghiền tán nó ra, rắc vào không gian, gieo vào vũ trụ, tạo ra một môi trường buồn ẩm nhạc:
        Ngày đi, chiều tới không nghiêm,
        khoan thai gió cởi phong niêm rũ buồn
        Bờ nghiêng nắng giốc đường thuôn,
        thiết tha tiếng cũ nghe luồn không trung.
        (Về Ðây)
        Trong bài Bémol, Buồn lại rơi theo nhịp khác, như nốt nhạc bị giam cầm:
        Chiều buồn lạc thanh âm
        Hoang sơ vào khuya tối
        Linh hồn tôi dương cầm
        Bài Khoác Kín cũng là một trong những giá trị độc đáo của thi ca Cung Trầm Tưởng mà Phạm Duy đã phổ nhạc và đổi tên thành Chiều Ðông (Phạm Duy có tài lựa những tuyệt tác của mỗi tác giả để đưa vào cung bậc âm thanh). Khoác Kín cũng là một bài thơ ngắn, nhưng mỗi câu, mỗi chữ đều là những giọt tuyết lệ của thời gian, nhỏ trong không gian tàn tạ:
        Chiều đông tuyết lũng âm u
        bâng khuâng chiều tới tiếp thu trời buồn
        Nhớ ngày tầu cũng đi luôn,
        ga thôn trơ nỗi, băng nguồn héo hon.
        Phường xa nhịp sắt bon bon,
        tàu như dưới tỉnh, núi còn vọng âm.
        Sân ga mái giọt âm thầm:
        Máu đi có nhớ hồi tâm đêm nào?
        Mình tôi với tuyết non cao;
        với cồn phố tịnh buốt vào xương da;
        với mây trên nhợt ánh tà;
        với đèn xóm hạ cũng là tịch liêu.
        Tôi về bước bước đăm chiêu,
        tâm tư khoác kín sợ chiều lạnh thêm.
        Giọng buồn Cung Trầm Tưởng, thời 55-60, đã khác hẳn giọng sầu Huy Cận trong thời thơ mới. Cung Trầm Tưởng đem lại một cô đơn mới: Cô đơn hiện sinh. Cô đơn của con người trong sự nhận thức lại chính mình. Cô đơn của một Roquentin trực diện với "bản lai chân diện mục" của mình trước gương soi mói, soát lục. Cô đơn của gã tử tù Meurseult, xa lạ với loài người:
        Hoang liêu về chết tha ma
        Tiếng chân gõ guốc người xa vắng người
        (Tương Phản)
        Và chắc hẳn Wagner dưới suối vàng cũng đã có phần nào trách nhiệm trong cách biến tấu nhịp điệu thể xác và linh hồn lục bát Cung Trầm Tưởng.

        *
        Cung Trầm Tưởng những năm cải tạo đã thay đổi quan niệm sáng tác, trữ tình chuyển sang dấn thân:
        "Người thơ xưa nói lên tâm thức bộ lạc. Người thơ tù "cải tạo" bây giờ, một nạn nhân kiêm chứng nhân, nói lên tâm thức cộng đồng của những người tù cải tạo. Cái tâm thức sâu thẳm, lên men từ khổ đau, thúc trướng bởi bản năng tập quần, xúc tác ra một nhân gian thuần nhất, nền cộng hòa của những người anh em đồng cảnh, những người tù cùng khổ." (Ainsi parlait le poète)
        Từ một quan niệm thơ như thế, lục bát Cung Trầm Tưởng, bài Nguyện Cầu Mùa Thu, làm ở Hoàng Liên Sơn, thu 77, có những câu:
        Áo tù thẫm máu đôi vai
        Bàn chân nứa chém, vành tai gió lùa
        Ngó tay bỗng thấy già nua
        Cứa êm thân xác mấy mùa thu qua
        Môi cằn, má hóp thịt da
        Ngô vơi miệng chén, canh pha nước bùn
        Ðêm nằm ruột rỗng vai run
        Ðầu kề tiếng suối, chân đùn bóng đêm
        Cung Trầm Tưởng thơ tù trở thành hiện thực. Rất hiện thực, nhưng không phải lúc nào cũng hiện thực. Những mộng, mơ, những trữ tình bị kìm hãm trong lao lý nhưng khó thoát khỏi bản năng. Cung Trầm Tưởng thơ tù, có mộng, có mơ, nhưng lại là những cơn ác mộng mà vẫn có cái ngất ngư, cao đạo của tâm hồn:
        Sớm đi đội gió đỉnh đầu
        Tưởng như hồn chết giữa vầu nứa khô
        Ðường lên dang nứa nhấp nhô
        Ngả nghiêng mây núi, lệch xô đất trời
        (Ðường lên dang nứa)
        Mười năm lao cải luyện thép cho thơ. Thơ ông đanh hơn. Như thể muốn thổi bễ thời gian, luyện quánh nỗi đau trong tiếng hò địa phủ:
        Mồ dẹt thời gian xe hủ lô
        Sương tang sô xóa bặt sông hồ
        Niềm đau sờ thấy hồn vong tộc
        Nham nháp trời và sần đất thô
        Con đường mười năm đã vùi chôn những ngây thơ, những tin yêu, những nhẹ dạ xưa, và đưa thi ca vào một lộ trình gai góc, lộ trình heo hắt, lộ trình tang trắng mà thơ là sự cô đọng những tang thương, khấp liệm trong lòng người tù cải tạo:
        Và đi cho tới cùng đường
        Của heo hút xứ khôn lường khổ đau
        Thoắt đi tóc đã phai màu
        Như nghìn tang trắng quấn đầu vi lô
        Chiều tê sương sập nấm mồ
        Vùi chôn chú bé hồ đồ năm xưa.
        Paris, tháng 10/1999

        Thụy Khuê


        Kiếp sau
        - Thơ Cung Trầm Tưởng
        Nhạc Phạm Duy
        - Ca sĩ : Thái Thanh


        Kiếp Sau

        (Thơ: Cung Trầm Tưởng)

        Đền em một tháng trời gần
        Đơm hoa là hoa kết mộng cũng ngần ấy thôi
        Đền em góp núi chung đồi
        Thiêu nương là nương đốt lá cũng rồi hoang sơ...
        Đền cho em suối có ngàn thơ
        Bờ sông Thương còn nghe trắc trở
        Và quên thôi bông sẽ phai hường
        Mà nghe như tiếng gọi dường thiên thu.
        Đền cho em suối có ngàn thơ
        Bờ sông Thương còn nghe trắc trở
        Và quên thôi bông sẽ phai hường
        Mà nghe như tiếng gọi dường thiên thu.

        Non sông bóng mẹ sầu u
        Mà trông là trông ngưỡng cửa chiều lu mái sầu
        Thôi em xanh mắt bồ câu
        Vàng tơ là tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau.
        ----------------------------

        Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

        Comment

        • #5

          Bên ni bên nớ -Thơ Cung Trầm Tưởng - Nhạc Phạm Duy


          Bên ni bên nớ
          -Thơ Cung Trầm Tưởng
          - Nhạc Phạm Duy
          -Ca sĩ : Khánh Ly




          Đêm chớm ngày tàn, theo tiếng xe về, lăn về viễn phố

          Em hỡi sương rơi, ngoài song đêm hạ, ôi buồn phố xá

          Hoang liêu về chết tha ma, tiếng chân gõ guốc xa xa

          Người xa vắng người, người xa vắng người...

          Em có nghe rồn rã bước ai vất vả bóng ai chập chờn?

          Hồn ai cô đơn tìm về ấm cúng

          Em có nghe bi ai tình ai ấp úng

          Thương ai lạc loài, ăn mày xán lạn ngày mai

          Đêm ni ai say đất lở, em ơi có nghe rạn vỡ

          Vạn mảnh ly tan theo chuỗi cười.

          Bên tê thành phố tráng lệ

          Giai nhân nằm khoe lõa thể

          Bên ni phố vắng ôi lòng ngoại ô.

          Em có nghe hồ như bước ai gõ nhịp bước ai giang hồ?

          Hẹn ai bên ni dài in ngõ cũ

          Em có nghe bên ni lạnh như bên nớ?

          Phút giây chia lìa, trong lòng vẫn phải đèo mong

          Hai tâm linh giam kín lại

          Bấm đốt ngón tay chờ đợi

          Chờ ngày con thơ, thơ cũng ra đời

          Em ơi ngoài kia liếp ngỏ

          Sương rơi ngoài song khép hở

          Bên trong kín gió ấm ơi là tình


          .
          ----------------------------

          Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

          Comment

          • #6

            Tương Tư 4 -Thơ Cung Trầm Tưởng - Nhạc Mặc thế Nhân

            Tương Tư 4
            -Thơ Cung Trầm Tưởng
            - Nhạc Mặc thế Nhân
            - Ca sĩ : Sĩ Phú



            Phải chi em đừng có chồng và anh còn đơn côi
            Thì giờ đây em đâu buồn, anh đâu sầu, đâu lo lắng, đâu phân vân
            Chiều qua ru em ngủ, chiều nay em theo chồng
            thế hỏi lòng có buồn không?
            Tiếc thương cũng rồi, đành thôi ván đóng thuyền
            Còn đâu ước mơ gì cũng thế
            Nhưng lỡ yêu rồi, em ơi biết bao giờ
            lòng mới quên được người xưa, hỡi em?

            Phải chi em đừng có chồng và anh không là riêng ai
            Thì ngày nay duyên đôi mình không âm thầm
            không xa cách, không đau thương
            Lòng anh không than thở, lệ em không chan nhòa,
            những khi mình đến tìm nhau
            Tiếc thương cũng rồi, đành thôi ván đóng thuyền
            Còn đâu ước mơ gì cũng thế
            Nhưng lỡ yêu rồi, em ơi biết bao giờ
            Lòng mới quên được người xưa, hỡi em?


            Tương Tư 4
            -Thơ Cung Trầm Tưởng
            - Nhạc Mặc thế Nhân
            - Ca sĩ : Elvis Phương

            ----------------------------

            Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

            Comment

            Working...
            X
            Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom