• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Triết học nhẹ nhàng trong nhạc Trịnh

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Triết học nhẹ nhàng trong nhạc Trịnh

    Triết học nhẹ nhàng trong nhạc Trịnh

    Link" align="left" border="0" alt="" style="padding:7px;" />Dưới đây là một bài viết về âm nhạc Trịnh Công Sơn qua cái nhìn tinh tế, thấu hiểu của John C. Schafer - một người Mỹ mà qua con đường nghiên cứu và tiếp xúc văn hóa đã trở về với văn hóa Việt.

    Đạo Phật với Trịnh Công Sơn là hơi thở là triết học làm cho con người yêu đời hơn chứ không phải là lãng quên sự sống.

    Đạo Phật đến với Ông qua nếp sống gia đình, và rồi đi vào âm nhạc của ông ngày càng sâu sắc hơn qua sự trải nghiệm thăng trầm giữa cuộc đời này.

    Trịnh Công Sơn có viết: "Tôi vốn thích triết học và vì thế tôi muốn đưa triết học vào những ca khúc của mình. Một thứ triết học nhẹ nhàng mà ai ai cũng có thể hiểu được". Bài này sẽ trình bày rằng thứ "triết học nhẹ nhàng" này chính là triết học Phật giáo.

    Trong Tứ Diệu Đế của đạo Phật, chân lý đầu tiên là khổ đế.Khổ đế là một đề tài rất phổ thông trong nhạc Trịnh Công Sơn: Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người, ông đã hát trong Gọi tên bốn mùa. Cuộc đời đầy khổ và buồn vì không có gì trường cửu cả. Theo Kinh Kim Cương, Tất cả các pháp hữu vi là “như sương mai, như ánh chớp”. Đây là một ý niệm mà Trịnh Công Sơn đã nhắc đi, nhắc lại trong nhiều lời ca của mình. Giống như con chim ở đậu cành tre và một con cá . . . trong khe nước nguồn, không ai trong chúng ta là những người định cư vĩnh viễn, tất cả đều là những người ở trọ trần gian này. Trong khi tạm cư ở chốn trần gian này chúng ta tìm chỗ ẩn náu trong tình yêu, nhưng rồi tình yêu cũng mất đi.

    Tình yêu như tất cả mọi sự khác đều vô thường như Trịnh Công Sơn đã viết trong bài Đóa hoa vô thường và nhiều bài ca khác.Các bài tình khúc của Trịnh Công Sơn là những lời tuyên bố siêu hình rằng những đổ vỡ tình yêu không phải là những chông gai nho nhỏ trên con đường đời đẹp đẽ vô song. Các bài tình khúc của Trịnh Công Sơn, như Hoàng Phủ Ngọc Tường nói, là những “bài kinh cầu bên vực thẳm”.Các bài ca này là những lời nhắc nhở cho chúng ta về lẽ vô thường.

    Một đề tài Phật giáo khác trong nhạc Trịnh Công Sơn là thuyết luân hồi. Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi / Để một mai tôi về làm cát bụi, ông hát trong Cát bụi. Hay Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô, trong Rừng xưa đã khép. Trong các ca khúc của mình Trịnh Công Sơn có vẻ đồng ý với đạo Phật rằng “Hiện tại là hình bóng của quá khứ và tương lai là hình bóng của hiện tại”.

    Trịnh Công Sơn cũng tỏ ra chấp nhận thuyết luân hồi của nhà Phật trong những câu mà Trịnh Công Sơn đã làm nhòa nhạt biên giới giữa đi và về, như trong bài Phôi pha:Có những ai xa đời quay về lại / Về lại nơi cuối trời. Nếu chết là để đi đến tái sinh thì khi ta ra đi nghĩa là ta trở lại.Nhìn sống và chết cũng như nhìn nước chảy trên sông và tự hỏi nước đang ra đi hay nước đang trở về.Đó là ý của Trịnh Công Sơn trong Gần như niềm tuyệt vọng: Những ngàn xưa trôi đến bây giờ / Sông ra đi hay mới bước về.

    Theo đạo Phật không có cái ta trường cửu nhưng mà có một chút gì trong cái ta đã mất được tiếp nối trong cái ta tái sinh. Quá trình này thường được so sánh như khi ta thắp một cây nến từ một cây nến khác, có cái ra đi và cũng có cái trở lại, một cõi đi về như Trịnh Công Sơn đã viết trong bài ca cùng nhan đề.

    Một ảnh hưởng khác của Phật giáo trong ca khúc của Trịnh Công Sơn là sự mập mờ và siêu lý luận của các câu văn.Nhạc, lẽ dĩ nhiên là tiếng nói của con tim không phải là của lý trí nhưng sự xác định này cũng chưa đủ dể giải thích tại sao Trịnh Công Sơn có vẻ như không muốn làm cho lời ca rõ ràng.Tôi nghĩ rằng đây là ảnh hưởng của Phật giáo, rằng người ta không thể chỉ ngồi mà lý luận để đi đến một sự bình an cho tâm hồn, rằng ý niệm giác ngộ vượt qua biên giới của ngôn ngữ và lý luận.

    Cái mập mờ danh tiếng của Trịnh Công Sơn là do sự phá bỏ biên giới giữa các điều mà chúng ta thường xem là khác biệt, một phương pháp mà Cao Huy Thuần gọi là “đối hợp”. Trịnh Công Sơn hay dùng lối văn đối nghịch, một nghệ thuật ngôn ngữ hay dùng để nhấn mạnh sự khác nhau của hai điều, nhưng ngược lại, Trịnh Công Sơn hay đem đối nghịch làm trùng hợp như trong các câu này: Tình không xa nhưng không thật gần; Không xa đời và cũng không xa một người; Một phố hồng một phố hư không.

    Trịnh Công Sơn giống như một nhà thiền sư phủ nhận rằng tuyết thì trắng, quạ thì đen, với mục đích nói lên rằng muốn giác ngộ thì phải tránh xa cái đối lập giữa “có” và “không” để thành một tổng thể hài hòa. Lời ca của Trịnh Công Sơn giống như các công án trong Phật giáo, chẳng hạn như công án nổi tiếng nói về lắng nghe tiếng vỗ của một bàn tay, và cũng giống như công án, bài hát của Trịnh Công Sơn không thể giải thích được bằng đầu óc.

    Khi nói về triết lý trong nhạc Trịnh Công Sơn chúng ta cũng cần nói tới ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh nữa. Các bạn thân của Trịnh Công Sơn xác nhận rằng, ông cũng như một số đông các nhà trí thức miền Nam vào cuối thập niên năm mươi và đầu thập niên sáu mươi, rất bị lôi cuốn bởi chủ nghĩa hiện sinh.

    Thái Kim Lan bảo rằng: ở Huế hồi đó nhiều người nói về lo âu (angst), hư vô (nothingness), nôn mửa (nausea) và nỗi hoài công phi lý của Sisyphus.Nguyễn Văn Trung hồi đó mới từ Bỉ về, theo Bửu Ý là “nòng cốt” của các cuộc tranh luận về triết lý tại Huế.Nguyễn Văn Trung viết nhiều bài về hiện sinh và đăng trong tạp chí Đại Học, do ông làm chủ nhiệm.

    Các bạn của Trịnh Công Sơn bảo rằng ông rất ham đọc sách của Camus về huyền thoại Sisyphus.Các bạn này cũng bảo Trịnh Công Sơn rất thích các phim trong đó có tài tử James Dean đóng vai của một người lưu lạc cô đơn.Chúng ta thấy hình ảnh chàng cô đơn này trong nhiều bài của Trịnh Công Sơn trong đó có bài Dã tràng ca. Trong bài này Trịnh Công Sơn muốn so sánh mình với Sisyphus, qua một hình ảnh đã được Việt Nam hóa là con dã tràng suốt ngày “xe cát biển đông” trong Nghe thân lưu đày.

    Trong cuốn Huyền thoại Sisyphus, Camus nói: trong cái thế giới phi lý này, chúng ta thường hay bị quyến rũ bởi hai cách trốn thoát: một là tự vấn thân xác, hai là tự vẩn triết lý, tức là nuôi dưỡng niềm hy vọng rằng mình sau này khi chết đi sẽ được lên chốn thiên đàng vĩnh cửu.Theo Camus, chúng ta phải từ chối hai con đường giải thoát này và phải chọn một con đường khác: con đường chống đối thế giới phi lý này giống như nhân vật Sisyphus trong huyền thoại vậy.

    Ông Nguyễn Văn Trung đã giải thích thuyết của Camus theo một cách khác.Ông viết về tự vẫn triết học như thế này:“Hy vọng một đời khác, hoài niệm một quê nhà sau tù đầy là một cách phủ nhận tình trạng phi lý khác, mà không chấm dứt được phi lý.Camus gọi những giải pháp thoát ly đó là một tự vẫn triết lý (Suicide philosophique)”. Nguyễn Văn Trung cho rằng, theo Camus, chúng ta phải chấp nhận rằng “Tù đày chính là quê nhà”.

    Rất có thể Trịnh Công Sơn đã bị ảnh hưởng của Camus qua cách giải thích của Nguyễn Văn Trung.Giáo sư Trung đã Việt Nam hóa lý thuyết về lưu đày và thiên đàng vĩnh cửu của Camus. Lời giải thích của Nguyễn Văn Trung đã làm lẫn lộn hoài vọng về một cõi thiên đàng trong kiếp sau với hoài vọng về quê nhà.

    Trịnh Công Sơn quả thật đã bị lôi kéo từ hai dòng lực tù đày và quê nhà.Nhiều đêm muốn đi về con phố xa / Nhiều đêm muốn quay về ngồi yên dưới mái nhà, ông đã hát trong Lời thiên thu gọi. Nhưng vì đã được uốn nắn trong một nền văn hóa mà trong đó tình yêu quê nhà đóng một vai trò rất mạnh, Trịnh Công Sơn đã không do dự chọn quê nhà.Ông đã hát Chân đi xa trái tim bên nhà, trong Có nghe đời nghiêngTìm thấy nỗi nhớ từ mỗi chiếc lá / Góc phố nào cũng thấy quê nhà trong Tình yêu tìm thấy.

    Do đó ta thấy Trịnh Công Sơn không chấp nhận sự nổi loạn chống lại thế giới phi lý như Camus đã cổ võ.Trịnh Công Sơn không thể nào chọn lưu đày làm nơi quê nhà. Tù đày theo Trịnh Công Sơn không phải là sự nổi loạn hiện sinh mà là sự nhìn nhận của một người con Phật trước nỗi khổ và tính cách tạm bợ của cuộc đời: Còn bao lâu cho thân thôi lưu đày chốn đây Trịnh Công Sơn hỏi trong Phúc âm buồn. Còn bao lâu cho thiên thu xuống trên thân này.

    Hiện sinh khuyến khích cá nhân đứng lên một mình để chống lại xã hội và văn hóa. Phật giáo, ngược lại, dạy thuyết vô ngã, dạy rằng không có gì khác biệt giữa ta và tha nhân, rằng mọi sự mọi việc trên đời đều hỗ tương ảnh hưởng vào nhau. Tôi tin rằng Trịnh Công Sơn có ý nói đến thuyết vô ngã trong các bài ca của ông.Ông có nói đến “phụ người” như trong bài Ru em nhưng cái buồn của ông thật ra cũng là cái buồn của nhân thế. Yêu em yêu thêm tình phụ / Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ (Ru em). “Từ bi” có nghĩa là tâm từ (maitri) và tâm bi (karuna), hai đức hạnh mà theo Phật giáo mình nên tu dưỡng.

    Lúc mới bắt đầu sự nghiệp, Trịnh Công Sơn cũng như nhiều thanh niên trí thức khác tại miền Nam, thích bàn luận về thuyết hiện sinh.Triết lý nói chung và thuyết hiện sinh nói riêng hồi đó là một đề tài rất phổ thông trong giới trẻ. Các bài hát đầu của Trịnh Công Sơn đã đáp ứng được nguyên vọng này của giới trí thức miền Nam.Phật giáo và hiện sinh quả thật có gần nhau ở một vài điểm.Cả hai đều tin rằng con người phải đối diện với cái chết và với ý niệm hư vô trước khi có thể thực sự sống một đời sống đích thực.

    Trịnh Công Sơn lúc mới vào nghề nổi tiếng vì đã “chịu chơi” với thuyết hiện sinh nhưng theo tôi Trịnh Công Sơn đã sáng tác nhạc của mình dựa trên các đề tài của Phật giáo.Nếu hồi đó ít ai để ý tới cái tính cách Phật giáo trong các bài của ông, có thể là vì Phật giáo và hiện sinh gặp nhau ở một vài điểm và người ta chỉ để ý đến khía cạnh hiện sinh mà thôi.Tuy nhiên lý do chính vì sao Trịnh Công Sơn vẫn tiếp tục thành công trong một thời rất dài là vì những ưu tư có tính cách rất Phật Trịnh Công Sơn đã gởi gắm trong lời ca của mình.

    Nghe nhạc Trịnh Công Sơn đối với nhiều người Việt cũng gần giống như nghe một câu kinh. Nhạc Trịnh Công Sơn khó hiểu nhưng lời ca của ông có khả năng xoa dịu những tâm hồn bị dao động.
    Hãy hướng về phía mặt trời mọc bóng tối sẽ khuất sau lưng anh.
    Similar Threads
  • #2

    Dung Nhan Diễm Xưa

    Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến trường đại học văn khoa ở Huế.

    Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi qua dưới những vòm cây long não.

    Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua. Những mùa nắng ve
    râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa mưa Huế người còn gái ấy đi qua nhòa nhạt trong mưa giữa hai hàng cây long não mờ mịt.

    Nhà cô ấy ở bên kia sông, mỗi ngày phải băng qua một cây cầu rồi mới gặp hàng long não để đến trường.

    Từ balcon nhà tôi nhìn xuống, cái bóng dáng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận. Thời buổi ấy những người con gái Huế chưa hề dùng đến phương tiện có máy nổ và có tốc độ chóng mặt như bây giờ. Trừ những người ở quá xa phải đi xe đạp, còn lại đa số cứ đến trường bằng những bước đi thong thả hoàng cung. Ði để được ngắm nhìn, để cảm thấy âm thầm trong lòng, mình là một nhan sắc. Nhan sắc cho nhiều người hoặc chỉ cho một người thì có quan trọng gì đâu.

    Những bước chân ấy từ mọi phía đổ về những ngôi trường với những cái tên quen thuộc, đôi khi lại quá cũ kỹ. Ði để được những con mắt chung quanh nhìn ngắm nhưng đồng thời cũng tự mình có thì giờ nhìn ngắm trời đất, sông nước và hoa lá thiên nhiên. Long não, bàng, phượng đỏ, muối, mù u và một giòng sông Hương chảy quanh thành phố đã phả vào tâm hồn thời con gái một lớp sương khói lãng mạn thanh khiết. Huế nhờ vậy không bao giờ cạn nguồn thi hứng. Thành cổ, đền đài, lăng tẩm khiến con người dễ có một hoài niệm man mác về quá khứ hơn và một phần nào cũng cứu rỗi cho con người ta khỏi vành đai tục lụy. Và từ đó Huế đã hình thành cho riêng mình một không gian riêng, một thế giới riêng. Từ đó con người bỗng đâm ra mơ mộng và ước mơ những cõi trời đất như không có thực.

    Nhưng thật sự thực và mơ là gì? Thật ra, nói cho cùng, cái này chỉ là ảo ảnh của điều kia. Và với những ảo ảnh đó đã có một thời, khá dài lâu, những con người lớn lên trong thành phố nhỏ nhắn đó đã dệt gấm theo hoa những giấc mơ, giấc mộng của mình.

    Ðó cũng là thời gian mà mỗi sớm tinh mơ, mỗi chiều, mỗi tối, tiếng chuông Linh Mụ vang xa trong không gian, chuyền đi trên dòng sông để đến với từng căn nhà khép hờ hay đang đóng kín cửa.

    Thời gian trôi đi ở đây lặng lẽ quá. Lặng lẽ đến độ người không còn cảm giác về thời gian. Một thứ thời gian không bóng hình, không màu sắc. Chỉ có cái chết của những người già, vào mùa đông giá rét, mới làm sực tỉnh và bổng chốc nhận ra tiếng nói thì thầm của lăng miếu, bia mộ ở những vùng đồi núi chung quanh.

    Trong không gian tĩnh mịch và mơ màng đó, thêm chìm đắm vào một khí hậu loáng thoáng liêu trai, người con gái ấy vẫn đi qua đều đặn mỗi ngày dưới hai hàng cây long não để đến trường. Ði đến trường mà đôi lúc dường như đi đến một nơi vô định. Ðịnh hướng mà không định hướng bởi vì những bước chân ngày nào ấy dường như đang phiêu bồng trên một đám mây hoang lạc của giấc mơ.

    Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua những hàng long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt, để cuối cùng đến một nơi hò hẹn.

    Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì. Bởi vì trong không gian liêu trai ấy hứa hẹn chỉ là một điều hoang đường. Giấc mơ liêu trai nào cũng sẽ không có thực và sẽ biến mất đi.

    Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên. Người con gái ấy là Diễm của những ngày xưa.

    Trịnh Công Sơn
    Hãy hướng về phía mặt trời mọc bóng tối sẽ khuất sau lưng anh.

    Comment

    • #3

      Phố


      Ở đây phố xá hiền như cỏ
      Có nỗi hồn nhiên giữa mặt người
      Ở đây cỏ sẽ hiền hơn phố
      Bởi dưới chân em có mặt trời

      — Trịnh Công Sơn —
      Sống trên đời

      Comment

      • #4

        Những người tình của Trịnh công Sơn

        Theo Nguyễn Đắc Xuân (Gia đình)
        Mỗi lần nghe người yêu nhạc nói chuyện tình của Trịnh Công Sơn (giai đoạn đầu) tôi bỗng thấy nhớ và tự bảo thầm “nào ai có biết chuyện tình trong nhạc của Sơn cũng chính là chuyện tình của tôi, của thế hệ tuổi tôi”.
        Nói như thế bạn đọc sẽ mím môi “thấy sang bắt quàng làm họ”. Nếu không có những giãi bày sau đây thì nghĩ như thế không có gì sai cả.
        Thành phố Huế xưa nay vốn rất nhỏ. Người đẹp của núi Ngự sông Hương phần lớn tập trung ở hai ngôi trường Đồng Khánh- Quốc Học, từ sau năm 1957 có thêm Đại học Huế. Thế hệ nào cũng có những giai nhân của riêng mình. Giai nhân có ít mà người mê thì nhiều. Một người đẹp nào đó có hàng chục người “bước theo gót hài”. Tiểu sử của các cô các chàng trai đều thuộc lòng.
        Nhưng như chính Xuân Diệu đã từng thú nhận “Yêu rất nhiều mà nhận chẳng được bao nhiêu”. Không “nhận” được vì nhiều lý do: Thời ấy, ít có cô gái Huế nào đẹp mà chịu lấy những chàng trai ngang trang ngang lứa. Các cô gái đẹp thường được cha mẹ gả cho những người đã có danh vọng, có sự nghiệp chắc chắn. Rất hiếm thấy các anh chàng lông bông học hành chưa tới mà có người yêu đẹp xuất thân trong các gia đình gia giáo.
        Tuy nhiên trong thế hệ tôi, chính vì các hố ngăn cách ấy đã nảy sinh ra biết bao mối tình thầm lặng, yêu một chiều và khi nó xảy ra với những người về sau xuất chúng như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì chúng trở thành những chuyện tình bất tử.
        “Cuối cùng cho một tình yêu”
        Tôi có một người bạn gốc Nha Trang, đang học vẽ nhưng anh lại tỏ ra có tài thơ. Anh yêu cô Đỗ Thị Lệ Th. – em gái của một hoạ sĩ Đỗ B. Cô Lệ Th. có mái tóc thề mượt mà, dáng đi nhẹ nhàng dễ thương giống như cái tên Lệ Th. của cô vậy. Những ai đã gặp Lệ Th. thì không thể không mất ngủ vì cô. Anh bạn tôi yêu Lệ Th. và làm thơ lấy biệt hiệu là Th. Nguyệt. Nhưng rất tiếc gia đình Th. Nguyệt rất nghèo, anh lại chưa có sự nghiệp, nên anh đã thua cuộc trước bạn anh là hoạ sĩ Tôn Thất V.
        Cùng thắng cuộc theo kiểu của V., có hoạ sĩ Đ.C. với cô T.Nh. Hồi T.Nh. học Đại học Văn khoa, nhiều người phải lòng T.Nh., nhưng trong số ấy không ai tài hoa và kiên trì bằng Đ.C. nên anh đã thắng. Đ.C đã vẽ nhiều tranh lấy cảm hứng từ T.Nh. Xem tranh thiếu nữ của Đ.C., Trịnh Công Sơn, Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường và kể cả người kể lại chuyện này, cũng đều thấy người đẹp của “mình ở trong”.
        Ở Đại học Văn khoa Huế lúc ấy lại có cô Trần Thị Nh.H., Nh.H. không nằm trong danh sách người đẹp, nhưng cô hay mặc áo dài tím, với dáng đi “mềm mại như tơ”, hát hay nên H. được mến mộ không kém người đẹp. Hoạ sĩ Trịnh Cung lúc còn học Mỹ thuật Huế rất mê Nh.H. và tuyệt vọng, anh đã làm nên bài thơ Cuối cùng cho một tình yêu. Bài thơ này đã được Trịnh Công Sơn phổ nhạc và nổi tiếng gần bốn mươi năm qua.
        Điều không ai hiểu nổi là: “Cho đến nay (2002) Nh.H. đã có gia đình, đã có cháu nội cháu ngoại mà cô vẫn chưa biết bài thơ phổ nhạc bất hủ ấy Trịnh Cung đã làm cho chính Nh.H.” (lời thú nhận của Trịnh Cung với tôi).
        Cùng một mẫu yêu như Trịnh Cung, Trịnh Công Sơn đã yêu Ph. Th. – em ruột của ca sĩ Hà Thanh. Bạn âm nhạc của Trịnh Công Sơn lúc ấy có Lê Gia Phàm, Hà Thanh và Thanh Hải (Hồ Quang Hải). Lê Gia Phàm yêu Hà Thanh. Trịnh Công Sơn, Thanh Hải (học Đệ nhất với tôi và bác sĩ Trương Thìn sau này) đều yêu Ph.Th. Và, không chỉ hai người ấy, nói chung những người quen biết gia đình Hà Thanh, hay học cùng một lứa (promotion) với Ph.Th. đều là “đệ tử” trước vẻ đẹp thánh thiện của Ph.Th. cả.
        Trong số “bái phục giai nhân Ph.Th.” ấy, Trịnh Công Sơn thuộc loại quán quân. Sau này có lần Trịnh Công Sơn kể lại là: “Hà Thanh có đến bốn năm người em gái, mình ngồi nói chuyện với Hà Thanh, mỗi lần Ph.Th. đến sau lưng mình là mình biết ngay. Khi nào cô ấy đến gần thì có một mùi hương đến trước. Nhờ cái mùi hương ấy mà mình không bao giờ nhầm Ph.Th. với các cô em gái khác của Hà Thanh”.
        Chưa bao giờ Trịnh Công Sơn dám tỏ tình với Ph.Th. và Ph.Th. cũng chưa bao giờ có một cử chỉ khiến cho người bạn âm nhạc của chị mình hiểu nhầm là cô có cảm tình riêng với bạn chị. Thế mà Trịnh Công Sơn đã si tình và nhờ cái vẻ đẹp thánh thiện “em đứng lên gọi mưa vào hạ” ấy của Ph.Th. mà anh đã viết nên mấy bài hát Nhìn những mùa thu đi, Nắng thủy tinh, và Gọi tên bốn mùa.
        Ph.Th. lập gia đình với ông Tiến sĩ B. làm Trưởng khoa Luật rồi làm Bộ trưởng Giáo dục, “tuổi tác không cân xứng nhưng danh vọng và sắc đẹp thì đẹp đôi”. Sau đó vì thời cuộc Tiến sĩ B. mất sớm, Ph.Th. vẫn giữ sự đoan trang, đức hạnh nuôi dạy các con ăn học đến nơi đến chốn tại Boston (Hoa Kỳ). Cuối năm 2000, gặp lại Hà Thanh và Ph.Th. tại Huế, tôi vẫn thấy hai chị em này “không sợ thời gian”, vẫn đẹp như “nắng thủy tinh” thuở nào. Nhớ lại chuyện xưa, các cô rất vui và xem đó là những kỷ niệm đẹp của giai đoạn đẹp nhất của đời mình. Tuy chỉ mới một chiều, nhưng bạn bè thuở ấy của Trịnh Công Sơn vẫn xem chuyện Trịnh Công Sơn si mê Ph.Th. là “mối tình đầu” của anh.
        “Hai mươi năm xin trả nợ dài”
        Khoảng năm 1962, gia đình Trịnh Công Sơn gặp khó khăn kinh tế, gian phố lớn ở đường Phan Bội Châu (Ngã Giữa) phải sang cho người khác và qua thuê một căn hộ ở tầng 1 dãy lầu mới xây ở đầu cầu Phủ Cam.
        Hằng ngày Trịnh Công Sơn đứng trên lầu ngắm các cô nữ sinh đi qua cầu Phủ Cam, đi dọc theo đường Nguyễn Trường Tộ đến trường Đồng Khánh. Trong đám xuân xanh ấy có cô Ngô Thị Bích Diễm - con gái thầy Ngô Đốc Kh.- người Hà Nội, dạy Pháp văn tại trường Đồng Khánh và trường Quốc Học Huế. Bích Diễm giống bố, người dong dỏng cao, nét mặt thanh tú, bước đi thong thả nhẹ nhàng.
        Con người của Diễm rất hợp với cái tên Diễm và cũng thích hợp với tâm hồn bén nhạy của Trịnh Công Sơn. Anh yêu Diễm mê mệt. Những ngày không thấy Diễm đi qua anh đau khổ vô cùng. Anh trông thấy con đường trước nhà “dài hun hút cho mắt thêm sâu” (Diễm xưa). Nhưng anh cũng biết gặp Diễm để nói lên nỗi đau ấy không phải là chuyện dễ.
        Thầy Ngô Đốc Kh.- thân sinh của Diễm, là một ông giáo rất nghiêm. Ông không thể chấp nhận một anh chàng chưa có bằng đại học, tóc dài, cằm lún phún râu chuyện trò với các cô con gái đài các của ông. May sao lúc ấy hoạ sĩ Đinh Cường thuê nhà ở gần nhà Diễm để làm xưởng vẽ. Hai bạn canh chừng những khi thầy giáo có giờ dạy, mà Diễm đang ngồi ở nhà học bài thì hai bạn liền “liều” mình qua thăm. Những lần liều đầy mình ấy, có khi Diễm tiếp, có khi Diễm để cho người nhà tiếp và cũng có khi đang có bố ở nhà Diễm tránh để cho khách ngồi chơi xơi nước rồi tự ý ra về.
        Khác với Ph.Th., Diễm biết Trịnh Công Sơn yêu mình và trái tim cô nhiều khi cũng rung động. Nhưng lúc ấy Diễm không thể vượt qua được sự nghiêm khắc của gia đình để nói cho tác giả Ướt mi biết điều đó. Trịnh Công Sơn trút hết nỗi lòng yêu Diễm vào bài Diễm xưa như sau này Sơn đã kể lại nhiều lần. Có một điều lúc ấy Sơn không để ý: Những lúc Trịnh Công Sơn đến nhà Diễm, thì Dao A. - em gái của Diễm còn là một cô bé, nhỏ hơn Diễm đến 4-5 tuổi, chạy loăng quăng theo chị. Không ngờ chỉ mấy năm sau Dao A. trở thành một thiếu nữ xinh đẹp với khuôn mặt bầu bĩnh, dễ thương khác thường.
        Với cái cầu đã bắc từ hồi yêu Bích Diễm, nay Bích Diễm đã vào học đại học ở Sài Gòn, tâm hồn của Sơn qua cây cầu cũ, nói như Đinh Cường “Sơn lại da diết với cái dáng vẻ khoan thai, áo lụa vàng của Dao A. để rồi thất vọng, để rồi...”. Khác với những lần yêu trước, thất vọng về Dao A.,Trịnh Công Sơn không bắt nhạc của anh phải mang cái gánh thất tình của anh.
        Không ngờ hai mươi năm sau, trải qua bao nhiêu dâu bể, từ bên Mỹ, Dao A. trở về Việt Nam tìm Trịnh Công Sơn. Không rõ Dao A. nói gì với Sơn, và còn gì nữa không, mà anh đã rất hài lòng với thực tại “ Hai mươi năm xin trả nợ dài, Trả nợ một đời em đã phụ tôi” (Xin trả nợ người). Trong hai mươi năm ấy, Dao A. đã có gia đình, đã hiểu rõ cuộc đời, nên “hết phụ” tình Trịnh Công Sơn. Như Đinh Cường đã viết: “Tháng cuối cùng trước khi Sơn mất, Dao A. về thăm, suốt tuần sáng nào A. cũng đến ngồi bên chiếc xe lăn của Sơn, chỉ còn biết nhìn Sơn, cho đến chiều tối mới về nhà”.
        Trịnh Công Sơn yêu Dao A. phải trải qua hai mươi năm mới “nhận” được lời đáp. Tuy đã quá muộn, nhưng trên cõi đời này có mấy ai được yêu và được nhận có một khoảng cách dài lâu đến thế đâu!
        “Coi như phút đó tình cờ”
        Gặp người đẹp Trịnh Công Sơn dễ yêu, mà không riêng gì Sơn, các bạn thân sơ của anh cũng đều như thế. Sơn không nề hà chuyện yêu một chiều, không sợ đau khổ vì tình phụ, đã yêu là yêu mãi, yêu hoài, yêu hết mình. Nhưng cũng có lúc anh “chán tình”, vì cho rằng mình yêu nhầm.
        Ngày ấy, ở bên kia sông Thọ Lộc, đối bờ với nhà tôi, thuộc phường Vỹ Dạ, có cô nàng tên Nguyệt, rất đẹp. Trịnh Công Sơn đã yêu say đắm. Vô tình, trong lúc nói chuyện với Sơn, cô buột miệng khen một anh chàng nào đó đẹp trai “vì anh ấy lai Tây”.
        Chỉ một chuyện vô tình rất nhỏ, thế mà Trịnh Công Sơn cảm thấy bị xúc phạm, anh không thể hiểu nổi một người mình yêu mà lại có một quan niệm thẩm mỹ “lệch lạc” đến như thế. Tất cả những yêu thương Nguyệt trong lòng anh bỗng nhạt nhoà hết. Anh viết bài Nguyệt ca. Anh ca ngợi cô nàng Nguyệt hết lời khi “trăng là Nguyệt”.
        Nhưng khi anh phát hiện ra: “Từ trăng thôi là Nguyệt”, Nguyệt không phải là người anh mơ uớc, anh xem chuyện anh yêu Nguyệt “coi như phút đó tình cờ” và về sau anh không nhắc đến Nguyệt nữa. Tuy nhiên đối với tôi và nhiều bạn bè của anh, mong sao Sơn có nhiều dịp yêu “tình cờ” như thế để anh có thêm nhiều Nguyệt ca nữa.
        Trịnh Công Sơn yêu rất nhiều, về sau có thêm Bich Kh. (như tôi đã viết nhiều lần), có Chu Nguyệt Ng., có Michiko, có Hồng Nhung... nhưng định mệnh vẫn cứ bắt anh phải đứng trước cái ngưỡng của tình yêu. Nếu anh còn sống thêm vài mươi năm nữa, sẽ “còn ai nữa”... và cũng thế thôi.
        Nếu anh bước qua khỏi cái ngưỡng ấy thì chưa chắc anh đã có được cái địa vị “người sáng tác nhiều nhạc tình hay nhất thế kỷ”. Tôi viết điều ấy với kinh nghiệm thực tế. Có một người làm thơ, bạn của Trịnh Công Sơn, cưới được một cô nàng hồi đi học ngồi cạnh Dao A. của Sơn, về sau “người ấy” không còn thơ nữa (đó không phải là một trường hợp cá biệt). Trịnh Công Sơn bị “tình phụ”, còn người ấy lại bị “thơ phụ”.
        Hơn sáu mươi năm nhìn lại cuộc đời, tôi xin tạ ơn những giai nhân đã làm “sáng giá” cho tuổi trẻ của chúng tôi. Vẻ đẹp của các cô là hành trang đẹp cho suốt cuộc đời theo đuổi chân thiện mỹ của lứa tuổi tôi. Chúng tôi không những giữ hình ảnh các cô trong tâm hồn mà còn giữ được hình ảnh thực của người đẹp trong các tập album.
        Cám ơn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cám ơn Trịnh Cung, cám ơn Đinh Cường... nhờ tài năng của các bạn mà những người đẹp trong tâm hồn, trong các tập album của thế hệ chúng ta trở thành vĩnh cửu.
        Hãy hướng về phía mặt trời mọc bóng tối sẽ khuất sau lưng anh.

        Comment

        • #5

          Cuộc Sống Không Thể Thiếu Tình Yêu

          Cuộc Sống Không Thể Thiếu Tình Yêu
          Trịnh Công Sơn

          Quả thật "trong cuộc sống không thể thiếu tình yêu" và lắm khi người ta rơi vào tình trạng "đi thì dở, ở không xong". Hay nói một cách khác, theo nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là "tiến thoái lưỡng nan".

          Người ta nói trên trái đất không có gì ở ngoài qui luật cả. Nhưng tình yêu hình như cũng có lúc là một ngoại lệ. Tình yêu có thể nâng bổng con người nhưng cũng lắm lúc nhấn chìm kẻ háo hức. Tôi không tin những người quá lạc quan khi nói về tình yêu bằng thể khẳng định. Người ta có thể tin rằng mình được yêu và cũng có thể hiểu nhầm mình không được yêu.

          Tôi không thể nói về một vấn đề mà chính bản thân mình cũng chưa hiểu hết. Chưa hiểu hết là nói theo kiểu đại ngôn chứ thật sự là hoàn toàn không thể hiểu. Nếu có người nào đó thách thức tôi một trò chơi nghịch ngợm thì tôi sẽ mang tình yêu ra mà đánh đố. Tôi e, không ai dám tự xưng mình am tường hết nội dung phong phú và quá phức tạp của tình yêu.
          Có người yêu thì hạnh phúc; có người yêu thì đau khổ. Nhưng dù đau khổ hay hạnh phúc thì con người vẫn muốn yêu. Tình yêu vì thế mà tồn tại. Con người không thể sống mà không yêu. Hàng nghìn năm nay con người đã sống và đã yêu - yêu thật lòng chứ không phải giả. Thế mà đã có không biết bao nhiêu là tình yêu giả. Cái giả mà rất thật trong đời. Sự giả trá đó lúc biết được thì làm khổ lòng nhau biết bao nhiêu mà kể. Người giả, người thật nhìn nhau lúc bấy giờ ngỡ ngàng không biết thế nào nói được. Người thật thì nằm bệnh, người giả thì nói, cười huyên thuyên. Đời sống vốn không bất công. Người giả trong tình yêu thế nào cũng thiệt. Người thật thế nào cũng được đền bù.

          Tình yêu thời nào cũng có. Nhưng có tình yêu kết thúc bi thảm đến độ có khi con người không dám yêu. Yêu mà khổ quá thì yêu làm gì. Có người đã nói như vậy.

          Tôi đã có dịp đứng trên hai mặt của tình yêu và dù sao chăng nữa, tôi vẫn muốn giữ lại trong lòng một ý nghĩa bền vững: "Cuộc sống không thể thiếu tình yêu, nhưng yêu thì cay đắng lắm".

          ST
          Sống trên đời

          Comment

          • #6

            Người nữ trong nhạc Trịnh Công Sơn

            KHUẤt ĐẨU, 02/04/2009

            Sau khi anh đi bỏ lại con đường, nhiều người đã nói tới những người nữ mà theo họ là người tình của anh. Một cô con gái yêu của người thầy dạy tiếng Pháp. Một nữ giáo sinh ở sư phạm Qui Nhơn. Một ca sĩ thời danh mà anh viết tặng Ướt Mi. Một người đã có chồng hai con ở Blao. Sau này còn có cả nột nữ doanh nhân thành đạt. Đó là chưa kể đã hai lần, để làm vui lòng mẹ, anh suýt nữa đã lên xe hoa. Có người còn ồn ào tự cho mình là người tình cuối! Nói chung, ai cũng muốn tìm ra một Mộng Cầm hay T.T.KH, những người nữ đã để lại bóng hình khá lộng lẫy trong văn chương Việt.
            Nhưng, nhà văn Sâm Thương, bạn thân anh, lại bảo chẳng có người phụ nữ nào in đậm bóng hình lên cuộc đời anh. Tôi cũng tin như vậy mặc dù ai cũng bảo còn Diễm đó. Diễm là ai mà anh gọi thiết tha đến thế trong những cơn mưa trên tầng tháp cổ hay trong những căn gác đìu hiu chiều chủ nhật buồn? Theo tôi Diễm không là ai cả. Diễm là Đẹp, là Nhan Sắc như Nguyên Sa đã từng gọi.
            Đã là nghệ sĩ, đương nhiên anh yêu cái Đẹp. (Yêu cái Đẹp chứ không phải gái đẹp). Một người nữ chân dài với ba vòng có số đo tuyệt hảo chưa chắc đã là người Đẹp dưới mắt nhìn của anh.
            Người nữ của anh trước hết phải là một người con gái Việt Nam da vàng yêu quê hương như yêu đồng lúa chín. Anh yêu tóc em từng sợi nhỏ nhưng không phải tóc vàng như Cung Trầm Tưởng. Lại càng không phải là gái Phù Tang dù có người đã từng lặn lội sang tìm anh, học tiếng Việt, làm luận án về anh và được trao bằng tiến sĩ.
            Nàng đứng bên trời tự do, yêu đời thiết tha, luôn cười đâu đó trong lòng phố xá đông vui. Nàng đi lễ chùa, lễ nhà thờ, qua công viên, với tà áo rộng, với hài nhung gấm, thanh thoát đài trang nhưng không quá kiêu kỳ. Nàng chỉ cườikhông nói, chỉ ngồi hát khi mây bay ngang trời. Nàng muời sáu tuổivới môi hồng đào, tay măng trôi trên vùng tóc dài. Nàng rất gần mà cũng rất xa, rất thực mà cũng rất kỳ ảo. Nàng rất bình thường nhưng không tầm thường. Một người như thế sẽ được Bùi Giáng thốt lên:
            Em ơi em đẹp vô củng
            Vì em có cái lạ lùng bên trong. Cái lạ lùng bên trong là cái Đẹp, chỉ có những nghệ sĩ sâu sắc như anh hay thi sĩ họ Bùi mới cảm nhận được. Cái Đẹp của hồn thơm cây trái của môi hôn lần đầu, của một chiều kia có em buồn buồn. Cái đẹp thay màu rất chậm, đến nỗi

            Một ngàn năm trước(...) môi em hồng nhạt
            Một ngàn năm sau môi em hồng vừa. Cái Đẹp gần như ngừng lại, hay anh muốn chậm lại. Vì sao? Vì tôi cần thấy em yêu đời, yêu hoài. Hãy nghe anh nói:
            Tôi xin làm chút gió
            Mát thêm những bờ vai
            Tôi xin làm hôm nay
            Cho đời em trẻ mãi

            Tôi xin làm mây êm
            Trôi vào trang nhật ký
            Hay tôi làm mực hồng
            Chờ em giữa trang thư. Như thế, anh mãi mãi là người tình của tuổi học trò, của Tuổi Trẻ, không chỉ một thời mà của nhiều thời, không chỉ hôm nay mà của cả ngàn sau.
            Môi em cho ta một cánh hồng
            Lụa là phút ấy chưa quên.
            Một cuộc tình nhỏ bé, bên đôi môi hồng đào thì không có chi là ồn ào, không có chi là đớn đau dù có hơi xót xa, dù có hôn nhau lần đầu cũng là hôn nhau lần cuối. Cho dù anh bảo
            Em phụ tôi một thời bé dại
            Thơ dại ra đi không nhớ gì tôi
            Phụ, là cách nói để tiếc thương cho tuổi trẻ đã qua hay đã mất. Mười năm xưa nàng đứng bên bờ dậu khiến lòng anh như khăn mới thêu. Nhưng chỉ mười năm sau, nhìn nhau ôi cũng như mọi người, nên lòng anh buồn như nắng qua đèo.
            Từng người tình bỏ ta đi như những giòng sông nhỏ. Buồn nhưng không thể không để sông về với biển, không thể không để các nàng đi về nơi bế bồng. Họ không thể không lớn lên, không thể không lấy chồng, đẻ con.
            Thuyền nào đã chở mất thuyền quyên
            Với những thuyền bườm lớp lớp ra sông
            Xin có lời mừng giữa chén rượu nồng
            Phải vậy thôi. Phải rất đàn ông, từ bi, độ lượng. Xin có lời mừng. Không đau đớn tiếc thương đến nỗi phải gào lên như Vũ Hoàng Chương "Tố của Hoàng nay Tố của ai!". Hay như Phạm Duy đắm đuối quằn quại "ngày nhà em pháo nổ, anh cuộn mình trong chăn, như con sâu làm tổ trong trái vải cô đơn, tâm hồn anh nhuốm máu, ôi nhấp chén hư vô"
            Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ. Rất bình yên tự tại, bỡi vì còn rất nhiều em bên đời, tuổi mười sáu như mưa vẫn tiếp nối làm đầy nhiều con sông nhỏ khác. Và đời anh vẫn bốn mùa thay lá, vẫn nhớ em và nằm mộng suốt đêm trong thiên đường.

            ĐÓA HOA VÔ THƯỜNG

            Đây là bản nhạc lạ thường nhất của anh. Ai cũng bảo anh yêu một nữ tu. Có một vidéo, người ta dàn dựng người nhạc sĩ vội vã chở chiếc chuông đi như chạy trốn một cách phản cảm.
            Theo tôi đây là một bản tụng ca Đức Phật, có thể là Phật Quan Âm.
            Người nữ ở đây không mười sáu tuổi, không một chiều kia có em buồn buồn, không cười đâu đó trong phố xá đông vui. Một người mà anh đã đi tìm trong xa gần đất trời rộn ràng, trong sương hồng, trong chiều bạc mệnh, tìm trong đàn chim ngậm hạt sương bay. Tìm ngày tìm đêm, bền bĩ một cách lạ thường không bao giờ tuyệt vọng.
            Và anh đã gặp một người mình hạc xương mai, với nụ cười mong manh. Nàng tinh khiết như cội nguồn nguyên thủy, nàng ngát hương giữa đôi giòng kinh.
            Nàng là Đạo, hay Đạo được anh hoá thân thành Nàng cho gần với Đời. Và nàng tắm gội dưới mưa bốn bề toả ngát hương trầm. Nàng dạy dỗ anh, tan chảy trong anh.
            Đạo thấm vào anh, gần gũi đến nỗi có tôi trong dáng em ngồi trước sân. Từ đó hoa là em, một sớm kia rất hồng, nở hết trong hoàng hôn. Nhờ có kinh đắp bồi, nên từ đó anh là đêm nở đóa hoa vô thường.
            Khi cái Đẹp lên ngôi (lời kinh là những cái Đẹp) thì sự phụng thờ của anh, một nghệ sĩ suốt đời đi tìm và tôn thờ cái Đẹp, cuộc trùng phùng chỉ là một tất yếu.

            NGƯỜI NỮ ĐẦU TIÊN VÀ NGƯỜI NỮ CUỐI CÙNG

            Đó là người đã mang anh đầy bụng. Người đã ru anh từ tiếng khóc ban đầu, ru anh qua cả cuộc đời, và ru anh cho đến lúc bạc đầu.
            Người ấy đã ru anh với tiếng hát trên trời để anh được ngủ trên mây.
            Người nữ đó không ai khác hơn là Mẹ.
            Người anh chịu ơn đầu tiên và chịu ơn cuối cùng. Người dù đã đi về nơi cuối trời vẫn chờ anh để ru anh hoài ru mãi ngàn năm.

            NGƯỜI NỮ CAO CẢ VÀ VĨ ĐẠI

            Đó là mẹ của những em bé loã lồ khóc tuổi thơ đi. Mẹ cùa những đứa con hai mươi năm đã lớn ra ngoài chiến trường, những đứa con cùng cha vẫn không quên hận thù. Đó còn là người đàn bà hoá điên khi vỗ tay reo mừng xác con, chảy dài giọt lệ ăn năn trong những đêm ngồi nghe đại bác dội về thành phố.
            Đó là Mẹ của một nước Việt buồn.
            Có thể kết một lời, trong văn học Việt Nam chưa có một tác giả nào yêu người nữ sâu sắc, tinh tế, từ ái và trân quý đến mức phụng thờ như Trịnh Công Sơn./.
            KHUẤt ĐẨU
            02 tháng 4 năm 2009
            [url="http://www.vanchuongviet.org/"][COLOR=#436976]404 Not Found


            Ghi chú :
            So với bản đăng trên vanchuongviet.org, để các bạn dễ nhận diện, chúng tôi mạn phép chỉnh nghiêng tất cả các ca từ TCS, và ngược lại trở đứng lời văn của tác giả ẩn trong những dòng trích ca từ, và cũng có khi chúng tôi sửa lại cho đúng với nguyên bản ca từ TCS được trích.
            Muốn nắn được một người nữ đẹp “Trịnh” như thế, tác giả cũng đã phải nằm lòng gần ba mươi ca khúc tâm đắc, mà chúng tôi chép tên lại đây, theo thứ tự xuất hiện, để các bạn đỡ thắc mắc, đôi khi: Em đi bỏ lại con đường, Diễm xưa, Lời buồn thánh, Tuổi đời mênh mông, Hoa vàng mấy độ, Ru tình, Thương một người, Còn tuổi nào cho em, Môi hồng đào, Níu tay nghìn trùng, Chìm dưới cơn mưa, Vì tôi cần thấy em yêu đời, Quỳnh hương, Như một vết thương, Có một dòng sông đã qua đời, Tình xa, Vườn xưa, Ru em, Cho đời chút ơn, Đoá hoa vô thường, Lời mẹ ru, Người già em bé, Gia tài của mẹ, Ngủ đi con, Hát trên những xác người, Ca dao mẹ, Đại bác ru đêm.

            Cám ơn vanchươngviet.org đã cho phép chúng tôi đăng lại bài này.
            (PvĐ, 16/05/2009).
            Bạn Gần Không Tới........Bạn XA Chưa Về.......

            Comment

            • #7

              Yêu thương mọi người

              Hồi ức của Hoàng Tá Thích. tuoitre.com.vn, 05-04-2007.


              Một ngày bỗng thấy, yêu thương mọi người
              Mọi người đã tới, vây quanh cuộc đời
              Từng giờ tiếc nuối, chia tay ngậm ngùi

              (Vẫn nhớ cuộc đời)
              TTO - Suốt đời anh Sơn luôn thích có bạn bên mình, hay nói cách khác, anh không thể sống mà thiếu tình bạn. Bạn bè của anh ở khắp nơi trên thế giới, tuy không phải tất cả đều là thâm giao, nhưng đa số là tình bạn trong sáng và bền vững. Mọi người đến với anh vì lòng ngưỡng mộ tài năng, yêu anh vì tính cách đặc biệt và quý anh ì tấm lòng nhân ái.
              Ngay từ hồi trẻ, anh cũng đã có nhiều bạn, những giao du không thể không có đối với một người nghệ sĩ đa tài và nổi tiếng khá sớm. Thân thiết nhất lúc bấy giờ gồm có Ngô Kha, Đinh Cường, Tôn Thất Văn, Bửu Ý, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trịnh Cung … là những văn nghệ sĩ cùng thời và đồng trang lứa mười tám, đôi mươi. Họ thường lui tới gặp gỡ, đọc cho nhau nghe những vần thơ mới làm xong hay thảo luận một câu chuyện văn chương.
              Thỉnh thoảng, anh Sơn đạp xe đến xưởng vẽ của Đinh Cường ngồi nhìn bạn lên màu trên khung vải và làm quen với hội họa từ đó. Bạn thân của anh thời kỳ ấy còn là những Ng.C.Đàm, H.D.Lễ, những L.K.Cương …, tuy không trong giới văn nghệ nhưng có tâm hồn nghệ sĩ. Bạn anh còn là một người tên Đỉnh ẩn cư tận trên dãy Pyrénées giữa Pháp và Tây Ban Nha, thỉnh thoảng gọi điện cho anh kể về đời sống đơn độc của mình trên triền núi, chỉ làm bạn cùng con chó trung thành. Hay N.C.Trung, giáo sư toán học ở Đức, thỉnh thoảng gửi thư cho anh không phải bàn chuyện khoa học mà chỉ là những vần lục bát vừa làm xong. Bạn anh còn là cặp vợ chồng bác sĩ Chi - Hoàn, từ khi định cư ở Cananda chưa một lần về lại Việt Nam nhưng lúc nào cũng quan tâm đến chứng dị ứng trên da mặt của anh.



              Bạn anh cũng là một N.C.Phú ở Pháp luôn bận bịu với công việc nhưng không bao giờ quên gửi quà vào đúng ngày sinh nhật 28 tháng 2 cho anh. Mấy chục năm về trước, ngày Ngô Kha hy sinh cho lý tưởng cách mạng, anh đau đớn vì mất một người bạn thâm giao. Khi Lưu Kim Cương bỏ mình trong bom đạn, anh cảm khái nhớ đến nhiều bạn bè khác đã lần lượt ra đi vì chiến tranh. Nhiều người nghĩ rằng ca khúc “Cho một người vừa nằm xuống” anh viết riêng cho Lưu Kim Cương. Thật ra không phải hoàn toàn như thế. Anh viết cho bao nhiêu bạn bè cả hai bên đã nằm xuống trong cuộc chiến dai dẳng này. Là một sĩ quan cao cấp trong quân đội miền Nam, nhưng Lưu Kim Cương đến với anh không phải bằng chức tước hoặc uy quyền mà bằng tấm chân tình, xuất phát từ lòng ngưỡng mộ một người nghệ sĩ trẻ. Nhiều lúc muốn gặp anh, Lưu Kim Cương phải cho một chiếc xe quân sự đi tìm, vì biết chẳng những anh không bao giờ tự ý đến gặp ông, mà còn vì lý do anh tránh đi lại nhiều để khỏi bị rắc rối do tình trạng trốn quân dịch.
              Có lần Lưu Kim Cương đã đề nghị tặng anh danh hiệu “sĩ quan không phi hành” để khỏi bị những rắc rối với quân cảnh ngoài đường phố. Nhưng anh đã nhẹ nhàng từ chối với lý do thoạt nghe rất buồn cười: “Lỡ gặp phải sĩ quan nào cao cấp hơn muốn làm khó dễ bắt phải chào mà mình không thích chào thì còn …. rắc rối hơn”. Tính khí khái của anh khiến họ Lưu càng quý trọng hơn, ngược lại anh cũng rất mến Lưu Kim Cương vì mối chân tình ấy. Sau năm 1975, khá nhiều bạn bè anh rời khỏi đất nước. Bù lại, anh có thêm một số bạn từ miền Bắc vào, như các nhà văn Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Quang Sáng; các nhà thơ Xuân Diệu, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, rồi nhà phê bình nghệ thuật Thái Bá Vân hay nhà nghiên cứu Hoàng Thiệu Khang …Tất cả đều đã biết tiếng tăm Trịnh Công Sơn qua những ca khúc vang vọng khắp hai miền đất nước trong thời kỳ chiến tranh, nay họ đến tìm anh và trở thành những người bạn mới. Rồi anh gặp Nguyễn Tuân và cả hai nhanh chóng trở thành đôi bạn vong niên.
              Nhà văn lão thành đánh giá cao ca từ trong những nhạc phẩm của anh, mà một người giàu chữ nghĩa như ông vẫn cho rằng khó có thể tìm thấy ở một nhạc sĩ khác. Còn anh nể nang Nguyễn Tuân về phong cách hào sảng, lúc nào cũng lịch sự, nho nhã. Những lúc cùng ngồi với nhau bên ly rượu, anh luôn say sưa lắng nghe người bạn già kiến thức vô cùng phong phú này ca tụng những món ăn ngon khắp cả ba miền đất nước. Mấy năm sau, anh có thêm một người bạn vong niên là nhạc sĩ Văn Cao, bậc đàn anh mà lâu nay anh vẫn mong ước được gặp mặt. Lần đó anh ra Hà Nội tham dự một đại hội âm nhạc và đã bỏ về nửa chừng để đến thăm Văn Cao đang ngã bệnh. Yêu tài và mến đức nhau, cả hai chóng trở nên thân thiết mặc dù tuổi tác khá cách xa. Với thời gian, Nguyễn Tuân rồi Văn Cao lần lượt ra đi. Anh gặm nhấm những tiếc thương trong lòng. Nhưng cái chết khiến anh bị chấn động nhiều là của anh Hoàng Thiệu Khang. Anh Khang chuyên về mỹ học nên thường cùng anh luận bàn về cái đẹp, những điều nên thơ trong cuộc sống. Gần như chiều nào anh Khang cũng ghé nhà chuyện trò với anh Sơn một lúc sau giờ làm việc.
              Có hôm rảnh rỗi anh ngồi đến khuya, nhờ đó anh Sơn có dịp vẽ cho anh một bức chân dung. Tuy quen nhau chưa đầy mười năm, nhưng tình thân giữa hai người càng ngày càng sâu đậm. Buổi chiều hôm ấy anh Khang điện báo tin bị mệt nên không đến chơi. Chứng huyết áp – căn bệnh nguy hiểm mà anh vẫn rất coi thường – đã quật ngã anh ở cái tuổi mới trên 60. Khi nghe tin dữ, anh Sơn ngồi bất động hàng giờ trên chiếc ghế bành trong phòng khách, nhìn mãi lên chiếc máy lạnh trên tường mà không tin rằng bạn mình đã vĩnh viễn không còn. Chiếc máy lạnh này anh Khang vừa đem đến đổi chiếc máy cũ cho anh Sơn không lâu. Một sự ra đi khác cũng khiến anh hụt hẫng là cái chết của Thái Bá Vân, người chỉ hơn anh khoảng vài tuổi. Thái Bá Vân vào tìm anh Sơn không bao lâu sau ngày đất nước thống nhất. Tuy Hà Nội - Sài Gòn cách trở, thỉnh thoảng anh Thái Bá Vân mới vào Nam, nhưng mối giao tình vẫn ngày càng thắm thiết. Đôi khi nhớ bạn, anh Sơn gửi vé máy bay mời bạn vào chơi. Mỗi lần hội ngộ, rượu không bao giờ vơi, chuyện nói với nhau không bao giờ cạn. Hôm được tin Thái Bá Vân qua đời, anh Sơn cũng đã ngồi hàng giờ trước ly rượu với một nén nhang và chiếc ly thứ hai bên cạnh dành cho người quá cố.



              Lúc này, khi đã bước vào độ tuổi tri thiên mệnh, những mất mát thật là một gánh nặng vì hơn bao giờ hết anh rất cần có những người bạn tâm giao. Nếu thời kỳ trước năm 1975 có rất nhiều người thuộc mọi giai cấp, kể cả những quan chức, tướng lĩnh của chế độ cũ yêu thương anh bằng một tình bạn thuần túy, thì thời kỳ sau năm 1975 cũng có rất nhiều người thuộc đủ thành phần trong xã hội ngưỡng mộ tài năng mà yêu mến Trịnh Công Sơn với sự chân thành. Nhưng những bạn bè cũ đã ra đi thì không biết được gì về đời sống của Trịnh Công Sơn sau ngày đất nước thống nhất, ngược lại những người bạn mới lại không biết rõ cuộc đời anh trước đó. Những lúc buồn, anh hay để tâm trí quay về thời còn trẻ và chỉ ước ao có được một người bạn thuở xa xưa bên cạnh để cùng nhau tâm sự, nhắc nhở những kỷ niệm đã qua. Bạn bè cùng thời không còn lại bao nhiêu, Bửu Chỉ, Bửu Ý đều ở cả ngoài Huế, Đinh Cường thì xa xôi cả nửa vòng trái đất, Bùi Giáng giờ đây đã không còn. Nhưng nếu có Bùi Giáng thì chắc cái huyên náo không ngừng của thi sĩ độc đáo ấy cũng sẽ làm cho anh thấy mệt mỏi. Ở tuổi 50, anh cần sự tĩnh lặng.
              Những lúc cảm thấy quá cô đơn, anh thường bắt điện thoại gọi bất cứ người nào quen biết. Rất may, những bạn trẻ như Phạm Phú Ngọc Trai, Huỳnh Thiện, Huỳnh Phi Long, Sâm Thương… lúc nào cũng sẵn lòng bỏ thì giờ để đến với anh. Tuy hầu hết không phải là nghệ sĩ nhưng họ đều quý thương anh, xuất phát từ lòng ngưỡng mộ ban đầu và về lâu dài chính là từ sự trải lòng của anh đối với bạn bè.Trong số này, có thể nói Phạm Phú Ngọc Trai là người có nhiều kỷ niệm nhất với anh Sơn. Dù chỉ hơn 10 năm quen biết, anh đã xem Trai như một người bạn thâm giao, còn Trai quan tâm chăm sóc anh chẳng khác nào ruột thịt. Những dịp đang viễn du xứ người, bận rộn đến đâu anh cũng dành thì giờ viết thư về cho Trai, dù chỉ vài dòng thăm hỏi. Nhìn bức chân dung anh vẽ cho Trai, mọi người có thể thấy được tình cảm anh đối người bạn này. Xưa nay anh ít khi viết nhạc cho một người bạn trai, nhưng “Sóng về đâu?” là bản nhạc anh Sơn viết tặng riêng Trai. Đó là vào một buổi tối trên bãi biển Nha Trang, trong tiếng sóng vỗ ầm ì vào bờ cát anh tưởng như nghe được tiếng thở dài của người bạn trẻ đang đương đầu với con sóng lớn của cuộc đời. Anh lâm râm niệm một câu kinh Bát Nhã: Yết đế, Yết đế, Bala yết đế, Bala tăng yết đế, Bồ đề, Tát bà ha ! Và thầm thì với biển: “Biển sóng, biển sóng, đừng xô (bạn) tôi, đừng xô (bạn) tôi ngã dưới chân người”.
              Bình thường trong bữa ăn, Huỳnh Phi Long lúc nào cũng được anh quan tâm. Bất cứ lúc nào anh cần sự có mặt của một người bạn bên cạnh chỉ để nói chuyện gẫu, thì Sâm Thương hay Lữ Quỳnh đều sẵn sàng có mặt. Cũng có những người bạn rất thân nhưng lại không thường gặp nhau dù cùng ở trong một thành phố. Họa sĩ Nguyễn Trung chẳng hạn. Anh quý chất nghệ sĩ thực sự của người bạn tài hoa này và vẫn tán dương vẻ sang trọng của tranh Nguyễn Trung, kể cả tranh trừu tượng. Ngược lại, Nguyễn Trung nhận định dù không được đào tạo chính quy nhưng Trịnh Công Sơn là một họa sĩ đích thực, chưa kể chính nhờ không qua trường lớp mà anh có thể đưa lên khung vải những ý tưởng của mình một cách tự do. Hoặc những giao tình của anh với những bạn bè như Trần Trọng Thức, Lý Quí Chung, Nguyễn Công Khế, mà mỗi lần nhắc đến họ anh đều bày tỏ lòng quý mến sâu sắc.



              Trong những ngày sức khỏe anh kiệt quệ, không thể tự lo cho mình được, thì các em trai em gái trong gia đình thay nhau chăm sóc anh. Nhưng thỉnh thoảng, anh cũng thuận để cho Huỳnh Thiện đút cơm, cho thấy anh rất quý thương người bạn trẻ này. Ngược lại Huỳnh Thiện lúc nào cũng hết lòng vì anh. Anh luôn luôn tỏ ra thân ái và lịch sự với tất cả mọi người, ngay từ lần đầu tiên gặp gỡ. Có lần sau buổi thăm viếng, một thanh niên trẻ đã xúc động nói: “Em không ngờ lại có ngày được ngồi đối diện với chú Sơn và được chú chuyện trò như một người bạn”. Trịnh Công Sơn là như thế. Mặt khác, anh cũng chịu khó chia sẻ với bạn bè, chẳng hạn người ta có thể bắt gặp - trong một góc quán nước nào đó dưới phố - anh ngồi yên lặng chăm chú lắng nghe người bạn tên Xu tâm sự. Còn Đoàn Khoa vẫn giữ một kỷ niệm đẹp với anh Sơn từ khi người đạo diễn này còn chưa thành danh.
              Trong lần gặp gỡ tình cờ tại một quán nước, Đoàn Khoa được giới thiệu với anh Sơn. Hôm ấy Khoa khiêm tốn ngồi im lặng bên ly nước cam lắng nghe câu chuyện rôm rả giữa những bậc đàn anh. Sau đó mọi người kéo nhau về nhà anh Sơn tiếp tục vừa uống rượu vừa trò chuyện. Anh Sơn bảo người nhà đi mua một chai nước cam cho Đoàn Khoa, vì anh chú ý nãy giờ chỉ mình chàng trai trẻ ấy không uống rượu. Điều này khiến Đoàn Khoa hết sức xúc động và nhớ mãi không bao giờ quên. Không phải chỉ với Đoàn Khoa anh Sơn mới tỉ mỉ như thế mà đó chính là tính cách của anh. Khi nghe bạn bè kể việc một đại gia có căn nhà to lớn lộng lẫy, anh trầm trồ thán phục; nghe nói về một người tài năng xuất chúng trong bất cứ lãnh vực nào, anh đều lấy làm thú vị; ai đó bàn chuyện một doanh nhân thành công giàu có ức triệu, anh cũng lắng nghe.
              Nhưng khi chính những nhân vật đó ngồi trước mặt thì anh cư xử với họ niềm nở và thân tình không khác bất cứ một người bạn nào lâu nay vẫn thường đến chuyện trò với mình. Có lần một người bạn ở xa lâu ngày không gặp, khi về nước đã mời anh đến nghe buổi nói chuyện về một đề tài triết học khá mới mẻ. Hỏi cảm tưởng của anh sau khi tham dự buổi nói chuyện này, anh cười: “Trong hàng ngàn câu chuyện lạ lẫm mà họ nói, dẫu sao mình cũng thu lượm được một vài điều chưa biết”. Anh Sơn là như thế, lúc nào cũng khiêm tốn và chịu lắng nghe, lại luôn luôn nhã nhặn, lịch sự với mọi người. Ngay cả với bạn bè thân thiết nhau lâu năm, hiếm khi thấy anh mặc áo quần ngủ để tiếp khách đến chơi nhà. Hồi trẻ, anh Sơn vẫn thích rày đây mai đó để có cơ hội gặp gỡ nhiều người. Ở cái tuổi cần có bạn bè nhất anh lại ít di chuyển vì sức khỏe không cho phép. Nhưng vẫn không thể thiếu bạn bè. Thường gọi điện mời anh Tương Lai đến để thảo luận về một suy nghĩ mới. Hay vui vẻ lắng nghe Thanh Tùng hát một đoạn nhạc vừa mới sáng tác. Thú vị với một Mạnh Đạt với cây accordeon – đôi lúc làm phiền giấc ngủ hàng xóm – biểu diễn vài ca khúc anh đã sáng tác từ rất lâu mà chính anh cũng đã quên.
              Cảm thấy êm ả với tiếng kèn saxo thổi bài “Hạ trắng” hay “Tiến thoái lưỡng nan” ngay khi Mạnh Tuấn chưa bước chân hẳn vào nhà. Đôi khi có khá nhiều người biết chơi piano ngồi quanh, nhưng những lúc hát cho bạn bè nghe ở nhà thì anh chỉ muốn kiến trúc sư Trần Minh Tâm hoặc Bùi Thân Thiện Khanh đệm đàn cho mình. Trong những ngày không thể uống rượu được nữa, anh vẫn bảo người nhà chuẩn bị sẵn sàng nước đá và soda cho bạn bè sắp đến chơi, rồi thoải mái ngồi nhìn Huỳnh Phi Long, Từ Huy, Bảo Phúc … nhấm nháp chút rượu. Không được uống rượu thật là một hình phạt đối với anh. Một điều chắc chắn là lúc nào anh cũng thèm rượu như thèm bạn bè. Nhưng rượu thì có thể đành đoạn dứt bỏ, chứ bạn bè thì không. Đó là một trong những tiến thoái lưỡng nam của anh, bởi vì dù không phải bạn bè đến với anh chỉ nhằm mục đích uống rượu, nhưng rượu là thứ không thể thiếu lúc họ ngồi với nhau.
              Bửu Chỉ khi quá chén thường ăn nói bừa bãi đôi khi làm nhiều người không vui, nhưng riêng anh chỉ ngồi cười. Bởi dưới mắt anh đó không phải là một đệ tử lưu linh đang say mèm mà vẫn là một Bửu Chỉ từ hơn 20 năm qua lúc nào cũng ở cạnh anh, người từng cắm cúi vẽ minh họa cho các tuyển tập Kinh Việt Nam, Ta phải thấy mặt trời của anh mấy chục năm về trước. Ngày mồng một tháng tư, Bửu Chỉ đã từ Huế bay vào gục trên quan tài anh mà khóc như một đứa trẻ. Giờ thì họ đã hội ngộ ở nơi xa xôi ấy. Anh không cần phải rót một ly rượu để tưởng nhớ người đã khuất. Kể cho hết những bạn bè của anh Sơn, thực chẳng phải dễ dàng. Còn biết bao nhiêu người bạn trong mọi lãnh vực, tuy không thường đến với nhau, nhưng luôn luôn giữ lòng thương yêu ngưỡng mộ đối với anh. Bởi dù họ có kém anh mười lăm mười bảy tuổi, anh cũng đều gần gũi. Hay lớn hơn mười lăm mười bảy tuổi, cũng là bạn vong niên tri kỷ. Nguyên tắc của Trịnh Công Sơn là hễ ai thương yêu mình thì mình cũng quý trọng người đó. Thật ra, trong đời anh cũng gặp phải vài người bạn bỗng nhiên trở mặt. Và anh cũng đã từng từ chối mời rượu một người trước đó vốn rất thân thiết. Anh cũng có lần sắp sửa hạ bút ký tên trên một bức thư gửi cho bạn bè tuyên bố chấm dứt quan hệ với một người bạn thân khác.
              Anh lại từng phàn nàn về một người bạn tưởng rất thân thiết không ngờ đã ngỏ ý không muốn thấy anh ngồi thản nhiên uống rượu trước mặt họ. Nhưng cuối cùng anh lại thở dài với hai chữ “thôi kệ” quen thuộc, để rồi nhanh chóng quên đi những muộn phiền và không bao giờ giữ mối hiềm khích trong lòng. Cũng như chẳng bao giờ anh có thể đoạn tuyệt với người nào trước đây đã từng là bạn. Anh có thể nuốt vào lòng một nỗi đắng cay để sau đó hồn hậu nở một nụ cười nhân ái với mọi người. Đó chính là tính cách Trịnh Công Sơn. Vô chiêu thắng hữu chiêu. Những người đã có lúc làm anh phiền lòng, vì nhiều lý do – đôi khi chỉ vì chút danh vọng hảo – lại quay về với anh.
              Không bao giờ anh nhắc đến chuyện cũ. Nếu tình yêu là một thứ hạnh phúc thì bạn bè là một nhu cầu quan trọng trong suốt cả cuộc đời anh. Khi tình bạn đạt đến mức sâu sắc cao độ thì giữa Lưu Chính Phong và Khúc Dương chẳng còn nhìn nhau là tà hay là chính, sự khác biệt đã được hóa giải giữa hai tâm hồn đồng thanh, đồng điệu, đồng cảm để chỉ còn lại một khúc Tiếu ngạo giang hồ thâm sâu tri kỷ, không phân biệt tuổi tác, không câu nệ vị trí xã hội hay tài năng.
              Hoàng Tá Thích

              tuoitre.com.vn, 05-04-2007
              Bạn Gần Không Tới........Bạn XA Chưa Về.......

              Comment

              • #8

                Bùi Giáng và Trịnh Công Sơn

                Ngô Văn Tao, Tết Đinh Hợi, 2007.

                Bùi Giáng bản chất là nhà thơ. Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ nhưng lời ca rất thơ. Hai nghệ sĩ, với sự nghiệp trải dài từ những năm 60 cho đến tận cuối thế kỷ thứ 20, cùng chìm đắm trong nghệ thuật. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (TCS) làm thơ rất nhiều và đặc biệt những năm cuối đời say mê vẽ: ký hoạ và vẽ sơn dầu những bức chân dung thơ mộng. Ngoài là nhà thơ, thi sĩ Bùi Giáng (BG) còn là một tư tưởng gia. Ông đã nhận định cùng với M. Heidegger rằng thi ca và nghệ thuật mới thật là “bản thể” của vũ trụ hiện sinh con người (chứ không phải lý tính, khoa học, lý luận cò ke đo đếm một hai). BG cũng đã từng vật lộn với “cái cọ sơn dầu” (nhưng gần như thôi hẳn, chỉ còn nâng cọ một đôi khi từ năm 1967, sau một trận hoả hoạn cháy tan nhà trọ với những bức tranh của nhà thơ). Và bức tranh mực màu trên giấy: “Quê chàng là Ithaque” - một trong hai ba bức tranh may còn lưu lại – đã chứng tỏ tiềm năng nghệ thuật thật sự của nhà thơ.
                Nghệ thuật của BG và TCS có chung một điểm là sự hồn nhiên lãng mạn trước cuộc đời. Mọi sáng tác nghệ thuật của TCS, những câu ca, một bài thơ hay một bức hoạ, đều tràn trề tình cảm sống thật của chính mình, nuối tiếc một mối tình, nhớ thương một người thân, đau lòng trước sự phù du của đời người, tiếc thương mạng sống mong manh quý báu giữa cái tàn bạo của chiến tranh (TCS đã nhiều năm trốn lính). Những áng văn thơ của BG suy tư sâu xa, khó hiểu hơn, nhưng thật cũng vô cùng hồn nhiên lãng mạn: hồn nhiên lãng mạn trong cái bay bổng ngôn từ say mê diễn giải tư tưởng đến tự bốn phương, say mê sống tràn trề trong vũ trụ hiện sinh của chính mình. Cái đặc điểm rõ nhất là hai nghệ sĩ, hai nhà thơ của chúng ta, là họ đều rất thân thuộc với thể thơ lục bát của thi ca Việt Nam : một thể thơ tự nó, với truyền thống của ca dao và của Nguyễn Du, có nhịp điệu bình dị thi ca, dàn trải tình tứ. Trong thơ BG thì những nét này đã rõ. Còn ở TCS, ngoài những bài hát đều hàm chứa chất thơ, thơ TCS thường là thơ tự do, tự nó có vần điệu và nhịp hát không bắt buộc phải theo một luật âm vận nào, nhưng một phần lớn cũng là những bài thơ lục bát, hai hay bốn câu, hồn nhiên tràn trề tình yêu hay lãng mạn tình cảm:

                Mùi hương má cũ muộn màng
                Ghé môi tư lự nỗi bàng hoàng xưa
                Nắng phai lời giã biệt từ
                Nhớ thêm một chút hương mù mịt xa
                (TCS, Montréal, 17.5.1992)
                Trong những năm 60, thời mà BG với “Mưa nguồn”, TCS với những bài ca tình yêu và phản chiến bắt đầu sôi nổi trong đời sống văn nghệ, còn có một trường phái văn nghệ đáng kể: “Nhóm Sáng Tạo”. Nhóm Sáng Tạo gồm nhiều văn nghệ sĩ. Trong hội hoạ - theo tôi biết - có Thái Tuấn, Ngọc Dũng, trong văn thơ phải nói tới Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên, Cung Trầm Tưởng... Nhóm văn nghệ sĩ này có lẽ đầu tiên theo thuyết hiện sinh của J.P. Sartre, nhưng về sau cốt yếu là canh tân, hay nói một cách khác sâu xa hơn, họ chính là tiền thân của những nhà văn thơ “hậu hiện đại” của Việt Nam. Nhưng nhóm Sáng Tạo có một lịch trình suy tư lý thuyết, có một bối cảnh lịch sử rõ rệt, tranh đấu chống lại Chủ Nghĩa Xã Hội, chống lại “Đề cương Việt Minh – Văn nghệ vị nhân sinh, hiện thực xã hội chủ nghĩa” (Trường Chinh). Nhóm này thân thuộc với BG, mà BG cũng rất tâm đắc với lý thuyết thi ca nghệ thuật hiện tượng học của Hiedegger, triết lý tư tưởng tiền bối của thuyết hiện sinh. Đại diện cho nhóm Sáng Tạo chính là Mai Thảo và Thanh Tâm Tuyền. Mai Thảo là tiểu thuyết gia duy mỹ chủ thể hình thức. Thanh Tâm Tuyền viết văn và làm thơ với lập trường lý thuyết. Dĩ nhiên là nhóm Sáng Tạo xa lánh TCS, mà nghệ thuật lời ca hồn nhiên bình dị đi thẳng vào lòng quần chúng. Tôi nhớ mãi bữa cơm chiều (Bún Bò Huế) mà hai vợ chồng hoạ sĩ Đinh Cường đãi Thanh Tâm Tuyền, TCS và tôi tháng 5 năm 1988 ở một chung cư tại Sài Gòn. Tôi nhớ mãi cái bữa gặp gỡ tẻ nhạt, bầu không khí nặng nề Thanh Tâm Tuyền không nói thẳng với TCS một lời. Sau rồi tôi biết Thanh Tâm Tuyền đã bị cầm giam mấy năm trời trong trại cải tạo của nhà nươc xã hội chủ nghĩa, trong khi TCS năm ấy đã là uỷ viên trong ban thường trực của “Hội Nhạc Sĩ thành phố Hồ Chí Minh”. Khi TCS đi thăm Canada 1992, những văn nghệ sĩ Việt Nam lưu vong, thường tự nhận là thuộc nhóm Sáng Tạo, công khai cách ly TCS. Nếu không nói tới sự khác biệt trong quan niệm nghệ thuật, theo tôi nghĩ tất cả đã hiểu lầm nhau. Bài ca “Em còn nhớ hay em đã quên” chẳng hạn, với câu “em ra đi nơi này vẫn thế” (mà theo đám văn nghệ sĩ lưu vong đáng nhẽ phải nói rõ rằng “nơi này đã thành một chốn đoạ đầy lao ngục”), không nói gì khác là đau lòng nhớ thương các em gái của mình (đã liều lĩnh lên thuyền ra đi tị nạn) và nhạc sĩ vẫn thầm tự nhủ rằng cái cõi tạm đen tối này tuy nhiên bao giờ cũng thế với thiên nhiên với tình người dù dưới áp chế của bất cứ một sức mạnh nào (mà thật vậy, Sài Gòn ngày nay với kinh tế tư bản thị trường đâu còn khác Sài Gòn của ngày xưa!).






                Giữa BG và TCS trái lại có một thâm tình tương giao thị tôn kín đáo. Cũng trong tháng 5 năm 1988, tôi còn giữ một kỷ niệm không bao giờ quên. Một buổi chiều, TCS đãi một bữa cơm rượu vodka dưới gốc cây si ở nhà Trịnh Xuân Tịnh, em trai cuả nhạc sĩ (cái biệt thự thời Tây mà nay là quán ăn Ba Miền của Sài thành). Bữa cơm cốt để cho tôi làm quen với BG:

                Chịu chơi Hộ Trịnh Công Sờn
                Cửa trời rộng mở rập rờn hoàng hoa
                Chào nhau giữa những vốc-ka
                Liên Xô số dzách ngộc ng
                ...
                (Bùi Giáng, 5.1988)

                Đó là mấy câu thơ Bùi Giáng viết trên bức ký hoạ TCS vẽ chân dung BG ngay chiều hôm ấy! Một chân dung sâu sắc, lộ hết tinh thần của nhà thơ, tài nghệ vượt hẳn các chân dung người ta vẽ BG mà chúng ta thường thấy. Chính bữa cơm rượu từ đó đã mở cho tôi cả một hành trình dài học hỏi tràn trề cảm hứng, giao lưu thâm tình đàm thoại với BG suốt mười năm, cho đến tận khi nhà thơ rời bỏ cõi đời. Mười hai giờ trước khi đột quỵ, BG tuy rất yếu, vẫn để lại cho tôi ba câu thơ, ba câu đó đã được khắc trên bia bên mộ nhà thơ:

                Đương thì nhật nguyệt trôi qua
                Tha hương cố quận lạc hoa một nhành
                Trường miên nguyện ngủ dưới ngành tùng trăng
                (14 tháng Tám Mậu Dần -1998) (phỏng dịch ba câu Hán Tự Hài Cú: Nhật nguyệt đương thì quá/ Tha hương cố quốc lạc chi mai/ Tùng hạ nguyện trường miên- NVT).


                Cũng trong mấy tháng hè năm 1988 đó, nhân sẵn có tôi, BG thường lại ăn cơm trưa uống rượu vang đỏ ở sân nhà của TCS. Ở TCS, tôi thu nhận sự trầm lặng suy tư thật lâu rồi mới hạ bút sáng tác của anh; và một khi sáng tác rồi, nếu đấy là một bài ca, TCS không ngần ngại hát đi hát lại mấy ngày liền, và cũng không đắn đo sửa chữa một vài nốt nhạc hay từ ngữ... Trái lại, BG một khi đã cầm bút thì tức khắc viết tràn lan như không suy nghĩ hay đúng hơn như mang sẵn trong tâm trí từ lâu rồi cả một kho tàng tư liệu văn chương triết lý, giờ chỉ cần cho ý thơ và tư tưởng tự tuôn trào. Tôi nhớ một sự kiện điển hình: một lần, tôi nhờ nhà thơ đề tặng TCS một quyển thơ, BG không một giây suy nghĩ, hạ bút viết ngay trên trang nhất những chữ Hán tượng hình:

                Ngã hữu thốn tâm vô dữ ngữ
                Trùng lai sơn hạ Quế giang thâm
                (Nguyễn Du) (Tôi có chút tâm tình không đủ lời giãi tỏ, xin trở về như sông Quế nằm sâu dưới chân núi (Sơn)).

                Hai nghệ sĩ tài danh của chúng ta vừa có những điểm chung và cũng có những khác biệt rất riêng. Trước hết là BG và TCS đều có quan niệm rằng nghệ thuật không thể ẩn dụ một lý thuyết nào - trái ngược với nhóm Sáng Tạo, khi cho rằng nghệ thuật phải là tư duy nằm ngoài thời sự, ngoài những chuyện nhân sinh tức thời hay những xu thế thời thượng. Người nghệ sĩ phải có hoài bão vượt thời gian, tìm về cái uyên nguyên vĩnh hằng của con người như tình yêu, khắc khoải, cô đơn và vị tha, tự cảm nhận sự khiếm khuyết trong thân phận làm người. Người nghệ sĩ phải biết thương cho những kẻ sa đoạ, khóc cho những người ngã ngựa, phủ nhận những chiến công... BG thường tự nói:

                Quan tâm ngày thu lượm
                Bàng quan với ngày mai thế sự
                (BG dịch René Char).
                Những bài ca phản chiến của TCS tưởng là nói đến chiến tranh nhưng sự thật là nói về cái khát vọng hoà bình thân ái của con người sống với đau khổ và chết chóc tang thương.Trong những bài ca của TCS không có thù và bạn, những chọn lựa này chỉ có tính cách giao thời, thay biến mỗi khi chúng ta nhìn lại lịch sử. BG mãi mãi là hành giả chân đất, áo quần tả tơi lang thang ngoài ước lệ xã hội của con người, lững thững qua các thời đại. TCS, trái lại, chấp nhận dửng dưng vui chơi hoà đồng, nên vì thế biết rõ mặt trái không hay ho gì của những quân nhân, chính trị gia của miền Nam Việt Nam và cũng biết rõ mặt thật tham lam nhỏ nhen, bề ngoài đạo đức nhưng đầy tham muốn tiền tài danh vọng của những cán bộ quan liêu bàn giấy của cách mạng. Vì thế thái độ TCS có tính cách thoả hiệp với cuộc đời, cũng chỉ vì nếu một nghệ sĩ chân chính nhất định không chấp nhận những tục luỵ bi thương của con người thì gia đình anh cũng như chính anh sẽ không còn chỗ dung thân.

                Nghĩ cho cùng, có cả một hố sâu ngăn cách BG với TCS. BG chọn làm thi sĩ cùng với thảm kịch nhân sinh của thi nhân, của Phạm Thái xa lánh cõi đời:

                Ba mươi sáu tuổi là bao nả
                Năm sáu đời vua khếu chán ghê
                Một tập thơ sầu ngâm sang sảng
                Vài nai rượu kết ních tì tì ...
                (những câu thơ của Phạm Thái mà BG thường tự đọc lại),
                của Nguyễn Bính khi chết “miệng vẫn tòm tem thèm miếng cơm”
                (thơ của Trần Mạnh Hảo).

                Từ cuối năm 1988 – khi chính trị và kinh tế Việt Nam bắt đầu đổi mới, sự giàu sang được bộc lộ - TCS đã sống trong một thế giới xa hoa quyền quý mà không một nghệ sĩ Việt Nam nào từng được hưởng thụ. Nhưng trước khi sự giàu sang đến ngăn cách con người, BG vẫn thường bất chợt lui tới nhà TCS và được mẹ Sơn hay các em sẵn sàng đãi bữa cơm, chén rượu...Cái thời khó khăn vừa sau 1975 với cái nên thơ tình người, nhà thơ vẫn giữ những hồi tưởng êm dịu của sự bao dung nhân ái, hiền hoà thân thiết:

                Trịnh Công Sơn
                (...)
                Ồ bạn ạ! Ồ người ôi!
                Ai đi vô tận tôi ngồi ngu ngơ
                Chẳng bao giờ kể chẳng ngờ
                Rằng tình mộng tưởng không giờ xẻ chia
                Không từ sương sớm trăng khuya
                Không trăm năm cõi một rìa mép mao
                Tuy nhiên ngoài luỹ trong hào
                Còn rơi rớt chút hoàng mao A Đầu ...
                (B.G. trong tập “Vào chung cục thơ”). (hoàng mao A Đầu: con nhỏ hầu bên, với chỏm tóc vàng)

                Có thể nói, từ cuối năm 1988, BG không còn lui tới gặp TCS nữa. Nhất là từ ngày tang lễ mẹ Sơn năm 1991, các em Sơn đã có thái độ rất rõ : không cho nhà thơ của chúng ta tham dự sợ làm lạc bầu không khí tôn kính trang nghiêm với những quan khách hệ trọng. Việc này, tôi nghĩ, TCS đã không hề biết! Mãi đến năm 1994, với tập “Hán Tự Hài Cú” mà BG và TCS mỗi người phỏng dịch độ một trăm bài, tôi đã gián tiếp là sợi dây liên lạc giữa hai nghệ sĩ. TCS đã nhờ tôi đưa đến BG chỉ một câu tám chữ mà BG đã trả đáp bằng câu sáu chữ:
                (thì rằng)

                Trùng dương viễn biệt muôn vàn

                (ấy ai ấy ai)

                Ghé qua lục địa muộn màng hỏi thăm.
                Thật là mang mang một sự ngậm ngùi nhân thế! Tang lễ BG tháng tám năm Mậu Dần (1998), TCS đã đến lễ và hát trước linh cữu bài ca “Cát bụi”. Mấy tháng sau, nhân đọc bài hán tự hài cú:

                Thi nhân quy thiên khứ
                Lưu tồn điên đảo nhiễm trần ai
                Xử ngã sầu bất tận
                (NVT)
                TCS tức khắc viết ra bốn câu bảy chữ tưởng nhớ đến nhà thơ:

                Thi nhân vĩnh viễn chân trời ấy
                Đảo điên điên đảo bụi trần gian
                Từ ấy tôi buồn như cỏ dại
                Buồn vì một chút bụi lang thang
                (TCS, 9.5.1999)


                Vào Tết Đinh Hợi
                Ngô Văn Tao
                Đã chỉnh sửa bởi GRANDET; 22-07-2009, 10:41 AM.
                Bạn Gần Không Tới........Bạn XA Chưa Về.......

                Comment

                • #9

                  Trịnh Công Sơn và chân dung của Diễm xưa

                  "Tôi uống tách cà phê sáng, ngắm nhìn bức tranh Trịnh Công Sơn tự họa năm 20 tuổi. Bỗng nhiên một khuôn mặt thiếu nữ chợt hiện, chợt mất sau chân dung anh", Tiến sĩ Nguyễn Công Phú kể về những kỷ niệm với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

                  Trong một chừng mực nào đó, tôi có thể được xem là một nhà kỹ thuật, một nhà khoa học, một nhà quản trị thành đạt trong con mắt của một số đồng nghiệp quốc tế. Sự thành công này có được cũng nhờ một phần nào đó ảnh hưởng của lời thơ, điệu nhạc, nét họa chấm phá của Trịnh Công Sơn, một người anh, một người bạn.

                  Điều này, khi anh nghe tôi kể, lúc tôi ngồi cạnh anh trong một buổi ăn trưa trầm lặng tại nhà anh, đem đến cho anh một chút gì vui lóe qua trong ánh mắt, qua nét mặt với nụ cười hiền hậu.

                  Tôi kể rằng hơn 30 năm nay tôi ròng rã nghe nhạc của anh. Lần đầu tiên tại Huế, một đêm mưa rét lạnh mùa đông, lúc tôi lên 17 tuổi. Tôi yêu thích liền lời thơ, điệu nhạc dung dị và bức tranh "nhạc", mặc dù phải thú thật là không hiểu gì cả. Thật ra tôi cảm nhận mơ hồ nhưng không biết diễn đạt là hiểu cái gì và như thế nào. Chỉ thấy là rất thích. À, vết lăn, vết lăn trầm..., đàn bò vào thành phố...

                  Và cứ như thế, tôi "nghe" nhạc anh, "gặm nhấm" lời thơ nhạc anh và "ngắm" những bức nhạc họa của anh những lúc uống cà phê buổi sáng, những ngày xuống đường, những đêm không ngủ và sau này, những lúc một mình lái xe cả 1.000 cây số trong đêm khuya ở những nơi rất xa quê nhà...

                  Nói là nghe mà rất nhiều lúc có âm có tiếng nhưng không để ý là mình có nghe hay không. Đôi lúc, bất chợt nghe lại một câu mà mình đã nghe biết bao nhiêu lần, lại tự nói: thế là mình "tưởng" nhầm rồi.

                  Đôi khi có dịp, tôi hỏi anh ý nghĩa các câu này là thế nào. Anh nhìn tôi với đôi mắt độ lượng nhưng hóm hỉnh trả lời: Thì là như ri... Tôi lại đáp lời: Vậy mà Phú tưởng như rứa... Anh lại cười và nói: Chắc là Phú có lý! Ừ cũng có thể là thế!

                  Anh cũng như các nghệ sĩ thiên tài để lại những tác phẩm của mình cho công chúng và công chúng với một sáng tạo riêng lại trở thành "tác giả" của một tác phẩm rất mới cho riêng mình - như câu "Hoa đào năm trước còn cười gió đông" là một bức tranh sống mãi với thời gian và tùy theo cảm nhận của từng người.

                  Hơn 30 năm, tôi chỉ có duyên gặp anh không đến 10 lần. Phần lớn là các buổi ăn trưa không quá một tiếng đồng hồ và không có rượu.

                  Thế nhưng anh rất đôn hậu đã cho tôi bức tranh Người con gái và ly rượu đỏ mà tôi hay ngắm lúc đến thăm anh. Và nhất là một đêm anh nhắn tôi đến chọn một bức tranh trong hơn mười bức tranh anh mới vẽ để cho bạn bè, phải thú thực là tôi muốn lấy hết! Nhưng có phải là một linh cảm chăng, tôi chọn một bức tranh tự họa không lớn không nhỏ, vóc dáng của Trịnh Công Sơn của thời 20 tuổi.
                  Bức tranh "Người con gái và ly rượu đỏ".

                  Sau đó không lâu anh đã ra đi. Và điều gì đã đến với tôi qua bức tranh tự họa ấy?

                  Có một buổi sáng, nắng mai xuyên qua hiên cửa chiếu vào bức tranh. Tôi uống tách cà phê sáng, nhìn Trịnh Công Sơn 20 tuổi. Bỗng nhiên một khuôn mặt thiếu nữ chợt hiện, chợt mất sau chân dung anh. Tôi khám phá, anh đã vẽ một chân dung của "Diễm xưa" chăng, rồi phết lên một lớp màu, sau đó vẽ chân dung thời xa xưa của mình. Bố cục "2 bức tranh" thật nhẹ như những bài tình ca của anh: hai đôi mắt nhìn nhau xa vời vợi.
                  Chân dung tự họa của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

                  Cảm ơn anh đã cho tôi những điều mà tôi cũng không biết, chỉ có cái duyên mới khám phá được một tấm lòng. Anh lại cho tôi một bài thiền - ly cà phê, ngắm tranh, nắng qua khung cửa, ô hay tưởng một mà hai! Nhưng không, tuy hai mà là một! Cũng như Diễm xưa và Trịnh Công Sơn - Diễm xưa Trịnh Công Sơn.

                  Tôi xin mạo muội trích ngang một bài thơ của một người bạn rất thân mà tôi có thể xem là tôi để kết bài tản mạn này. Mong là rất Trịnh Công Sơn và rất thiền!

                  "Trong nỗi nhớ mênh mang tôi mới hiểu
                  Tình và yêu chưa hẳn là tình yêu".

                  Tiến sĩ Nguyễn Công Phú
                  Giám đốc Á châu Tập đoàn APAVE Cộng hòa Pháp
                  .................................................. .................................................. ....................

                  VnExpress - Báo tiếng Việt nhiều người xem nhất

                  Trịnh Công Sơn thương một người để nhớ một người

                  * Bài viết của tác giả Tâm Quý/ Nguyễn Công Phú

                  Tôi có chút duyên để biết, ít nhất, “Một mình qua phố”, “Em còn nhớ hay em đã quên”, “Hai mươi năm xin trả nợ người, 1995” dành cho chỉ một người.

                  Trong cái tinh sương với tiếng nhạc phảng phất “ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại”, tôi ngẫm nghĩ anh Sơn sao hiểu mình thật sâu, thật lắng đọng để làm cho mình và để lại cho người những câu thơ nhạc vĩnh cửu, vĩnh hằng: “Đôi khi ta lắng nghe ta, nghe sóng âm u dội vào đời buốt giá. Hồn ta gió cát phù du bay về”.

                  Anh Sơn viết cho bao người yêu dấu mà cũng chính cho Anh. Mà chính viết cho Anh nên ai cũng cảm nhận được là của mình đấy. Gần đây, trước ngày kỷ niệm ngày Anh mất, có cuộc giao lưu về “Diễm xưa” với sự xuất hiện của “Diễm nay”. Có lẽ vì thế, có một người bạn, gọi là rất thân của anh Sơn, tuyên bố một cách không Trịnh Công Sơn tí nào, là “Trịnh Công Sơn “Thương và Yêu” những kiều nữ khác là để đi tìm hình ảnh DIỄM XƯA”.

                  Tôi tin là nếu Trịnh Công Sơn có mặt trong cuộc trò chuyện hàn huyên đó, anh ấy sẽ nói rằng, mỗi người, một lúc nào đó THẬT SỰ là PHẦN ĐỜI của tôi. Không có sự mượn hình bóng này để bắt lại hình bóng khác đâu. Vâng, tính nhân ái của Trịnh Công Sơn phải chăng là sự trân trọng, kín đáo nhẹ nhàng với “một quá khứ khép lại qua một bài ca thơ”.

                  Nhưng riêng “Hai mươi năm xin trả nợ người” vừa nói lên sự thống thiết của niềm đau “Tình xa” (1965-1975). Không chỉ hai mươi năm mà lại ba mươi năm! Mười năm tình xa để hai mươi năm xin trả nợ người. Và những câu kết của sự “trả nợ” này lại rất dịu dàng, kín đáo là “thương hoài” đã nối lại, như “hai mươi năm vẫn là thuở nào” để “nợ lại lần này trong cõi đời nhau”. Như Nguyễn Công Phú, một người bạn mà có thể xem như là “Tôi” đã viết gần đây, THƯƠNG hình như là phạm trù cuối đời mà TCS gần gũi nhất.

                  Để nói được, nợ trả hai mươi năm chưa đủ đâu. Mà thương quý đôi bên còn có ngày mai dài lâu, bây giờ thì lại muôn thuở rồi. Ít nhất là người của MỘT CÕI ĐI VỀ.

                  Ai, Trịnh Công Sơn vẫn quý vẫn thương. Mỗi “vẫn quý vẫn thương” không là một hằng số mà là biến số của từ THƯƠNG, một từ có rất nhiều cung bậc tùy theo tâm trạng, hoàn cảnh, thời gian, … Một điều chắc chắn, một hay hai, ba bài tình ca của Trịnh Công Sơn là liên quan đến một người! Và rất thật.

                  Sáng sớm nay, tôi hơi Đông - Ky - Sốt để “thay” Anh Sơn từ xa nói vọng về (xin người đọc hiểu cho chữ thay trong ngoặc kép, vì tôi là gì đâu mà dám thay Trịnh Công Sơn! Có chăng là cũng THƯƠNG tất cả người mà Trịnh Công Sơn thương, người trong chừng mực nào đó có thể là chị của mình!) là “những dòng sông nhỏ” rồi cũng ra đến biển khơi.

                  Khác chi, có một con sông nhỏ nào đó “bỏ đi” từ thượng nguồn, nhưng rồi vẫn mơ màng, quyến luyến để trước khi đổ ra biển lại không xa lắm phần còn lại của con sông lớn, Trịnh Công Sơn.

                  Tôi có chút duyên để biết, ít nhất, “Một mình qua phố”, “Cuộc tình nào đã ra khơi” (Tình xa, 1969), “Em còn nhớ hay em đã quên”, “Hai mươi năm xin trả nợ người, 1995” dành cho một mà chỉ một người mà không phải là DIỄM XƯA. Mà là … Theo tôi không nên gọi rõ tên ra. Như thế thật đẹp. Man mác, bàng bạc mà sâu lắng. Thương một người để nhớ một người.


                  XIN TRẢ NỢ NGƯỜI

                  Hai mươi năm xin trả nợ người
                  Trả nợ một thời em đã bỏ ai
                  Hai mươi năm xin trả nợ dài
                  Trả nợ một đời em đã phụ tôi

                  Em phụ tôi một đời bé dại
                  Thơ dại ra đi không nhớ gì tôi
                  Thơ dại ra đi quên hết tình tôi

                  Hai mươi năm em trả lại rồi
                  Trả nợ một đời xa vắng vòng tay
                  Hai mươi năm vơi cạn lại đầy
                  Trả nợ một thời môi vắng vòng môi.


                  Bao nhiêu năm em nợ ngọt ngào
                  Trả nợ một đời chưa hết tình sâu
                  Bao nhiêu năm em nợ bạc đầu
                  Trả nợ một đời không hết tình đâu

                  Em phụ tôi một đời bé dại
                  Thơ dại ra đi không nhớ gì tôi
                  Thơ dại ra đi quên hết tình tôi

                  Bao nhiêu năm bỗng lại nhiệm mầu
                  Trả nợ một lần quên hết tình đau
                  Hai mươi năm vẫn là thuở nào
                  Nợ lại lần này trong cõi đời nhau.

                  Trịnh Công Sơn

                  Còn đây là bản nhạc “Tình xa” chưa được đặt tên và làm cho....X.
                  Đã chỉnh sửa bởi vertumnus; 20-06-2017, 04:12 AM.
                  Hãy hướng về phía mặt trời mọc bóng tối sẽ khuất sau lưng anh.

                  Comment

                  • #10

                    MONG MANH TRONG CÕI TRỊNH

                    MONG MANH TRONG CÕI TRỊNH

                    Tôi biết đến nhạc Trịnh rất tình cờ: bể nước tắm của bọn học trò chúng tôi ở ngay phía sau nhà của một vị giáo sư, mỗi chiều sau giờ thể thao, chúng tôi tắm xong thường nán lại để nghe những ca khúc nhẹ nhàng thanh thoát vẳng ra từ ô cửa sổ. Sau tôi biết đó là album Sơn ca 7 bất hủ của Trịnh Công Sơn với những ca khúc diễm tuyệt qua giọng ca Khánh Ly: Diễm xưa, Hạ trắng, Tuổi đá buồn, Ru em từng ngón xuân nồng, Như cánh vạc bay, Cát bụi…Tôi bắt đầu tìm nghe và yêu quý nhạc Trịnh từ đó. Rồi cũng thật bất ngờ, khi lần đầu tiên tôi đi công tác Sài Gòn, đến tá túc nhà bà bác họ ở 47D Phạm Ngọc Thạch( tên cũ là đường Duy Tân, quận 3), thì nhà của nhạc sỹ ở 47C sát tường, cây xoài mọc phía bên nhà nhạc sỹ chín rụng sang mỗi bên một nửa; cây hoa giấy mọc bên này cũng bò sang cả bên 47C sum suê…Có nhiều lần tôi ra khỏi cổng cũng gặp nhạc sỹ đi ra, tôi cúi đầu chào, nhạc sỹ cũng cười nhẹ chào lại, nghĩ mình hậu bối, chữ nghĩa lỗ mỗ nên tôi cũng không dám cả gan làm quen một người mà đối với tôi như một tượng đài sừng sững. Tối tối, tôi hay ngồi lắng nghe tiếng đàn dương cầm, ghi ta, tiếng hát từ phía bên kia tường vọng sang. Bác tôi ở nguyên một toà biệt thự, rộng lắm, nên bà liền tận dụng một góc sân làm chuồng nuôi lợn. Một chiều, sau khi xong công việc tôi trở về, cả nhà chưa có ai về. Vừa mở cổng tôi nghe 9 con lợn, mỗi con hơn 1 tạ đang bị đói, thấy có người về liền đồng thanh réo lên thảm thiết, đinh tai nhức óc. Phía bên kia tường đang vọng sang tiếng dương cầm và bài hát “ Hà Nội mùa Thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ…”. Tối hôm đó tôi khuyên bác tôi nên bán đàn lợn đi với lý do vì bác tuổi cao sức yếu, nuôi lợn lại vất vả, lời lãi không được bao nhiêu. Bác tôi cũng nghe ra và gọi “ba toa” đến bán đàn lợn và không nuôi lợn nữa…

                    Có thể nói, ngay từ lần đầu tiên nghe, tôi đã yêu thích nhạc Trịnh. Rồi theo năm tháng, tôi cứ lặng lẽ nghe, hát, đàn những ca khúc ấy lúc vui vầy cùng bạn bè, lúc một mình, lúc vui, lúc buồn… cứ thế mỗi lần đều có những cảm nhận thật khác nhau. Có lẽ bởi nhạc sỹ đã nói lên được những cung bậc tình yêu, những thân phận, những sương khói, nắng mưa đời người trong cõi tạm, mang đậm chất Thiền…gửi gắm tình yêu, ru tình say đắm với một thông điệp “Sống tủ tế với nhau, yêu thương nhau thì không một mãnh lực nào làm ta gục ngã”. Qua đó, ai cũng tìm được một điều gì đó cho riêng mình. Vì vậy, người ta cứ nhớ, cứ hát, cứ phiêu du trong mênh mang, mênh mang - giai điệu Trịnh và tôi cũng không phải ngoại lệ.
                    Đã có nhiều nghiên cứu, nhận xét, đánh giá về nhạc Trịnh của nhiều học giả trong, ngoài nước. Mỗi công trình nghiên cứu, mỗi bài viết, mỗi tác phẩm đều có một cách tiếp cận khác nhau tạo nên bức tranh đa chiều, đa sắc màu về chân dung và tác phẩm của Trịnh Công Sơn. Riêng tôi, tôi đã cảm nhận thấy và yêu quý chất mong manh của nhạc Trịnh ( không biết gọi tên thế có chính xác không nữa): mong manh khói sương thời gian, mong manh kiếp người, mong manh tình yêu…
                    “ Những hẹn hò từ nay khép lại
                    Thân nhẹ nhàng như mây
                    Đoá hoa vàng mỏng manh cuối trời
                    Như một lời chia tay…”
                    ( Như một lời chia tay- TCS)
                    Hình ảnh phụ nữ trong nhạc Trịnh cũng rất mong manh “ gầy guộc nhỏ, như cánh vạc về chốn xa xăm”; “ vai em gầy đường xa áo bay…tay em dài gầy thêm nắng mai”; “ dài tay em mấy khoé mắt xanh xao”- những thứ mong manh đẹp đẽ, thanh khiết chẳng phải rất quý giá đó cần được nâng niu, giữ gìn, bảo vệ hay sao!
                    Cuộc đời người cũng mong manh phù du, là Cõi tạm, là ở trọ:
                    Ôi phù du
                    Từng tuổi xuân đã già
                    Một ngày kia đến bờ
                    Đời người như gió qua…
                    (Phôi pha)
                    Hay cuộc đời cũng mong manh như cát bụi:
                    Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi
                    Để một mai tôi về làm cát bụi
                    Ôi cát bụi mệt nhoài…
                    ( Cát bụi)
                    Hiện diện ám ảnh trong nhạc Trịnh là cái chết. Cái chết luôn ám ảnh nhạc sỹ. Suy cho cùng bởi ông quá yêu cuộc sống nên luôn luôn sợ mất nó- mất đi điều đẹp đẽ, quý giá nhất trong cuộc đời mà ông đã tìm thấy, là Tình yêu:
                    “ Bao nhiêu năm làm kiếp con người
                    Chợt một chiều tóc trắng như vôi
                    Lá úa trên cao rụng đầy
                    Cho trăm năm vào chết một ngày…”
                    (Cát bụi)
                    Hay:
                    “Sống từng ngày
                    Chết từng ngày
                    Còn sống một ngày là hẹn chết mai đây…”
                    (Buồn từng phút giây)
                    “ Sống có bao năm vui vui buồn buồn người người ngợm ngợm
                    Sống chết mong manh như thân cỏ hèn mọc đầy núi non…”
                    (Giọt lệ thiên thu)

                    Thế nhưng trong ca khúc “Một cõi đi về”, ông lại coi cái chết như là giải thoát, mới là vĩnh hằng, là một cuộc chia tay với Cõi tạm:
                    “ Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
                    Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
                    Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
                    Rọi suốt trăm năm một cõi đi về…”
                    ( Một cõi đi về)
                    Mỗi khi tâm trạng, ôm ghi-ta hát lên bài hát này tôi luôn cảm nhận được Cõi đi về của mình, có lẽ cũng không khác của Trịnh: Cuộc đời đến đây rồi đi về hư không là chuyện bình thường, là quy luật của tạo hoá, cuộc sống là khoảnh khắc, cái chết là vĩnh cửu. Thân phận con người thật là chóng vánh, ngắn ngủi, công danh, phú quý chỉ là phù du mà thôi…ngộ được những điều ấy ta sẽ thanh thản trước cái chết, để vui vẻ nơi Quán trọ- Đời người này:
                    “Con chim ở trọ cành tre
                    Con cá ở trọ trong khe nước nguồn
                    …Tôi nay ở trọ trần gian
                    Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời…”
                    (Ở trọ)
                    Trong các tác phẩm của Trịnh Công Sơn, người ta có thể dễ dàng nhận thấy nỗi ám ảnh về sự tàn phai, sự ra đi của thời gian mà con người không cách nào níu kéo lại được, như lá vàng phai, thu phai, ôm lòng phai tàn, mộng nhạt phai, lá vàng úa…Đối với con người, thời gian thường trôi qua quá nhanh, những điều tốt đẹp mà người ta cố gìn giữ níu kéo thì cứ thế mà phai úa, héo tàn…nên nhạc sỹ muốn dùng “bàn tay chắn gió mưa sang…”- Bàn tay không thể che được mặt trời, không thể chắn gió mưa, không thể níu kéo được sự tàn phai và cái chết. Kiếp sống là hữu hạn, là quy luật của tạo hoá. Cát bụi lại trở về cát bụi mà thôi…
                    Tình yêu trong nhạc Trịnh cũng mong manh lắm, bởi là tình yêu không trọn vẹn. Trong đời người ai chẳng từng đã yêu và được yêu, chẳng từng có những mối tình tan vỡ, chia ly… âu đó cũng là lẽ thường. Vì thế nên khi gặp những ca từ tình nhớ, tình phụ, tình sầu, tình xa, tình xót xa…ta có thể bắt gặp thân phận của mình…Người mà ta yêu dấu rồi một ngày cũng rồi cũng sẽ bay đi, bay vào miền hư vô miên viễn, không yêu, không ghét…Em hay ta rồi cũng phải rời bỏ cuộc đời trần gian hữu hạn, chật chội này thôi. Cuộc đời người so với thiên thu chỉ là một cơn gió phù du hư vô:
                    “ Ôi phù du,
                    Từng tuổi xuân đã già
                    Một ngày kia đến bờ
                    Đời người như gió qua…”
                    (Phôi pha)
                    Đó chẳng phải tính chất vô thường mong manh của đời sống con người trong Cõi tạm này hay sao! Và tình yêu cũng bị giới hạn trong không gian ấy mà thôi. Chính vì sự mong manh đó mà nhạc sỹ yêu cuộc sống, yêu con người hơn tất thảy và từ tình yêu đó tạo ra được những Đoá Hoa Vô Thường, những đoá Quỳnh hương thơm ngát, mãi còn lại với đời, với người.
                    Chúng ta thật may mắn khi được hưởng những hương thơm thanh khiết ấy.
                    Sắp đến kỷ niệm 10 năm Anh trở về Cát Bụi Thiên Thu Vĩnh Hằng( 1/4/2001- 2011), tôi viết những dòng này như một nén nhang thơm gửi tới Anh đang phiêu diêu ở cõi Xa Xăm nào đó./.
                    Hãy hướng về phía mặt trời mọc bóng tối sẽ khuất sau lưng anh.

                    Comment

                    • #11

                      Phi Dao 7 tháng 11
                      ... lời hẹn thề là những cơn mưa!!!

                      Trịnh nhạc sĩ có một bài hát nổi tiếng lắm, tựa đề là Tình nhớ. Bài hát buồn đến mức có thể gọi là đỉnh của buồn (Gloomy Sunday còn thua xa) . Từng chữ buồn, từng câu buồn, từng ý buồn, từng lời buồn... Tình nhớ thì chắc chắn là nói về chuyện nhớ một cuộc tình đã xa, hay nhớ một người đã xưa. Nhớ cái gì đã mất thì chắc chắn là phải buồn (cho dù cái đã mất ấy là
                      một cái ví với đầy đủ giấy tờ tuỳ thân bên trong, một chiếc xe cũ, một cái điện thoại mới, hoặc là một cuộc tình)
                      Nhớ một cuộc tình xa hay một người xưa thì có đến ngàn thứ để mà nhớ (đương nhiên phải trừ mấy người trí nhớ kém hoặc nhân cách kém ra, mấy người đó không có chỗ trong cơ thể để đựng nỗi nhớ). Tình càng lâu dài càng nồng thắm thì càng nhiều thứ để mà nhớ. Khả năng dùng chữ của Trịnh trong ca từ thì khó ai sánh kịp, nên từng câu từng chữ trong bài hát đều nói về nỗi nhớ một cách chính xác đến độ ai mà đã từng nhớ tình (xa) hay người (xưa) thì đều cảm thấy nao lòng khi nghe ca sĩ hát, bạn mình hát, hay chính mình hát cái bài hát này (ngay cả khi giọng hát của người hát có thể làm hàng xóm buồn... lòng dù chẳng nhớ ai cả!)
                      Cái câu đắt nhất trong bài hát có lẽ là cái câu mô tả về nỗi nhớ những lời người (xưa) hứa hẹn: "... từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ, ôi những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa." Bỏ qua cái yếu tố không được lãng mạn lắm là Trịnh có nhiều người yêu quá (đến độ nhớ một lượt cả mấy nàng), thì quả thật không có cái gì có thể làm cho người thất tình buồn đau buồn đớn bằng chuyện nhớ lại mấy cái lời hứa cái thời yêu thương còn tươi tắn mặn nồng. Lúc ngồi một mình đâu đó trong trần gian, cảm nhận nỗi nhớ ngấm vào lòng, ngấm vào tim, ngấm vào óc, ngấm vào máu vào thịt da... (tim và óc và máu thì còn hiểu được, lòng với da thì mắc mớ gì mà cũng ngấm vào không biết, chẳng ai suy nghĩ và cảm nhận bằng da với lòng cả!) , người ta thường nhớ về những lời mà người (xưa) đã hứa (mặc dù có khi mình cũng chẳng nhớ về những lời mình đã hứa dâu}. Các câu hứa thì chắc cũng na ná giống nhau cho dù đó là một cuộc tình thật hay cuộc tình giả (ấy, đừng vội nghĩ xấu, tình giả là tình trên phim với trong tiểu thuyết, chứ còn tình giả-dối thì không được tính là tình), tình ngắn hay dài, tình của trẻ con (đương nhiên không tính trẻ con học mẫu giáo rồi) hay của người cao tuổi.... Thường các câu hứa hay được nói nhất là "em (anh) sẽ yêu anh (em) suốt đời" hay "em (anh) sẽ yêu anh (em) mãi mãi" hay "em (anh) sẽ chỉ yêu mình anh (em) thôi" và một số câu nữa khác về ngôn từ nhưng ý cũng đại loại như thế. Lúc người đã xa tình đã qua thì mấy cái lời hứa này cũng... thăng hoa theo gió mà đi mất, để lại nỗi ngậm ngùi tức tưởi cho cái "người ngồi lại". Ngậm ngùi tức tưởi cứ như rằng tự cổ chí kim chỉ có mỗi mình thất tình, mỗi minh bị rơi vào quên lãng vậy.
                      Trở lại câu hát của Trịnh nhạc sĩ, cái hay ho thâm thuý là chuyện so sánh những người tình với "những dòng sông nhỏ" và những lời hứa với "những cơn mưa". Mưa và sông có điểm chung là... nước, mưa từ sông mà ra rồi mưa cũng trở về sông (hoàn toàn đúng định luật tuần hoàn của nước trong tự nhiên). Hiển nhiên sông mà muốn tồn tại thì phải có mưa, nếu không mưa sông cạn mất còn gì? Vì vậy, khi sông trôi xa thì phải mang những cơn mưa theo để mà tồn tại, cũng như người (xưa) đã ra đi thì phải mang cả những lời hứa hẹn theo (để còn hứa với người khác chứ!).
                      Dù vậy, cái điều đáng suy gẫm nhất là cho dù đã xa, những cơn mưa ngày xưa cũng là những cơn mưa có thật, đã tưới tắm để cây cỏ đâm chồi nẩy lộc, trổ lá nở hoa, để làm mát không gian... Cai ngày người (xưa) nói những lời hẹn thề đó, hẳn cũng đã nói từ gan ruột (viết đến đây thì đã rõ là mấy cái cơ quan trong cơ thể thứ nào cũng sử dụng để chứa tình yêu được hết, hèn chi người ta nói "yêu hết mình"), như là sông mang nước của chính mình làm thành những cơn mưa.
                      Thế nên, nghe bài hát này, đừng vội nghĩ là Trịnh đang oán trách những dòng sông. Có nhớ những dòng sông và tiếc những cơn mưa thì cứ, nhưng đừng để hận thù len vào tim gan phèo phổi lòng ruột thịt da của mình. Những điều đã xa cũng là những điều đã làm nên một phần đời trong quá khứ mà ở đó có dòng sông và những cơn mưa nào đó làm cho cuộc đời mát mẻ hơn, nhiều lá hoa hơn.
                      Nghĩ đến đây, thấy bài hát cũng không đến nỗi buồn lắm. Sự bao dung và trân trọng làm cho nỗi buồn nhẹ đi biết bao nhiêu.
                      Thôi thì sông cứ trôi đi nhé, và cứ mang những cơn mưa của sông theo cùng. Người ngồi lại một chút nhớ sông, nhớ mưa, rồi sẽ... đi tìm một dòng sông khác (chứ ngồi hoài ở bờ sông cạn khô thì không chết vì nóng cũng sẽ chết vì khát nước!).
                      Hãy hướng về phía mặt trời mọc bóng tối sẽ khuất sau lưng anh.

                      Comment

                      • #12

                        Bức thư tình tuyệt hay Trịnh Công Sơn gửi người yêu 16 tuổi

                        Dao Ánh khi 16 tuổi, đang là nữ sinh cấp 3 trường Đồng Khánh (Huế) đã là nàng thơ của Trịnh Công Sơn. Mối tình kéo dài từ năm 1964 đến 1967, chất chứa biết bao hoài niệm. Chúng tôi xin giới thiệu một bức thư tình tuyệt hay của Trịnh gửi Dao Ánh...





                        Ngô Vũ Dao Ánh (lúc 16 tuổi) và Trịnh Công Sơn thời trẻ (Ảnh do gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cung cấp)

                        Mối tình Dao Ánh và Trịnh Công Sơn đã được viết thành sách vừa xuất bản gần đây có tên “Trịnh Công Sơn- thư tình gửi một người”. Cuốn sách in hàng trăm thư tình Trịnh Công Sơn gửi cho Dao Ánh, mối tình kéo dài từ năm 1964 cho đến 1967. Lúc đó, Trịnh Công Sơn đang đi dạy trên B’lao (Lâm Đồng) mới 25 tuổi sau khi tốt nghiệp Sư phạm Quy Nhơn và Dao Ánh đang là cô nữ sinh 16 tuổi học tại Huế. Nhiều ca khúc nổi tiếng được Trịnh Công Sơn viết tay tặng riêng cho Dao Ánh trong thư như Còn tuổi nào cho em, Tuổi đá buồn, Mưa hồng...

                        Mới đây, bà Dao Ánh đã gửi tặng Gác Trịnh (Huế) bức thư tình của Trịnh Công Sơn gửi bà năm 1965. Trịnh Công Sơn với vốn ngôn ngữ tài hoa đã làm rung động tận tâm can bao nhiêu thế hệ nghe nhạc. Một lần nữa, những ngôn ngữ tài hoa ấy lại chảy tràn trên những trang thư tình lãng mạn.

                        Chúng tôi xin được trích đăng lại bức thư tình của nhạc sỹ tài hoa Trịnh Công Sơn (với sự đồng ý của ban quản lý Gác Trịnh) để những ai yêu mến Trịnh thêm một lần được chạm tới tâm hồn ông...

                        B’lao, 23 tháng 9/ 1965
                        Ánh
                        Buổi trưa anh không ngủ được nên lang thang ra phố. Mưa nhỏ rồi lớn dần đuổi anh về đây. Anh đang ngồi ở câu lạc bộ sát bờ hồ. Bờ hồ bây giờ đã điêu tàn lắm. Người ta đã chặt bỏ những cây khô sống bao nhiêu năm nay trong hồ. Có một vài chỗ nước rút xuống chỉ còn bùn đen.
                        Buổi chiều gió thật lạnh. Anh đã mặc áo ấm suốt ngày ở đây.
                        Anh nhớ Ánh lắm mà ngôn ngữ thì quá chật hẹp, quá cũ kỹ không chuyên chở nổi sự nhớ nhung này. Nên anh đã nói đã nhắc mãi mỗi ngày mà vẫn chưa đỡ nhớ tí nào.
                        Ngồi ở đây nhìn ra từng ô cửa kính rất lớn anh mơ hồ thấy mình như lạc về một vùng đất nào mới sơ khai. Cả thành phố chỉ xanh rì những cây cối và từng khoảng đất đỏ.
                        Hiện giờ ở Tỉnh đang có một buổi văn nghệ sẽ tổ chức vào cuối tháng. Anh phụ trách chương trình này nên bây giờ vẫn còn được rỗi rảnh không làm việc gì cho đến cuối tháng.
                        Anh nhớ Ánh lạ lùng đó Ánh. Mà Ánh thì chỉ mong anh chóng đi xa, anh nghĩ thế. Mùa thu hầu như không có trên miền này. Ở đó lá đã bắt đầu vàng chưa Ánh.



                        Bức thư tình Trịnh Công Sơn gửi Dao Ánh

                        Những bụi bờ dọc theo những con dốc đất đỏ ở đây anh vừa đi qua ban sáng và thấy lá của hoa mặt trời xanh um. Anh ngắt gửi về Ánh một ngọn. Hoa thì vẫn chưa nở. Có lẽ đợi hôm nào có mặt trời thì hoa mới bắt đầu hiện diện và cũng là mùa mà anh đã gọi là mùa sinh nhật của hướng dương.
                        Anh đang nhớ thầm về những buổi chiều thứ năm ở đó. Chỉ mới có vài ngày mà tưởng chừng như ngàn đời qua đi trên anh. Anh chợt nghĩ rằng cuộc đời buồn bã như thế này sao chúng mình không tha thiết với nhau hơn.
                        Những ai chưa bao giờ đi, chưa bao giờ sống qua nhiều nơi, sống qua những ngày mưa ngày nắng trên bao nhiêu vùng đất khác nhau, chưa bao giờ nhìn sâu vào bên sau của con người thì hẳn mới còn đua đòi vào những hời hợt nhạt nhẽo của đời sống được.
                        Buổi trưa trời âm u và hơi lạnh.
                        Anh vẫn không thể nào không thấy sự lạc lõng của mình nơi đây.
                        Ở trường Đồng Khánh giờ này chắc Ánh đang mài miệt với những bài vở mới. Sân trường đã có những cây hoa vàng, tím mọc nhoi lên trên từng bãi cỏ xanh. Đúng không. E cũng phải mất đến hằng mấy tháng anh mới tạm ổn mình được vào với thành phố này lại.


                        Bây giờ anh không còn làm người gác hải đăng, Ánh cũng thôi làm người mang lửa. Chúng mình làm sao níu cho được tay nhau trong suốt mùa Đông này?
                        Cơn mưa như thác đổ ngoài trời. Đồi trà bây giờ mù mịt không còn thấy gì.
                        Anh đang có Ánh – tuổi – nhỏ trước mặt trong chiếc hộp nhỏ anh mang theo đó.
                        Mưa rất buồn. Như một điệp khúc dai dẳng trong mấy tháng mùa Đông này.
                        Ánh ơi
                        Nếu còn sự yêu thương và nhớ nhung nào trong Ánh thì hãy gửi làm quà cho anh để anh coi thường những tháng ngày ẩm mục nơi đây
                        Nhớ vô ngần
                        Thân yêu, yêu dấu
                        Trịnh Công Sơn (ký tên)





                        “Anh Cường thân mến, như đã hứa với anh, xin gửi anh đem về chút quà nhỏ, đóng góp của Ánh cho căn nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn ở Huế. Những dấu tích anh Sơn còn để lại đó cùng khắp, trong căn nhà đó, bên dòng sông đó, và trên con đường có lá lao xao suốt mùa thuở đó. Căn nhà này đúng là nơi đáng được gìn giữ dài lâu là căn nhà xưa của Trịnh Công Sơn” – lời của Ngô Vũ Dao Ánh gửi Đinh Cường ngày 20/10/2013 vừa qua về lá thư kỷ niệm viết tay (Trịnh Công Sơn gửi cho Dao Ánh tháng 9/1965), bà gửi tặng lại bức thư này cho Gác Trịnh.




                        Thư Trịnh Công Sơn gửi Dao Ánh tháng 9/1965 được Dao Ánh lưu giữ cẩn thận gần 50 năm qua.
                        Hãy hướng về phía mặt trời mọc bóng tối sẽ khuất sau lưng anh.

                        Comment

                        • #13

                          Nhạc Trịnh qua góc nhìn vật lý

                          Một nét tài hoa trong sáng tạo nghệ thuật biểu hiện ở chỗ người nghệ sĩ biết vận dụng kiến thức của nhiều lĩnh vực vào tác phẩm. Trịnh Công Sơn là một nghệ sĩ tài hoa, công chúng đã thừa nhận điều đó. Chúng ta thử nhặt một cánh hoa trong gia-tài-hoa của anh và xem Trịnh đã thấu hiểu vật lý đến mức nào.
                          1. Ba định luật cơ học cổ điển
                          Nhà vật lý người Anh Isaac Newton đã đặt nền móng cho cơ học cổ điển bằng ba định luật gắn liền với tên tuổi của ông. Hãy lướt đi trên những ca từ của Trịnh để thưởng ngoạn cuộc gặp gỡ thân thiện giữa Trịnh Công Sơn và Newton.
                          Định luật I Newton phát biểu rằng: Một vật đứng yên hoặc chuyển động thẳng đều sẽ giữ nguyên trạng thái đó nếu không có ngoại lực tác dụng lên vật.
                          Con người đặt giữa cuộc sống nhân loại sẽ rất nhỏ bé, hệt một chất điểm, và ta coi con người là một vật trong tổng thể cấu tạo vũ trụ. Vận dụng định luật trên cho một vật hữu cơ (con người), nếu môi trường sống yên bình đến tuyệt đối, ta sẽ tồn tại (đứng yên) hoặc đi qua cõi đời (chuyển động thẳng đều) một cách rất bình lặng mà không hề vấn vương gì. Ta bắt gặp ý niệm ấy trong câu hát “Đường thật lặng yên lòng không gì nhớ” (Bên đời hiu quạnh). Trịnh Công Sơn đã ghé tai thì thầm với ta rằng, nếu có một cuộc sống quá thanh bình cũng chưa phải là hay, vì khi đó ta không thể biết đến cái “đau” vốn có của đời sống, và như thế là ta không thể chia sẻ được với đồng loại. Bởi vậy nên hãy hòa mình sống ở đời mà đừng tìm cách lánh, đừng làm lơ với cuộc sống đang hiện hữu quanh bạn. Khi thức tỉnh được điều đó ta mới “giật mình nhìn quanh, ồ phố xa lạ”. Hóa ra là thế, hóa ra là bao lâu nay ta đã ngủ mê trên cái êm đềm nên mụ mị đi. Nay ta tác dụng một lực để tự giật mình, mới hay mình đã tới một nơi khác rất mới mẻ, lạ lẫm. Đấy cũng là một cách khám phá cuộc sống. Phải chăng vì Trịnh Công Sơn đã thấu đạt điều đó nên anh hòa mình lặng lẽ giữa đời, đau cùng thân phận con người, khát khao cùng ước nguyện đôi lứa… tất cả những thứ ấy chính là lực tác dụng để đưa cảm xúc của anh đến những miền đất lạ mà lấy nhạc về cho đời.
                          Ta càng sống, càng trải nghiệm bao nhiêu thì càng nhanh già bấy nhiêu. Đó là tín hiệu lão hóa sinh học, cũng là một cách hiểu khác của định luật II Newton: Biến thiên động lượng của vật tỉ lệ thuận với độ lớn lực ngoài tác dụng. Và Trịnh Công Sơn, cái anh chàng tài hoa ấy đã quét trí tuệ qua sinh học, qua vật lý rồi viết: “tóc úa là nhờ những tháng âu lo” Bay đi thầm lặng.
                          Chính những tháng ngày ngồi âu lo, Trịnh đã thấu tận nỗi sầu thế nhân và thốt lên như một triết gia của tự nhiên: “Biển đánh bờ xôn xao bờ đánh biển” Biển nghìn thu ở lại. Đứng trước biển, dẫu là nhà thơ hay người thường cũng đều nôn nao cảm xúc tựa như sóng không vỗ vào bờ mà đang vỗ vào lòng ta. Thế nhưng mấy ai hiểu tới được cái thế chí tương quan giữa biển và bờ? Nếu như Fritjof Capra ngồi trước biển và nhận ra những con sóng cùng bờ cát đang tham gia vào một điệu múa Shiva trong Ấn Độ giáo để rồi viết cuốn sách Đạo của Vật lý, thì Trịnh Công Sơn lại quan sát tương quan hai chiều: “biển đánh bờ” tất dĩ sẽ có “bờ đánh biển” để viết nhạc. Tương quan hai chiều này toán học gọi là “song ánh”, và vật lý học xếp nó vào Định luật III Newton: Nếu A tác dụng vào B một lực thì ngay lập tức B cũng trở lại tác dụng A một lực tương ứng. Trịnh Công Sơn đã biến một nguyên tắc vật lý khô cứng thành một câu hát mềm như sóng biển!
                          Tuy nhiên, một người nghệ sĩ khi thấu đạt lẽ tự nhiên rồi thì họ không dừng lại ở việc mô tả nó, mà còn phải đưa ra suy nghĩ riêng của mình. Cũng như thế, Trịnh sau khi nhận ra cái luật “có đi tất có lại” thì chàng van lơn: “Đừng đánh nhau ơi biển sẽ tàn phai”. Một câu hát đong đầy giá trị nhân văn. Trịnh đã lấy lòng từ bi của một người Phật tử và phóng chiếu qua cổ tích (nơi mà mọi thứ đều có linh hồn), để rồi chàng thương cả những vật vô tri như sóng hay cát. Gia tài âm nhạc của Trịnh Công Sơn có một phần lớn nhạc phản chiến, câu hát trên là một tinh thần phản chiến của Trịnh. Nhạc sĩ khuyên người ta đừng có đánh nhau nữa. Nhà Phật nói đời là biển khổ. Thế đấy, biển vốn đã mênh mang nỗi khổ rồi sao còn cứ đánh nhau làm gì cho thêm tàn phai?
                          2. Điểm chung nguyên tử
                          Sách Sáng Thế Ký nói chuyện Chúa nặn ra vạn vật, nhà Phật lại cho rằng muôn loài được tạo ra bởi sự kết hợp các duyên (giả hợp), còn Vật lý học thì xác định mọi thứ đều cấu thành từ nguyên tử. Trịnh Công Sơn đã bay giữa thần học, triết học, khoa học để nhận ra rằng tất cả đều có một điểm chung, bạn cũng là ta, người tình cũng là ta mà thôi: “Tôi là em và em cũng là tôi” Tôi ơi đừng tuyệt vọng. Ở lĩnh vực thi ca, nhà thơ Mỹ Walt Whitman trong tập thơ Lá Cỏ đã từng viết: “Tôi ca tụng mình, tôi hát về mình/ Và cái tôi nhận về thì các bạn cũng nhận về/ Vì mỗi nguyên tử thuộc về tôi, cũng thuộc về các bạn đấy thôi” Hát về chính mình. Người ta nói những tư tưởng lớn thường gặp nhau, quả không sai! Và, cũng như Walt Whitman, Trịnh Công Sơn đã hướng sáng tác của mình đến việc xây dựng một thế giới đại đồng, muôn loài muôn vật đều chung một chủng tử (là nguyên tử), vì vậy mà “hãy yêu nhau đi”. Tình yêu trong nhiều ca khúc của Trịnh là tình thương rộng lớn giữa người với người, giữa người với vật: “Hãy yêu nhau cho gạch đá có tin vui”. Nếu không nhận ra được điểm chung giữa con người và đất đá, làm sao có thể viết được một câu hát bao dung đến thế?!
                          Luận điểm C. Mac cho rằng, con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Hơn thế, con người buộc phải gắn liền với lịch sử dân tộc, với cội nguồn văn hóa, và với xuất phát điểm nhân loại – chính là nguyên tử. Bởi vậy nên ta hiểu được Trịnh luôn nhìn thấy thấp thoáng bóng người quen ở giữa những đám người lạ: “Có những nghìn năm xưa, hóa thân em bây giờ. Nên tôi vẫn nhìn thấy em, giữa đám đông xa lạ. Vì em như chim trắng, giữa trống đồng bước ra” Em đến từ nghìn xưa. Triết gia Đức Nietzsche đề xuất khái niệm “siêu nhân” để động viên con người hãy vượt qua con người, còn Trịnh Công Sơn trong ca khúc đã thể hiện ý niệm “cố nhân” nhằm mong muốn con người tìm lại con người trong nhau: “Tìm em tôi tìm… bỗng tôi thấy em dưới chân cội nguồn” Đóa hoa vô thường. Và chắc chắn Trịnh có lý, bởi vì tất cả chúng ta đều hình thành từ đơn vị cấu trúc cơ bản là nguyên tử.
                          Từ cái điểm chung ấy, đối với Trịnh thì mọi người, mọi vật ta đã gặp sẽ mãi mãi luôn bên ta chứ không thể mất đi, vậy nên “vẫn thấy bên đời còn có em” hay “vẫn thấy em cười đùa đó đây” Vẫn có em bên đời. Quả đúng là không có gì tự nhiên sinh ra, cũng không có gì tự nhiên mất đi, chúng chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác mà thôi. Trịnh biết thế nên dù cho em đã ra đi nhưng hình ảnh em vẫn còn ở lại và hóa vào thiên nhiên gần gũi, “tấm lòng em như lá kia còn xanh”. Bài hát như một lời động viên, gửi gắm niềm lạc quan cho những ai đang mất niềm tin vào tình yêu, cuộc sống. Trịnh Công Sơn là hoàng tử sầu muộn đã gập lưng cõng thập tự giá để cho đức tin không tàn úa.
                          Hãy hướng về phía mặt trời mọc bóng tối sẽ khuất sau lưng anh.

                          Comment

                          • #14

                            3. Hiệu ứng ánh sáng trắng
                            Thuyết ánh sáng cho rằng ánh nắng mặt trời là ánh sáng trắng. Nghĩa là nắng, về bản chất tự nhiên, có màu trắng. Điều đó được Trịnh vận dụng và viết nên ca khúc Hạ Trắng. Mùa Hạ là mùa đượm nắng nhất trong năm. Và cái buổi chiều mùa Hạ mà Trịnh đang ngồi ngắm ấy chính là lúc con nắng khôi nguyên nhất, chưa bị phân hóa, nắng phủ màu trắng lên muôn loài, trong cơn mê màu nắng cũng bội kết thành những đóa hoa trắng: “Gọi nắng, cho cơn mê chiều nhiều hoa trắng bay”. Màu trắng còn để biểu trưng cho lòng thủy chung gắn kết, đấy chính là tình yêu vĩnh cửu giữa hai ông bà già mà Trịnh Công Sơn đã lấy làm cảm hứng cho ca khúc này.
                            Ánh sáng trắng khi bị tán xạ qua lăng kính sẽ cho ra bảy màu: đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím. Trịnh đã lấy cuộc đời làm phòng thí nghiệm, mượn đôi mắt - cửa sổ tâm hồn - làm lăng kính để chiết ra những sắc màu lung linh. Đó là màu hồng trong bài Như cánh vạc bay: “Nắng có hồng bằng đôi môi em”. Màu vàng từ thiện: “Nắng vàng ủng hộ cho Bống căn nhà” Bống không là Bống. Màu lục trong sắc xanh thực vật được nắng khơi dậy: “Cỏ cây chợt lên màu nắng” Nắng thuỷ tinh. Màu tím vội vàng: “Có khi nắng khuya chưa lên, mà một loài hoa chợt tím” Chiều một mình qua phố…
                            Sự anh minh trí tuệ kết hợp với độ nhạy bén tâm hồn đã giúp Trịnh Công Sơn không chỉ nhìn mà còn nghe được cả ánh sáng. Xưa nay ánh sáng chỉ tác động vào mắt chứ làm sao tác động vào tai mà nghe được? Thế mà Trịnh bảo nắng có âm thanh khiến ta nghe được cơ đấy! Này nhé: “Em nghe sầu lên trong nắng” Nhìn những mùa Thu đi. Âm thanh của nắng là siêu thanh, đến nỗi vật vô tri cũng thấu được: “Có con đường nằm nghe nắng mưa”; rồi thì nắng chui được vào âm thanh: “Có chút nắng trong tiếng gà trưa” Em còn nhớ hay em đã quên. Phải chăng vì nắng mang những hiệu ứng âm thanh, cả phát lẫn thu, nên Trịnh mới cất lời “Gọi nắng”? Thật ra, Trịnh Công Sơn đã đặt điểm nhìn trên hai trục chiếu: quang học vật lý và triết thuyết Phật giáo. Trong quan điểm của nhà Phật thì ánh sáng và âm thanh là một, “quang hữu âm, âm hữu quang, vi diệu pháp”.
                            Trịnh Công Sơn - phù thủy ngôn ngữ - đã làm phép cho nắng bật lên bảy sắc, bảy sắc ấy quay trở lại dâng tặng cho anh bảy nốt nhạc. Và thế là Trịnh đã có những bản nhạc quy rọi hiệu ứng ánh sáng với đầy đủ sắc lẫn âm.
                            4. Tính tương đối về hệ không gian
                            Trong không gian, chuyển động của vật được quan sát thông qua một hệ quy chiếu. Nguyên tắc vật lý ấy được ví von dễ hiểu như sau: Chẳng hạn khi ta đi tàu, nhìn qua cửa sổ, ta sẽ có cảm giác tàu đứng yên còn cảnh vật xung quanh thì đang chuyển động. Hay khi đứng bên bờ sông trong một đêm rằm, ta nhìn thấy dòng sông chảy trôi, bóng trăng đứng yên trong nước. Nhưng nếu ta ngồi trên đò xuôi dòng thì sẽ thấy con sông đứng yên, còn trăng thì đang chạy. Trịnh Công Sơn đã vận dụng nguyên tắc tương đối này vào câu hát: “Con sông là quán trọ, và trăng – tên lãng du” Biết đâu nguồn cội. Mới nghe qua câu hát, cứ ngỡ Trịnh… viết sai! Ơ hay, dòng sông thì phải trôi chứ sao lại chồn chân một chỗ như quán trọ? Con trăng cũng cố định chứ sao lại chạy lung tung được? Trịnh quên điều ấy chăng? Không, Trịnh Công Sơn là nhà bác học không đãng trí (dù anh có bài hát Tình ca người mất trí), cái ngây ngô ấy thực chất là nét hồn nhiên của sự thông minh vừa chín tới. Nếu có một lần “em đi qua chuyến đò” thì em sẽ hiểu được câu hát của Trịnh hoàn toàn có cơ sở vật lý.
                            Hạnh phúc có thể coi như một loại vật chất đặc biệt, và cũng mang tính chất tương đối của trạng thái gắn liền với không gian. Hạnh phúc vốn ở trong tay ta chứ có đâu xa mà lẩn quẩn đi tìm. Ai cũng biết thế nhưng không mấy ai chịu ngồi yên cầm nắm hạnh phúc đâu. Tất cả mọi vật đều được tạo hóa nặn ra, riêng con người thì tự làm ra mình bằng cách tiến hóa từ vượn, vậy nên con người luôn có ý thức đi tìm một điều gì đó để hoàn thiện hơn chứ không dễ dàng chấp nhận. Hạnh phúc cũng thế, con người không chơi bài “ăn xổi” với nó, thế mới có chuyện vợ chồng mà không cãi nhau thì không hạnh phúc (!) Con người lại hay chọn cái dễ làm trước, hạnh phúc dễ tìm thấy nhất là trong tình yêu, tức hạnh phúc lứa đôi - gọi là tình. Cái tình hạnh phúc ấy nó cũng tồn tại tương đối, nghĩa là khó xác định nó ở đâu: “Tình không xa nhưng không thật gần” Như một lời chia tay. Một câu nhạc tưởng chừng như… vô duyên, mông lung lại rất hữu cớ, hiện thực. Thông qua đó, Trịnh Công Sơn khuyên người ta đừng có chạy đuổi theo cái tình xa tình gần chi nữa, đừng có “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”, hãy biết nắm bắt cái đang diễn ra ở ngay đây, như anh từng nói: Hãy sống hết mình trong mỗi sát-na hiện tại!
                            5. Mức vững vàng
                            Vật lý phát biểu rằng: Mức vững vàng của một vật phụ thuộc vào vị trí trọng tâm (độ cao) và diện tích mặt chân đế. Muốn tăng mức vững vàng của vật thì hãy hạ thấp trọng tâm xuống. Nguyên tắc này được áp dụng cho thế Trung bình tấn trong võ thuật, tức là nếu ta rùn chân xuống thấp thì mức vững vàng cao hơn khi đứng thẳng người. Trọng tâm, hiểu theo nghĩa thoáng, nó chính là cái “tôi” của mỗi người. Trịnh Công Sơn đã thông qua nguyên tắc vật lý ấy để chiêm nghiệm lẽ đời về cái tôi: “Nhìn tôi lên cao nhìn tôi xuống thấp” Con mắt còn lại. Trịnh biết rằng khi mình được người đời xưng tụng quá, nâng lên cao quá thì cũng chưa phải hay, bởi cái sự thăng vị ấy nó mong manh lắm! Càng lên cao mức vững vàng càng giảm. Anh lại nhận ra cuộc đời cứ nghiêng như núi đang chờ đón bước chân ta, “đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ” Biển nhớ. Nên chi anh tự nhủ hãy cẩn thận trong mỗi bước lần chân: “Đường lên cao bước chân nhè nhẹ” Có nghe đời nghiêng. Dường như Trịnh Công Sơn đã lường trước được sự nổi tiếng của mình, và anh chấp nhận vầng hào quang mà đời khoác lên vai, anh nhận thứ ánh sáng ấy để sống tỉnh thức chứ không phải để kiêu hãnh. Trịnh Công Sơn đã đi qua cuộc đời với sự cẩn trọng, nhờ biết hạ thấp cái tôi nên anh có một vị thế vững vàng giữa muôn vàn tấm lòng người yêu mến.
                            Hoàng Phủ Ngọc Tường từng nhận xét: “Trịnh Công Sơn là người chăm chú cúi xuống hiện hữu”. Đúng thế, Trịnh đã quan sát sự vật, ngắm nhìn cuộc sống như một nhà vật lý đầy mỹ cảm. Hay nói cách khác, Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ có thiên căn khoa học.
                            Minsk, 03.2010
                            Hãy hướng về phía mặt trời mọc bóng tối sẽ khuất sau lưng anh.

                            Comment

                            Working...
                            X
                            Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom