• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Đào Duy Từ chăn trâu - Một tài năng hai thân phận

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Đào Duy Từ chăn trâu - Một tài năng hai thân phận

    Đào Duy Từ chăn trâu - Một tài năng hai thân phận
    Trần Hạ Tháp


    Tuổi ngoài năm mươi với tài năng và trí tuệ siêu quần, Đào Duy Từ vẫn phải chịu trù dập của mệnh đời nghiệt ngã. Quê ở Thanh Hoá là con nhà kép hát đào ca - ngang thân phận với những kẻ nô tỳ - ông và gia đình bị sự ruồng bỏ, khinh khi của vua quan thời Lê Trịnh.

    Lý lịch buộc cấm thi vĩnh viễn. Xã hội đương thời với quan niệm hẹp, bất công - "xướng ca vô loài" - đã gián tiếp thay đổi hẳn cuộc đời ông. Khi mà lịch sử chưa đủ độ lùi để nghiêm minh phán xét, bấy giờ khó ai ngờ không chỉ họ Đào mà ngay cả vận nước cũng chuyển biến theo cuộc thoát ly bất đắc dĩ của một tài năng lớn - tham mưu, chiến lược gia kiệt xuất - gần cuối cuộc đời vẫn cùng đường tuyệt lộ.

    Vâng, làm thế nào để kẻ bất hạnh ấy đem trí tuệ hiến dâng tổ quốc? Khi mà ngay giữa lòng quê hương yêu dấu, ông không có chỗ dung thân làm bệ phóng. Trong lúc hạng bất tài vô đức thì nghênh ngang đầy tước lộc quyền uy. Hơn thế, còn bao kẻ hưởng đặc quyền tiến thân nhờ cha truyền con nối... Với bọn sâu dân mọt nước ấy - oái oăm thay - thì người tài năng, trí đức nào khác kẻ thâm thù, là ám ảnh sự an toàn riêng chúng. Vì thế, trù dập tri thức, đố kị nhân tài là tất yếu trong bối cảnh ngự trị thời hôn quân, bạo chúa.

    Đào Duy Từ liều chết bơi ngang qua dòng sông định mệnh, nơi phân chia đôi bờ Trịnh Nguyễn. Tóc đã hoa râm, ông lưu lạc về nam làm một kẻ giang hồ. Bậc thượng trí thức thành tứ cố vô thân, người anh tài đành hành khất nơi dọc đường gió bụi. Đời sau ngậm ngùi thương cảm Đào Duy Từ như thương cảm vận nước xoay vần sao lắm nỗi điêu linh...

    Phải chăng, dù bắc hay nam thì kỳ thị xuất thân rồi cứ vẫn như nhau? Lịch sử sẽ đứng ở nơi đâu? Thuận theo yêu cầu chung đất nước, mở rộng cửa đón nhân tài để ích quốc lợi dân. Hoặc lịch sử - bị khống chế bởi giai cấp cai trị - săm soi lý lịch, vùi dập bao tinh hoa nước Việt...? Qua Đào Duy Từ, hiểu sâu sắc thế nào là nỗi đau triều đại.

    Ông phải tự tìm ra giải đáp. Câu hỏi không chỉ cho một thời hoặc riêng mỗi mình ông. Lịch sử sẽ trả lời. Vâng, đấy là bài học tiến tới sự tiêu vong ô nhục - không cứu vãn - của Trịnh Lê sau đó. Đồng thời, làm sáng lên vai trò đại diện sự nghiệp nam tiến của dân tộc Việt - các chúa Nguyễn - những anh hùng góp công lớn mở nước từ Hải Vân cho tới mũi Cà Mau.
    Trong đó, ổn định phòng ngự mặt Trịnh Lê là quyết định vấn đề. Vị tất cuộc nam tiến đã tựu thành viên mãn nếu cuộc chiến sau lưng rơi vào thế hạ phong. Nguyễn Phúc Nguyên, vị chúa thứ hai - với chiến lược gia Đào Duy Từ phò tá - làm phá sản sức tấn công trường kỳ từ mạn bắc của triều đình Lê Trịnh.

    Khi lang bạt đất Bình Định. Chăn trâu cho nhà phú hộ họ Lê, Đào Duy Từ dừng bước tìm một nơi tá túc. Mỗi ngày theo sau bầy gia súc, ông có khi nào thôi ưu tư về trận pháp hành binh..? Mỗi đêm co ro nghiêng mình trong cót lúa, bao nhiêu lần ông thao thức khắc khoải mái nhà xưa? Lịch sử luận thành bại bậc anh hùng, xưa nay chỉ chú trọng đến tài năng ít ai lý đến nỗi cô đơn của những người đặc biệt ấy.

    Thế nhân thương hại nhìn kẻ mục đồng tóc đã ngả màu kia hiện ra giữa đám trẻ con còn để chỏm. Từng vạch ngang dọc chi chít vẽ lên trên các nấm mồ mới chôn, chưa cỏ mọc. Một mình đánh đáo, chơi ô quan chỗ đồng không mông quạnh ư? Ông làm gì? Vạch gì? Kỳ diệu nào trong đó?

    Ai hiểu nổi "Hổ trướng khu cơ" ? Tâm huyết một đời ông ấp ủ để kính dâng lên tổ quốc. Vâng, không giấy bút, án bàn, không hề ai đoái tưởng. Một gả khật khùng vô tích sự dưới mắt thế gian chăng? Lão Tử đã chẳng từng nói "Bậc đại trí dường như kẻ ngu" đó sao. Hai chữ "dường như" tự nó đã chỉ ra bao nhận định lỗi lầm, bao đối xử đớn đau của đồng loại với vô số tài hoa. Rồi cuối cùng, cũng vỡ lẽ chữ "ngu" của Lão Tử... Huỷ diệt và chối từ chất xám dân tộc khác gì tự huỷ diệt sự trường tồn của bộ máy quyền uy, là tự chối từ động cơ đem thăng hoa về cho quê hương đất nước.

    Kẻ chăn trâu ấy từng khiến chủ nhân phải quở trách khi đứng nghe các danh sĩ mãi luận bàn về sách vở, thi thư. Một cuộc vấn đáp đầy bất ngờ khiến ai nấy đều bàng hoàng, kinh dị:

    - Phận tôi tớ, chăn trâu sao dám đứng nghe lời cao luận của các nho sĩ, danh gia?

    - Bẩm, có chăn trâu hèn hạ, có chăn trâu anh hùng. Nhà nho, ngoài nho tiểu nhân còn bậc nho quân tử.

    - Thế nào nho quân tử? Sao gọi nho tiểu nhân?

    - Bẩm, nho quân tử là kẻ học rộng đức dày, tài kinh bang tế thế. Ngoài có thể khiến dân giàu nước mạnh cương thổ mở mang. Trong đủ trí tuệ tham mưu giúp minh quân an dân, giữ nước. Ví như Hưng Đạo Vương nhà Trần, Khương Thượng Tử Nha nhà Châu, Khổng Minh thời hậu Hán...

    Thưa, còn tiểu nhân nho là những kẻ học từ chương làm mồi câu danh lợi. Thời thanh bình, vểnh râu tôm tự đắc ăn trước ngồi trên. Gặp vận nước nhiễu nhương thụt đầu rùa, nhu nhược than dài thở ngắn. Ví như bọn Vương Diễn đời Tấn, An Thạch thời Tống đem thơ văn mị thời, lỡm thế.

    - Còn thế nào là chăn trâu anh hùng khác chăn trâu hèn hạ?

    - Bẩm, chăn trâu anh hùng Đinh Bộ Lĩnh, tài dẹp loạn an dân. Như Ninh Thích giúp Hoàn Công thịnh vượng được nước Tề. Như Hứa Do đứng bên khe nước chảy, bàn hết lẽ thịnh suy ngoài cuộc thế.

    Thưa, kẻ chăn trâu hèn hạ chỉ khát uống, đói ăn. Ngày ra đồng ưa hát nghêu ngao vài ba câu nhảm nhí. Đêm ngủ vô tư lự, sao hiểu nổi lý huyền vi trong thiên hạ...

    Từ câu chuyện vấn đáp kia, cuộc đời Đào Duy Từ đổi khác. Qua tâu trình lên chúa Nguyễn của quan Khám lý Trần Đức Hoà trong lần về Huế 1627, bài "Ngoạ long cương" được chính thức biết đến. Anh hùng tương ngộ được anh hùng. Chúa hiền, tôi giỏi gặp nhau để bắt đầu chuyển dịch một cơ đồ...

    Nguyễn Phúc Nguyên không ngần ngại khi phong tước Hầu, chức Nội Tán quân cơ cho một kẻ chăn trâu, xuất thân từ giai cấp nô tỳ hèn hạ. Với chức vị ấy, Đào Duy Từ nghiễm nhiên thành quân sư, người cố vấn tối cao cho chúa Nguyễn.

    Trịnh Lê đã ruồng bỏ một nhân tài quan trọng mà sau đó chính họ đã phải trả giá đắt không thể nào lường nổi. Những năm 1648, 1655, 1657 quân Trịnh Lê toàn thảm bại liên hoàn. Luỹ Trường Dục và Luỹ Thầy do Đào Duy Từ thiết lập đã khiến Trịnh chúa phải nản lòng chinh phạt:
    "Khôn ngoan qua cửa sông La"
    "Hỏi ai có cánh mới qua luỹ Thầy"
    Quả thật, vị quân sư đã hoàn thành xuất sắc vai trò lịch sử. Khi chúa Nguyễn Phúc Nguyên gọi kẻ từng chăn trâu ấy là Thầy, cũng có nghĩa điều lệnh - về tôn xưng khi nói đến tên ông - được ban bố khắp nơi để nhân dân kính ngưỡng.

    (Thành nội Huế. Kỉ sửu - 2009)
    Trần Hạ Tháp
    Sống trên đời

    Similar Threads
  • #2

    ĐÀO DUY TỪ (1571-1634)
    hay là chuyện người chăn trâu làm tới tể tướng


    Đào Duy Từ người làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá. Cha là Đào Tá Hán, làm kép hát, nhưng con lại không ưa cái nghề vẽ mặt đeo râu, chỉ cố công theo đuổi việc học. Sẵn thông minh, lại cần mẫn, nên không bao lâu Đào Duy Từ đã đạt đến những chỗ uyên ảo trong nho học.

    Muà thu năm Nhâm Thìn (1592) Bình An Vương Trịnh Tùng hạ lệnh mở khoa thi. Bấy giờ Đào đã 21 tuổi, tìm đến kinh kỳ những monh tranh lèo giật giải, nhưng vì là giòng dõi hát chèo nên theo luật pháp hồi ấy không được dự thi.

    Thấy ở Bắc khó đường tiến thủ, Đào quyết vào Nam. Vì nghèo, lại lạ người lạ cảnh, bất đắc dĩ ông phải đi ăn xin làng này qua làng khác, lần hồi đến tận tỉnh Bình Định mới dừng gót giang hồ.

    Nghe đồn Lê Phú ở làng Tài Lương là tay cự phú, đang cần người chăn trâu, ông liền tới xin việc. Từ đó ngày ngày ông đuổi trâu ra đồng ăn cỏ, mình thì tìm chỗ cây cao bóng mát ngồi nấu sử sôi kinh. Đêm đến về nhà, rúc vào cót lúa mà ngủ.

    Lê Phú tính tình hào phóng, hay mời các nho sĩ trong làng đến hội họp để bàn luận văn chương. Một hôm buổi họp đang nhóm thì Đào lùa trâu về. Tới cửa, nghe tiếng ồn ào, ông nghé mắt nhìn vào, và đứng lại có ý lắng tai nghe. Lê Phú thấy Đào mình trần, quần cụt, cất giọng mắng:

    - Thằng chăn trâu kia, biết gì đến chữ nghĩa mà đứng trân trân ra đó?

    Đào mỉm cười:

    - Thưa ông chủ, có kẻ chăn trâu hèn hạ, có đứa chăn trâu anh hùng. Cũng như nhà Nho, có Nho quân tử, mà cũng có Nho tiểu nhân.

    Các Nho sĩ ngạc nhiên hỏi:

    - Thế nào là Nho quân tử, Nho tiểu nhân ?

    Đào đáp:

    - Nho quân tử biết trọng đạo cương thường, lại có tài kinh bang tế thế. Thí dụ như Y Doãn nhà Thương, Thái Công nhà Châu, Gia Cát Khổng Minh nhà Hán. Còn Nho tiểu nhân là kẻ lấy cái học từ chương làm mồi câu danh lợi. Lúc thái bình thì vểnh râu tôm, dương tự đắc, khi loạn lạc thì lại thụt đầu rùa, thở ngắn than dài, khác nào Vương Diễn đời Tấn, An Thạch đời Tống.

    Tân khách đều kinh dị. Có người lại hỏi:

    - Đó là Nho quân tử, Nho tiểu nhân. Còn thế nào là chăn trâu anh hùng, chăn trâu hèn hạ ?

    - Chăn trâu anh hùng như Nịnh Thích gây dựng được nước Tề, Điền Đan khôi phục được thành Yên. Hứa Do biện biệt được đời trị loạn. Bá Lý Hề am hiểu được lẽ thịnh suy. Trái lại kẻ chăn trâu hè hạ chỉ biết đói ăn, khát uống, đêm ngủ quên dậy, ngày nghêu ngao ba câu hát nhảm, việc đời, việc nước tịt mù.

    Cử toạ đem lòng kính nể, một vị từ tốn nói:

    - Thầy quả là một bậc hiền sĩ, chúng tôi thực có mắt không ngươi.

    Rồi vội vã mời Đào ngồi ghế trên, và tiếp tục luận đàm về bách gia chư tử, tam giáo cửu lưu v.v.. Chủ nhà thấy Đào ứng đối như nước chảy, vỗ vai mà nói:

    - Thầy tài giỏi như thế mà từ ấy đến nay cứ giấu diếm mãi, khác nào hòn ngọc quý đem chôn vùi dưới cát. Bấy lâu lão đã xét người không minh, để thầy làm một việc không xứng đáng, xin thầy bỏ qua cho.

    Từ đấy, Lê đãi Đào vào bậc gia sư, lại giới thiệu với quan Khám lý Trần Đức Hoà ở huyện Bồng Sơn. Quan Khám lý thấy Đào học vấn uyên thâm, kiến thức trác tuyệt, bèn mời đến nhà dạy học và ít lâu sau gả con gái cho.

    Đào thường ngâm bài Ngọa Long Cương, có ý tự ví mình với Gia Cát Lượng. Quan Khám lý thấy rể có chí lớn, rất mừng lòng. Năm Đinh Mão (1627) đời Chúa Sãi năm 14 (Lê Thần Tôn, Vĩnh Tộ 8) quan Khám lý vào hầu Chúa, dâng bài Ngọa Long Cương và tâu:

    - Bài này là cuả thầy đồ tên Đào Duy Từ sáng tác.

    Chuá Sãi xem xong lấy làm lạ, lập tức cho vời Đào tới diện kiến. Lúc Đào tới cửa, thấy Chuá đang mặc áo thường đứng ở dịch môn, liền lùi bước trở ra. Chuá biết ý, vào bận áo mũ chỉnh tề, rồi cho mời Đào. Đào trình bày mọi quan điểm về sự chống giữ và mở mang miền Nam. Chuá Sãi mừng rỡ vô cùng, phán:

    - Khanh tới với ta sao muộn lắm vậy ?

    Rồi Chuá phong Đào làm chức Nha-Úy Nội Tán, tước Lộc Khuê Hầu, kiêm quản việc quân cơ, lại thường triệu Đào vào cung bàn việc quốc chính.

    Năm Kỷ-Tỵ (1629) Trịnh Tráng sai Nguyễn Khắc Minh đem sắc thư vào giả tấn phong Chuá Sãi làm Thái phó quốc công, nhưng thực ra là mời đem quân ra Đông Đô dẹp giặc rồi nhân đó sẽ trừ đi. Đào Duy Từ tâu xin hãy tạm nhận phong để tránh hiềm nghi và chế một chiếc mâm đồng hai đáy, giấu sắc chỉ vào trong để gửi ra trả với mảnh giấy đề bốn câu:

    Mâu nhi vô dịch
    Mịch phi kiến tích
    Ái lạc tâm trường
    Lực lai tương tích

    mà Phùng Khắc Loan đã giải thích được là: Ta không nhận sắc. Từ đấy nhà Nguyễn không nộp thuế cho Trịnh nữa, và Đào xin cấp tốc đắp lũy Trường Dục ở huyện Phong Lộc (Quảng Bình) để phòng thủ. Qua năm Tân Mùi (1631), Đào Duy Từ lại tâu xin Chuá Sãi lập thêm một lũy nữa từ cửa bể Nhật Lệ đến mũi Đâu Mâu, cao một trượng, dài trên 300 trượng, tục gọi là lũy Thầy. (Thời ấy, từ Chúa tới các quan đều coi Đào Duy Từ như bậc Thầy, nên gọi tắt là Thầy, chứ không gọi tên).

    Lũy Thầy vững chắc đến nỗi có câu ca dao:

    Khôn ngoan qua cửa sông La
    Dù ai có cánh mới qua Lũy Thầy

    Vua Minh Mạng sau đổi tên Lũy Thầy lại là Định Bắc trường thành. Nhờ hai lũy này, nhà Nguyễn thắng nhà Trịnh nhiều trận: năm Mậu Tý (1648), Ất Hợi (1655) và Đinh Sửu (1657).

    Đào Duy Từ mất ngày 17 tháng 10 năm 1634, thọ 63 tuổi, được phong tặng làm Tán-trị Dực Văn Kim Tử Đại-Phu.

    Lãng Nhân
    (Giai thoại làng Nho)

    Comment

    • #3

      NGỌA LONG CƯƠNG


      Đây là bài Ngọa Long Cương cuả Đào Duy Từ sọan mà Quan Khám Lý tỉnh Qui Nhơn là Cố Quận Công Trần Đức Hòa dâng lên cho Chúa Nguyễn tức là Chúa Hy Tông Hiếu Văn Hoàng Đế Nguyễn-Phước Nguyên (1563-1635), đời bấy giờ gọi là Chúa Phật hay Sãi Vương.

      Ngẫm đời trước tranh hùng bẩy nước, (1)
      Tần Thủy Hoàng thao lược ai bì ?
      Muôn binh vượt cõi biên thùy
      Gồm thâu thiên hạ trị vì giang sơn. (4)

      Bởi chính-sách vua Tần khắc khổ, (5)
      Khiến lê dân chẳng chổ yên vuị
      Nho sinh đánh đập chôn vùi,
      Thương-gia phú-hộ ngậm ngùi thuế cao. (8)

      Non nước đẫm máu đào vô tội, (9)
      Chốn lao tù lầm tội xương khô.
      A-phòng gái đẹp nhởn nhơ,
      Thôn quê rầu rĩ xác xơ võ vàng. (12)

      Hội dân chúng Lưu Bang khởi nghiệp, (13)
      Một lưỡi gươm quyết diệt nhà Tần.
      Ngôi trời truyền bốn trăm năm,
      Bốn phương thịnh-tri. toàn dân thái-hòa. (16)

      Giặc khăn vàng can qua quấy rối, (17)
      Khiến anh-hùng vùng trổi khắp nơi,
      Trung-Nguyên Tào Tháo gặp thời,
      Giang-san, Tôn Sách điềm trời tam phân. (20)

      Đất Tây Xuyên riêng phần Lưu Bị, (21)
      Bởi không người chỉ dẫn đường ngaỵ
      Long dong nương náu qua ngày,
      Khi vui Viên-Thiệu lúc say họ Tào. (24)

      Ngọa Long Cương ngồi cao tính số, (25)
      Tài Khổng Minh thông-cổ đạt kim,
      Đợi chờ chân chúa đến tìm.
      Nằm nơi lều cỏ ngắm nòin non xanh. (28)

      Thấy nghiệp Hán tan-tành nghiêng ngả, (29)
      Muốn ra tay xếp đá xây nền,
      Triều đình quan laị ươn hèn.
      Nào ai còn muốn bon chen vào vòng ? (32)

      Buồn thay lũ chim lồng cá chậu, (33)
      Huênh hoang phường cú đậu cành maị
      Ngựa xe mũ mãng cân đai,
      Mua danh bán tước khoe tài kinh-luân. (36)

      Ngắm thế sự muôn phần chán ngán, (37)
      Tìm non xanh vui hẹn tháng ngày.
      Bụi trần chẳng gợn mảy may,
      Xem hoa cười gió, xem mây lững lờ. (40)

      Tạm ẩn bóng đợi chờ tri-kỷ , (41)
      Hỏi rằng ai lập chí bá vương?
      Long-Trung chốn ấy đã tường,
      Cầu hiền, chân chúa tìm đường đến maụ (44)

      Nay tuy phải trồng rau cuốc đất, (45)
      Nhưng có ngày cờ phất trên yên.
      Tài cao đâu chịu sống hèn,
      Giúp vua lo giữ vững bền non sông. (48)

      VietKiem.com



      Comment

      • #4

        Lũy Thầy "kêu cứu"!




        Hai mặt của tấm bia thứ nhất - Ảnh: Trương Quang Nam


        Hiện những đoạn lũy cuối cùng đang bị xâm hại, các tấm bia đá bị đổ bể, nứt gãy thật thảm trạng mà không nhận được sự quan tâm nào từ cơ quan chức năng.
        Năm 1992, Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao đã ra quyết định công nhận di tích lịch sử đối với hệ thống Lũy Đào Duy Từ (còn gọi là Lũy Thầy) tại thị xã Đồng Hới và huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình với nhiều giá trị to lớn.

        Theo hồ sơ lưu tại Ban Quản lý di tích - danh thắng tỉnh Quảng Bình, Lũy Đào Duy Từ là một hệ thống thành lũy bằng đất, đá được hình thành trong thời gian 3 năm (1630-1634) với tổng chiều dài gần 34 km trong cuộc chiến tranh Trịnh-Nguyễn cách đây gần 4 thế kỷ, gồm có các lũy: Lũy Trường Dục, Lũy Trấn Ninh (Lũy Đầu Mâu) và Lũy Trường Sa. Lũy do Đào Duy Từ - một nhân vật lịch sử được nhân dân đương thời kính trọng tôn bằng thầy - thiết kế, chỉ huy xây dựng nên còn có tên gọi Lũy Thầy. Đây là hệ thống thành lũy phòng thủ chiến lược của Đàng Trong nhằm ngăn chặn cuộc tiến công của xứ Đàng Ngoài. Sử sách ghi lại nơi đây là chiến trường đẫm máu của hai đội quân Trịnh - Nguyễn giằng co, giành giật quyết liệt trong thời gian dài gần 50 năm của cuộc nội chiến và gắn liền với các sự kiện lịch sử nối tiếp.

        Lũy Thầy là một công trình kiến trúc quân sự thời phong kiến ở nước ta, có giá trị trong việc nghiên cứu lịch sử xây dựng thành lũy ở Việt Nam. Thể hiện sự kết hợp một cách khoa học giữa thành lũy, sông ngòi, hầm hào liên hoàn, hỗ trợ cho nhau. Ngoài công dụng quân sự, lũy còn có tác dụng về nông nghiệp, thủy nông, thủy lợi như ngăn gió bão, gió mùa, hạn chế cát bay. Và nhiều nét sinh hoạt văn hóa khác gắn liền...

        Tại quyết định công nhận di tích lịch sử của bộ đã ghi rõ các điều: Nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng khai thác trong những khu vực bảo vệ của di tích, trường hợp đặc biệt sử dụng đất đai ở di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh phải được phép của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao; UBND các cấp thực hiện quyền quản lý Nhà nước đối với di tích. Thế nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược.

        Trong cả hệ thống, Lũy Đầu Mâu thuộc làng Lệ Kỳ, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh được cho là còn khá nguyên vẹn. Năm 1631, sau khi xây xong Lũy Trường Dục, chúa Nguyễn chưa yên tâm bèn sai Đào Duy Từ và Nguyễn Hữu Dật đi Quảng Bình xem xét hình thế núi sông vùng Đông Hải để xây thêm thành lũy phòng ngự. Khảo sát xong, Đào Duy Từ tâu: Thần xem từ cửa Nhật Lệ đến núi Đầu Mâu, phía ngoài có nước khe, bùa lũy sâu rộng, Nguyễn Phúc Nguyên đồng ý cho xây ngay. Bia Định bắc trường thành mô tả Lũy Đầu Mâu như sau: "Lũy Đầu Mâu cao 1 tượng 5 thước (tương đương 6m), phía ngoài đóng cọc gỗ lim, phía sau cọc tre, đổ đất lên 5 tầng cấp để voi ngựa có thể bước lên và di chuyển dễ dàng trên mặt lũy. Cứ cách 3-5 tượng thì xây 1 pháo đài để đặt 1 súng thần công, cứ cách 1 tượng thì đặt 1 súng phóng đá, sỏi - tất cả tạo thành một công trình phòng thủ hiểm yếu và kiên cố nhất". Lũy có chiều dài 12 km.

        Vượt qua 4 lần suối, leo dốc như dựng đứng khoảng 30 phút nữa chúng tôi đến chân Lũy Đầu Mâu. Cả khu vực này núi non hùng vĩ, trùng trùng điệp điệp. Đứng ở đỉnh núi cao nhất sẽ thấy thành lũy uốn lượn rõ ràng và rất đẹp trên một dãy núi hướng thẳng ra biển Đông, hai bên dãy núi là vực thẳm. Ngay dưới chân lũy có con đường rộng khoảng 4m, được khoét lằn xuống mặt núi. Nhiều đoạn còn nguyên 5 tầng cấp, đoạn chỉ còn 3 như những bậc thang có kè đá. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là những hố, hào đất (có lẽ là hào công sự) ở trên mặt lũy trải qua thời gian vẫn còn nguyên dạng, không bị vùi lấp, chỉ đôi chỗ bị cây mọc che khuất. Đứng ở đó có thể quan sát toàn cảnh TP Đồng Hới - phía bắc thành lũy. Một người làng Lệ Kỳ tên Dũng đồng ý dẫn đường cho chúng tôi chỉ vào một gốc tre cho biết: "20 năm trước tui đã lên đây chặt củi. Rất có thể đây là tre của họ đem lên đây trồng còn sống đến chừ". Chúng tôi đã tìm thấy 2 tấm bia đá có khắc chữ Hán. Tấm thứ nhất có khắc chữ Hán cả 2 mặt, được chôn ngay chân lũy, có chiều cao (phần trên đất) khoảng 1,2m, rộng khoảng 0,6m, dày khoảng 0,2m; hiện bị nứt nhiều đường, một phần phía trên đã đứt rời rơi xuống đất. Qua lời chỉ dẫn, đi tiếp theo hướng tây khoảng 1,5 km chúng tôi thấy thêm một bia đá khổ tương tự nhưng chỉ khắc chữ một mặt. Tấm bia đã bị gãy làm đôi, sứt góc phía trên, nằm sõng soài, thê thảm dưới lớp bụi đất và cây rừng cháy đen. Khu vực này rất cao, các lớp đã xếp làm thành lũy còn nguyên. Theo một số người dân trong vùng, có thể còn một vài tấm bia tương tự nằm ở vị trí khác.

        Chúng tôi đến Bảo tàng tỉnh Quảng Bình nhờ đọc và tìm ra phần nào ý nghĩa từ các chữ Hán khắc trên bia nhưng không ai "đọc" được và hẹn vài ngày sau sẽ tìm người giúp. Được biết, các cán bộ, nhân viên của bảo tàng cũng chưa có ai đặt chân đến đó. Rất may chúng tôi tìm được ông Trương Quang Phúc - Chủ nhiệm CLB Hán Nôm Quảng Bình. Sau khi phán đoán những chữ bị mờ, mất kết hợp với các chữ đọc được và sử liệu Lũy Thầy, ông Phúc tạm đọc bia 1: "Tiệp phòng thổ phần dĩ hạ", nghĩa: "Nơi biên thùy có thể đánh thắng giặc". Bia 2: "Tả tiệp thùy thổ phần dĩ hạ", nghĩa: "Có khả năng đặt súng hay chỗ đánh thắng được phần bên trái".

        Khu vực này dân địa phương gọi là động Trốc Trâu, hiện đã được "phân lô" giao đất cho người dân trồng rừng, lấy thành lũy làm ranh giới, phía bắc thuộc TP Đồng Hới đã trồng tràm và keo lai lớn ngang đầu người còn phía nam thuộc huyện Quảng Ninh. Chúng tôi gặp ông Tuyết, một trong nhiều người lên trồng rừng dọc theo Lũy Thầy đang cùng với 2 người nữa đi dặm cây tràm. Ông cho biết đây là phần đất giao cho ông theo thời hạn 50 năm, ông đã lên trồng được 14 năm, ngày trước trồng dưới chân núi, vừa mới lên chỗ lũy đốt cây bụi, gỗ nhỏ để trồng cây vào năm trước. Họ trồng ngay trên chân lũy, mặt lũy. Như thế chỉ sau vài năm thì lũy Đầu Mâu sẽ biến mất bởi sự ăn mòn của rễ cây và những nhát cuốc đào hố trồng cây.

        Trương Quang Nam (báo Thanh Niên)
        Cập nhật ( 07/04/2008 )

        Comment

        • #5

          Thêm những hiểu biết về Đào Duy Từ






          Đào Duy Từ mãi mãi là một người Thầy đức độ, tài năng của dân tộc Việt. Chỉ trong thời gian ngắn ngủi chín năm (1625-1634), được Chúa Nguyễn tin dùng, Đào Duy Từ đã kịp xây dựng được một định chế chính quyền rất được lòng dân.

          Do vậy, sau đời chúa Nguyễn Phúc Nguyên còn truyền thêm được bảy đời nữa; Giữ vững cơ nghiệp của chúa Nguyễn ở Đàng Trong chống cự thành công với họ Trịnh ở phía Bắc; Mở đất phương Nam làm cho Nam Việt thời ấy trở nên phồn thịnh, nước lớn lên, người nhiều ra; Đặt nền móng vững chắc cho triều Nguyễn, sửa sang chính trị, quan chế, thi cử, võ bị, thuế khóa, nội trị, ngoại giao; Những di sản của ông để lại đều là những kiệt tác.


          CHÙM THƠ HAY GẮN VỚI GIAI THOẠI ĐÀO DUY TỪ

          “Trèo lên cây bưởi hái hoa
          Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
          Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
          Em có chồng anh tiếc lắm thay”

          “Ba đồng một mớ trầu cay
          Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
          Bây giờ em đã có chồng
          Như chim vào lồng như cá cắn câu
          Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
          Chim vào lồng biết thuở nào ra?... ”

          “Có lòng xin tạ ơn lòng
          Đừng đi lại nữa mà chồng em ghen!”


          Chùm thơ này đã có trong dân gian từ lâu. Gọi là chùm thơ vì đây không phải là một bài mà là ba bài, gieo theo thể liên vận, gắn với “Giai thoại Đào Duy Từ” Danh nhân Việt .

          Truyện rằng: “… Năm 1627, chúa Trịnh Đàng Ngoài muốn bắt họ Nguyễn ở Đàng Trong thần phục, bèn cử đoàn sứ giả mang sắc vua Lê vào phong cho Sãi Vương (Nguyễn Phúc Nguyên) và đòi lễ vật cống nạp. Chúa Sãi không chịu, nhưng bề ngoài chưa biết xử trí ra sao, bèn hỏi ý kiến Lộc Khê Đào Duy Từ. Theo một số tư liệu, thì chính Duy Từ là người khuyên chúa Sãi bước đầu cứ nhận sắc phong, rồi sau sẽ tìm kế đối phó.

          Ba năm sau, thấy thời cơ thuận lợi, bấy giờ Lộc Khê mới bàn với Sãi Vương, sai thợ làm một chiếc mâm đồng có hai đáy, bỏ sắc vua Lê phong kèm với một tờ giấy có 4 câu chữ Hán vào giữa, rồi hàn kín lại. Trên mâm cho bày nhiều lễ vật hậu hĩnh, rồi cử sứ giả mang ra Thăng Long, để tạ ơn vua Lê, chúa Trịnh.

          Triều đình Đàng Ngoài nhận được mâm lễ vật tỏ ý ngờ vực, bèn cho khám phá bí mật ở phía trong và cuối cùng họ đã phát hiện chiếc mâm có hai đáy. Khi đem đục ra thì thấy có sắc vua phong dạo trước và tờ giấy viết bốn câu chữ Hán sau:

          Mâu nhi vô dịch
          Mịch phi kiến tích
          Ái lạc tâm trường
          Lực lai tương địch

          Dịch nghĩa từng câu là: chữ ''mâu'' không có dấu phết; chữ ''mịch'' bỏ bớt chữ ''kiến''; chữ ''ái'' để mất chữ ''tâm'' và chữ ''lực'' đối cùng chữ ''lai''.

          Thoạt đầu, chúa Trịnh và cả đình thần không ai hiểu bốn câu trên ngụ ý gì. Sau chúa phải cho vời viên quan thông thái nhất triều vào hỏi, thì mới vỡ lẽ rằng, trong chữ Hán, chữ ''mâu'' viết không có dấu phết thì thành chữ ''dư''. Chữ ''mịch" mà bỏ chữ ''kiến'' thì là chữ "bất''. Chữ ''ái'' nếu viết thiếu chữ ''tâm'' thì ra chữ ''thụ'' và chữ ''lực để cạnh chữ ''lai'' sẽ là chữ ''sắc''. Gộp cả bốn chữ mới lại thành câu: ''Dư bất thụ sắc'', nghĩa là ''Ta chẳng chịu phong''.

          Chúa Trịnh thấy họ Nguyễn chối từ, trả lại sắc phong bằng một mẹo kế tài tình, thì vừa tức giận, vừa phục tài, bèn cho dò la và biết được đều do Lộc Khê Đào Duy Từ bày đặt ra cả. Chúa tính kế làm sao để lôi kéo Lộc Khê bỏ chúa Nguyễn Đàng Trong về với triều đình Lê - Trịnh Đàng Ngoài.

          Chúa lập mưu sai người mang nhiều vàng bạc bí mật vào biếu Đào Duy Từ, kèm một bức thư riêng với bốn câu thơ:

          “Trèo lên cây bưởi hái hoa
          Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
          Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
          Em có chồng anh tiếc lắm thay”


          Lời thơ nói đến chuyện anh và em thuở nhỏ, trèo cây hái hoa bưởi, bước xuống ruộng cà hái lộc mùa xuân. Tứ thơ trong như ngọc, là lời nhắn nghĩa tình, nhắc ông rằng tổ tiên, quê quán vốn ở Đàng Ngoài. Nếu trở về sẽ được triều đình trọng dụng còn nếu không thì ngầm ý khống chế

          Tương truyền Đào Duy Từ đã xây mộ cho cha mẹ tại Bình Định để tránh bị Đàng Ngoài khống chế theo cách làm của Ngọa Long Gia Cát đón mẹ của Khương Duy vào Hán Trung thuở xưa. Đào Duy Từ đã trả lại quà tặng và viết bài thơ phúc đáp chúa Trịnh như sau:

          Ba đồng một mớ trầu cay
          Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
          Bây giờ em đã có chồng
          Như chim vào lồng như cá cắn câu
          Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
          Chim vào lồng biết thuở nào ra?...

          Chúa Trịnh đọc thơ biết khó lòng lôi kéo được họ Đào, nhưng thấy bài thơ chưa có câu kết, ý còn bỏ ngỏ, nên vẫn nuôi hi vọng, bèn cho người đem lễ vật hậu hơn, cầm thư chúa vào gặp Đào Duy Từ lần nữa.

          Lần này, ông mới viết nốt hai câu kết gửi ra, để trả lời dứt khoát việc mời mọc của chúa Trịnh. Hai câu đó như sau:

          Có lòng xin tạ ơn lòng
          Đừng đi lại nữa mà chồng em ghen!

          Từ đấy Đào Duy Từ ở lại giúp chúa Nguyễn ổn định và phát triển vùng đất miền trong, mở mang bờ cõi đất nước ta cho đến lúc qua đời…”

          LỜI THƠ ĐẸP, HỢP LOGIC VÀ TÌNH TỰ DÂN TỘC

          Chùm thơ và giai thoại trên đã tồn tại lâu dài trong bia miệng người đời. Lời thơ đẹp, hợp logic và tình tự dân tộc, mọi việc đều khớp đúng với sự kiện lịch sử .

          Nguyễn Hoàng, chúa khởi nghiệp nhà Nguyễn, có quê tại huyện Tống Sơn (nay là huyện Hà Trung). Nhà thờ họ Nguyễn hiện ở đình Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Ông Nguyễn Hoàng là con thứ hai của ông Nguyễn Kim (tức Hữu vệ Điện tiền Tướng quân An Thanh hầu Nguyễn Hoằng Kim) cháu của ông Nguyễn Hoằng Dụ, chắt của ông Nguyễn Văn Lang, đều là các trọng thần của nhà Lê. Nguyên khi xưa ông Nguyễn Kim khởi nghĩa giúp nhà Lê đánh nhà Mạc đã lấy được đất Thanh Nghệ nhưng khi thừa thắng đem quân ra đánh Sơn Nam thì bị hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đánh thuốc độc chết, binh quyền giao lại cho con rể Trịnh Kiểm. Người anh của Nguyễn Hoàng là Nguyễn Uông bị Trịnh Kiểm kiếm chuyện giết đi vì sợ đức độ và tài năng của hai anh em nhà vợ đoạt mất quyền mình. Nguyễn Hoàng sợ Trịnh Kiểm ám hại nên đã hỏi kế của Nguyễn Bỉnh Khiêm và được Trạng Trình bảo rằng “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Ông đã xin vào trấn thủ Thuận Hóa từ năm 1558.

          Đào Duy Từ sinh năm 1572 ở làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, phủ Tỉnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Năm ông ra đời thì Trịnh Kiểm vừa mới mất (1570) trao quyền lại cho Trịnh Cối để lo việc đánh dẹp. Trịnh Cối say đắm tửu sắc, tướng sĩ nhiều người không phục. Trịnh Tùng, con thứ của Trịnh Kiểm, đã rước vua Lê về đồn Vạn Lại và công khai chống lại anh ruột, Nhân lúc anh em họ Trịnh đánh nhau, Mạc Kính Điển cùng với các danh tướng Nguyễn Quyện, Mạc Ngọc Liễn đem 10 vạn quân vào đánh Thanh Hóa. Trịnh Cối liệu thế không địch nổi đã đầu hàng Mạc. Trình Tùng đưa vua về Đông Sơn, phòng ngự chắc chắn, liều chết cố thủ. Mâc Kính Điển đánh mãi không được, lâu ngày hết lương, phải rút quân về. Trình Tùng oai quyền vượt vua, Anh Tông lo ngại tìm cách giết Trịnh Tùng. Mưu việc không thành, vua sợ chạy vào Nghệ An, bị Trịnh Tùng lập vua mới Thế Tông Lê Duy Đàm bảy tuổi lên làm vua và cho người truy sát giết chết vua cũ. Suốt 10 năm 1573-1583 Trịnh Tùng cố thủ vững chắc Thanh Hóa. Sau khi Mạc Kính Điển mất (1579) thế lực hai bên thay đổi. Năm 1591, Trịnh Tùng cử đại binh đánh ra Thăng Long, bắt được Nguyễn Quyết, phá hào lũy và rút về Thanh Hóa. Vua Mạc Mậu Hợp say đắm vợ người, bạc đãi tướng sĩ, làm nát cơ nghiệp nhà Mạc. Tướng nhà Mạc là Văn Khuê về hàng nhà Lê. Trịnh Tùng đem đại binh trở lại Thăng Long, đánh tan quân Mạc, giết Mạc Mậu Hợp. Nhà Mạc mất ngôi. Con cháu nhà Mạc giữ đất Cao Bằng được ba đời nữa. Vua Lê chỉ còn trên danh nghĩa được cấp bổng lộc thượng tiến, thu thuế 1000 xã và 5000 lính túc vệ và chỉ thiết triều tiếp sứ. Mọi việc lớn nhỏ đều do chúa Trịnh điều hành. Họ Trịnh tôn Lê vì sợ nhà Minh sinh sự lôi thôi và sợ những kẻ chống đối lấy cớ phù Lê, hơn nữa họ Nguyễn có thế lực mạnh và họ Mạc còn đang giữ đất Cao Bằng .

          Năm 1572, nhân lúc anh em Trịnh Cối, Trịnh Tùng đánh nhau, nhà Mạc đem quân đánh Thanh Hóa và cho một cánh thủy quân do tướng Lập Bạo chỉ huy đánh Thuận Hóa. Nguyễn Hoàng đã cho gái đẹp Ngô thị giả cách đưa vàng bạc đến cầu hòa, dụ Lập Bạo ra ái ân trên bãi biển vắng. Lập Bạo không đề phòng nên bị quân Nguyễn trong cát nổi lên giết chết. Quân Mạc bị đánh tan.

          Nguyễn Hoàng từ năm 1592 đến năm 1600, đã kéo quân ra Bắc giúp Trịnh diệt Mạc và lập được nhiều công to nhưng Trịnh Tùng luôn để ý đề phòng và Nguyễn Hoàng đã không thể có cớ gì để trở lại đất cũ. Năm 1600 nhân dịp đi đánh giặc, Nguyễn Hoàng đã theo đường biển về lại Thuận Hóa. Sợ họ Trịnh nghi ngờ, ông đã gả con gái Ngọc Tú cho Trịnh Tráng là con trai thứ của Trịnh Tùng. Năm 1613, Nguyễn Hoàng sắp mất, gọi người con thứ 6 là Nguyễn Phúc Nguyên vào dặn rằng: “Đất Thuận, Quảng này, bên bắc thì có núi Hoành Sơn, sông Linh Giang, bên nam có Hải Vân và núi Bì Sơn, thật là một nơi trời để cho người anh hùng dụng võ. Vậy ta phải thương yêu nhân dân, luyện tập quân sĩ để mà gây dựng cơ nghiệp về muôn đời”.

          Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên nối nghiệp cha giữ đất phương Nam, theo đúng lời di huấn của cha “thương yêu nhân dân, luyện tập quân sĩ”, bên ngoài kính cẩn nhận chức do vua Lê phong cho, giữ hòa hiếu với anh rể Trịnh Tráng, nhưng bên trong đã ngầm súc tích nội lực, tỉnh táo đối phó với mưu mô giảo hoạt tìm mọi cách thôn tính, khống chế của họ Trịnh.

          Đào Duy Từ với tầm nhìn xa rộng và nhãn quan chính trị sâu sắc đã nhận ra tình cảnh trớ trêu trên. Hình thái Lê Trịnh, Mạc, Nguyễn thời ấy thật giống như “Tam Quốc”: Họ Trịnh noi cách Tào Tháo mượn uy thiên tử để sai khiến chư hầu. Họ Mạc tuy sức cùng lực kiệt nhưng được nhà Minh hậu thuẫn Nhà Minh luôn rình đợi thời cơ để can thiệp vào nước ta như cách “giúp Trần, cầm Hồ” của triều trước. Họ Nguyễn giữ đất phương Nam chân chúa lô rõ, hiền tài theo về. Đào Duy Từ như Ngọa Long ở Long Trung ẩn nhẫn đợi thời. Ông chỉ quyết định vào Nam khi đã định rõ minh quân, danh tướng, chiến lược, sách lược các đối sách trước mắt và lâu dài của bàn cờ lớn.

          Lịch sử ghi nhận Đào Duy Từ đã rời quê hương vào Đàng Trong lập nghiệp năm 1625 khi ông đã 53 tuổi. Ông là người tinh thông sử sách, có tài văn võ nhưng không được đi thi vì là con nhà ca xướng. Bố của ông là Đào Tá Hán, trước làm lính cấm vệ trong triều Lê Trịnh, bị phạm húy khi làm thơ đã dám nói tên của chúa Trịnh Kiểm nên bị phạt đánh đòn và đuổi về nhà làm dân thường. Bố của ông sau trở thành kép hát nổi tiếng khắp vùng và kết duyên với bà Vũ Thị Kim Chi ở làng Ngọc Lâm. Đào Duy Từ được sinh ra ở làng Hoa Trai, khi ông lên năm thì bố bị bệnh mất, người mẹ ở góa, tần tảo nuôi con ăn học. Theo luật lệ của triều đình bấy giờ thì con cái những người làm nghề ca xướng đều không được quyền thi cử. Bà Kim Chi tiếc cho tài học của con nên đã nhờ viên xã trưởng đổi họ Đào của con theo cha thành họ Vũ theo mẹ. Đào Duy Từ đã đỗ á nguyên tại kỳ thi Hương năm 1593 lúc ông 21 tuổi, vào đời vua Lê Thế Tông (l567-1584). Ông dự thi Hội thì bị viên xã trưởng mật báo và tố giác vì mẹ ông đã không chịu gian díu với hắn. Ông bị cấm thi vì trọng tội "gian lận trong thi cử", bị giam giữ xét hỏi, trong khi mẹ ông ở nhà đã phẫn uất tự tử. Đào Duy Từ vào Nam sau ba mươi năm trầm tĩnh đợi thời. Ứng xử của ông như Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nhẫn nại đợi hai mươi năm mới ra dự thi triều Mạc và lập tức đoạt được Trạng nguyên. Đào Duy Từ cũng chọn hướng vào Nam rất sâu sắc, có tính toán và đúng thời cơ. Đây không phải là một sự uất ức tầm thường mà là sự nhẫn nại của bậc trí giả, thời thế nhiễu loạn, vàng lầm trong cát đấy thôi.

          GIAI THOẠI LUNG LINH HUYỀN ẢO CHINH PHỤC LÒNG NGƯỜI

          Giai thoại dân gian kể rằng, chính trong thời gian Đào Duy Từ gặp cảnh ngộ éo le phạm quy tại trường thi thì chúa Nguyễn Hoàng đang viếng thăm phần mộ của cha ông xây cất ở vùng Tống Sơn. Nguyễn Hoàng đã đến thăm Thái phó Nguyễn Hữu Liêu và tình cờ nghe được chuyện kể về tài năng cùng số phận hẩm hiu của người học trò nghèo Đào Duy Từ. Chúa đem lòng ái mộ cảm mến, nên đã tìm gặp và ngầm giúp Từ tiền bạc để sinh sống. Khi Nguyễn Hoàng đến thăm Đào Duy Từ. Chúa chợt thấy trên vách buồng Duy Từ đang ở có treo bức tranh cầu hiền vẽ ba anh em Lưu Bị thời Tam Quốc bên Tàu lặn lội tìm đến đất Long Trung để vời đón Gia Cát Lượng là một bậc hiền tài.

          Nguyễn Hoàng bèn chỉ lên bức tranh, tức cảnh đọc mấy câu thơ để tỏ lòng cầu hiền của chúa và cũng để dò xét tâm ý Đào Duy Từ:

          Vó ngựa sườn non đá chập chùng
          Cầu hiền lặn lội biết bao công

          Duy Từ bèn đọc tiếp:

          Đem câu phò Hán ra dò ý
          Lấy nghĩa tôn Lưu để ướm lòng ...

          Nguyễn Hoàng nối thêm:

          Lãnh thổ đoạn chia ba xứ sở
          Biên thùy vạch sẵn một dòng sông

          và Duy Từ kết

          Ví như chẳng có lời Nguyên Trực
          Thì biết đâu mà đón Ngọa Long

          Sau này, khi Nguyễn Hoàng đã mất, Đào Duy Từ vào Nam,. Ông chăn trâu thuê cho một nhà giàu ở Bình Định. Chủ nhà là người ham mê văn học, đã phát hiện ra Đào Duy Từ là người có tài, nên đã tiến cử Đào Duy Từ cho quan Khám lý Trần Đức Hòa. Vì mến tài của Đào Duy Từ, Trần Đức Hòa đã gả con gái cho, đồng thời tiến cử Đào Duy Từ cho Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Sau cuộc gặp gỡ với Đào Duy Từ, Chúa Sãi đã phong cho ông làm Nha uý Nội tán.

          Được Chúa Nguyễn trọng dụng, Đào Duy Từ đã hết lòng giúp chúa Nguyễn đạt được những kỳ tích lạ lùng trong lịch sử:

          1) Giữ vững cơ nghiệp của chúa Nguyễn ở Đàng Trong chống cự thành công với họ Trịnh ở phía Bắc. Ông đã cùng các danh tướng Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến bày mưu định kế, luyện tập quân sĩ, xây đồn đắp lũy, tổ chức tuyến phòng ngự chiều sâu từ phía nam sông Linh Giang đến Lũy Trường Dục (ở huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình) và Lũy Thầy (từ cửa sông Nhật Lệ đến núi Đâu Mâu, Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình). Suốt thời Trịnh Nguyễn phân tranh kéo dài suốt 45 năm (1627-1672) đánh nhau cả thảy bảy lần, họ Trịnh thường mạnh hơn nhưng quân Nam tướng sĩ hết lòng, đồn lũy chắc chắn nên đã chống cự rất hiệu quả với quân Trịnh.

          2) Mở đất phương Nam làm cho Nam Việt thời ấy trở nên phồn thịnh, nước lớn lên, người nhiều ra.

          3) Đặt nền móng vững chắc cho triều Nguyễn, sửa sang chính trị, quan chế, thi cử, võ bị, thuế khóa, nội trị, ngoại giao. Với tài năng tổ chức kiệt xuất của Đào Duy Từ, chỉ trong thời gian ngắn ngủi chín năm (1625-1634), ông đã kịp xây dựng được một định chế chính quyền rất được lòng dân. Do vậy, sau đời chúa Nguyễn Phúc Nguyên còn truyền thêm được bảy đời nữa .

          4) Những di sản của Đào Duy Từ để lại đều là những kiệt tác: Binh thư "Hổ trướng khu cơ" sâu sắc, thực tiễn, mưu lược yếu đánh mạnh, ít địch nhiều, là một trong hai bộ sách quân sự cổ quý nhất của Việt Nam (bộ kia là Binh thư yếu lược của Trần Hưng Đạo) ; Nhã nhạc cung đình Huế, vũ khúc, tuồng cổ Sơn Hậu gắn với di sản văn hóa Huế thành di sản văn hóa thế giới; Những giai thoại, ca dao truyền đời trong tâm thức dân tộc của lòng dân mến người có nhân.

          Đào Duy Từ mãi mãi là một người Thầy đức độ, tài năng của dân tộc Việt.

          Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 10-04-2010, 09:32 PM.
          ----------------------------

          Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

          Comment

          Working...
          X
          Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom