• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Tìm sắc thu trời Huế

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Tìm sắc thu trời Huế

    Tìm sắc thu trời Huế
    Trần Hạ Tháp

    Click image for larger version  Name:	469879069_f366d3056d.jpg Views:	0 Size:	18.6 KB ID:	260601Từ lâu, sắc thu Huế chìm khuất trong những mùa mưa đến sớm. Bão bùng, lụt lội khiến thu càng nhạt nhoà tăm dạng. Thời tiết vào tháng bảy âm, tháng chuyển tiếp khi mùa hạ vừa đi, không biết từ bao giờ được ngỡ ngàng trực nhận:"Tháng bảy nước dẫy lên bờ".

    Thực tế đã chối bỏ mùa thu. Mùa của thi nhân, của khí sắc tiêu sơ man mác. Và vì thế "Tháng bảy mưa ngâu" tìm đâu ra? Khi mù trời tối đất những cơn mưa xuyên suốt đêm ngày.
    Huế thơ, nhưng - kỳ lạ - mùa khơi nguồn rung cảm chừng như đã giã biệt nơi nầy. Còn lại đó một nỗi niềm canh cánh"Trời hành cơn lụt mỗi năm" Ẩn hiện đâu đây chăng? Chút thấp thoáng của mùa thu xứ Huế. Câu hỏi ấy tưởng đã chìm dần vào quên lãng.

    Rất ít khi, mãi đến bây giờ, Huế chưa hề chìm khuất giữa bầu trời chì xám. Và màn mưa "cầm chĩnh đổ" như mọi năm còn đâu đó chưa về. Đôi lúc mưa đám mây chỉ để không lâu sau, nắng hoe dịu và mây trắng vẫn phiêu bồng giữa trời xanh tĩnh lặng. Cho đến mỗi hoàng hôn...

    Ráng trời chiều. Một góc trời Huế bỗng rực lên sắc màu diễm ảo. Tuỳ ngày, khi vàng tươi kim nhũ, lúc đỏ khé như mắt thú rừng đêm, lắm khi chả phân biệt được thứ nào giữa hai sắc thường xuyên ấy.

    Lẫn lộn bên trong góc trời rực rỡ là những vờn mây khác màu vắt qua như bút lông điểm xuyết. Bức thuỷ mặc mênh mông, hết sức kỳ vỹ do thiên nhiên sáng tác. Cảnh sắc bao trùm lên núi non thượng nguồn sông Hương, chếch dần về phương nam để chìm khuất khi điện đường bật sáng. Khí sắc của mùa thu đang trở lại. Hoàng hôn Hương giang tuyệt vời như đang trong thần thoại trở về. Ấn tượng phiêu hốt tịch liêu gom nét đẹp chơi vơi của khói sóng Đường thi khi đứng bên bờ sông lặng nhìn, cảm niệm :

    "Nhật mộ hương quan hà xứ thị ?"
    "Yên ba giang thượng sử nhân sầu"

    Cảm tác của Thôi Hiệu, lãng tử biền biệt mái nhà xưa đứng dưới bóng trời chiều và khúc sông khói sóng... Ở đây không là lầu Hoàng Hạc, chỉ có mái Nghinh Lương đình lộng gió. Đối diện qua Hương giang, bên kia bờ là Ngự Bình ẩn hiện...
    Ký ức tôi bắt gặp lại sắc ráng chiều nơi làng quê Liễu Cốc. Có xa ngái gì đâu xóm Bàu Tháp? Mười cây số quốc lộ, về phía bắc ngoại ô thành phố
    Huế. Nhưng những ngày ấy đâu rồi?

    Đã hẳn Thôi Hiệu không cùng tôi thương nhớ một hoàng hôn. Song
    bến bờ thời gian nào cũng như nhau, ngày càng xa tầm vẫy quay về không
    biệt lệ vì ai. Các kỷ niệm của kẻ nay, người xưa khác nhau. Song sai biệt về
    không-thời-gian và tâm sự nhân thân đã trở thành tiểu tiết. Cảm xúc về quê hương ai không khảm khắc thiêng liêng? Trong hốt nhiên, trực giác làm sao phân biệt ráng chiều Hương giang hay ráng chiều quê tôi từ một thuở...

    Miếu Cây Kéc hàng trăm năm soi mặt nước bến Bàu. Nơi ấy lưu giữ những hình ảnh đã một đi không trở lại. Bầy trâu lùa xuống nước, nhô mấy sống lưng đen kịt để những đứa trẻ bám sừng, té tát ướt mặt nhau. Bến Bàu ấy đục ngầu, nhuộm thêm sắc chiều tà bỗng xôn xao, tràn lan từng tiếng cười hoang dại...

    Đôi đứa trẻ trong số ấy điều kiện hơn, ra thành phố học hành. Kỳ nghỉ về quê, tìm chơi những đứa thất học còn ở luỹ tre làng chuyên cắt cỏ, chăn trâu. Biết còn không? Trong thời đại ngày nay, mối chân tình trong sáng qua đối đáp thật thà ngây ngô, vô phân biệt. Vâng, những đối đáp - mãi đến tuổi hoa râm - tôi vẫn lục tìm như những hạt trân châu từng rơi quên, phung phí:

    - Ê, nói học chữ thì cái chi cũng biết, răng giữ trâu không được. Coi
    tụi tau, mi chộ chưa mi.Ai dạy mô nờ? Biết mau lắm.
    - Đi học làm cái chi tau biết mô. Chơi ít không bằng ngón út. Có Đinh Bộ Lĩnh giữ trâu làm vua. Tau ưa giữ trâu. Cho tau chơi với.
    - Dang nắng, ở trần mi chịu chi thấu? Chộ con rắn hổ là khiếp đừng có nói trạng cóc. Khi mô cũng đứng ngoài xa...
    - Thì tụi bây dạy. Tau cho mượn quyển sách vẽ cọp voi bây chưa chộ.
    - Sách vẽ chi?Ai cần thứ giả đò. Ăn rồi ngồi nơi cái bàn, cứ chằm hăm quyển sách biết chi mô nữa. Mi coi sách cho hung, cái chi cũng sợ.
    - Không sợ răng được. Có cách chi không sợ nói tau với.
    - Mược kệ... Không sợ là không sợ. Đứa mô sợ, không biết cái chi hết,
    ở nhà đòi bú. Cả tụi chia phe chơi đập bậy, tắm Bàu, đói tát cá nướng ăn. Mi lội nước lo đỉa. Bắn ná nói trúng con mắt. Leo tổ chim thì ngợp, tới khi chun vô bụi sợ chộ con rắn hổ nằm đó... Học cái chi rứa mà học.
    - Thì bây đi trước, tau sau lưng chi mô nờ. Không được bỏ chạy hết đểtau một chắt là được. Mệ tau nói nơi cây nớ có ông ăn trộm thầy thắt cổ.
    - Nghéo tay. Mà mi phải vác cái tròng tát nước của tau.
    - Ừ , tau nhổ bại nước miếng. Đứa mô nói láo phải liếm.
    - Mau không thôi tắt mặt trời, lạnh mược kệ.

    Không như bây giờ, ráng chiều ngày xưa chừng như nhiều vô kể. Nổi rõ lên nền trời là những chiếc bóng bé nhỏ mãi xô đẩy, cõng lên nhau cùng chơi trò vật lộn. Những chiếc bóng kỳ diệu ấy chưa bao giờ phai nhạt dẫu có khi chủ nhân lạc mất, để mặc chúng giữa làng quê lặng lẽ. Cảm ơn sắc thu vừa trở lại. Dù chỉ trong khoảnh khắc, với tôi mùa thu Huế vẫn còn đây.

    (Thành nội - Huế.10/2008)
    Đã chỉnh sửa bởi hoangvu; 27-08-2019, 10:46 AM.
    Sống trên đời

    Similar Threads
  • #2




    Nhớ Huế


    Mình không ở Huế mà nhớ Huế
    Nỗi nhớ chừng như cùng lạ kỳ?
    Sông Hương soi bóng chùa Thiên Mụ
    Một tà áo tím đủ say mê...

    Ai bảo Cố Đô đầy hoài cổ?
    Thương ông cha Nam tiến thuở nào
    Một gánh giang sơn vào Thuận Hóa
    Khúc nam ai bỏng tiếng gươm đao.

    Mình không người Huế mà nhớ Huế
    Mạch nguồn Kinh Bắc khởi Thăng Long
    Khúc nam bằng thoảng giọng hò Thanh Hóa
    Để câu quan họ tới Đàng Trong

    Mình người xa Huế nên nhớ Huế
    Gặp ai quê Huế ngỡ người thân
    Nhớ ngọn cờ hồng trên thành Nội
    Bởi chung huyết quản máu Lạc Hồng.

    HàNội 6-1999

    Vĩnh Khôi


    Đã chỉnh sửa bởi Photo; 21-11-2009, 09:44 AM.

    Comment

    • #3

      Không gian xứ Huế

      Không gian xứ Huế

      Có dịp đi đây đó, khi bạn đến Huế thì cảm nhận đầu tiên có lẽ thời gian nơi những con phố này chậm hơn những nơi khác? Và không gian ở Huế thật êm đềm. Đúng vậy, nếu ban mai khi bạn vừa tỉnh giấc và nghe một tiếng gà gáy vừa ngưng, bạn sẽ cảm nhận được một sự yên ả đến lạ thường.


      Con người từ khi cảm nhận thế giới xung quanh là lúc cảm được sự xa vắng, ly biệt… Nhớ hồi thơ dại, đứng trên bến sông trước nhà nhìn sang Cồn Hến thấy sông rộng lắm cứ nghĩ khó mà bơi sang sông được hay mỗi lần đi bộ từ nhà lên cầu Gia Hội dù chỉ vài trăm mét nhưng lại cảm thấy rất xa. Càng lớn khôn sự cảm nhận về khoảng cách được rút ngắn. Nhưng lạ thay khoa học càng khám phá không gian, vũ trụ thì càng chạm đến cõi vô cùng.

      Thời gian đến với nhận thức của con người muộn hơn so với không gian. Và người ta thường nói thời gian là chiều thứ tư trong không gian chúng ta đang sống. Khi ta nhìn vào dòng lịch sử hào hùng của dân tộc, nhìn vào những thời đại xa xăm trên thế giới trong mỗi chúng ta lại dấy lên nỗi niềm vời vợi của kiếp phù sinh. Phải chăng, điều đó làm nên cấu trúc tư duy của loài người chúng ta, để rồi từ lối mòn tư duy đó mà thế giới chúng ta đã xuất hiện các triết gia, những nhà khoa học, các đạo sĩ, nghệ sĩ, kẻ khủng bố, những con người bình thường... Cũng từ vết tư duy đó đã gợi lên cơn xao xuyến, hãi hùng, niềm hạnh phúc và nỗi khổ đau mà mọi người đang trải nghiệm.


      Không gian của một xứ sở không chỉ là vùng trời mây, sông núi,… mà còn có cả những nền văn hoá đang tiềm ẩn, hiển hiện trên xứ sở đó.

      Xứ Huế, một vùng miền thơ mộng đã đi vào trong thi ca, hội hoạ,…một xứ sở được mệnh danh là “bài thơ đô thị”, quê xứ của “thanh sắc thi ca” đã được cả thế giới công nhận là di sản văn hoá thế giới bởi quần thể di tích gồm hệ thống kinh thành, lăng tẩm, miếu chùa, đền đài,… và cả một nền âm nhạc cung đình vừa được ấn chứng là di sản văn hoá phi vật thể. Vừa qua một hy vọng loé lên cho cố đô về việc sông Hương đang được đệ xét để đưa vào di sản thế giới. Vậy là sau cơn đau tưởng chừng vô vọng Hương Giang lại có cơ hội hồi phục để xứng đáng với cái tên kỳ mộng. Nhưng không vì thế mà không gian xứ Huế chỉ hiển hiện nơi những di sản đó.

      Ngoài những màu thông thường, thì sắc màu của không gian Huế thay đổi theo bốn mùa. Mùa Xuân, không gian Huế nở rộ những gam màu của các loài hoa, nhưng đặc biệt nhất là sắc vàng rực rỡ của hoa Hoàng Mai, biểu tượng của mùa Xuân, đã khiến thi nhân Cao Bá Quát phải đảnh lễ (Nhất sinh đê thủ bái hoa mai). Mùa Hạ, dưới nền trời trong xanh bạt ngàn mây trắng chợt điểm xuyết những mảng màu đỏ thắm của những cánh hoa Phượng đang khẽ lay theo gió như những ngọn nến lung linh, mùa Thu đất trời xứ Huế chuyển sang gam vàng mơ phơn phớt của màu lá đang rơi pha lẫn chút sắc mờ trắng của màn sương ảo diệu và chút tim tím mơ hồ, mùa Đông không gian Huế như được phủ một màn mưa trắng đục lất phất buồn và tản mác đâu đó những điểm nhấn mang mang màu hoài cổ. Trong sắc màu xứ Huế, có lẽ sắc tím dìu dịu vào những chiều hoàng hôn là lung linh, huyền ảo và đặc trưng của đất cố đô.

      Một ngày đông những sợi mưa trắng buồn níu trời gần đất, gây nên cảm giác cô quạnh, lúc này không gian Huế như bức tranh thuỷ mặc u hoài, gợi cảm. Buổi sáng mù sương những làn da chợt mát lạnh khi va chạm vào những hạt nước li ti đang lờ lững khắp phố thị tạo nên không gian ảo huyền, thực hư hư thực.

      Những lúc ngồi bên hiên phố nhìn chiều buông mà thấy lòng yên ắng lạ thường, phía tây xa xôi những ánh tà dương cuối cùng xót lại, lất phất những lớp bụi mỏng ửng hồng mơ hồ như đời người và phía sâu thẳm của dòng Hương văng vẳng điệu Nam Ai, Nam Bình sao mà thê thiết, bi ai, bùi ngùi cái chất thôn làng ngay giữa phố thị và trên dòng Hương giang mờ ảo ẩn hiện bóng hình của con đò lênh đênh về phía trời chiều bất tận. Không gian Huế là không gian của hoài niệm, khung trời xưa sẽ hiện về khi đâu đó trong không gian ngân vọng một điệu hò, phải chăng trong thăm thẳm cõi không gian xứ Huế đang tàng ẩn những cung bậc của “Hò”; một thể loại đặc trưng của làng quê Việt Nam. Và thỉnh thoảng ta lại thấy ngay giữa phố hội yêu kiều nhộn nhịp lại tái hiện những lễ hội tế làng truyền thống nơi những ngôi đình làng đang ẩn dật một cách khiêm cung trong nội thành và những miền ngoại ô phố thị.

      Những ngày lang thang miền núi đồi thơ mộng Ngự Bình, Thiên An, Vọng Cảnh,…cảm được chiều kích hun hút của hồn thiêng sông núi đất thần kinh. Một buổi chiều bên sườn đồi Vọng Cảnh, ẩn mình dưới những chồi thông óng mượt đang vươn lên là những đám hoa dại mơ mòng đang nhấp nhô, uốn lượn theo sóng đồi tô vẻ thêm nét đẹp cho đất. Hướng về phía trời tây xa xôi là những mảng màu huyễn hoặc của thiên nhiên đã tạo nên bức tranh trác tuyệt với những sắc màu dìu dặt nườm nượp dâng lên từ sông Hương rồi phả vào mọi ngõ ngách... Một kiệt tác của thiên nhiên với những khoảng trống diệu kỳ tôn vinh thêm vẻ đẹp của bức tranh, đã khiến cho tiền nhân, những người tôn trọng Chân Thiện Mỹ đã dày công lưu giữ, bảo tồn đến hôm nay và đặt cái tên rất tương xứng khi ở điểm nhìn lý tưởng: “Vọng Cảnh” và biết bao thế hệ, bao con người đã có lần đến ngọn đồi thiêng này để thưởng thức phong cảnh hữu tình, hưởng những phút giây thư giản, hoà vào thiên nhiên sau những giờ lao động nhọc nhằn và cuối cùng là để chiêm nghiệm lẽ đời, nhìn vào nội tại của chính mình để thấy rõ sự yếu đuối, thấp hèn ẩn núp dưới lớp vỏ bọc bệ vệ, dưới những ngôn từ đạo đức, hoa mỹ... Ngồi thả hồn hoà vào núi sông rồi miên man nghĩ về những cái tên Thiên Thai, Kim Phụng, Ngự Bình, Vọng Cảnh, Thiên An,…mà người xưa đã đặt tên sao mà hoàn mỹ vậy! Chỉ xét về mặt ngữ nghĩa đã phần nào thấy được sự yên ắng, tịnh tịch, sự cao sang, quý phái… gợi lên những âm hưởng thơ mộng, thiêng liêng của núi sông. Một ngày đẹp trời trên chuyến đò ngang qua sông Hương bất giác ngước nhìn lên dãy Trường Sơn thấy được sự hùng vĩ của một vùng trời và nhận ra con người quá nhỏ bé trước thiên nhiên bí ẩn. Một chiều tà chớm thu ngồi bên sông Như Ý trong xanh như ngọc, hướng ánh mắt phía chiếc cầu Trường Tiền lịch sử đã tồn tại hơn trăm năm mà lòng bỗng ngậm ngùi theo những nhịp cầu. Ô hay! Nhịp cầu và nhịp đời hay nhịp bước chân đi uyển chuyển với đôi quang gánh trên vai những mệ, những o,… trông thật nhẹ nhàng nhưng đã khiến cho cõi lòng tôi nằng nặng một nỗi xót xa, bởi bên dưới những đôi quang gánh là vệt thâm tím ám ảnh cả một đời người. Rồi cái âm thanh của gióng, gánh níu nhau hoà vào tiếng bước chân khô khốc cứ gợi lên trong tâm tưởng tôi những tiếng ray nghiến oan nghiệt của phận người đang cam lòng chịu đựng nỗi khốn khó nghiệt ngã của vùng đất thần kinh. Xa xa hơn nữa cũng từ hướng nhìn đó bỗng lộ ra ngọn Kim Phụng đầy âm lực hứa hẹn những tương lai xán lạn của xứ sở thân yêu. Dưới bầu trời trong xanh là những áng mây trắng trôi bềnh bồng như đang khảm vào phía núi tạo nên cảnh sơn thuỷ hữu tình.

      Có dịp đi đây đó, khi bạn đến Huế thì cảm nhận đầu tiên có lẽ thời gian nơi những con phố này chậm hơn những nơi khác? Và không gian ở Huế thật êm đềm. Đúng vậy, nếu ban mai khi bạn vừa tỉnh giấc và nghe một tiếng gà gáy vừa ngưng, bạn sẽ cảm nhận được một sự yên ả đến lạ thường. Tiếng gà không những báo hiệu cho một ngày mới bắt đầu mà tàng ẩn trong âm hưởng đó là cả vùng trời hoa mộng, một khung cảnh yên bình.

      Có thế nhìn không gian của cố đô Huế như những cặp không gian đối ngẫu nhưng luôn bổ khuyết cho nhau. Ví như Huế không có dòng sông Hương mơ màng thì không ai nhắc đến núi Ngự Bình và sẽ không bao giờ xuất hiện hai câu thi sấm của Bùi Giáng thi sĩ :

      “Dạ thưa xứ Huế bây giờ
      Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”

      Phía Bắc sông Hương là kinh thành cổ kính, cùng những dãy phố cổ Chi Lăng, Bạch Đằng, Bao Vinh trông thật tĩnh lặng thì ngược lại bờ Nam sông Hương là phố Hội với những ngôi nhà chọc trời, những trung tâm vui chơi giải trí Ngự Bình, Thiên An…vắng vẻ. Nhìn ở góc độ triết học, ta có thể cảm nhận được tính lưỡng nghi của đất cố đô đã tàng ẩn trong không gian Huế và điều đó còn được thể hiện qua những bức tranh của hoạ sĩ Bửu Chỉ với bóng hình nhật nguyệt và chiếc đồng hồ khuyết tật được bao trùm bởi không gian ảm đạm, thăm thẳm đè nặng lên phận người gầy guộc,…hay trong một số ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như “Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt”, “Trời xanh trong mắt em sâu”,… trong nhiều câu thơ của Ngô Kha như “nhìn nếp nhăn bao la trên vừng trán mẹ”, “khoảng hư vô như cánh tay gối đầu”,…

      Phải chăng không gian của đất thần kinh là không gian của thanh, sắc, thi, ca? Không gian của nỗi niềm tri âm, hoài vọng,… được hoà trộn bởi quá khứ, hiện tại và vị lai. Không gian mà khi trời chuyển mưa thì đông về, chớm nắng thì hạ lên. Một vùng không gian rất nhạy cảm đã tác động đến tâm thức của con người xứ Huế.

      Huế là xứ sở chịu nhiều sự khắc nghiệt của thiên nhiên như lụt bão và hạn hán hàng năm. Đã có không ít những cơn bão, trận lụt lịch sử đã gây bao tan thương và hằn sâu trong dân gian như: Cơn bão năm Thìn (1904) và người dân Huế có câu vè: “Bão năm Thìn xô cầu Trường Tiền gãy bốn, đốn cột cờ gãy ba”, trận lụt năm 53 (1953), lụt năm 1975, bão năm 1985 và gần đây nhất là trận lụt thế kỷ năm 1999 đã khiến cho cả thế giới phải hướng vào xứ sở lạ lùng này. Nhưng lạ thay dù phải chịu đựng sự khắc nghiệt đến vậy mà xứ Huế vẫn được mệnh danh là một thành phố xanh. Khi nói đến thành phố xanh, người ta thường nghĩ ngay đến màu xanh của cây cối. Điều này cũng được thi nhân Hàn Mặc Tử nói đến trong bài “Đây thôn Vĩ” qua câu thơ “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”. Nhưng không hẳn như vậy, Huế, ngoài những mảng xanh của cây cối, vườn tược,… còn có cả màu xanh của bầu trời và dải lụa biên biếc của dòng Hương giang danh tiếng. Để có những mảng xanh như vậy một phần do người Huế rất yêu quang cảnh thiên nhiên, phần do sự sắp đặt huyền diệu của tạo hoá. Hầu như không thành phố nào có nhiều nhà vườn như ở Huế. Mặc dù trước đây đã có nhiều trận lụt lớn nhưng người Huế hầu như rất ít xây nhà cao tầng. Cũng từ những ngôi nhà vườn tưởng rằng đơn sơ nhưng nó đã trở thành một trong những nét văn hoá của người dân Huế. Có thể nói “Vườn Huế”; một xứ sở của văn hoá tâm linh là cõi để mỗi người đối diện với không gian nội tâm của chính mình. Khi nói đến không gian người ta thường nghĩ đến cái khoảng trống vật lý. Thật ra, không gian là những gì đang hiển hiện trước mắt chúng ta như cảnh đẹp của thiên nhiên, khoảng trống của trời mây sông nước và nét đẹp văn hoá được người dân bản xứ tạo dựng nên. Và để có được những không gian vật lý đẹp phục vụ cho các giác quan của chúng ta thì bên trong mỗi con người của quê xứ đó phải có một cấu trúc không gian tâm lý độc đáo, thắm đượm bản sắc dân tộc. Đó chính là văn hoá; cái nôi của sự tồn tại và phát triển.

      Tiếc rằng, không gian của đất trời cố đô thơ mộng đang dần dần biến dạng bởi những công trình, những toà nhà không phù hợp và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến không gian tâm lý của con người xứ Huế và du khách thập phương.

      Lê Hoàng Hải
      Tôi yêu tiếng nước tôi

      Audio Truyện Kiều

      Comment

      Working...
      X
      Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom