• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

người Việt cao quý

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • người Việt cao quý

    Người Việt Cao Quý

    Bài viết của tác giả người Ý: A. Pazzi - Lời dịch: Hồng Cúc - Tháng 5 năm 1965

    Trên hai mươi năm sống trên đất nước Việt Nam, tôi tưởng có đủ thì giờ tìm hiểu người dân khả ái, cùng cái xứ sở khá kỳ diệu này. Tôi tin chắc mình sẽ nói lên được ít nhiều sự thực, do cái tầm mắt khách quan của người ngoại địa, và niềm thiết tha của kẻ biết mình không thể dửng dưng.

    Tôi cần thưa trước với các bạn rằng, khi rời nước Ý là quê hương tôi sang nước Việt Nam, tôi không có một ý định lưu cư dài hạn ở đây. Không khí nhiệt đới ẩm thấp, oi nồng, không làm cho sức khỏe tôi hoan hỉ. Truyền thống văn hóa Đông Phương không giúp cho sinh hoạt tôi được mọi dễ dàng. Đặt chân lên mảnh đất này, tôi phải giữ kỹ chiếc mũ trên đầu vì sợ say nắng, ngộ cảm như lời một người bạn Pháp đã nhắn nhủ tôi trong một lá thư thân tình: “Nắng ở Việt Nam không có cường độ như ở Châu Phi nhưng lại có sức giết người nhanh chóng gấp một trăm lần ánh lửa của sức mặt trời xích đới. Chúng ta không thể bắt chước những người bản xứ mà phơi đầu trần, trừ khi ta muốn sớm về hỏa ngục.”

    Như thế, tôi đến Việt Nam với một thái độ hết sức e dè. Nhưng trong cái nắng chói chang của ngày đầu tiên hôm ấy, tôi đã có dịp thấy người Việt Nam, không phải qua các tranh ảnh, qua các sách báo, mà thấy hiển nhiên ở trước mắt mình. Có thể nói rằng ý nghĩ đầu tiên đến trong trí óc của tôi là “người Việt Nam thật đẹp”. Sau này nhiều lần tôi có đem ý nghĩ này nói với nhiều bạn Việt Nam, nhưng tôi chỉ gặp nơi họ những cái mỉm cười hoài nghi hoặc là gượng gạo, như tuồng họ tưởng tôi có một ẩn ý gì trong lời nói đó, hoặc cho là một cách nói xã giao để lấy cảm tình. Không, tôi không có cái ý định như thế. Tôi đã tiếp xúc khá nhiều dân tộc và tôi có dịp để quan sát họ hẳn hoi và so sánh họ với nhau. Ở Á Đông này, người Tàu cũng có những nét khả ái riêng biệt của họ như là người Nhật, nhưng cả người Tàu, người Nhật đều không có cái linh hoạt đặc biệt của người Việt Nam. Đôi mắt, cái miệng của người Việt Nam có một sức sống kỳ lạ, cái duyên kỳ lạ. Về đôi mắt họ, tôi nghĩ đó là một sức thông minh tìm tàng trải qua nhiều đời dồn chứa thành một cái nhìn vừa mau, vừa sâu như cố nắm lấy sự việc rồi thoát ly liền, như sau mũi tên bắn mạnh người thiện xạ kia đã mất dạng rồi. Tất nhiên con mắt người Việt có nhiều hình dạng nhưng vẻ tinh anh của họ gần như chia xẻ đồng đều. Từ đứa bé con đến người tuổi tác, từ kẻ nghèo khổ đến kẻ sang giàu đều có được cái ánh sáng mài nhọn cắt bén như thế. Hầu như đa số mắt của người Việt đều có hai mí, và đó cũng là một cách cấu tạo làm cho con mắt thêm phần linh động hơn nhiều. Phải nói là người Việt Nam không biết giữ gìn con mắt và đa số bị khá nhiều bệnh mắt, tuy thế cái vẻ độc đáo trong cách họ nhìn vẫn không biến đổi. Họ nhìn hiền từ khoan dung, nhưng có vẻ gì không chịu phục tòng. Tôi nghĩ khó lòng mà nói cho hết về những ý nghĩa phóng tỏa từ đôi mắt ấy và cũng không sao mà vẽ truyền thần cho được y nguyên những vẻ sắc sảo tinh anh mà đôi mắt họ có thừa. Lần đầu tiên thấy cái nhìn của họ, tôi tự nhủ rằng: “Đây không phải là dân tộc tầm thường” và sau tôi phải kết luận: “Người Việt là một dân tộc ưu hạng có nền văn minh riêng biệt, có lẽ không giống với bất cứ nền văn minh nào trên thế giới này.”

    Tôi sẽ có dịp phân tích nền văn minh ấy về sau, tuy vẫn tiếc rằng không đủ phương tiện tìm hiểu sâu xa hơn nữa. Khi biết khá rõ đôi mắt người Việt tôi mới nhận biết đầy đủ hơn rằng còn những dân tộc có những cặp mắt lờ đờ hay là thô bạo, hoặc là sỗ sàng hoặc cũng hời hợt, dễ dãi. Đa số con mắt Việt Nam không có những tính xấu ấy. Con mắt là gương phản chiếu tâm hồn, và tâm hồn căn bản của người Việt là sự thuần thục của một dân tộc ý thức rõ rệt hoặc là ngấm ngầm về cái sức năng văn hóa của giống nòi mình. Nhiều dịp tôi đã thấy kẻ bất lương hung hăng ném những tia nhìn hằn học đục ngầu sát khí, nhưng khi ý nghĩ bạo ác tàn rồi, cặp mắt của họ dịu xuống, lại trở về với cái vẻ dịu hiền sắc sảo của dân tộc mình. Dù cho đôi mắt ấy không bình thường, hay bị thương tật, cái nhìn của người Việt Nam vẫn là cái nhìn thông minh, trong đó có chiều sâu thẳm của nền văn minh riêng biệt.

    Nhưng đôi mắt của người Việt phải được gắn liền với cái miệng họ, hay nói đúng hơn là cái nụ cười của họ. Ở trên khuôn mặt con người, chỉ có đôi mắt, đôi môi là đáng lưu ý hơn cả, vì nó phản chiếu một cái thực tại linh động về tâm hồn người, nói lên trình độ cảm nghĩ, khả năng đạo đức một cách cụ thể. Cái mũi là vật trung tâm và lộ hiện ấy, hầu như không có khả năng phát biểu được gì cá biệt cho thật rõ ràng. Nhưng nụ cười Việt, cũng như hầu hết nụ cười dân tộc Đông Phương, có một vẻ gì bí hiểm khó mà đoán hiểu dễ dàng. Riêng người Việt Nam, khi vành môi họ nhếch lên hay mím nhẹ lại, họ đã qui tụ cái nhìn, đôi mắt theo về hướng ấy, và trong phần tư, phần sáu nụ cười lửng lơ của họ, người ta đoán thấy một sự nhạy cảm lạ lùng đi đôi với một khiếu năng phê phán linh hoạt.

    Có khi ý tưởng mà họ nói ra không có giá trị bằng cái ánh mắt và cái nụ cười ấy. Điều ấy có thể cắt nghĩa như sau: trí tuệ của họ chưa có điều kiện để được phát triển, trong khi con người của họ thừa hưởng một sự đào luyện lâu dài về giống nòi mình biểu hiện ở trong tiềm thức cộng đồng. Chính cái tiềm thức cộng đồng của một dân tộc là cái di sản vô cùng lớn lao, không có cách gì tạo lấy dễ dàng hay thay đổi được. Nó là kết quả của bao nhiêu đời sinh hoạt, của bao nhiêu nổi thăng trầm, vinh quang, tủi nhục thảy đều dồn tụ để chung đúc lại thành những phản ứng sâu xa trong mỗi người dân, khiến lúc họ đi, họ đứng, họ nói, họ cười, cái vốn liếng ấy vẫn chi phối họ, vẫn được hiện diện cách này hay là cách khác. Phải nói rằng người Việt Nam có cái tiềm thức cộng đồng khá lớn, khá sâu, chỉ có ở những dân tộc có nền văn minh phong phú riêng biệt. Người ta có thể trách cứ một số người Việt hay thích làm dáng, hay học uống môi, trẹo lưỡi theo người ngoại quốc làm cho cái duyên tự nhiên của dân tộc họ dễ mai một đi. Nhưng tôi dám chắc là chưa có giống người nào có một nụ cười ý nghĩa như là nụ cười của dân tộc họ. Phải nói rỏ hơn là người Việt Nam ít có nụ cười thật vui, cũng như trên thế giới này vẫn chưa có dân tộc nào thật sự có nụ cười tươi mười phần hoan hỉ. Nhân loại đang đi tìm nụ cười kia như một giải thoát cho mình. Riêng người Việt Nam không biết họ có tìm thấy được nhiều khuây lãng hay không, khi nhếch mép cười, nhưng tôi tin rằng họ phải bận tâm suy nghĩ nhiều hơn trong những nụ cười như vậy. Người Việt dung hòa được sự hướng nội và sự hướng ngoại khi cười, nên đã tạo được một sự quân bình đặc biệt. Nói theo quan niệm y học thì chỉ có sự quân bình mới có sự sống, và mất quân bình là sự bệnh hoạn. Suy từ nụ cười, chúng ta thấy người Việt Nam có được một sự quân bình đặc biệt suốt trong mọi nghành sinh hoạt khiến họ chấp nhận hợp lý được mọi quan niệm, dung hòa được mọi ý kiến dị đồng. Đời sống của dân tộc họ dù có chiến thắng vẫn không có những hân hoan tột độ, và dù chiến bại vẫn không có những bi đát tột cùng.

    Sau này nghiên cứu lịch sử Việt Nam tôi càng thấy rõ rệt hơn điều ấy. Những lúc dẹp xong kẻ thù họ vẫn ngoan ngoãn làm người triều cống và khi bị kìm kẹp giữa gông cùm nô lệ họ vẫn thản nhiên tìm cách vươn lên. Chưa có một dân tộc nào chiến đấu oai hùng như họ trải qua lịch sử, mà họ có bản anh hùng ca nào đâu? Cũng như có dân tộc nào đã từng lầm than đến thế, mà họ có lời kêu khóc nào đâu? Văn chương Việt Nam không hề có sự bi thảm, tuyệt vọng, bởi vì dân tộc của họ không thể bi thảm đến mức tuyệt vọng, dù phải sống vào bất cứ là trường hợp nào.

    Nụ cười của người Việt Nam, nếu không phải đem lại niềm tự tin thì cũng bày tỏ một ý khoan dung rõ rệt. Điều ấy không phải là không có lý, khi nhiều lúc ta bắt gặp nụ cười vào lúc mà ta không hề chờ đợi. Nếu không tự tạo một vẻ bề trên thì nụ cười ấy cũng nói lên sức chống đối gần như thường trực. Nhiều người Việt Nam vẫn không nghĩ rằng mình cười như thế, và không ngờ rằng mình lại muốn cười như thế bao giờ. Chính sức tự vệ âm thầm bên trong của giống nòi họ đã tạo nên cách thế ấy, ngoài vòng kiểm soát ý thức.

    Những người Việt Nam mất gốc, quá chịu ảnh hưởng Tây Phương không thể nào hiểu những nét độc đáo của dân tộc họ. Tôi đã có đọc một bài của một dịch giả có tài là Nguyễn Văn Vĩnh nói về nụ cười của dân tộc mình và ông đã nói một cách vội vàng nên không tránh được nhiều sự sai lầm quan trọng. Ông đã lên án cái giọng cười ấy bằng một lối nhìn khinh bỉ và quan niệm người Việt Nam đã cười một cách xấu xa, với những ẩn tình độc ác, đó là nụ cười phá hoại, nụ cười vu cáo, nụ cười kêu ngạo rất là vô lối. Rất tiếc ông Vĩnh đã đứng trên cái quan điểm Tây Phương để mà quan sát đồng bào của mình, và trong quan điểm của ông có cái thái độ hời hợt, nghi hoặc của một tên quan thuộc địa nhìn dân bản xứ như bọn hèn kém xấu xa. Cho đến ngày nay hình như ở trong trường học người ta vẫn dạy các bài như thế và chừng như các giáo sư cũng không mấy người cho rằng ông Vĩnh nói sai. Tôi nghĩ nếu quả sự thực là vậy thì người ta đã bôi nhọ dân tộc của mình rõ rệt. Và phải nhận rằng một số trí thức Việt Nam có bằng cấp cao, có kiến thức rộng, nhưng lại không có căn bản dân tộc bao nhiêu. Họ vẫn hãnh diện vì biết nói tiếng nước ngoài, coi sự đi ra khỏi nước, dù là đi vào rừng rú Châu Phi, Châu Mỹ, là một vinh dự hiếm có. Những người trí thức ấy quên vun xới vườn nhà như quên linh hồn đích thực của mình và giống hệt như anh chàng ở trong cổ kịch La Mã mua được một cái mặt nạ rẻ tiền đã vội chối từ khuôn mặt vốn có thật đẹp của mình. Bởi thế chưa có một dân tộc nào mà người trí thức lại nói pha trộn nhiều tiếng ngoại ngữ như vậy, thích dùng đồ ngoài như vậy. Nhưng may mắn thay, nếu lớp bọt bèo ở trên có những thành phần không bám được rễ xuống dưới đáy sâu thì chính đông đảo quần chúng của họ biết quí dân tộc của mình một cách rõ rệt.

    Có lẽ bàn về nụ cười, tôi đã cho phép mình đi quá xa, khỏi cái giới hạn cần thiết mất rồi. Nhưng dừng quá lâu ở trên hình thức, diện mạo, chúng ta khó lòng phát hiện những cái giá trị thật sự lớn lao về một dân tộc. Người Việt đáng lẽ phải tự hào về khuôn mặt của họ. Tôi không nói đến khuôn mặt của những con người no đủ, béo tròn, trắng phốp, hồng hào, nằm trên nhung lụa và trong bóng mát của những tiện nghi. Ở bất cứ một xứ nào, những hạng người ấy đều rất có thể giống nhau, và không có gì đáng nói nhiều hơn là cái bằng phẳng nhạt nhẽo của lòng tự mãn ích kỷ, trong đó mỗi thái độ tự thưởng thức lấy là được biểu hiện vẹn toàn. Hơn nữa, cái thời chỉ nheo một mắt để nhìn vào các giá trị bên ngoài đã qua lâu rồi. Nhân loại đã mất cả mấy ngàn năm mới rời khỏi được mảnh đất hình thức để đi vào trong lĩnh vực nội dung, lẽ nào trong sự phê phán, tìm tòi cái đẹp, người ta lại còn dồ đi, vẽ lại một kiểu cách nhìn hình thức đã lỗi thời rồi? Do đó, vẻ đẹp trên khuôn mặt người Việt Nam là do quá trình gian khổ của dân tộc họ làm thành và sức quật cường lớn lao của dân tộc họ tạo nên. Cặp mắt họ biết quắc nhìn, giận dữ mà không tàn bạo, đôi môi họ biết mím chặt, căm hờn mà không ác tâm. Tiếng nói của họ, vốn là ngôn ngữ riêng của âm nhạc vì có nhiều dấu, nhiều giọng khác nhau, không phải là tiếng nói của hổn loạn và của cay nghiệt. Trên khuôn mặt người Việt Nam có cả vết hằn lịch sử của họ. Các vết hằn ấy ở nơi khoé môi, ở nơi vừng trán, ở trong ánh mắt, nụ cười, ở trên màu da và trong tiếng nói.

    Thật là khó lòng quan niệm người dân của một xứ nắng, của những núi rừng trùng điệp và của đầm lầy mênh mông mà lại có một màu da trắng như vỏ trứng. Cái vẻ trắng trẻo, hồng hào không nên đòi hỏi nơi người Việt Nam, vì nó phản lại địa lý, phản lại sinh hoạt, phản lại lịch sử họ. Nói thế, không phải là một quan điểm của bọn thực dân chỉ muốn cho người bản xứ chịu khổ suốt đời. Trái lại, trừ phi người ta thích ngồi trong nhà nghỉ mát mà lo trau giồi sắc đẹp, thì người ta không cần biết gì thêm ngoài khuôn mặt mình. Và các loại khuôn mặt này, như trên đã nói, chỉ đọc thấy sự phè phỡn no nê đầy nét hời hợt của lòng toại nguyện dễ dãi, và rất nhiều khi vẻ rực rỡ ấy lại phản chiếu thật hoàn toàn thái độ ích kỷ đến mức tồi tàn. Không, tôi không thuộc về lớp người chỉ thích ca ngợi vẻ đẹp cao sang lộng lẫy kiểu các ông Hoàng, bà Chúa. Bởi lẽ ca ngợi như thế tức là tự tố cáo sự hèn mọn trong cách cúi đầu khuất phục trước cái thế lực đã lỗi thời rồi. Người Việt Nam nào biết quan tâm đến sinh hoạt của đồng bào mình, biết sống một cách hẳn hoi, thực sự cũng không thể nào không đem mình ra dang trải nắng gió, không cùng chung những đau khổ, và những cố gắng mà dân tộc mình trải chịu. Phải nhìn nhận rằng do những biến cố lịch sử liên tiếp, do những ảnh hưởng bên ngoài đối với xứ sở, người Việt bị lâm vào cảnh nghèo khó, và phải cố gắng lâu dài họ mới hoàn toàn sung sướng. Những kẻ sớm vội hưởng lạc bây giờ có lẽ đã bỏ dân tộc của mình mà đi. Do đó, khuôn mặt đẹt nhất của người Việt Nam hiện tại vẫn là khuôn mặt rám nắng, khuôn mặt khắc khổ, khuôn mặt của những âu lo và của hy vọng, khuôn mặt linh động, phong phú của những con người đang viết những trang lịch sử lớn lao.

    Bài viết của tác giả người Ý: A. Pazzi - Lời dịch: Hồng Cúc - Tháng 5 năm 1965
    Đã chỉnh sửa bởi diên vỹ; 27-04-2008, 09:03 PM.
    my page
    Similar Threads
Working...
X
Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom