• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Mộng Đời Bất Tuyệt -Nguyễn Tường Bách

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Mộng Đời Bất Tuyệt -Nguyễn Tường Bách



    Mộng Đời Bất Tuyệt

    Nguyễn Tường Bách
    ***********************

    Còn nhớ tiếng ve sầu


    Không phải là nhà sinh vật để phân loại ve sầu thuộc họ nào trong loài sinh vật, dù có biết có lẽ tôi cũng chẳng cần nói ở đây vì điều đó thật vô nghĩa. Đối với tôi ve sầu đơn thuần là một chàng ca sĩ không biết mệt mỏi. Đó là một chàng Trương Chi kiểu mới, có hình dáng xấu xí như một con ruồi không lồ, không màu sắc không trau chuốt. Ve sầu cũng không được như Trương Chi, giọng hát không lấy gì làm hay, nó chỉ biết hát không biết chán chê.Thế mà tôi vẫn nhớ ve sầu.

    Tôi cho rằng ai đặt tên “ve sầu” là oan cho nó. Tiếng hát của ve không “sầu” tí nào. Có lẽ có chàng thi nhân thất tình nào đó, buồn cuộc đời, nghe tiếng ve thấy “sầu” chẳng? Cũng có thể có ai làm thơ, nghĩ thêm chữ “sầu”cho hợp vần, hợp điệu? Theo tôi tiếng ve là một thứ âm thanh dũng mãnh, dài hơi và đầy sức sống. Tôi cảm nhận như thế vì tiếng ve sầu hay đi chung với hình ảnh mùa hè rực nắng.

    Quê tôi xứ Huế mùa hè vốn thường im lặng, một thứ im lặng mà trẻ con như tôi thấy nao lòng nhưng không biết vì sao. Trong cái im lặng da diết đó, tiếng ve thường cất lên khi chúng tôi nằm dỗ giấc ngủ trưa. Trước sau tiếng ve chỉ có vỏn vẹn một nốt nhạc, gần như tiếng của sự im lặng vốn cũng chỉ có một thanh âm duy nhất, nhưng trong trẻo và cao hơn tiếng ve. Trong gió lách qua các thân chuối trong vườn ông bà ngoại tôi không át được tiếng ve, thứ tiếng hay đưa tôi giấc ngủ trưa thừa thãi vì ở xứ Huế, buổi trưa không ngủ thì không biết làm gì.

    Vào Sài Gòn dưới tuổi hai mươi, tôi không còn nghe tiếng ve sầu nữa. Bao điều xáo trộn của tuổi mới lớn, của học hành thi cử, của mộng viễn du đã xóa nhòa trong tâm trí tiếng ve sầu bền bỉ của ngày xưa. Vả chăng, đất Sài Gòn cũng không phải đất dụng võ của loài ve, chúng cần cây cối, bóng mát và như mọi nghệ sĩ khác, chúng cần người nghe. Không ai thèm nghe đâu tiếng ve lạc điệu giữa thành phố Sài Gòn, nếu có chàng ve nào lạc loài bay đến. Cũng có đấy vì thỉnh thoảng tôi thấy có người bắt ve bán trẻ con chơi, mỗi lần thế tôi thoáng thấy lòng xúc động rồi thôi.

    Ở Sài Gòn thỉnh thoảng tôi được ngủ trưa, không cần tiếng ve mời gọi. Tiếng ồn ào của xe cộ, của xe xích lô máy - một thứ xe không hề có trong xứ Huế tĩnh mịch - đã trở thành âm thanh thông thường của cuộc sống. Trở về xứ Huế, chúng tôi thường than xứ mình sao buồn, về thăm thì được, về ở thì không. Hình như chúng tôi đã lấy tiếng ồn làm thói quen trong đời sống, làm thước đo của tiến bộ.

    Tôi hăm hở ra nước ngoài, mong mình sẽ ở trong những cao ốc ngất trời, phía dưới xe cộ chạy nườm nượp, đèn đuốc sáng rực, người đi như thác đổ. Tôi mong mình được sống trong một nước công nghiệp tiên tiến, nhà bê-tông, đường tráng nhựa, với truyền hình, điện thoại cá nhân. Trong trí tôi không hề có chỗ cho cây lá, nói chi đến chàng ve xấu xí ngày xưa. Các cao ốc sáng rực kia phải là dấu hiệu của nền văn minh, xe cộ nối đuôi nhau là niềm vui của sự tiến bộ. Nếu không phải thế thì tại sao người ta gửi bưu thiếp từ nước ngoài về, hãnh diện khoe chỉ toàn những cảnh đó?

    Những ước mơ đó đều trở thành sự thực. Sau nhiều năm tôi trở thành một thành viên không tên tuổi của một xã hội công nghiệp. Quả thật tôi cũng bị chôn mình trong những cao ốc, nơi chứa đầy những số phận vô danh, cũng bị đẩy đưa giữa những dòng người hối hả, cũng bực dọc cáu kỉnh trong những giờ kẹt xe... Thỉnh thoảng tôi cũng được đi núi, đi rừng, được lững thững trong những công viên xanh tươi. Tiếng ve sầu, tuy nhiên, không bao giờ trở lại. Dĩ nhiên thôi, làm sao ve có thể sống trong xứ châu Âu lạnh lẽo này được.

    Nhiều năm sau, về thăm đất nước, về thăm xứ Huế, tôi càng thấy quê mình quá yên tĩnh. Nếu trẻ con ngày xưa nao lòng vì không khí quá im ắng thì ngày nay người lớn nao lòng vì thấy thời gian như đọng lại ở xứ mình. Tôi không còn nghe thấy tiếng ve sầu, phải chăng lòng tôi không đủ lặng yên hay ve không còn chấp nhận tôi làm người thưởng ngoạn? Buổi trưa tôi không còn nằm dỗ giấc ngủ. Người lớn đi xa về như chúng tôi ai còn có thì giờ ngủ trưa? Người trở về vốn mang đầy tâm tư chộn rộn, nếu có thoáng thấy vài hình ảnh cây đa bến cũ thì vài kỷ niệm cùng hiện lên vội vàng, nhưng chưa kịp định hình thì chúng đã nhanh chóng biến mất. Điều chắc chắn là tôi đã quên hẳn tiếng ve sầu.

    Mùa hè năm 1987, tôi nghỉ trên đảo Mallorca, miền Địa Trung Hải. Sau bữa cơm, trong một giấc ngủ trưa hiếm có ở châu Âu, tôi nghe vang đâu đây tiếng ve sầu! Tưởng mình đang nửa mơ nửa tỉnh, nhớ lại tiếng vang vọng ngày xưa, tôi ngơ ngác rồi vùng dậy chạy ra bao lơn khách sạn lẳng nghe. Xung quanh tôi là một vùng đồi núi đầy thông xanh, tiếng ve đầm đìa tràn ngập cả một vùng thung lũng! Hàng ngàn con ve sầu nhỏ bé nào đang đọng trên các cành thông, bền bỉ cất tiếng ca xuyên qua ngàn hoa vàng cỏ nội. Gió mát thổi thốc qua những đóa hoa vàng dandelion mà ta gọi là hoa bồ công anh, tung những sợi tơ trắng như hình ảnh của nàng thiếu nữ trong từ điển Larousse Je sème à tout vent, mang theo tiếng ve tha thiết về cửa sổ phòng tôi.

    Tiếng ve, tiếng ve sầu! Tôi gần ứa nước mắt. Âu châu sao có ve sầu? Thoảng trong hơi gió bay mùi hăng hắc của nhựa thông, thơm nồng nàn mùi nhiệt đới. Và tiếng ve. Ôi, tiếng ve sầu bền bỉ, dũng cảm mà khiêm tốn. Mùi nhựa thông thơm lừng, mùi này chỉ có trong những ngày nóng nực quê tôi, nhất là trong những buổi trưa hè im ắng. Mùi này tôi đã quên quá lâu, còn tiếng ve sầu tôi đã quên hơn 25 năm. Cái tiếng và cái mùi này chỉ có cùng một lúc trên đồi Từ Hiếu xứ Huế. Cùng một đồi thông, cùng một tiếng ve. Đồi Từ Hiếu là nơi vui chơi một thời niên thiếu của tôi, là nơi học bài, là nơi cắm trại, là nơi ngắm trời mây, là nơi cuộc đời vẽ tranh vân cẩu. Mùi nhựa thông, tiếng ve sầu trong một buổi trưa hè yên tĩnh đến nao lòng bất chợt về lại với tôi, vô cùng mãnh liệt, không hẹn mà nên. Tôi nhớ quê hương biết chừng nào! “Bên kia biển là quê hương tôi đó”. Trong lòng quê hương xa xôi đó, có một vùng núi non, có một ngọn đồi nhỏ, gọi là đồi Từ Hiếu.

    Thì ra nhựa thông chỉ có một mùi thơm, ve sầu chỉ có một thứ tiếng, trưa hè đâu cũng giống nhau, tiếng im lặng thì tất nhiên chỉ là một âm, tôi tự nhủ. Nhưng chỉ có một quê hương duy nhất trên trái đất này. Đồi Từ Hiếu hiện lên rõ nét trong đầu tôi. Một nơi thân thiết như thế mà sau bao lần về Huế lại, sao tôi không đi thăm! Tôi nghiệm ra rằng, có nhiều người, nhiều nơi thân thiết, sau một thời gian cách biệt quá lâu, mình không còn dám gặp mặt. Không phải vì mình hết muốn gặp, nhưng có lẽ vì ân hận mình không đủ tâm tư để gặp cho tương xứng, cho thủy chung.

    Ôi tình quê hương, tưởng chừng chỉ là một khái niệm trừu tượng, nào ngờ nó có thể hít được, nghe được. Khái niệm chỉ là cấu trúc của tư tưởng, cảm nhận của giác quan mới là những điều có thực. Và những điều có thực đó đã lấp đầy tim tôi trong một buổi trưa hè tưởng chừng như rất yên tĩnh.

    6.1993.
    Đã chỉnh sửa bởi GRANDET; 01-07-2009, 05:41 AM.
    Bạn Gần Không Tới........Bạn XA Chưa Về.......
    Similar Threads
  • #16

    Dòng người bất tận

    Du khách đến Huế thường đến viếng đàn Nam Giao, vốn có tiếng tăm và nằm gần thành phố. Từ Nam Giao, rẽ tay mặt, khách có thể đi thăm nhiều lăng tẩm chùa chiền cổ kính. Trên đường từ rẽ mặt, chỉ cách Nam Giao không đầy một cây số, có một con đường nhỏ dẫn vào một ngôi chùa không mấy ai biết đến. Đó là chùa Châu Lâm, "chùa nhà" của tôi.

    Chùa Châu Lâm không mấy ai biết đến là phải. Đó là một ngôi chùa chỉ mới được xây dựng cách đây hơn 70 năm, là một ngôi chùa nhỏ trong số hàng trăm ngôi chùa nhỏ bé khác tại Huế. Dường như các gia đình xứ Huế ai cũng có một ngôi "chùa nhà" như ngày nay xã hội tân thời ai cũng có một "bác sĩ nhà". Không rõ cơ duyên nào mà gia đình tôi tuy ở tận Bao Vinh hầu như nằm phía đầu kia của thành phố, nhưng không chịu lấy một ngôi chùa nào đó ở Hương Trà, Hương Vinh mà lặn lội lên tận sườn núi Ngự Bình, tìm ngôi chùa nhỏ đó để xin làm đệ tử và làm nơi qui y cho con cháu.
    Nói "lặn lội" thật ra không hề quá đáng vì ấn tượng của tôi với chùa Châu Lâm thường dính liền với mùa đông xứ Huế. Ngày xưa, tôi vốn thường tháp tùng ông tôi lên thăm chùa vào dịp Tết Nguyên Đán, một mùa của mưa gió và giá lạnh của miền Trung. Trong những ngày đầu xuân của thập niên năm mươi đó người ta thường đi xích-lô mà khách được che bằng một miếng vải bạt lỏng lẻo. Xe dừng trước cổng ở ngoài đường cái. Ông cháu chúng tôi lội đường đất vào chùa và cuối cùng leo một cái dốc mà thời xa xưa đó tôi cho là cao lắm. Một cây mít đón chào chúng tôi nhưng tôi nào có hơi sức nhìn đến nó. Cái dốc này dường như đầy đất sét trơn trợt, đi giày mà tôi vẫn cố bấm chân thật chặt cho khỏi té ngã.

    Trong chính điện, tôi đợi ông tôi lạy Phật xong mới đến phiên mình. Đến chùa, lạy Phật là việc đầu tiên phải làm, điều mà tôi vẫn còn giữ đến ngày nay. Sau khi lễ Phật chúng tôi xuống "nhà dưới" thăm Ôn Châu Lâm, hoà thượng trụ trì của chùa. Ngày đó, tôi đâu biết Ôn tuy mới gần sáu mươi nhưng đã là một vị tăng sĩ đã thực hiện nhiều Phật sự to lớn, đã dày công tham gia xây dựng phong trào Phật giáo tại miền Trung, là huynh đệ với hòa thượng Tịnh Khiết. Tôi cũng không hề biết sau khi tu học, tham vấn và hoạt động nhiều nơi, Ôn đã về đây khai sơn ngôi chùa Châu Lâm, chỗ mà tôi đang ngồi co ro trong những mùa đông lạnh giá đó. Đối với con mắt trẻ thơ hồi đó, Ôn là thầy của ông tôi, là người có một khuôn mặt vừa nghiêm nghị, vừa hiền hậu. Ôn là người rất thoát tục cao xa, dường như không có gì của thế gian va chạm đến, tôi nghĩ thế. Tôi lơ đãng ngồi nghe những câu chuyện đạo nho nhỏ, đợi đến lúc được phát bánh mứt. Trong không khí lạnh và đầy sương của sườn núi Ngự Bình, không gian thấm đượm mùi thơm ngát của hương trầm và thỉnh thoảng được điểm nhẹ bằng vài tiếng chuông thong thả. Chùa nào đánh chuông, chùa nào thắp hương, đó là điều không ai hỏi đến trên sườn núi xứ Huế. Những ngày đi chùa giá lạnh tưởng chừng như bất đắc dĩ đó nào ngờ để lại ấn tượng sâu xa trong tôi để mình cứ mơ mãi về một ngày Tết Nguyên Đán về thăm quê đi lại trên sườn núi Ngự Bình.

    Bẵng đi mấy mươi năm xa quê tôi không về lại Châu Lâm. Một ngày nọ trong năm 1977 tôi nhận được thư từ xứ Huế, cũng vào một ngày xuân, báo tin Ôn Châu Lâm đã mất. Tôi tự hỏi, như thế Ôn đã chứng kiến những lần dâu biển của đạo pháp và đất nước, những cảnh vùi dập của năm 1963, những biến cố miền Trung của năm 1965 và cuộc đổi dời trong năm 1975. Ôn đã nghĩ sao? Rồi tôi tự trả lời, chuyện thế gian chắc không thể tác động đến Ôn, một người tu hành ẩn dật đích thực. Rồi cũng nhiều năm mà tôi đi tham bái chùa chiền trong nhiều nước khác nhau và thấy rõ một điều, có lẽ trên đời ít có chùa nào nhỏ hơn chùa nhà của mình, nhưng cũng khó có những pho tượng nào đẹp hơn tượng chùa mình.

    Tháng 12 năm 2002 tôi lại đến thăm chùa trong một ngày mưa phùn giá lạnh. Cây mít ngày xưa không còn nữa và dốc lên chùa bây giờ xem ra rất tầm thường, xe Honda chạy thẳng lên sân. Sau khi lên điện lạy Phật và ngắm lại các bức tượng xưa mà tôi đã thầm mang theo hình ảnh đi khắp nơi trên thế giới, tôi ngồi lại ngay chỗ ngày xưa ông tôi ngồi, còn ngồi chỗ của Ôn Châu Lâm là thầy Phước Thành, một vị đệ tử của Ôn. Bên cạnh tôi là chú Hạnh Viên, một vị xuất gia còn rất trẻ, từ miền Nam ra đây tu học. Theo truyền thống xứ Huế mùa đông, chúng tôi rút chân lên ghế cho ấm, ngồi uống trà trong ngôi nhà xưa, nơi Ôn từng sống hẳn cũng gần 40 năm. Tôi nhìn ảnh của Ôn, tưởng chừng như thời gian đọng lại trong căn nhà mờ tối này.

    Tôi nhìn chú Hạnh Viên với chút thú vị. Trong Nam xa xôi tại sao chú lại "lặn lội" ra đây tu học, bộ trong đó không có chùa sao mà ra Huế chịu khổ vì lạnh và ẩm, nhất là tại sao chú lại chọn đúng ngôi chùa vô danh và nhỏ bé này. Chùa Châu Lâm của tôi bây giờ đã được đồn xa tiếng lành rồi chăng? Thời gian không hề đọng lại như tôi tưởng vì bây giờ trong ngôi chùa khang trang đã có điện thoại, có máy vi tính, có tủ sách, có internet.

    Tôi nhìn thầy Phước Thành, tính ra thì Thầy hơn tôi có vài tuổi, y như ngày xưa Ôn hơn ông tôi vài tuổi. Ôi, thời gian đâu có bao giờ đọng lại, Ôn và ông tôi đã mất, còn tôi nay bằng cỡ tuổi ông tôi năm xưa. Chỉ căn nhà mờ tối này và mùi thơm của hương trầm mới không hề thay đổi. Tôi nhìn mắt thầy Phước Thành, hỏi thăm bệnh mắt của thầy. Thầy cho biết một bên mắt không thể cứu chữa được và bỗng buột miệng ngâm:

    Phù nghiệp hệ thọ thân,
    Bởi do nghiệp trói buộc mà có thân,
    Vị miễn hình lụy
    Chưa ai khỏi khổ lụy về thân

    Đó là hai câu đầu trong Qui sơn cảnh sách. Tôi đã biết Qui sơn cảnh sách là một tập luận nhằm khuyến cáo tăng sinh, nhưng hôm nay tôi nhận ra nó được bắt đầu bằng hai câu đầy lòng từ bi và thương xót. Thân người chỉ là tập hợp của những yếu tố vật chất, hai câu này vang lên như một lời cảm khái, đầy an ủi cho cuộc đời nhân sinh.

    Tuy nãi tứ đại phù trì
    Tuy nhờ bốn đại giữ gìn
    Thường tương vi bội
    Nhưng chúng thường trái nghịch
    Vô thường lão bịnh, bất dữ nhân kỳ </I>
    Vô thường già bệnh, chẳng hẹn với người
    Triêu tồn tịch vong, sát na dị thế
    Sớm còn tối mất, một sát-na đã qua đời khác

    Tôi nhìn hình Ôn, nhớ Ôn và ông tôi. Cả hai vị đã trường thọ nhưng quả có người sống một cuộc đời rất ngắn ngủi, quả là cái chết chẳng hẹn với người. Người Tây Tạng chẳng từng hay nói: "Kiếp sau có khi tới sớm hơn ngày mai". Thấm thía thay! Tôi lắng nghe lời giọng ngâm trầm ấm của thầy Phước Thành và lắng nghe chính lòng mình, khám phá có vài điều khác lạ.
    Những câu kinh luận như trong Qui sơn cảnh sách ngày xưa là những lời căn dặn thường tình nay bỗng có chiều sâu thẳm. Đó chính là những kết luận lớn nhất của con người. Những điều mà ta chỉ hiểu bằng trí năng, bằng lý luận nay là sự trải nghiệm đích thực của chính mình. Đạo Phật quả có nhiều mức độ và chiều kích mà có lẽ lòng người chỉ thấu hiểu nó sau khi bản thân mình đã sống trải và tâm phải đang dò tìm thực sự.

    Tôi nhìn thầy Phước Thành với lòng hâm mộ giọng ngâm. Thầy cho biết tăng sinh nào cũng phải thuộc nằm lòng Qui sơn cảnh sách từ hồi nhập môn. Tôi quay nhìn chú Hạnh Viên, chú mỉm cười gật đầu. Tôi lại khám phá ra một điều mới mẻ nơi chính mình. Thầy Phước Thành không quá xa tôi như hình ảnh của Ôn Châu Lâm ngày trước, vì một lẽ là chúng tôi cùng một thế hệ, nhưng một lẽ khác quan trọng hơn là tôi cảm nhận rõ hơn bao giờ cả, một tu sĩ cũng có những "khổ lụy" về thân. Đúng thôi, chưa có ai được "vị miễn hình lụy". Có lẽ ngày xưa Ôn Châu Lâm cũng thế mà tôi không biết chăng.

    Hình ảnh của một nhà tu thâm nghiêm của thời xa xưa bỗng biến đi và nhường chỗ cho một con người với lòng thương yêu gần gũi. Tôi nhìn hình Ôn, nhìn thầy Phước Thành, nhìn chú Hạnh Viên, nhìn chính mình và nhận ra một điều kết nối giữa bốn chúng tôi, một điều mà tôi chưa bao giờ nhận thấy thật rõ, đó là tình của những người cùng đi trên một con đường.
    Tình bạn của những người đang dò tìm, một điều tưởng như trừu tượng, nhưng trong buổi sáng mùa đông tại Huế, tôi thấy vô cùng đích thực.

    Thoắt một cái tôi bỗng nhớ tới những người bạn quí đang sống trên đất nước Việt Nam, tại Pháp, tại Đức… có những người đã rất lâu tôi chưa gặp lại, nhớ cả những người tôi chưa bao giờ được gặp, chỉ trao đổi bằng thư từ. Tất cả giữa chúng ta có một điều chung, đó là những người cùng nhận đức Phật làm thầy. Tất cả đều ập về một lúc như thể trái đất chật ních những người đó, những người mà ta gọi là "tăng", một trong ba tam bảo.
    Trong một lúc tôi nhớ đến những bất mãn, những phê phán, những nghi kỵ của mình đối với nhiều thầy, nhiều bạn về các mặt như giáo lý, chủ trương, phép tu tập, thái độ chính trị...và nhận thấy mình phiến diện. Không phải vì những điều khác biệt đó không có, mà vì đầu óc thiển cận của mình chỉ cho thấy cái khác, cái riêng, mà không chịu thấy cái gốc rễ to lớn đã sinh ra muôn vạn lá cành, không thấy cái tình nghĩa, cái chung nhất của những người đi chung một đường. Không dại dột sao khi ta chỉ thấy sóng nhấp nhô khác nhau mà không thấy chất nước? Huống hồ gì những người như chúng ta không hề "chật ních" trên trái đất mà thật ra vô cùng mỏng yếu và đang bị các yếu tố xã hội phân hóa và xói mòn một cách không thương tiếc. Những con người đó không những chỉ chịu hình lụy của thân thôi mà còn bị xã hội và các thế lực khác thử thách, xâu xé, lừa dối, chia rẽ... một cách vô cùng tinh tế và tàn bạo.

    Nhưng tôi vẫn không tuyệt vọng. Tôi nhìn hình Ôn Châu Lâm và hai vị tu sĩ trong căn nhà mờ tối nọ của Ôn để lại và thấy tính chất liên tục của thời gian và đạo pháp. Sau Ôn có thầy Phước Thành, sau thầy Phước Thành có chú Hạnh Viên. Sau lớp người chúng tôi vẫn có những con người rất trẻ hướng về ánh sáng chân lý của tự thân. Những dòng người tự nguyện tiếp nhau đi trên một con đường đạo, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Tôi bỗng nhớ đoàn người kéo nhau lên đỉnh Linh Thứu tại Ấn Độ để đảnh lễ đức Thế Tôn, họ cũng tự nguyện đi đường xa vất vả đến đó, tất cả cũng chỉ vì một lòng kính mộ sự thật.

    Tôi chợt nhận ra rằng chính những khổ lụy về thân và những thử thách của xã hội mới làm ta thấu hiểu nhiều điều. Có những điều giản đơn mà sau nửa thế kỷ ta mới nhận ra nó. Đó là một ngày mùa đông, trong chùa Châu Lâm vô danh và nhỏ bé...

    1.2004
    Đã chỉnh sửa bởi GRANDET; 01-07-2009, 08:12 AM.
    Bạn Gần Không Tới........Bạn XA Chưa Về.......

    Comment

    • #17

      Còn đâu áo vải cờ đào


      Giữa Địa Trung Hải, nghiêng về phía Đông, có một hòn đảo tên gọi Crete. Đảo Crete nằm ngang vĩ độ của các nước Tunesia, Algeria...thuộc Bắc Phi, quanh năm nắng ấm. Thế nhưng, Crete vẫn thuộc về châu Âu vì Crete là lãnh thổ của Hy Lạp, là hòn đảo cực Nam trong vô số đảo của Hy Lạp, quê hương của triết học và khoa học cổ đại phương Tây.

      Nước Hy Lạp vốn đã có nhiều rừng ô-liu thì nắng ấm của Crete càng nuôi dưỡng thêm ô-liu trên các vùng núi non của đảo. Thế nên Crete được phủ bằng một màu xanh bạt ngàn với những cây ô-liu dáng vẻ cổ điển với thân cành khúc khuỷu mang đầy tính mỹ thuật của đất trời. Thiên nhiên thật đầy tính sáng tạo, nó sản sinh ra một thứ cây ô-liu mà khi già vỏ cây của chúng khô khốc nứt nẻ như sắp chết, nhưng cây vẫn mang trên mình những chiếc lá xanh tươi nhọn hoắt và nhất là mang đầy những trái. Hàng tỉ trái ô-liu nhỏ xíu đó cho một thứ dầu chứa đầy tinh lực, rất tốt cho sức khỏe và có khả năng chống bệnh tật, là nguồn thực phẩm bao đời cho các hiền nhân thời xa xưa đến các nông dân vẫn còn ngồi trên lưng lừa của thời đại ngày nay.

      Là hòn đảo cực nam, Crete còn là một miền thiên nhiên của thứ cây trái nhiệt đới như chanh, cam, chà-là… Thế nhưng, điều làm dân Crete hãnh diện nhất là họ bắt đầu có rừng dừa, dù đó chỉ là một vùng nhỏ của cực đông hòn đảo, tại một vùng bờ biển mang tên Vaj. Khách đi đường đèo vài chục cây số đến đó sẽ chỉ thấy một bãi biền với cát mịn và rừng dừa.
      Tại Vaj, khách ngỡ ngàng vì không thấy những thứ quen thuộc như khách sạn, nhà hàng… được xây dựng vì Crete chỉ muốn nơi đây chỉ có cát trắng, nước xanh và rừng dừa. Nước biển màu nhung thẫm vì Crete ở đâu cũng sẵn nhưng cát trắng và mịn thì vắng bóng trên những bờ biển nhiều đá của đảo. Còn dừa thì chỉ một miền cực đông này mới có. Có ai từ phía Đông, từ châu Á từng mang dừa đến đây trồng trên đất nước Hy Lạp, hay gió phương Đông đã thổi đến đây?

      Trên hòn đảo cực nam Crete có một thị trấn nằm phía cực Nam: Ierapetra. Do đo, Ierapetra được xem là thành phố cực Nam của châu Âu. Người châu Âu có óc hóm hỉnh và chút tò mò về lãnh thổ, họ lấy làm thú vị khi thấy điểm cực Nam của châu Âu còn "thấp" hơn cả Tehran của Iran hay Bắc Kinh của Trung Quốc. Thực thế, Ierapetra gần như một thành phố nhiệt đới. Giữa tháng 10 mà khách vẫn cảm được hơi nóng hừng hực của mặt trời và chờ đợi gió mát từ biển thổi vào. Thành phố Ierapetra ngày nay chỉ trên mười ngàn dân nhưng đón nhiều du khách vì có kẻ muốn đi ngủ xa để trốn lạnh khỏi những kinh thành đầy sương mù và tuyết giá như London, Berlin, nhưng vẫn còn trong địa phận châu Âu.

      Với vị trí đặc biệt của mình, Ierapetra còn ghi dấu chân một nhân vật đặc biệt, một thiên tài quân sự: đại đế Napoleon Bonaparte (1769-1821). Chàng sĩ quan trẻ tuổi Napoleon vốn là dân đảo Corse, xuất thân từ một dòng họ bình thường. Được theo học một trường quân sự, chàng sớm trở thành nhà lãnh đạo tài ba. Mới 24 tuổi Napoleon đã mang hàm cấp tướng. Những năm cuối thế kỷ thứ 18, Napoleon đem quân đánh thắng Hà Lan, Áo trên chiến trường Bắc Ý. Thời đó Pháp muốn xâm chiếm cả nước Anh nhưng cuối cùng họ đánh chiếm Ai Cập để hạn chế ảnh hưởng của đế quốc Anh tại phương Đông, sau đó tiến chiếm Ấn Độ, vốn là thuộc địa của Anh.

      Napoleon, lúc đó mới 29 tuổi, được cử làm lãnh đạo cuộc viễn chinh. Ngày 19-5-1798, Napoleon huy động khoảng 30.000 quân và hàng trăm tàu chiến, lên đường vượt Địa Trung Hải. Quân Anh biết lực lượng hải quân Pháp ra trận nhưng không biết họ sẽ đánh vào đâu. Ngày 26-6, Napoleon bí mật đến Ierapetra và ngủ một đêm tại đó. Ngày hôm sau người ta khám phá tiền bạc và một lá thư"xác nhận" nằm dưới gối, lúc đó người khách lạ đã lênh đênh trên biển, hướng về thành phố Alexandria, cực Bắc của Ai Cập. Ngôi nhà mà Napoleon đã tá túc về sau được gọi là "Ngôi nhà Napoleon", ngày nay vẫn còn được giữ gìn cẩn thận.

      Thời đại của Napoleon cũng là thời hoàng kim của một thiên tài quân sự khác ở phương Đông. Đó là một người Việt Nam mang tên Nguyễn Huệ.
      Như nhiều lãnh tụ kiệt xuất trong lịch sử thế giới, Nguyễn Huệ cũng xuất thân từ một dòng dõi bình thường. Tổ tiên ông bị di dân từ Nghệ An vào Quy Nhơn khai hoang, đến một huyện có tên Tây Sơn. Nguyễn Huệ sinh năm 1753, lớn lên trong không khí sôi động của những tháng ngày khởi nghĩa chống cường quyền. Năm 1771 Tây Sơn vùng dậy, chàng trai 18 tuổi Nguyễn Huệ bắt đầu phát huy tài năng quân sự của mình. Năm 1777, Nguyễn Huệ đem quân vào Nam tiêu diệt quân chúa Nguyễn. Tám năm sau, Nguyễn Huệ lại vào Nam chặn đứng đạo quân Chămpa, giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

      Mùa thu năm 1788, dưới triều vua Càn Long, quân Thanh tiến chiếm kinh thành Thăng Long, đe dọa nền độc lập của đất nước. Ngày 22-12-1788, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu Quang Trung. Ông tập hợp binh sĩ, làm lễ tế trời đất tại núi Bân ở Phú Xuân và xuất quân đánh quân Thanh. Khoảng 10 ngày sau, Quang Trung Nguyễn Huệ giải phóng Thăng Long, đó là ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu. Đây là một chiến thắng thần tốc nhất và cũng rực rỡ nhất trong lịch sử Việt Nam. Đời sau cho rằng Quang Trung là "anh hùng dân tộc vĩ đại nhất của thế kỷ thứ 18".

      Không chỉ xuất sắc trong binh nghiệp, Nguyễn Huệ cũng biết chiêu hiền đãi sĩ, xây dựng đất nước. Công chúa Ngọc Hân có thơ ca ngợi ông:

      Mà nay áo vải cờ đào
      Giúp dân dựng nước xiết bao công trình.

      Di tích để lại đáng chú ý là núi Bân, nơi xuất phát sự nghiệp quân sự lừng lẫy của Nguyễn Huệ. Hơn hai trăm năm sau, một đứa cháu chắt lạc loài của Nguyễn Huệ bỗng nhớ đến núi Bân khi đứng trước ngôi nhà Napoleon tại Ierapetra, vốn cũng là chốn dừng chân cuối cùng của vị danh tướng người Pháp trước khi lên đường đi đánh Ai Cập. Hai thiên tài quân sự cùng sống trong một thời đại, cùng phát huy tài năng của mình trong độ tuổi còn rất trẻ, nhưng cuộc đời của họ hoàn toàn khác nhau.

      Sau đêm nọ tại Ierapetra, Napoleon theo đường biển đi Ai Cập và chuốc lấy đại bại đầu tiên trong cuộc đời phi thường của mình. Đó là trận thủy chiến nổi tiếng Abukir, nơi mà Napoleon mất khoảng 5.000 binh sĩ. Tháng 8-1799, ông lên tàu về Pháp và chỉ ba tháng sau ông đảo chính, thiết lập một chế độ quân phiệt, giành quyền lực về tay mình. Năm 1804, Napoleon trở thành đại đế của nước Pháp, bành trướng quyền lực khắp châu Âu, kể cả vùng Đông Âu. Lên tới cực điểm, ngôi sao của Napoleon bắt đầu lu mờ với chiến bại khi đánh vào nước Nga năm 1812. Năm 1814, Napoleon bị buộc phải từ bỏ quyền lực nhưng tham vọng đế vương của ông vẫn còn bùng lên lần cuối. Cuối cùng, năm 1815, với trận chiến nổi tiếng Waterloo, Napoleon bị bắt lưu đày trên một hòn đảo và mất vào năm 1821. Thế nhưng, dân tộc Pháp vẫn kính trọng người con ưu tú của mình và năm 1840 thi hài của ông được đưa về đền thờ trang trọng nhất tại Pháp, Les Invalides.

      Đời sau thừa nhận Napoleon là một nhân vật lịch sử xuất chúng mà tài năng và sự nghiệp của ông hậu thế không mấy người sánh nổi. Do đó, ngôi nhà nhỏ bé trên đảo Iarepetra mà Napoleon chỉ tá túc một đêm vẫn được nhiều người thăm viếng. Nhiều nhà khảo cứu lịch sử vẫn lấy làm tiếc vì không tìm thấy chiếc giường của đêm hôm đó, một đêm mà hẳn Napoleon không thể ngủ được trước khi ra trận.

      Còn ở phương Đông, lăng mộ của Nguyễn Huệ ở đâu, núi Bân bây giờ ra sao? Năm 1792, chỉ bốn năm sau khi đại thắng quân Thanh và thiết lập vương triều, Nguyễn Huệ bất ngờ chết sớm ở tuổi 39. Sau cái chết của Nguyễn Huệ thì triều đại của ba anh em họ Nguyễn bắt đầu suy tàn.Và một nhân vật họ Nguyễn khác bắt đầu xây dựng cơ đồ, đó là Nguyễn Ánh. Năm 1802, Nguyễn Ánh đạt thành công lớn, chiếm lĩnh toàn bộ giang sơn, thành lập nhà Nguyễn. Sau khi "thống nhất sơn hà" từ Nam chí Bắc, hẳn Nguyễn Ánh đã quên sự nghiệp giải phóng Thăng Long của nhà Tây Sơn mà vẫn còn nhớ tổ tiên mình bị Nguyễn Huệ giết hại nên nghiền nát lăng mộ và đem đầu lâu Nguyễn Huệ đi… cầm tù. Đó là tâm lượng và cách hành xử của một nhà vua Việt Nam đối với kẻ tử thù, một người lớn hơn mình chín tuổi và đã chết từ mười năm trước.

      Ngày nay người ta biết rõ, nếu Quang Trung Nguyễn Huệ không giải phóng Thăng Long năm 1789 thì bản đồ Việt Nam sẽ khác hẳn. Thế nhưng núi Bân, một thời là nơi xuất phát một chiến tích hiển hách và vô cùng hệ trọng cho số mệnh của cả dân tộc, của cả 13 đời vua triều Nguyễn và của các thế hệ ngày nay, bây giờ cũng đã rơi vào quên lãng. Núi Bân chỉ cách trung tâm thành phố Huế vỏn vẹn ba cây số nhưng người dân sống tại Huế lẫn du khách đến Huế không mấy ai biết đến ngọn núi này. Núi Bân bây giờ được gọi là "cồn mồ", chỉ chơ vơ một tấm bia. Trong vài năm gần đây người ta có đến đó, nhưng không phải để tìm hiểu một thời đại huy hoàng của dân tộc mà để giành đất xây mồ mả.

      Khách đi xa về, từ miền Địa Trung Hải, đến đọc tấm bia ghi vài hàng chữ nói về chiến công hiển hách của người xưa, rồi nhìn quanh, bỗng thấy lòng tê tái.

      11.2004
      Bạn Gần Không Tới........Bạn XA Chưa Về.......

      Comment

      • #18

        Màu phượng thắm


        Sắc màu trong thiên nhiên thường rất thắm. Màu mây, màu núi, màu biển, màu lông chim cánh bướm thường làm ta kinh ngạc bằng sắc thắm của chúng, làm ta bâng khuâng tự hỏi phải chăng tạo hóa siêu việt hơn con người còn ở chỗ biết "chế tạo" ra những sắc màu vượt xa tất cả những chất liệu nhân tạo.
        Ngay cả máy vi tính với khả năng sinh ra hàng triệu màu cũng không bao giờ cho được một gam màu đủ đậm đà để được ta gọi là "thắm". Tôi nghiệm rằng sức thắm của sắc màu có lẽ nhờ ánh sáng mặt trời và cấu trúc của vật thể. Phải chăng đá núi, nước biển, lông chim, cánh bướm có những cấu trúc bề mặt đặc biệt mà khi chiếu vào, tia sáng mặt trời bị khúc xạ, phản chiếu một cách nhất định để ta thấy chúng phải ra một sức sáng, sức sâu, sức thắm đượm.
        Nhưng đó là cách giải thích duy vật, tia sáng mặt trời thực chất là gì thì cũng không mấy ai rõ. Hay ánh sáng là tâm đang hiện hành? Và sắc màu thiên nhiên đang khoe sắc thắm dưới ánh mặt trời phải chăng là tâm đang tươi cười nhìn ngược lại chúng ta?

        Nói đến sắc màu trong thiên nhiên thì tất nhiên ta không thể quên hoa. Hoa lá thì dường như loài nào cũng có sắc đậm đà nhưng đối với tôi, hầu như hễ nói đến "màu hoa thắm" thì chỉ có thể là phượng vĩ. Cây phượng dáng mỹ thuật, lá kép lông chim xanh bóng. Giữa những tán lá màu xanh khỏe mạnh là những cụm hoa lớn đỏ rực. Và chỉ rực một màu đỏ thắm. Phượng vĩ lại thường nở rộ vào những ngày hè chói chang nên hoa phượng càng sáng, càng tươi, càng thắm, càng rực rỡ. Hoa càng thắm thì dường như lá càng xanh ngắt. Phượng vĩ thắm rực trong nắng hè do đó là kỷ niệm đời học sinh của mỗi chúng ta, của thời kỳ chơi đùa nhưng cũng là mùa thi cử nhọc nhằn, của niềm vui tươi xanh nhưng cũng đánh dấu những buổi chia tay đầu đời.

        Thế nên người ta hay gắn phượng vĩ với sân trường, với tiếng hò reo của tuổi thiếu niên, với lưu bút học trò có khi đẫm đầy lệ. Theo tôi thật ra, đó không phải là chỗ đắc địa của phượng vĩ. Nếu đi lần vào những con đường hẻo lánh hơn của thành nội ở xứ Huế quê tôi, ta sẽ khám phá phượng vĩ dưới một "ánh sáng" khác. Bên cạnh những chùm hoa đỏ rực là những bức tường thành cổ đen sì, có nơi loang loáng chút rêu xanh. Những bức tường thành này có bề dày cả thước, có tuổi gần hai trăm năm, thầm lặng làm chỗ dựa cho những cây phượng sung mãn và trẻ trung. Hoa phượng hồn nhiên khoe sắc, thân cành rung rinh trong gió, dường như đang rì rầm chuyện trò với đám rêu xanh bám tường. Rêu cũng là một loài thực vật hẳn hoi, cũng có sắc màu của nó và nhất là cũng biết óng lên một thứ sắc xanh lục thắm đượm. Phượng vĩ bên thành cổ! Sức sống thanh niên và sắc màu rực rỡ đối diện với bề dày của quá khứ, với đất đá vô sinh, với cái đã chết, với sự ngậm ngùi câm lặng. Thành cổ đã chứng kiến những gì Thành cổ đã thuộc về lịch sử, cái đang tràn trề sức sống là hoa phượng này đây. Thế nhưng, dưới gốc phượng cũng đã rải rác vài đốm hoa màu xác pháo. Hoa sẽ chóng tàn và thành cổ sẽ trường tồn với thời gian.
        Cái sống và cái chết, cái tĩnh và cái động, cái hữu cơ và cái vô sinh đang nằm hài hòa bên nhau. Và nhất là sự tĩnh mịch! Trong sự tĩnh mịch này, vắng mọi thứ tiếng của thế gian, phượng vĩ và thành cổ như giao hòa trong một giai điệu chung của thời gian. Chỉ trong sự tĩnh mịch này, thần thức của thiên nhiên bỗng nhiên lộ rõ.

        Cũng là thiên nhiên cả nhưng châu Âu không có phượng vĩ. Dường như loài hoa này chỉ sống tại miền Nam châu Á và nhất định chỉ nở hoa vào những tháng nóng nực nhất. Thật ra, nhiều loại cây vốn của miền nhiệt đới nay đã được chiết giống để chịu được băng tuyết mùa đông. Đó là các loại tre, trúc, hoa trà mi, hoa dâm bụt... mà ngày nay ta đã thấy khắp mọi nẻo đường ở châu Âu. Loài phượng vĩ thuộc giống rất dễ tính, trồng bằng hạt, ươm gieo trong vườn không khó và cứ cao hơn một thước là ta có thể "đánh" ra trồng chỗ cố định. Thế nhưng dường như nó cự tuyệt mùa đông châu Âu. Nghe ra cũng dễ thông cảm và thấy gần giống với tâm tính người Việt mình.

        Khí lạnh châu Âu không hể làm màu hoa kém tươi. Trái lại, hãy đến thăm châu Âu vào tháng tư để biết thế nào là sắc màu và lòng hào phóng của thiên nhiên. Mùa xuân, cành lê cành táo nhiều hoa hơn lá. Loài hoa tu-1íp có nhiều màu mà màu nào cũng thắm đậm ngọt ngào. Hoa đào Nhật Bản mang một sắc hồng trinh nguyên làm người xem phải biết trân trọng. Thế nhưng chưa có một màu hoa nào được ta gọi là "thắm", để tôi phải nhớ đến màu phượng vĩ. Cho đến một ngày...

        Cho đến một ngày hè châu Âu tôi khám phá một loài hoa, cây thấp chưa đầy ba tấc, thân mềm, mọc ở bờ rừng bờ ruộng. Hoa mọc hoang ven đường, cành lá run rẩy dữ dội khi xe chạy qua. Hoa mang một màu đỏ đậm nhưng lá hoa quá mỏng nên sắc luôn luôn sáng trong. Màu này thì mới đáng được gọi là "thắm". Đó là một sắc màu làm say lòng người. Tôi bỗng nhớ màu phượng, cả hai đều thắm. Chúng mang một sức thắm đậm làm ta ngỡ thiên nhiên phải là một đại họa sư, có biệt tài pha chế màu sắc. Nhưng chúng cũng khác nhau. Nếu phượng vĩ cũng có sắc đỏ nhưng pha chút gam màu cam thì loài hoa lạc loài này cũng một màu đỏ nhưng vừa trong vừa đậm như rượu vang, có khả năng mê hoặc con người. Tôi bỗng nhân cách hóa màu hoa phượng, cho nó là một chàng thiếu niên đầy niềm vui và sức sống. Như thế thì sắc màu của loài hoa không tên này phải là một phụ nữ kiều diễm và sang trọng.

        Loài hoa không tên đó về sau tôi nghe người Đức gọi là Mohnblumen, "hoa thuốc phiện". Thứ hoa mọc hoang này, dù trông ra mỏng manh nhưng sống rất lâu không chịu tàn trong những tháng mùa hè. Thì ra cây đó thuộc cùng một giống với các loại cây nha phiến chết người. Cho nên loại cây này tha hồ mọc hoang nhưng không ai được đem về trồng trong nhà. Hoa bị con người phân biệt đối xử, chẳng phải vì hoa kém đẹp kém thơm mà chỉ vì lòng người sợ hãi niềm đam mê của chính mình. Nhưng nếu con người không còn đam mê thì điều gì mới làm ra tính người?

        Phải chăng màu sắc đầy tính chất mê hoặc của hoa thuốc phiện cũng đã nói lên tính chất của nhựa hoa đối với con người, tôi bâng khuâng tự hỏi. Tôi là một phần của thiên nhiên hay thiên nhiên là một phần của tôi mà nhìn hoa biết tính? Không, sự đam mê nằm ở người chứ không ở hoa. Tôi không hài lòng lắm với tên "hoa thuốc phiện", một cái tên đầy sự sợ hãi và khinh miệt. Về sau hỏi lại bạn bè người Việt, tôi mới biết đó là hoa anh túc. Ôi, thì ra hoa anh túc là đây, một loài hoa mà danh xưng của nó tôi đã nghe từ lâu.

        May thay tôi biết đến cái tên văn học này để thay thế cho một tên trần trụi kia, một cái tên không thể xứng hợp với sắc màu siêu nhiên của nó. Phượng vĩ hay anh túc, dù hai thứ dường như không bao giờ gặp nhau, nhưng cả hai đều đỏ thắm, đều làm say lòng người, cũng đều chịu một kiếp hoa, nhưng cũng đều là tác phẩm của tâm đang vận hành.

        Ngày nọ, bước đường lữ khách dẫn tôi đến Aswan, một thành phố nằm trên bờ sông Nile, thuộc xứ Ai-cập ở miền Bắc châu Phi. Sông Nile, với chiều dài hơn 6600 km, là giòng sông dài nhất trên thế giới. Theo người Ai-cập, Nile là khởi thủy của thế giới, là nguồn gốc của tất cả mọi đời sống. Trong một vùng đất sa mạc của Bắc Phi, quả thực sông Nile là nguồn suối của mọi loài sinh vật, động vật cũng như thực vật. Chỉ xung quanh sông Nile mới có màu xanh, có ốc đảo, có cư dân. Đến Ai-cập mới biết đất nước Việt Nam là một ốc đảo xanh tươi vĩ đại. Nhưng Ai-cập khác tất cả các nước khác vì hoa trái đích thực nở ra trên vùng đất khô cằn này là một nền văn minh vô song, đó là nền văn minh cổ nhất của nhân loại còn giữ lại được tới ngày hôm nay.

        Aswan có thể được xem là viên ngọc nằm trên sông Nile, một trong những thành phố đẹp nhất trên thế giới. Tại Aswan ta có thể cùng một lúc chiêm ngưỡng vẻ đẹp duyên dáng của sa mạc, màu vàng rực rỡ và trần trụi của cát và đá, màu xanh thẫm của nước sông Nile mà ở đây lặng lờ như mặt hồ. Aswan là một thiên đường của sắc màu và sự tĩnh lặng. Lác đác trên sông là những chiếc thuyền buồm đặc biệt mà người địa phương gọi là falucca với những cánh buồn trắng thật cao, trông như những cánh bướm chập chờn. Khi hoàng hôn xuống, sắc đỏ của ánh dương chen với sắc vàng của sa mạc lẫn trong tiếng nhạc của dân Nubian cho ta cảm tưởng ở đây dường như không phải là trần thế. Có lẽ vì thế là Francois Mitterand, vị tổng thống Pháp, khi biết 1996 mình không còn sống được lâu, năm 1995 đã đến đây sống một thời gian, nói trước lời vĩnh biệt.

        Aswan là một trong những ốc đảo của sông Nile, là nơi sinh ra không biết bao nhiêu hoa lá nhiệt đới, nhất là loại cây chà-là cùng họ với loài dừa của ta. Và bất ngờ thay, tôi gặp phượng vĩ tại Aswan. Thì ra châu Phi mà cũng có phượng, tôi ngẩn người tự nhủ. Dưới ánh nắng thiêu đốt của mặt trời, phượng vĩ châu Phi cũng không khác gì của chúng ta, cũng thân cành mỹ thuật, cũng lá kép lông chim xanh bóng, cũng những cụm hoa màu đỏ rực pha chút gam màu cam. Và sức thắm của sắc màu! Màu phượng vĩ ở đâu cũng thắm đượm như nhau.

        Phượng vĩ dễ gieo dễ trồng thật nhưng ai đã đem phượng qua xứ Phi châu xa xôi này? Nhưng không phải chỉ phượng vĩ, trên những nẻo đường Ai-cập tôi khám phá cả những cây bồ-đề với đuôi lá dài nhọn, cả ao sen trắng với cành lá vươn cao trên mặt nước. Thiên nhiên là ai, là nhiều hay chỉ một? Tâm là gì, là chỉ một hay nhiều? Hoa lá bên ngoài và niềm say bên trong là một hay khác? Bất ngờ thay, về sau tôi tìm thấy trong một cuốn sách chuyên môn, cho hay phượng vĩ xuất phát từ Madagascar, một hòn đảo thuộc châu Phi. Nếu thật như thế thì châu Phi mới chính là quê hương của phượng vĩ. Những hàng phượng tại các con đường tại Hải Phòng, Nha Trang hay bên thành cổ xứ Huế chỉ là hậu duệ của một loại hoa có sức thắm rực rỡ của một mặt trời châu Phi.

        Cũng trên đất Ai-cập này, tôi nhớ lại tường thành đen sì xứ Huế mà ngày xưa tôi tưởng rất cổ. Thành quách của nền văn minh Ai-cập để lại không phải được tính bằng vài trăm năm mà bằng thiên niên kỷ, của những thời đại mù khơi trước công nguyên. Từ Aswan dòng sông Nile chảy lên phía Bắc và đổ ra Địa Trung Hải tại thành phố biển Alexandria. Đoạn sông dài một ngàn cây số đó là chứng tích của một nền văn minh sâu thẳm không ai dò tới đáy.
        Được truyền tụng nhiều nhất là những kim tự tháp đầy huyền thoại nằm ở hạ lưu sông Nile mà niên đại của chúng được ghi là khoảng thế kỷ thứ 27 trước công nguyên. Đó là những năm tháng nghe lạ tai, vì tính sơ thì chúng được xây dựng từ 4700 năm trước. Đó là những thời đại hầu như thần thoại vì khoảng cách từ đó đến đầu công nguyên còn xa hơn từ đầu công nguyên đến bây giờ.

        Kim tự tháp là những công trình nguyên sơ còn lại tới ngày nay. Ngoài ra, những đền đài ta thấy tại Ai-cập đều cũng là những phế tích rất xưa, nhưng thật ra chúng liên tiếp bị phá hủy và tái thiết trong những thời đại hoàn toàn khác nhau, cách nhau vài trăm năm là thường. Đứng trước những công trình đó tôi không sao cảm nhận được sự khác biệt về thời gian của chúng. Tôi đã nhiều lần cố ngẫm nghĩ về thời gian và thấy mình không bao giờ hiểu được chiều sâu của nó. Chúng ta có thể hình dung một khoảnh thời gian một tuần, một tháng, một năm, nhiều nhất là hai, ba mươi năm. Nhưng chúng ta không thề hình dung một khoảnh thời gian vượt quá một đời người. Hai trăm năm của tường thành xứ Huế đã là quá lâu, nói chi đến phế tích vài ngàn năm. Sức tư duy và cảm nhận của chúng ta về không gian lớn hay nhỏ, về thời gian dài hay ngắn, về thiên nhiên là một hay nhiều, tất cả đều bị đời làm người qui định, bị giới hạn trong mức độ "trung bình" đó.

        Điều mà chúng ta cảm nhận được và mang lại vô số cảm khái là sự tương phản. Thiên nhiên rực thắm tương phản với màu xám của tri thức. Cánh hoa trẻ trung bên cạnh tường thành uy nghi và xưa cũ. Tại Ai-cập sự tương phản đó hẳn đạt đến mức tuyệt đối. Dọc hai bờ đông tây của sông Nile từ Aswan đến biển, bên cạnh phượng vĩ, sen trắng, chà-là xanh là vô số thành quách, đền đài, lăng mộ của các nhà vua, hoàng hậu, thái tử, công nương của các triều đại. Trong số các đền đài đó có một công trình mang tên đền Karnak, thờ thần Amun. Đề Karnak lưu giữ những chứng tích của một nền văn hóa tôn giáo và kiến trúc của thế kỷ 13 trước công nguyên, tức là cách đây khoảng 3300 năm.
        Ngày nay đến phế tích đó không ai không khỏi kinh ngạc trước khả năng kỳ diệu của người xưa mà công trình nổi bật nhất hẳn phải là một tòa lâu đài nay đã mất mái gồm 134 trụ đá có trụ đường kính hơn ba mét và cao 21 mét. Trên những trụ đá đó là vô số hoa văn, vốn là chữ viết của một thời xưa cũ. Thứ chữ Hieroglyphs này, một trong những chữ viết cổ nhất của nhân loại, được xem là quà tặng của thần thánh, gần đây, mãi thế kỷ thứ 19 mới được một người Pháp tên là Champollion giải mã.

        Tại các phế tích của thời cổ đại Ai-cập, người ta hay tổ chức những buổi Sound & Light vào đêm, diễn lại nguồn gốc tôn giáo và văn hóa của các đền đài. Trong bóng đêm, tôi cùng đoàn người men theo những con đường lát đá hoa cương, trở lại những trụ đá khổng lồ với chút lòng run sợ mình đang phá rối giấc ngủ của các vị thần. Bỗng nhiên giữa các hàng cột đá một vầng trăng đỏ ối xuất hiện như một ngọn đèn hồng. Tôi rùng mình. Thiên nhiên hiện ra vô cùng bất ngờ và vĩ đại. Một nguồn cảm khái tràn ngập tim tôi. Thời gian là gì? Vầng trăng hẳn phải xưa cũ hơn các hàng trụ đá nhưng vẫn ánh trăng sinh động, trẻ trung, đang hiện hữu trong từng bước chân tôi, có thực như tâm tôi đang kính sợ. Thiên nhiên thực là tâm đang hiện hành hay thiên nhiên đang soi bóng trong tâm? Hay cả hai cách nói chỉ là một? Tôi bỗng nhớ những lời thơ trong bài Đạo ý của Nguyễn Du:

        Minh nguyệt chiếu cổ tĩnh
        Tĩnh thủy vô ba đào
        Bất bị nhân khiên xả
        Thử tâm chung bất giao
        Túng bị nhân khiển xả
        Nhất dao hoàn phục chỉ
        Trạm trạm nhất phiến tâm
        Minh nguyệt cổ tĩnh thủy

        Trăng sáng lòng giếng cổ
        Nước giếng không ba đào
        Không bị người khuấy động
        Lòng này không chút xao
        Đã bị người khuấy động
        Xao rồi trở yên lặng
        Vằng vặc một mảnh lòng
        Gióng trong trăng gọi bóng.

        “Trạm trạm nhất phiến tâm", lạ thay! Ánh sáng chính là tâm, vầng trăng là "một mảnh lòng". Một mảnh lòng nhớ thời thơ ấu có phượng vĩ, có cổ thành, có trăng thanh, có vần thơ... hiện lên giữa những hàng cột đá thờ thần Amun tại Ai-cập. Một mảnh lòng kính sợ trước sự bí nhiệm của thiên nhiên và tài năng của người xưa. Phế tích vài ngàn năm này không hề "câm lặng" như nhiều người hay nói mà cái thần của nó đang quyện vào lòng người, hiện lên làm tôi choáng ngợp. Không cần thiên nhiên phải tĩnh mịch, cũng không phải vì bóng đêm huyền bí, mà nói như Nguyễn Du, nhờ "nước giếng không ba đào".

        Khi tâm tĩnh lặng thì quá khứ ngàn năm và thiên nhiên vô tận chỉ nằm trong một màu hoa thắm.

        7.2005
        Bạn Gần Không Tới........Bạn XA Chưa Về.......

        Comment

        Working...
        X
        Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom