Y khoa trong Chiết tự chữ Hán
Lê Quang Thông
Chữ Hán là một linh tự ai cũng đã biết.Trong những lúc trà dư tửu hậu chiết tự cũng là một cách học hỏi triết lý người xưa gởi gắm trong từng chữ…Tác giả thực sự chỉ biết dăm chữ, mục đích phiếm luận vui về các Hán tự có liên quan đến ngành Y và các đức tính cần thiết của người thầy thuốc với quan điểm của cụ Nguyễn Du “mua vui cũng được một vài trống canh”…
Chữ Y theo BS Nguyễn Văn Kha có ý nghĩa qua ba thời kỳ:
Thời kỳ thứ nhất: thế kỷ 50-28 trước Công nguyên: chữ y 醫 gồm chữ khuông có nghĩa là túi, bên trong có chữ thỉ 矢nghĩa là cung tên, bên phải là chữ thù 殳nghĩa giáo mác, phía dưới hình mặt nạ 酉. Có nghĩa là thời xa xưa thầy phù thủy đeo mặt nạ cầm khí giới (tên và kích) để xua đuổi ma quỷ. Thời kỳ này người ta còn miệt thị ngành Y, nghề này chỉ dành cho phù thủy, thày pháp, thi rớt và còn tin nghề này bịp bợm thất đức nên có câu Nhất thế y tam thế suy (một đời làm thuốc ba đời suy).
Ngày nay ý nghĩa này vẫn còn áp dụng cho các ông Đạo rờ, Đạo vuốt… nhập đồng kiểu cô Ba, ông Hoàng Bảy cho tàn nhang nuớc lã vẫn có người tin… và chúng ta để ý con cháu của các thầy pháp, thầy cúng, lang băm… thất đức… đều suy vi cả…
Thời kỳ thứ hai: từ thế kỷ 28 trước Công nguyên đến 1949: Bắt đầu từ khi có các tác phẩm Hoàng đế Nội kinh, Châm cứu và hệ thống lý luận âm dương ngũ hành hòan chỉnh, ngành Y được trọng vọng cho nên đây là nghề chuyên nghiệp, chữ Y được hiểu là chữ khuông cái túi chứa chữ Thỉ là kim châm cứu, chữ Thù hiểu là dao giải phẩu (như Hoa Đà mổ cho Quan Vân Trường), mặt nạ hiểu là chữ Dậu 酉 là lọ thuốc có nghĩa thầy thuốc đa khoa (châm cứu - phẩu thuật) kiêm dược sư cho thuốc luôn - (ngày nay tại Việt nam nhiều BS còn bán thuốc trong phòng mạch tức thực hành y dược song hành như người xưa?) - thời này nghề Y được đề cao và nhiều nhân vật nổi tiếng như Hoa Đà, Biển Thước, Trương Trọng Cảnh… và đây là nghề cứu nhân độ thế nên có câu Nhất thế y tam đại công khanh (một đời làm nghề y ba đời làm khanh tướng) cho nên ta không lấy gì làm lạ có dòng họ ba bốn đời là bác sĩ quan lại tiếng thơm muôn thưở như các dòng họ Tôn Thất, Hồ Đắc, Lê Khắc… tam đại đều phú qúy vinh hiển…
Thời kỳ từ 1949 đến nay: chữ Y giản luợc còn chữ khuông và chữ thỉ,ta thấy chữ thỉ không còn nghĩa trong túi chứa cung tên hay kim châm cứu mà còn ý nghĩa như “tang bồng hồ thỉ”, theo nghĩa bóng người thầy thuốc chứa trong mình những khát vọng cao hơn nữa, bay cao bay xa trong biển y học mênh mông… nghĩa đen là người thầy thuốc đi đây đi đó… đi du lịch, dự nhiều Hội nghị khắp năm châu… cho thỏa mộng hải hồ… tung hoành ngang dọc (xem giải thích chữ Sĩ dưới đây).
Trong các ngành nghề BS có nhiều cơ hội dự nhiều hội nghị khắp nơi hơn các ngành khác, nếu có nhiều tài năng và tài… lộc.
Chữ Sĩ 士 gồm chữ nhất phía dưới chỉ người đứng đầu trong sĩ nông công thương và chữ Thập gồm nét sổ ngang tuợng trưng trục hòanh (tứ phương tám hướng), sổ dọc là trục tung, ý nói sĩ là người học rộng hiểu nhiều mọi chuyện trong trời đất (trên thông thiên văn, dưới thạo địa lý), hiểu biết sự vận hành trong vũ trụ … Thiên Địa Nhân (người nối trời và đất – sổ dọc nối hai gạch ngang). Học giả Vương Sung đời Hán đã từng nói: “Cố trí năng chi Sĩ, bất học bất thành, bất vấn bất tri” (Cho nên kẻ Sĩ có trí tuệ, có năng lực, không học không thành, không hỏi không biết).
Ngày nay chữ Thập còn tượng trưng 10 ngón tay khéo léo của sĩ (kinh tế tri thức) trong mọi ngành nghề nhất là 10 ngón tay gõ vi tính lướt internet thông hiểu mọi tri thức của nhân loại.
Cho nên có chữ Cát 吉 là điều tốt lành gồm chữ khẩu 口 và chữ Sĩ 士 có nghĩa miệng kẻ sĩ luôn nói chuyện tốt lành, lời hay ý đẹp, tri thức sâu sắc đáng tin cậy.
Bác là người học rộng, hiểu nhiều, uyên bác 博
Bác sĩ phải có lòng nhân ái, thương người, chữ nhân ái 仁 gồm chữ nhị 二 và nhân人 (người) có ý nghĩa hai người mới có lòng nhân ái, người thầy thuốc có bệnh nhân mới có lòng nhân, và người bệnh nhân quý mến người thầy thuốc cũng là nhân, thương yêu nhau. Nếu chỉ có một vế thì sẽ là “tình đơn phương” hay “lương y như dì ghẻ”?.
Chữ Ái 愛 gồm chữ Trảo 爪 phía trên tiếp đến là chữ Mịch 冖 là che đậy che chở, phía dưới là chữ tâm 心 và dưới nữa là biến thể của chữ Tòng 從 tượng hình hai nguời đi với nhau (hai chữ nhân) nghĩa là móng vuốt (trảo) hay các điều xấu phủ xuống, hay là những gian khó trong cuộc đời (vợ chồng) thì ta lấy cái lòng che chở cho người theo ta đó là yêu thương, bác ái, ái tình… “ngộ ái nị”…
Người thầy thuốc lấy tấm lòng che chở người theo ta để chữa bệnh, bệnh tật là tai ương như móng vuốt (trảo) của thú trùng (vi trùng), của nội thương ngọai cảm… Ái đây là ái nhân… tấm lòng cao quý như soeur Theresa hay BS Albert Sweitzer từ bỏ tiện nghi văn minh vào Châu Phi đem tấm lòng bác ái cho những bệnh nhân xa xôi hẻo lánh…
Ngành y khoa còn có một chữ Huệ 惠 , có nghĩa là lòng nhân ái tấm lòng bao la không biên giới gồm chữ Xa 車 và chữ Tâm 心 người xưa ám chỉ đem tấm lòng chuyên chở rộng khắp bao la đó là Huệ, ân huệ như những Thầy thuốc không biên giới (Medecins sans Frontières) đem tấm lòng trải khắp cõi nhân gian, nguời thấy thuốc đem tấm lòng đi về những nơi xa cứu người giúp người trong các công việc từ thiện dù có thể chết vì dịch tả Ebola, hay Cúm gà… Người thầy thuốc ban ân huệ nhưng… bất cầu báo mà vẫn có lộc, vì Khổng Tử đã nói: “Học giả lộc kỳ trung”, trong sự học của kẻ Sĩ đã mầm mống cái lộc rồi…
Chữ Lộc 鹿 trong Hán tự là chữ tượng hình vẽ hình con Hươu, lộc có nghĩa là lợi lộc do trong cổ xưa người ta hay ‘trục lộc”(đuổi hươu), “hoạch lộc” (săn bắt hươu) nhất là thời kỳ Ân Thương hay đến thời Đường Tống. Hươu là động vật hoang dã thường gặp nên có nghĩa là lợi lộc, bỗng lộc hay Lộc Đỉnh ký của Kim Dung là truyện miếng mồi của đỉnh chung… Thầy thuốc ngày nay có lộc cũng từ bệnh nhân, lộc hươu đó chẳng phải là bệnh nhân đấy sao? Những bệnh nhân ngoan ngõan như hươu nai (lộc), nguời thầy thuốc bảo gì nghe nấy chỉ một xét nghiệm máu bất thường chẳng hiểu mô tê gì hết đã gây biết bao sợ hãi, huống chi những bệnh hiểm nghèo mổ xẻ… khác chi “con nai vàng ngơ ngác”?
Người thầy thuốc có nhiều bệnh nhân tín nhiệm ắt có nhiều lộc, nhiều lộc chứ không phải là giàu (phú). Vì nhiều thầy thuốc danh tiếng nhưng không giàu tiền, nhưng giàu (lộc) về đức độ và tài năng.
Chữ Phú 富 gồm chữ Miên (nóc nhà) và dưới là chữ Nhất, chữ khẩu, chữ điền 田 tượng hình 4 lô đất ruộng (tuyệt nhất là 4 lô Phú Mỹ Hưng hay khu biệt thự nào đấy?) tức là trong nhà: một (nhất) (hộ) khẩu sở hữu nhiều đất ruộng (điền-bất động sản) là giàu. Chữ Điền ngày nay ta thấy không còn 4 lô đất mà tuợng hình là stock (kho hàng gồm 4 container-cổ phiếu), ai sở hữu nhiều cổ phiếu là giàu như Bill Gate chẳng hạn.
Người thầy thuốc phải nhẫn nại nhẫn nhịn chịu khó lắng nghe bệnh nhân trình bày nỗi khổ đau của bệnh tật. Chữ Nhẫn 忍 gồm chữ Tâm 心 và chữ Đao 刀, ta có dao mổ, hay kim châm cứu… (vũ khí quyền lực) nhưng không áp đảo nguời khác mà phải lắng nghe, ta có uy quyền người thầy thuốc, nhưng không la mắng nộ nạt bệnh nhân mà phải dịu dàng mềm mỏng yêu thương nỗi khổ đau của họ, giải thích bệnh tật, tâm lý tiếp xúc tốt, người thầy thuốc như mẹ hiền đó là Nhẫn.
Khó thay chữ Nhẫn của các bậc hiền triết phương Đông gởi gắm biết bao điều khi chế tác một linh tự như chữ Hán…
Người thầy thuốc cần biết một chữ nữa là Hòa 和. Chữ Hòa gồm chữ Khẩu 口là miệng ăn và biến thể chữ Mễ 禾 là lúa gạo theo xã hội nông nghịêp Trung Hoa ngày xưa. Nhân loại có đầy đủ lúa gạo, không tranh dành miếng ăn là có hòa bình, nhà văn Lâm Ngữ Đường Trung Hoa cho rằng nguồn gốc mọi cuộc Chiến tranh là do cái dạ dày, con người tranh quyền đoạt lợi cũng vì Dạ dày, hay miếng ăn, miếng đỉnh chung, “lộc đỉnh ký”.
Nguời thầy thuốc phải “hòa” với các đồng nghiệp, không tranh dành đoạt bệnh, hạ bệ lẫn nhau để “trục lộc” về mình. Biết san sẻ và bớt lộc cho các đồng nghiệp khác bằng cách nâng đỡ tạo mọi điều kiện cho đàn em kế thừa vươn lên không sợ hơn mình mà nên nghĩ “con hơn cha là nhà có phúc”, thế hệ đàn em giỏi hơn ta thì mừng.
Lê Quang Thông
(Bệnh viện Đà nẵng)