• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Tóc thề

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Tóc thề

    Tóc thề
    Thái Quang Hy

    Tóc thề đã chấm ngang vai,
    Nào lời non nước nào lời sắt son.
    Nguyễn Du – Truyện Kiều
    Link" align="left" border="0" alt="" style="padding:7px;" />Buổi sáng trời còn nắng chang chang, tới trưa mưa gió về lạnh buốt. Khương dựng chiếc xe đạp thồ bên lề đường, chạy vào nấp dưới tấm bạt của hàng nước nơi góc chợ. Tránh được mưa rồi, việc làm đầu tiên là sờ tay nơi túi áo ngực xem tấm ảnh có bị ướt không. Không sao, vì mới hôm qua Khương đã bọc ảnh trong bao ni-lông mới và hàn kín bằng lửa đèn sáp.

    Chen chúc dưới tấm bạt là đám người co ro gồm mấy đứa nhỏ bán vé số, mấy người buôn thúng bán bưng, với vài mệ già với quang gánh chỏng chơ. Mệ bán chè rên rỉ rằng "mưa mô gió nấy, ri còn chè cháo chi nữa". Cô hàng nước vỗ nhẹ lưng Khương:
    - Ngồi uống ly bia nì, anh Ba Sài Gòn! Không thì em không cho núp mưa mô nghe.
    - Uống thì uống chứ sợ gì!
    - Hi hi, giọng Sài Gòn dễ thương quá hí. Mần một ly bia khổ cho rẻ hí?

    Hơn một năm sống ở Huế rồi mà Khương vẫn chưa hết ngạc nhiên về lời ăn tiếng nói của người dân nơi đây. Thứ bia tự tạo nấu bằng bắp này trong Nam cũng có, nhưng người ta gọi là bia hơi hay bia lên men, không đâu đặt cho nó cái tên bia khổ như ở cái đất Thần kinh này. Lại còn hột bo bo ăn độn, trong khi cửa hàng lương thực gọi là cao lương thì dân Huế gọi là thê lương. Ngày túng tiền, một người miền Nam như Khương sẽ ngêu ngao lời hát nhảm theo giai điệu bài Chủ Nhật Tươi Hồng – Beautiful Sunday: “Sáng ăn cơm sườn - Chiều ăn nước tương - Tối leo lên giường - Nằm coi cải lương”; trong khi đó người Huế sẽ ngâm:

    Đói lòng ăn hột thê lương,
    Ngậm ly bia khổ, ương ương tới chiều.

    Chai bia Huda của nhà máy bia Huế giá sáu bảy đồng, còn chai bia khổ to gấp rưỡi giá có hai đồng, còn rẻ hơn ly cà phê, là thức uống tăng lực bất kể sáng chiều tối của dân xích-lô xe thồ.

    Cô hàng nói chuyện cầm khách:
    - Anh Ba ở trong Sài Gòn chắc sướng lắm, có uống bia khổ như đây mô hí.
    - Tui có ở Sài Gòn đâu, tui làm ruộng ở Sóc Trăng cô à. Ở trỏng tui cũng uống rượu đế tầm bậy tầm bạ thôi cô ơi.
    - Ở trong Nam thì cũng là Sài Gòn thôi. Mà vì răng anh ra đây ở?
    Vì sao mình đến chốn này. Ừ vì sao nhỉ. Khương thủng thẳng đáp:
    - Thú thiệt với cô, tui ra đây để tìm một người, tìm cả năm rồi mà chưa thấy cô ơi.
    - Tìm người yêu cũ phải không? Răng lâu ni không nói? Nói em chỉ cho.
    - Tui hỏi cũng nhiều người rồi mà chưa ai biết hết. Cô có bao giờ thấy mặt người này chưa?

    Khương thận trọng lấy từ túi áo tấm ảnh bọc trong bì ni-lông, vuốt trôi những giọt nước nhỏ đọng trên mặt ảnh rồi đưa cho cô hàng. Cô cầm cả hai tay và ngắm. Tấm ảnh bán thân một thiếu nữ tuổi chừng mười bảy, với mái tóc vừa chấm ngang vai, mang nét hiền lành tiêu biểu của cô gái Huế, nghĩa là không sắc sảo như người Bắc hay lồ lộ như người Nam. Thiếu nữ mặc áo dài lam, mang huy hiệu bông sen trắng của Gia đình Phật tử. Cô hàng ngắm nghía hồi lâu:

    - Thấy ngờ ngợ.., nhưng thiệt là em chưa biết. Rứa người ni tên chi, ở mô?
    - Cô ấy tên là Mai, trước ở đường Huỳnh Thúc Kháng, gần cầu Đông Ba. Tui gặp cô ấy cách nay cũng mười lăm năm rồi. Lúc đó là thời Phật giáo tranh đấu, cô ấy định tự thiêu nhưng không thành.
    - Tự thiêu ?
    Cô hàng im lặng hồi lâu như suy nghĩ và cố nhớ lại điều gì, rồi chợt nói :
    - Em đã nhớ… Nhưng khó nói quá, khó nói quá…Chị này đã mất rồi anh à.

    *---*

    Suốt tháng Năm năm 66 này Huế sôi động và bất an. Đình công bãi thị liên tục và biểu tình nổ ra hàng ngày chống chính quyền ông Nguyễn Cao Kỳ. Sư đoàn 1 Bộ binh tuyên bố quay súng đứng về phía Phật giáo tranh đấu, tách Huế khỏi chính quyền. Chùa Diệu Đế ngày nào cũng tập trung hàng ngàn người niệm Phật, tuyệt thực, mit-tinh. Thỉnh thoảng, một cái chết lại làm bùng thêm ngọn lửa tranh đấu. Tuần trước, ông tướng Cao từ Đà Nẵng ra Huế để lấy lại binh quyền cho chính phủ, trực thăng vừa là là xuống sân bay Phú Bài thì bị trung úy Nguyễn Đại Thức thuộc sư đoàn 1 ly khai bắn bằng súng trường. Đáp lại, một tràng đại liên từ trực thăng xả xuống. Thi hài Thức được đưa về chùa Diệu Đế làm lễ cầu siêu, và bên Thanh niên liền lập ra một đơn vị vũ trang mang tên Chiến đoàn Nguyễn Đại Thức.

    Vài ba ngày một lần, Mợ đi chùa Diệu Đế. Còn con Mai đi hàng ngày. Thật ra nó đi chơi chứ biết đấu tranh chi. Tối nào nó cũng xin Mợ đi qua chùa và hứa vẫn làm tròn nhiệm vụ trông em bé cho Mợ. Nghĩa là tay này dắt thằng Tí Anh tay kia ẳm thằng Tí Em, đi phăng phăng tới chùa. Cũng không xa nhà là mấy, chùa ở bên kia cầu, trên đường Bạch Đằng, soi bóng xuống dòng Đông Ba. Chùa nằm ở khoảng giữa hai cây cầu cách nhau chưa đầy ngàn mét, cầu Gia Hội màu trắng, cầu Đông Ba màu đen.

    Tối nay chùa còn đông gấp bội. Nghe tin đêm qua một chị mới mười bảy tuổi ở gia đình Phật tử Thành nội đã tự thiêu để nguyện cầu cho đạo pháp. Mai cùng hai đứa bé chen từng chút một giữa những thanh niên Phật tử mặc đồng phục, những đạo hữu mặc áo tràng, binh lính, và vô vàn dân chúng, cố vào bên trong để nhìn mặt chị Vân.

    Một phần sân trước chánh điện được che rạp, đặt linh cửu chị Vân. Các Thầy và đạo hữu đang tụng kinh cầu siêu. Trên bàn thờ, hình chị với gương mặt đẹp hiền hậu, mặc áo dài lam, tóc chấm ngang vai. Mai đứng nhìn hoài, rưng rưng:
    - Ôi mái tóc thề! Mái tóc thề!

    Nếu hai thằng Tí không đòi về thì Mai còn đứng đó không biết đến bao giờ.

    Tuần kế tiếp, tình hình ngày một căng thẳng. Cậu suốt ngày ôm ra-đi-ô nghe đài Phật giáo Tranh đấu, vốn là đài Phát thanh Huế đã bị phe Tranh đấu chiếm giữ, và đài Sài Gòn của phía chính quyền. Nghe tin bên chính quyền đã chiếm lại Ty Cảnh Sát, và lính Thủy quân lục chiến từ Đà Nẳng đang tiến ra Huế.

    Chiều thứ Hai, Cậu mở ra-đi-ô đài Tranh đấu, thấy có vẻ không bình thường. Hồi lâu chỉ nghe hát đi hát lại mỗi một bài quen thuộc:

    Kẻ thù ta đâu có phải là người
    Giết người đi thì ta ở với ai?
    Kẻ thù ta tên nó là hờn căm
    Tên nó là hận thù
    Tên nó là ghét ghen

    Bỗng tiếng nhạc ngưng bặt, có tiếng cô phát thanh viên mời đồng bào nghe Thầy hiệu triệu, rồi tiếng Thầy sang sảng cất lên:
    - Đồng bào Phật tử thân mến. Thầy đây! Thầy đây! Chính quyền đã đưa Cảnh sát dã chiến và Quân đội ra Huế đàn áp chúng ta. Xin tất cả đồng bào hãy đem bàn thờ Phật ra đường. Mỗi nhà một bàn thờ. Nếu quân đàn áp đến, đồng bào hãy ôm bàn thờ mà khóc ! Hãy ôm bàn thờ mà khóc ! Đồng bào thân mến …

    Nhà Cậu Mợ chỉ thờ tượng Phật nhỏ trên nóc tủ sách chứ không có bàn. Không sao, Cậu bảo đem cái bàn trà ra đường, thỉnh tượng Phật lên và thắp nhang đèn. Mai vừa cùng Cậu bưng bàn ra đã thấy cả đường Huỳnh Thúc Kháng và đường Bạch Đằng bên kia sông dày đặc bàn thờ. Mỗi nhà đặt một bàn trên lề, hướng ra đường.

    Chừng một giờ sau, mấy anh thanh niên mang băng đỏ chạy đến ra lệnh:
    - Đồng bào đưa bàn thờ xuống đường ! Không để trên lề đường !

    Đồng bào đưa bàn thờ xuống đường, sát lề, vẫn hướng ra đường. Đến tối, một nhóm thanh niên khác đến bảo :
    - Đồng bào đưa bàn thờ ra giữa đường !

    Những cái bàn thờ lại rùng rùng xích ra giữa. Bây giờ sinh ra một vấn đề. Bàn thờ cái hướng ra sông, cái nhìn xuôi về phía Bao Vinh, cái nhìn ngược lên cầu Gia Hội, trông lộn xộn quá ! Dân phố bàn bạc mãi cách sắp xếp. Hay là sắp từng cặp đâu lưng nhau ? Hay là đặt cùng nhìn về hướng chùa Diệu Đế ? Cuối cùng, mọi người đồng ‎ ‎ý sắp bàn chính giữa đường, cùng nhìn về hướng từ đó Quân đội đàn áp được dự đoán sẽ đến.

    Ngày hôm sau, người ta bắt đầu bắt điện, treo đèn kết hoa, làm đẹp cho những cái bàn thờ. Nhà ông La Ngu người Hoa có bàn thờ đẹp nhất đường Huỳnh Thúc Kháng, trang trí dây đèn chớp chớp, thứ này là hàng mới trong Sài Gòn, ở Huế còn ít người biết. Buổi tối là lúc đẹp nhất. Các bà ra ngồi trước bàn thờ tụng kinh, hoặc đi vòng quanh cả dãy phố và niệm Phật. Lũ trẻ con xem rất thích. Các ông ra ngồi trước hiên nhà vừa ngắm bàn thờ vừa dự đoán kết quả cuộc đấu giữa phe Tranh đấu với phe Chính quyền. Nam thanh nữ tú thì có dịp rủ nhau đi dạo phố ngắm bàn thờ.

    Vào ngày thứ mười hai từ khi bàn thờ ra đường, lúc chiều tối, đồng bào nghe tin lính Thủy quân lục chiến đã áp sát cầu Trường Tiền phía bờ Nam, Cảnh sát dã chiến đã đổ ra dọc đường Trần Hưng Đạo, lại nghe nói có cả xe tăng xuất hiện trên cầu Gia Hội. Người ta ra đứng dọc bờ sông Đông Ba ngóng nhìn lên. Từ chùa Diệu Đế chuông gióng vang rền và trống đánh ngũ liên.

    Bỗng một loạt tiếng nổ vang lên từ phía cầu Gia Hội cùng với ánh lửa súng phóng lựu lấp lóa. Bà con ùa chạy vào nhà đóng cửa rầm rập. Phút chốc đường hai bên bờ sông Đông Ba không còn một bóng người. Cậu Mợ xem lại trong nhà thấy hai thằng Tí vẫn còn, nhưng con Mai không biết đã biến đâu rồi.

    *---*

    Trung đội 2 thuộc tiểu đoàn Thủy quân lục chiến Trâu Điên được rải ra dọc cầu Trường Tiền. Khương đứng gần đầu cầu phía bắc, phía đường Trần Hưng Đạo. Trên con đường đó bọn Cảnh sát Dã chiến bắt đầu dẹp các bàn thờ lên lề đường trong tiếng khóc la của dân chúng. Đứng ở đây thấy rõ đèn điện của dãy bàn thờ dọc dài con đường đang tắt dần tắt dần.

    Một chiếc xe tăng tiến qua cầu, qua khỏi nơi Khương đứng một chút thì khựng lại vì thấy một cô gái nhỏ nhắn lao ra giữa đường chặn lại. Chiếc tăng như muốn lách qua để đi vòng nhưng không thể được vì lòng cầu rất hẹp.

    Cô gái tuổi chừng mười lăm mười sáu, đứng yên như một pho tượng, chỉ thấy ánh mắt long lanh và mái tóc xõa ngang vai nhẹ bay theo làn gió thổi từ sông Hương lên. Tay cô xách chiếc giỏ nhựa màu đỏ.

    - Coi chừng con nhỏ ném bom xăng – tên lính bên cạnh nói với Khương.
    - Không đâu…Coi bộ nó muốn tự thiêu à nhe. Để tao kéo nó ra !

    Cô gái đã lấy trong giỏ ra một chiếc can nhựa, rưới một chất lỏng lên người. Khương phóng tới giật chiếc can, rồi bế xốc cô gái mang qua bên lề cầu. Người cô ướt đẫm và sặc mùi dầu hỏa, cô vùng vẫy, vừa khóc vừa kêu :
    - Không được dẹp bàn thờ ! Không được dẹp bàn thờ !

    Bọn lính xúm vào khuyên dỗ cho cô dịu lại. Bị vây quanh bởi đám người mặc đồ rằn ri, mang huy hiệu con trâu điên, lại nói toàn giọng Sài Gòn, cô gái có vẻ hoảng. Tuy nhiên bọn lính tỏ ra rất đàng hoàng, có phần nhiệt tình và cảm mến với cô trên mức bình thường nữa, nên cô dần dần có vẻ yên tâm hơn. Một bác xích lô tình nguyện chở cô về nhà. Khương chỉ nhớ cô có nói tên là Mai, ở đường Huỳnh Thúc Kháng.

    Trên đường còn sót lại chiếc giỏ nhựa vừa bi xe tăng cán bẹp. Khương thẫn thờ nhặt lên. Thật kỳ diệu, trong giỏ có một tấm hình còn nguyên vẹn, một gương mặt thiếu nữ với mái tóc thề và ánh mắt nhìn tha thiết.

    *---*

    Toán lính đi hàng một theo đường Huỳnh Thúc Kháng, quá dốc cầu Đông Ba thì dừng lại đóng chốt. Lúc này mặt trời đã lên cao phía sau lưng chùa Diệu Đế bên kia sông, đường phố không một bóng người, nhà cửa bên đường đóng kín mít. Bọn lính Thủy quân lục chiến trải những tấm pông-sô trên hè phố làm chỗ ngồi.

    Một lát, bắt đầu thấy trên đường những người dân từ hướng Bao Vinh lên với những gánh hàng, nào gạo, rau, chuối bà lùn, khoai sắn…Dân phố hé cửa ra, lúc đầu còn sợ sệt vì thấy lính tráng mặc đồ rằn ri trông dữ tợn quá, nhưng sau đó quen dần, họ ra đường hỏi mua thực phẩm. Đã hơn một tháng không có chợ búa, những gánh hàng nhà quê này là nguồn duy nhất cung cấp thức ăn cho dân thành phố.

    Cách vị trí của Khương không đầy chục mét, có hai nhà phố rất tương phản, một cửa tiệm với mặt tiền rất rộng với bảng hiệu mang cái tên thật lạ , «La Ngu», nép kế bên là một tiệm hẹp chưa đầy ba mét, treo tấm bảng nhỏ xíu, sơn bằng tay, «Tiệm bánh Huế. Bán các loại bánh su-sê, ít đen, măng mận, bánh in. Có nhận đặt bánh»

    Từ trong tiệm bánh, một thiếu phụ cùng một cô gái nhỏ bước ra đường mua hàng. Khương nhận ra cô gái chính là người định tự thiêu đêm qua.
    Đây là người thiếu nữ của Khương. Nàng ở ngay đây !
    Khương hồi hộp nhìn. Hai người phụ nữ nhanh chóng mua mấy bó rau khoai, một thúng gạo rồi vào nhà. Cánh cửa sắt kéo khép lại.

    Khoảng gần trưa, dân chúng dần dần dạn dĩ hơn, nhà bắt đầu he hé cửa. Khương đánh bạo đến trước tiệm bánh. Gian nhà trước chật hẹp, vừa đặt cái tủ kính ngang chừng một mét và một chiếc bàn. Bà chủ tiệm bước ra :
    - Em có cần chi không ?
    - Dạ thưa Má, cho con mua bánh.

    Bà chủ sẽ sàng trải một khổ nhật trình trên chiếc bàn, sắp lên đó những cái bánh lấy từ trong những cái hộp thiếc mặt kính. Những chiếc bánh in có hình khối chữ nhật nho nhỏ, mỗi loại gói một màu giấy bóng kính khác nhau. Lại có thứ bánh như viên bi lớn, gói kiểu viên kẹo với hai đầu giấy cắt tua. Mảnh giấy như hơi hà tiện quá nên quấn chiếc bánh không hết, để lộ một phần bột trắng nõn. Khương hỏi :

    - Bánh tròn tròn này là bánh gì vậy Má ?
    - Bánh hột sen đó em. Trong Sài Gòn em có bánh ni không ?
    Miệng dạ thưa với bà chủ, mà mắt Khương cứ liếc trộm vào trong. Phía sau đó là nhà bếp, hơi tối. Khương thấy người thiếu nữ của mình trong đó, có vẻ như đang phụ làm bánh, bên bếp lửa, trộn bột trong chiếc xanh đồng bằng một mái chèo nhỏ. Nàng thoáng nhìn ra rồi lại cúi xuống chăm chú đánh bột. Khương chỉ thấy một giây ánh sáng từ đôi mắt, đôi mắt trong veo ánh chút lửa hồng.

    Bà chủ gói những chiếc bánh trong tờ nhật trình trao cho Khương và nhất định không lấy tiền :
    - Có chi mô, mấy em đi lính lương tiền mô…

    *---*

    Lát sau, mấy thằng bé được ra vỉa hè chơi. Khương lân la làm quen với thằng Tí Anh. Khương gỡ một trang giấy từ cuốn tập học trò, lấy bút bi vẽ biểu diễn cho thằng bé xem. Trước tiên là một mái tóc.
    - Anh Khương vẽ chi đó ? Thằng Tí Anh tò mò, nó đã mắc bẫy của Khương.

    Khương mỉm cười bí mật. Dưới mái tóc dần hiện ra tà áo dài tha thướt.
    - A ! Anh Khương vẽ cô gái !

    Một cô gái Huế chính hiệu nhìn từ phía sau. Vẽ kiểu này rất dễ, vì không phải vẽ mắt mũi gì hết. Bạn của Khương hầu như thằng nào cũng biết vẽ như thế, vì đây là phương pháp tức khắc biến một người lính thành họa sĩ.
    Bọn lính bắt đầu chuẩn bị cơm trưa. Hôm nay nhằm ngày mồng một âm lịch nên cả bọn ăn chay. Bữa cơm có dĩa đậu xào và chai nước tương. Thằng Tí Anh hỏi có vẻ ngạc nhiên :

    - Mấy anh ăn chay à ?
    - Ừ, ăn chay chứ.

    Khương đưa bức vẽ cho thằng Tí, dặn nó đem về «tặng cho chị Mai», rồi ăn cơm. Đến chiều, thằng bé đem ra trả lại :
    - Chị Mai không chịu nhận. Chị nói anh là «lính dẹp bàn thờ». Em nói anh ăn chay mà. Chị nói «Ăn mặn nói ngay còn hơn ăn chay nói dối»
    Khương than: Trời đất, thiệt là tức ! Mà tức cười nữa ! Người đâu mà bướng vậy không biết nữa.

    Hôm sau, đơn vị Thủy quân lục chiến được lệnh chuyển ra Quảng Trị. Từ đó Khương không có dịp trở lại Huế. Một lần bị thương, sau đó giải ngũ. Khương trở về Sóc Ruộng với Mẹ. Suốt mười mấy năm rồi Khương không thân với người phụ nữ nào ngoài Mẹ, người lam lũ ngoài ruộng, và cô em ruột suốt ngày miệt mài ngồi may trong mái lá trước sân nhà. Và một người nữa, đó là tấm ảnh người thiếu nữ Khương đã nhặt trên cầu Trường Tiền, dưới đường đi của xe tăng.

    *---*

    Cô hàng nước rót cho Khương thêm một ly bia rồi nói :
    - Anh à. Sự thật là như rứa đó. Em mới chính là người mà anh gặp ở dốc cầu Trường Tiền. Còn tấm ảnh anh mang là của chị Vân. Hồi nớ người ta chuyền tay nhau những tấm ảnh của chị. Chị là một người con gái thiêng liêng của xứ Huế em.

    - Hồi đó cô Mai có sợ không ?
    - Không anh à. Thú thiệt khi về nhà rồi em chỉ sợ Mợ la cái tội ăn cắp dầu hỏa của Mợ thôi. Nhưng Mợ không la chi hết. Sáng hôm sau, Mợ chỉ nói với em : Mai à, mi có muốn tự thiêu thì phải có đủ mười lít xăng chớ một bình dầu hỏa ăn thua chi, với lại phải có đông bạn bè bao bọc cho mi, với lại phải biết cách nữa, chứ như cái ông bên cầu Kho Rèn thì không được mô !

    - Cái ông bên cầu Kho Rèn là thế nào ?
    - Cũng thời tranh đấu đó, có một ông bên An Cựu, không phải đạo Phật nhưng vẫn tự thiêu vì muốn ủng hộ Phật giáo. Ông ra đứng giữa cầu Kho Rèn, chắp tay cầu nguyện, rồi châm lửa đốt mình. Lửa cháy một chặp thấy nóng quá, ông bèn nhảy xuống sông luôn. Người ta nói tại vì ông đứng mà không ngồi xếp bằng như bên Phật mình, ngồi thì mới vững và không chạy được. Chuyện tội nghiệp mà cũng tức cười quá ha ?

    Cô hàng cà phê cười mà mắt cứ rưng rưng. Cô tự rót cho mình một ly bia :
    - Thôi anh với em uống một ly. Té ra anh để ý em từ hồi nớ. Nếu gặp nhau dám thành vợ chồng lắm hí. Nhưng chừ em tay bế tay bồng mất rồi. Thời gian qua mau quá anh hí. Anh về à ? Ngồi một chút cho tạnh hẳn rồi về anh.

    - Thôi cám ơn cô Mai. Mưa bớt rồi. Với lại tôi thành người Huế rồi, quen với mưa gió rồi.

    Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp
    Em qua không kịp tội lắm anh ơi
    Thà rằng không biết thì thôi
    Biết rồi mỗi đứa mỗi nơi cũng buồn

    Khương đạp xe về Huỳnh Thúc Kháng. Những cửa tiệm ở Huế vẫn nhỏ nhắn như xưa. Dòng sông Đông Ba vẫn lặng lờ chở vài con đò nghèo. Huế rất ít đổi thay, thời gian ở Huế như dừng lại, nhưng đối với Khương nó vẫn dường quá mau. Mười lăm năm rồi Khương đã đi tìm, rồi hôm nay trong phút chốc mục đích tan biến hết, ngập chìm trong phần còn lại một màn sương xứ Huế, một trời khói lửa Quảng Trị, một cánh đồng đìu hiu nơi làng quê Sóc Ruộng.

    Khương dừng lại bên lề. Đây vỉa hè. Đây ngôi nhà cũ của Mai đã từ lâu đổi chủ. Bà chủ tiệm bánh như một người mẹ hiền nay còn sống không ? Và ánh mắt năm xưa đâu rồi ?

    Trên đường về, Khương lần đầu ghé vào ngôi chùa đã từng mang ngọn lửa của người thiếu nữ mà Khương luôn nghĩ nhớ từng ngày trong suốt bao năm. Rồi trở về qua cầu Trường Tiền. Hơn một năm qua Khương như chưa để tâm thưởng thức vẻ đẹp của Huế. Người ta nói cầu Trường Tiền là chiếc trâm cài trên mái tóc dòng Hương. Nghĩ đến mái tóc, Khương lại nhớ đến tấm ảnh, nhưng Khương vừa gửi lại nơi chùa Diệu Đế rồi. Bây giờ Khương không cần giữ nó nữa, hình ảnh đã bắt rễ trong tim như cây lúa Mẹ cấy bám chặt xuống cánh đồng Sóc Ruộng, hình ảnh đã biến thành một ngọn lửa nhỏ ấm áp trong lòng.

    Huế hôm nay lại có một ngày mang nhiều mùa. Sáng hè nóng rát, chiều đông lạnh giá, và giờ đây là hoàng hôn thu, trời sông cùng một màu tím rất đậm đà mà trong vắt, màu tím đặc biệt của Huế./.

    Mùa thu 2010
    Sống trên đời

    Similar Threads
Working...
X
Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom