• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Thuốc Lá Cẩm Lệ

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Thuốc Lá Cẩm Lệ

    Thuốc Lá Cẩm Lệ
    Cảnh Bình Nhung


    Góp mặt vào các chủng loại thuốc lá thơm ngon trên toàn quốc, thuốc lá Cẩm Lệ (sản xuất tại Cẩm Lệ - Hòa Vang) là một đặc sản xưa nay được nhiều nơi ham chuộng. Sự nhận xét này rất xác đáng có lẽ là do các yếu tố về chủng loại, thổ nhưỡng, kỹ thuật trồng thuốc cổ truyền, mà ngay các nơi trồng thuốc lá khác trong tỉnh Quảng Nam muốn thử trồng cũng không sao sản xuất được loại thuốc lá có phẩm chất tương tự.

    Bước đầu khảo sát vùng Cẩm Lệ, tìm hiểu và giới thiệu về cây thuốc lá và nghề trồng thuốc nơi đây, chúng tôi hy vọng ghi lại một phần kinh nghiệm trồng thuốc cổ truyền của người dân Cẩm Lệ còn được bảo tồn để góp phần tạo nên loại thuốc lá xưa nay nổi tiếng gần xa.Theo “Phủ Biên Tạp Lục” (toàn tập tập I) của Lê Quý Đôn thì Cẩm Lệ là một xã trong mười xã thuộc tổng Lỗ Giản huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn, được hình thành ổn định vào thế kỷ XVIII. Đơn vị xã Cẩm Lệ còn tồn tại cho đến nửa đầu thế kỷ XX. Ngày nay về mặt hành chánh “xã Cẩm Lệ” không còn ranh giới như trước kia, nhưng danh xưng “vùng Cẩm Lệ” vẫn được người dân nói tới để chỉ đến những vùng đất gồm thôn Bình Thái và những vùng đất kế cận như các thôn Phong Bắc, thuộc xã Hòa Thọ - Hòa Vang.Thuốc lá thuộc loại cây ngắn ngày được người dân Cẩm Lệ trồng sớm. Từ ngày ươm hạt cho đến ngày thu hoạch khoảng 150 ngày. Thời vụ thích hợp nhất (vụ mùa) được giới hạn từ tháng 8 đến tháng 12 âm lịch, có khi trồng muộn hơn một hai tháng. Thời gian này gặp những điều kiện thuận lợi cho khí hậu tương đối ôn hòa của xứ Quảng Nam (nhiệt độ trung bình từ 20-24 độ C và ít có những trận mưa lớn ảnh hưởng đến cây trồng), hơn nữa còn dùng được nhân công sau một mùa lúa để đầu tư vào việc trồng thuốc. Khác với các loại cây thuốc lá ở các vùng khác trong tỉnh Quảng Nam, thường có dáng cây to cao (hơn lm5), tàu lá dài rộng và dòn (kích thước mỗi lá thường là 0m6x0m3), cây thuốc lá Cẩm Lệ có tầm cao vừa phải (khoảng 1m), mảnh mai, tàu lá thon nhỏ, khá dày, bóng, đều đặn và mềm dẻo, cuống lá ngắn tròn, gọn, không có tai lá hai bên (kích thước mỗi lá chừng 0m2x0m8).

    Từ lâu, không ít những gia đình nông dân vùng Cẩm Lệ đã chuyên việc trồng thuốc và bỏ thuốc (bán thuốc) cho những lái buôn theo tuyến đường từ Quảng Trị vào. Các gia đình có truyền thống trong nghề trồng thuốc ở Cẩm Lệ đều cho rằng giống thuốc lá của họ còn đến ngày nay có lẽ là do sự bảo tồn nguyên vẹn (không lai tạo) một giống thuốc đặc sắc vốn được cha ông họ đưa từ các tỉnh miền Bắc mang vào trong quá khứ để khai hoang lập nghiệp. Dần dà, việc chọn giống thuốc qua các mùa và việc bảo quản hạt giống cẩn thận của người dân Cẩm Lệ đã là một trong những yếu tố bền vững giúp cho việc tạo nên nét đặc trưng của loại thuốc nơi đất Cẩm Lệ này.So với những vùng đất khác ở huyện Hòa Vang cũng như các nơi khác trong tỉnh Quảng Nam, thổ nhưỡng vùng Cẩm Lệ có lẽ được thiên nhiên ưu đãi về thành phần chất khoáng và những loại vi khuẩn thích hợp nhất cho quá trình sinh trưởng và phát triển đồng đều của cây thuốc lá. Địa thế nơi đây tương đối cao, diện tích đất cát pha khá nhiều và có phần hơi xa nguồn nước nên người dân sớm biết tận dụng để trồng thuốc lá. Buổi đầu việc trồng thuốc còn chưa phổ biến, những gia đình mới bắt đầu “vào nghề” thường chỉ trồng ngay trong vườn (quanh nhà với vài trăm gốc, càng về sau, biết được lợi thế của loại đất quê nhà đối với cây thuốc lá, họ tính chuyện mở rộng diện tích trồng xa nhà với số lượng nhiều hơn trước gọi là phụ kế sinh nhai.

    Theo kinh nghiệm lâu đời, những người trồng thuốc ở Cẩm Lệ rất coi trọng việc chọn đất và sửa soạn cho đất trước khi bắt tay vào việc trồng, họ cho rằng loại đất cát pha là tốt nhất vì độ thoáng khí và giữ màu của đất tốt, song người trồng thuốc phải biết trồng cách năm (tức là một năm chỉ trồng một vụ, và sau một vụ phải để cho đất nghỉ từ 1 đến 2 năm, nếu trồng tiếp vụ thì cây thuốc thường bị chật lại). Trước đây, trong vùng Cẩm Lệ, người ta hay nhắc đến một vài địa điểm trồng nhiều thuốc nhất và có tiếng tăm như Gò Mô, Cây Cốc. Ở nơi này, trung bình mỗi nhà trồng từ 3.000-5.000 cây, những gia đình chuyên nghề trồng thuốc lá thì số lượng có thể lên đến 10.000 cây hoặc hơn thế nữa. Ngày nay, vùng trồng thuốc lá đã được lan rộng ra các nơi Cẩm Hòa, Gò Theo, quanh Cẩm Lệ và mỗi nhà thường trồng từ 500-2.000 cây. Có thể nói vấn đề thổ nhưỡng riêng biệt của vùng Cẩm Lệ được coi là một yếu tố quan trọng bổ sung vào chất lượng độc đáo của thuốc lá nơi đây. Như vậy, ngoài hai yếu tố tự nhiên về giống và thổ nhưỡng mà người dân Cẩm Lệ nói đến đầu tiên, theo chúng tôi, nhất thiết phải kể đến một số nét trong kỹ thuật trồng thuốc có tính cổ truyền, những kinh nghiệm nghề nghiệp khá phong phú của họ vốn được tích lũy qua rất nhiều năm.

    Để tiến hành trồng thuốc, người dân Cẩm Lệ đã chuẩn bị tỉ mỉ từ khi dọn đất, ủ phân, công việc này được bắt đầu từ tháng 7 âm lịch. Đất vườn hoặc đất bãi được cày cuốc tơi xốp và cào bằng phẳng. Vấn đề phân bón cũng được chú ý ngay từ đầu cũng như trong suốt thời kỳ trồng. Để cây thuốc không bị quắn rễ hoặc cháy lá sau mỗi thời kỳ bón phân, trước đây người ta thường dùng phân bò khô hoặc phân heo ráo nước tiểu được ủ với nhiều loại lá cây rừng trong vòng 2 đến 3 tháng cho rã mục. Thêm vào đó, người ta còn dùng bánh dầu tán mịn như bột cám để kết hợp với phân chuồng bón cho cây thuốc theo liều lượng và cách thức nhất định trong ba thời kỳ đầu của cây thuốc (gọi là: Nước nhất - nước nhử và nước phụ), ở thời kỳ sau cùng (nước vun hàng) thì có thể dùng bánh dầu tán bột lớn để bón. Đáng chú ý là so với phân chuồng, lượng bánh dầu được bón tăng dần lên từ đầu kỳ đến cuối kỳ phát triển của cây thuốc.

    Việc bổ trợ lượng bánh dầu trong thành phần phân bón có tác dụng làm cho cây thuốc lớn nhanh và đều, lá thuốc bóng dẻo và có lượng bột đáng kể. Muốn cho việc trồng thuốc được đúng mùa, ngay từ đầu tháng 8 Âm Lịch, người ta bắt đầu ươm hạt giống, khâu trồng này đòi hỏi sự cẩn thận mới có thể gây tạo con giống tốt cho cây trồng sau này. Lần lượt, họ dựng chòi nhỏ (diện tích 6-8m), có mái che, xung quanh đan nan tre mắt cáo cho chặt vừa phải, tưới nước ẩm. Sau đó người ta lấy hạt giống vốn được giữ gìn kỹ lưỡng (trong các lọ có tẩm tro bếp) đem cho vào rổ có mắt đan nhỏ rồi rây đều lên mặt đất, sau đó lấy lá chuối hoặc lá dừa phủ lên trên khoảng 20-25 ngày sau, cây thuốc đã lên cao chừng 2-3cm và ra 3-4 lá nhỏ, người ta tiếp tục lấy lá dừa hoặc lá chuối làm thành cái hoẵng nhỏ (hình trụ cỡ bằng cổ chai) bên trong có bỏ phân bò khô mịn lẫn đất bột tỷ lệ 50% mỗi thứ, rồi bứng nhẹ cây thuốc đặt vào hoẵng cho vừa chặt để cho cây thuốc mọc thẳng. Sau đó người ta xếp các hoẵng cây vào trong những cái trành (tức là những khay bằng gỗ hay bằng nan tre đan hình chữ nhật có khuôn khổ 0.6X0.4X0.1m) để tiện di chuyển tránh nắng gắt hay mưa lớn trong vòng từ 10 đến 15 ngày.Khi cây ươm đã có vẻ cứng cáp, trổ được 5 lá nách thỏ thì người ta có thể đem ra trồng xuống ruộng đất đã chuẩn bị kỳ trước (bước này còn gọi là nước nhất). Họ tháo hoẵng bọc cây và đặt con giống xuyên phân xuống đất để rễ cây khỏi quắn vì độ nồng của lượt phân lót đầu (phân và bánh dầu tán mịn được trộn lẫn với nhau theo lượng: 1 gánh phân khô khoảng 7,5kg thì được bón cho 1.000 cây thuốc). Mỗi cây được trồng trên một mô đất nhỏ để tránh đọng nước khoảng cách mỗi cây từ 0,4m đến 0,5m. Sau 20 ngày, cây thuốc lên cao 0,3m, người ta thường tính ngày và đếm lá trên cây để tiến hành chăm bón cây thuốc theo 3 thời kỳ chính, mỗi thời kỳ đòi hỏi sự chăm sóc công phu của người trồng thuốc trong cách thức bón phân, tưới nước, bắt sâu v.v... và các phương pháp kỹ thuật khéo léo để thúc đẩy cây thuốc lớn đều và lá thuốc mượt mà lành lặn, chẳng hạn:Ở thời kỳ nhử (bón nước nhử): Để tạo cho cây phát triển hoàn chỉnh về bộ rễ, theo kinh nghiệm thì người ta không trộn lẫn hai thứ phân chuồng và bánh dầu với nhau nữa, mà phải bớt đất quanh gốc trước, bánh dầu mịn khoanh sau, vun đất lại theo hình mu rùa và tưới nước cách ngày cho cây. Ở thời kỳ này cứ 1.000 cây thuốc thì sử dụng tối đa chừng 4 gánh phân (khoảng 200kg) và 10 tấm bánh dầu (25kg). Khoảng 20-25 ngày sau người ta tiếp tục bón nước phụ cho cây.Ở thời kỳ phụ (còn gọi là rà nước 2): Lúc này cây thuốc đã khôn, rễ lớn nhanh và bắt đầu đâm đọt, nhánh. Đây là thời kỳ cây thuốc ăn phân nhiều nhất, vì vậy người ta dồn công chăm cây thường và chu đáo. Lượng phân cần thiết cho 1.000 cây vào khoảng 30 gánh phân chuồng (1.500kg) và 24 tấm bánh dầu (60kg). Cây thuốc đâm đọt nên người ta chú ý bắt sâu giữ đọt cẩn thận để cây phát triển chiều cao. Mười lăm ngày sau khi bón phân, đếm 6-7 lá dài kể từ gốc thì họ bắt đầu múm ngọn (tức cắt ngọn) để cây đâm chồi, thông thường họ để cây đâm 3 chồi, trừ những cây mạnh có thể để 4-5 chồi, tưới nước thường xuyên ngày một lần; sau 10 ngày, chồi 3 hoặc chồi 5 đã lên dài và trổ lá non xanh mượt.

    Bước vào tới kỳ bón vun hàng (chăm nước 3): Lượng bánh dầu được dùng nhiều nhất so với thời kỳ (khoảng 40 tấm bánh dầu 100kg trong khi lượng phân khoảng 6 bánh 300kg để bón cho 1.000 cây thuốc). Bánh dầu không cần giã mịn vì thời kỳ chăm cuối cùng cho cây nên để cây hấp thụ dần chất bổ. Một thời gian sau, khi lá chồi đã lớn, và trên chồi xuất hiện những búp nhỏ ở các nách lá người ta bắt đầu cơi thuốc (tức ngắt búp) và ngắt cho hết nhánh nhỏ ở nách lá chồi để lá chồi ra nhanh và to đều. Cứ cách từ 5 đến 7 ngày thì cơi thuốc một lần, sau 3 lần cơi thuốc thì bước vào thời kỳ chuẩn bị thu hoạch lá thuốc. Để bảo đảm thu được những lá thuốc nguyên lành đẹp mắt, trong quá trình cơi thuốc, người ta còn chú ý bắt sâu rầy bằng cách lăn cục hồ dẻo bằng bột sắn lên mặt lá một cách nhẹ nhàng.Như vậy trong vòng khoảng 8 tháng kể từ khi đặt con giống xuống ruộng, người ta có thể tiến hành thu lá rồi. Thông thường trước đây người ta thu hoạch một lượt nhưng theo từng bước để dễ dàng phân loại lá thuốc. Trước hết là lấy lá trên chồi khi lá còn xanh tươi, dùng tay cầm gần cuống và giật ngược từ dưới lên để nhánh chồi khỏi bị xược vỏ, lá trên chồi này được xếp vào loại lá thuốc nhất (loại ngon nhất) và được để riêng ra, thường thường mỗi cây cho khoảng 25 - 30 lá chồi.

    Tiếp đến người ta ngắt lá ôm chồi (được xếp loại lá thứ 3), lá dưới cùng chồi (còn gọi là lá sai - được xếp vào loại lá thứ 2). Về sau để cho cây tận dụng cho hết các chất dinh dưỡng trong đất, người ta đã tiến hành thu hoạch lá thuốc theo 2 lần: lần thứ nhất căn bản giống như trên, còn lần thứ 2 cách lần đầu khoảng 1 tháng lúc ấy gọi là tu thuốc nhánh, tuy được khá nhiều lá nhưng phần lớn tàu lá nhỏ hơn và kém phẩm chất hơn.Bước vào những ngày chuẩn bị sắm sửa cho ngày Tết cổ truyền hàng năm, cũng là những ngày người dân Cẩm Lệ bận rộn với công việc làm thuốc. Theo lệ thường, nhà nào trồng thuốc nhiều có thể mướn người trong làng tới cùng với con cháu họ lo việc tuốt nan, xâu lá, phơi lá, hứng sương, đẩy thuốc v.v... Mọi công việc đều làm bằng tay rất tẩn mẩn và nhẹ nhàng. Cật tre được chẻ chuốt sao cho tròn nhỏ và dài chừng một sải tay để xâu 100 đến 150 lá làm thành một chả thuốc. Các chả thuốc được treo chỗ thoáng gió trong nhà cho se lá rồi mới đem phơi 4 -5 lượt nắng to để lá thuốc khô đều và ngã sang màu vàng đỏ hung hung.Những người trồng thuốc lâu năm đều cho rằng phải trở lá thuốc sao cho đủ nắng và thoáng gió để mặt lưng lá có màu gụ như màu đất ướt, còn mặt trong của lá có màu vàng như màu gạch nung già thì mới gọi là được lá thuốc ngon.

    Sau đợt phơi nắng, người ta tiếp tục công việc lấy sương một đêm cho lá thuốc mềm dịu giữ màu, dễ dàng cho khâu sau cùng là đẩy thuốc (tức vuốt lá thuốc cho phẳng), mỗi chả thuốc được gấp đôi hoặc dồn lại bằng đòn tay dùng nan tre gài chặt cọng lá (tức chúm đọt lại) rồi lấy tay nhẹ nhàng vuốt lá, dùng bàn mê (tức một miếng gỗ vuông nhỏ) để chặn từng lá thuốc đã đẩy rồi. Mỗi chả thuốc được đẩy xong, người ghim đầu lá dính vào nhau làm cho chả thuốc có hình tam giác gọn nhẹ, thuận tiện cho việc cất giữ và buôn bán. Đến đây coi như kết thúc một quy trình trồng thuốc của người dân Cẩm Lệ.Lá thuốc Cẩm Lệ được dân chúng sử dụng ngay tại địa phương hoặc trao đổi với các nơi khác dưới dạng đếm lá đếm chả. Những chả thuốc trước đây được người ta làm lễ lạc cho các nhà quyền quý và trên thực tế còn được coi như một món hàng buôn bán có giá trị. Các tay buôn thuốc lá từ Quảng Trị hoặc từ kinh đô Huế thường tìm đến tận vùng Cẩm Lệ để hỏi mua lá thuốc. Trong một thời gian rất dài, lá thuốc Cẩm Lệ được đa số người già các địa phương lân cận biết đến và sử dụng hàng ngày. Lúc làm việc cũng như lúc nghỉ ngơi. Cho tới nay tập quán hút thuốc dần dà ở vùng Cẩm Lệ vẫn đọng lại trong một số đông những người đứng tuổi, thông thường người ta dắt sẵn lá thuốc trong người mỗi khi ra khỏi nhà, khi hút thì lấy ra tước bỏ cọng lá, dùng ngay lá thuốc bọc lá thuốc để hút, cũng có khi họ dùng lá chuối khô làm loa kèn để bọc thuốc bên trong mà hút. Các cụ già kể rằng, đối với những người giàu có hoặc các quan chức nơi kinh đô, trước kia, thì việc hút thuốc Cẩm Lệ được xem như một thú tiêu khiển nhàn tản thú vị, với hạng người này thì phong cách hút thuốc có phần cầu kỳ hơn (vì thuốc lá Cẩm Lệ có hương thơm thanh khiết, có vị nồng cay và khói xanh, tàn trắng, lại đắt tiền), thuốc phải xắt nhỏ, tẩm dầu thơm rồi mới vê thành kén nhỏ, mồi lửa nơi bát than bên cạnh rồi nhẩn nha ngồi rít từng hơi. Mấy chục năm trở lại đây, ở những nơi xa vốn ưa chuộng thuốc lá Cẩm Lệ, họ có thể mua nguyên lá thuốc về và sau đó chế biến theo cách riêng của họ, vì lượng ít mà quý nên có khi họ pha thêm lá thuốc tạp và cho thêm những loại tinh dầu thơm khác nhau để cố lấy hương vị và danh xưng thuốc Cẩm Lệ.

    Càng ngày nhu cầu tiêu dùng theo thị hiếu của dân chúng ngoài địa phận Cẩm Lệ có phần đa dạng hơn, thêm vào đó là cả một thời gian khá dài trước năm 1975, sự xuất hiện tràn ngập các loại thuốc lá ngoại đã tác động phần nào đến những gia đình chuyên nghề trồng thuốc và những người trung gian chuyên thầu lá thuốc, cho nên việc chế biến thuốc lá ngay tại địa phương cũng dần dần hình thành. Ở phần chế biến này, giữa các gia đình có sự khác nhau. Tuy nhiên, trước hết họ đều phải tước cọng lá nấu lấy nước tưới vào phần lá còn lại để tăng thêm hương vị nồng cay cho thuốc, tiếp đó tùy theo sở thích của khách hàng quen thuộc và tiện cho việc buôn bán, thì mỗi nhà có thể sử dụng những chất thơm khác nhau như tinh dầu hồi - quế, hoặc rượu cất để ủ lá thuốc vài ngày rồi mới đem ra cuốn chặt lá thuốc và xắt thành từng lát tròn mỏng.

    Trên đất nước ta hiện nay đang trồng rất nhiều loại thuốc và mỗi loại thuốc ở mỗi nơi đều có hương vị độc đáo khác nhau, đều đòi hỏi cách thức trồng trọt theo lối dân gian khác nhau. Giữ được và phát huy những nét đặc trưng của nghề thuốc mỗi nơi không những củng cố chất lượng nguyên sinh của loại thuốc nơi đó nhằm nâng cao năng xuất kinh tế của nó mà còn giữ gìn một trong hàng trăm nét sinh hoạt địa phương có tính chất cổ truyền đầy hấp dẫn của từng vùng như vùng Cẩm Lệ - Hòa Vang cho tới nay vẫn tự hào về loại thuốc thơm ngon của mình. Việc trồng thuốc theo phương cách gia truyền hiện vẫn còn áp dụng khá phổ biến ở các nông gia, phạm vi trồng trọt còn thu hẹp lại theo đơn vị gia đình, điều này tuy có tính cách đảm bảo cho cây thuốc được hưởng công chăm sóc thường xuyên và kỹ càng hơn, song lại có phần yếu kém về mặt thu hoạch kinh tế của từng địa phương. Chúng tôi thiết nghĩ Hòa Vang hiện nay đang phát triển ngành trồng thuốc lá Cẩm Lệ. Và hy vọng rằng thuốc lá Cẩm Lệ sẽ ngày càng đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của số đông người ưa chuộng xa gần, đóng góp một phần quan trọng vào việc thu nhập của kinh tế địa phương.
    Sống trên đời

    Similar Threads
  • #2

    Đọc bài này nhớ tiệm thuốc Cẩm Lệ kế bên nhà ở đường Phan Đăng Lưu tại Huế ngày xưa ...

    Nhất là bửa nào Huế bị lụt vô , nữa đêm thèm thuốc phải lội nước , mỡ cánh cửa hông nhà để " Mót Dế " ( Thuốc dư của mệ hút xong còn dư dán lại sau cánh cửa ) để rồi vấn lại hút cho đã thèm... hi... hi.
    ..
    Tôi khám phá ra bí mật của đại dương khi suy niệm về một giọt sương mai.

    Comment

    Working...
    X
    Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom