• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Quê Hương Với Cây Đòn Gánh Thân Quen

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Quê Hương Với Cây Đòn Gánh Thân Quen

    Quê Hương Với Cây Đòn Gánh Thân Quen

    Click image for larger version

Name:	huong-lua-moi2.jpg
Views:	41
Size:	13.7 KB
ID:	261120Xem ra, các dân tộc trên thế giới, người đàn bà, con gái không nơi nào dùng đòn gánh như người Việt Nam. Người Tây phương, người Ả Rập, người Phi Châu, người Mỹ, Nam Mỹ, họ chỉ đội trên đầu, tay xách hay ôm, vai mang (như mang ba-lô) chớ không gánh như người Việt Nam.

    Có lẽ nền “Văn Minh Cây Tre” sinh ra “Văn Minh Cái Đòn Gánh” bởi vì cây đòn gánh làm bằng tre, không làm bằng gỗ. Gỗ cứng ngắt, không uyển chuyển, không “mềm” nên không làm đòn gánh được.

    Đòn gánh làm bằng gỗ gánh đau vai lắm. Đòn gánh làm bằng tre uyển chuyển hơn, hai đầu nặng của đòn gánh nhún nhảy hơn nên đỡ đau vai nhiều. Người Việt Nam dùng tre trong nhiều việc, cũng từ đó mà sinh ra cây đòn gánh để người ta dùng.

    Đòn gánh thường làm bằng tre đực (tre đực là tre đặc ruột), bị đẻo mất mộ nửa, giữa hơi dày để chịu sức nặng, hai đầu hơi mỏng để dễ uyển chuyển. Đầu đòn gánh có mấu để giữ cho đầu gióng không di chuyển được, không vuột ra khỏi đòn gánh.

    Có khi ở đoạn giữa đòn gánh, người ta cặp thêm một đoạn tre ngắn để chịu được nhiều sức nặng hơn. Gánh những món hàng tương đối nhẹ, như bán chè, bán cháo… người ta dùng loại đòn gánh không cặp thêm cho nhẹ vai. Với những vật dụng nặng hơn như gánh lúa, gánh gạo, người ta dùng loại đòn gánh có cặp thêm tre.

    Với những món hàng nặng hơn nữa, như cá, củi, than, người ta không dùng loại đòn gánh ngang bằng mà dùng loại hai đầu cong vễnh lên.

    Gánh hàng rong là người ta gánh bún, phở, cháo lòng đi bán rong quanh xóm, quanh làng từ sáng tới chiều. “Gánh hàng hoa” - Như tên một truyện của Khái Hưng - là cô gái gánh hoa ra chợ bán, có khi chợ sớm, có khi chợ chiều. Do đó mới có câu ca dao:
    “Thân em như gánh hàng hoa, Sớm qua chợ sớm, chiều qua chợ chiều.”

    Gánh lúa là người ta gánh lúa từ đồng về nhà. Gánh củi là gánh từ rừng về, cũng hơi xa. Gánh cá là đi xa nhứt:

    Từ biển về tới thành phố, như từ cửa Thuận An lên Huế hay từ Cửa Việt lên thành phố Quảng Trị thì xa không dưới mười cây số.
    Để kịp chợ, để cá được tươi,người gánh cá vừa gánh vừa chạy, thành từng đám cho vui bạn bè.Gánh lúa cũng có thể dùng đòn gánh hay dùng đòn xóc.

    Đòn xóc là một loại đòn gánh nhưng hai đầu nhọn để đâm mũi nhọn vào bó lúa cho dễ.

    Gánh lúa là hình ảnh tiêu biểu cho nông dân Việt Nam, nên việc gánh lúa đi vào trong thơ, trong nhạc, và cả trong địa lý.

    Trong thơ thì có: “Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non” (Ca dao), trong nhạc thì có “Gánh, gánh, gánh
    … Gánh lúa về…” (Gánh Lúa - Phạm Duy và Lê Yên). Về địa lý, người ta ví đồng bằng sông Nhị và đồng bằng sông Cửu Long như hai thúng gạo, miền Trung là cái đòn gánh.

    Phạm Duy viết: “Gạo Nam, gạo Bắc, đòn miền Trung, gánh đừng để rơi.” đòn gánh làm bằng tre, rất uyển chuyển làm cho người gánh bớt đau vai và thấy nhẹ, nên người Tây dịch chữ đòn gánh là fléau, lấy từ nghĩa của động từ flechir là bẻ cong, còng, làm xiêu, làm dịu, oằn, giảm bớt, hạ xuống.

    Sở dĩ người Tây phải dịch là vì xứ họ cũng như Tây phương, Mỹ, Nga không có đòn gánh.

    Như mọi người biết, cây tre rất đa dụng. Trước hết, tre làm hàng rào, bảo vệ từng nhà, từng làng. Giặc cướp, quân xâm lăng khó vượt qua được những lũy tre làng để tiến vào làng nên nhiều nhà sử học cho rằng, cây tre, lũy tre đã góp phần vào việc giúp người Việt Nam giữ vững nền độc lập. Đó là nói về chiều sâu, chiều xa. Gần gủi và cụ thể thì tre giúp người Việt Nam làm nhà như cột kèo, phên vách, cửa nẽo, kết tranh; làm dụng cụ như thúng, mũng, trẹt, nong… và đòn gánh, đòn xóc.

    Người không chuyên thì chỉ gánh được một vai, thường là vai phải. Có người gánh được cả hai vai, nhất là những người phải gánh đường xa. Lúa gánh từ đồng về nhà có khi cũng xa lắm

    . Gạo gánh từ nhà ra chợ bán cũng xa lắm. Nhứt là mấy bà gánh cá như tôi nói ở trên thì lại quá xa. Vì vậy, khi gánh một vai bên nầy lâu quá, mỏi thì người ta đổi qua vai kia. Trên đường dài, người gánh phải đổi vai nhiều lần như vậy.

    Trong cuốn Brother Enemy của Nayan Chanda, ông ta khen người Việt Nam sáng trí, đã đổi vai cho cầu Long Biên khi cầu nầy bị máy bay Mỹ bắn hỏng một bên vài. Có nghĩa là xe hơi từ Hải Phòng lên, khi qua cây cầu nầy, thay vì chạy bên phải thì xe hơi lái qua bên trái. Phía phải yếu không chịu sức nặng của xe được.

    Người ta phải tập mới gánh được. Mấy cô gái quê, 15, 17 tuổi là phải tập gánh. Khôngbiết gánh, công việc đồng áng tất phải trở ngại. Ban đầu, người ta gánh vài ba chục ký.

    Sau đó, khi gánh quen, bớt đau vai thì trọng lượng gánh được tăng lên. Đàn ông lựclưỡng, nếu quen, có thể gánh tới 150 Kg.

    Những gia đình ở gần sông, phần đông các cô các bà đều biết gánh nước. Tắm giặt cóthể ở sông, nhưng phải gánh nước về nhà để nấu ăn. Ngày xưa, người ta gánh nước trong cái thùng gỗ, thùng tre trét nhựa đường cho khỏi chảy. Sau nầy, khi có dầu hôi thì người ta thường dùng thùng dầu hôi để gánh nước.

    Thùng dầu hôi hiệu Con Gà (Có hình con gà bên hông) hay Con Sò (Có hình con sò bên hông) dung tích 20 lít, nặng 20Kg. Hai thùng hai đầu là 40Kg. Gánh 40 Kg đi lên dốc bờ sông, nhiều khi đường trơn trợt, cũng là một khổ nạn.

    Tuy nhiên, nước sông khi trong khi đục, khi dơ khi sạch, nhứt là khi có nước lũ thì nước đục ngầu, không nấu ăn được.

    Để có nước nấu ăn, ở thôn quê, người ta thường đào giếng. Làng có những cái giếng chung, xây bằng gạch hay đá.

    Giếng rộng và sâu, đủ nước cho nhiều gia đình. Giếng thường đào bên cạnh gốc đa để có bóng mát cho mấy bà mấy cô ngồi giặt giũ hay chuyện trò. Giếng làng là nơi tập trung cho mấy cô thông minh; thông minh nên “nhiều chuyện”.

    Đi gánh nước cũng là dịp mấy cô gặp nhau để “nhiều chuyện”, chuyện nầy chuyện kia, chuyện mấy cô mấy cậu, chuyện ông nọ bà kia.

    Người gánh nước giếng phải mang theo cái gàu; gàu mo hay gàu sắt, gàu tre. Bạn có biết cái đòn gánh tạo ra cái áo nối vai hay không?

    Người Huế, nói chung là người miền Trung, không như người Nam, mỗi khi ra các mệ ,các O xứ Huế ra đường đều mặc áo dài.

    Mặc áo dài mà đòn gánh đằn vai thì chỗ đòn gánh đặt lên vai áo mau sờn, mau rách. Chỗ vai áo thì đã sờn mà cái áo còn tốt nên người ta cắt miếng vải nối vai.

    Cái áo trở thành áo nối vai, có khi đồng màu, có khi không. Tôi từng thấy những cái áo dài đen hay nâu nối vai vải trắng. Cái áo nối vai chứng tỏ cho người ta thấy nỗi khó khăn, gian khổ, vất vả của người đàn bà Việt Nam. Nói tới “Áo Dài Việt Nam” mà quên cái áo nối vai là một thiếu sót lớn!

    Cách đây ít lâu, đọc cuốn “Hiền Lương Chí Lược” của một ông chú họ, nói về quê nội tôi, tôi thấy ông chú dùng chữ “Đòn gánh đằn vai” để mô tả sự đảm đang của người đàn bà quê nội tôi.

    Nó cũng có nghĩa như buôn tảo bán tần vậy. Hễ buôn bán thì “đòn gánh đằn vai.” Mấy tiếng ấy, lâu ngày đã quên, nay có người nhắc lại, tôi thấy xúc động lắm.

    Tuệ Chương
    Đã chỉnh sửa bởi admin; 12-02-2020, 12:12 PM.
    Sống trên đời

    Similar Threads
Working...
X
Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom