• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

CHỮ “NHẪN” TRONG KINH PHẬT

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • CHỮ “NHẪN” TRONG KINH PHẬT




    CHỮ “NHẪN” TRONG KINH PHẬT

    Huỳnh Ngọc Chiến


    Chữ nhẫn từ ngàn xưa, trong văn hóa phương Đông, vẫn luôn được ca ngợi là phương châm thần hiệu trong việc đối nhân xử thế, là cánh cửa dẫn đến mọi đức hạnh. Dân gian ta thường nói “Một câu nhịn là chín câu lành” hay “Chữ nhẫn là chữ tương vàng, ai mà nhẫn được thì càng sống lâu”. Người Trung Quốc có rất nhiều câu thơ ca ngợi diệu dụng của chữ nhẫn.

    Nhẫn nhất thời phong bình lãng tĩnh
    Thoái nhất bộ hải khoát thiên không”
    (Nhịn được cái nóng nhất thời thì gió lặng sóng yên;
    Lùi lại một bước nhường người thì biển trời bát ngát)

    hay

    Nhẫn đắc nhất thời chi khí
    Miễn đắc bách nhật chi ưu
    (Nhịn được cơn giận một lúc,
    Tránh được lo lắng trăm ngày).

    Có một giai thoại vào đời Đường, gia đình ông Trương Công Nghệ sống cả 9 thế hệ trong cùng một nhà (cửu đại đồng đường). Vua bèn đến nhà ông ta hỏi có bí quyết gì, Trương Công Nghệ liền viết liền một trăm chữ “Nhẫn” dâng lên, vua đọc liền hiểu.

    Vì sao chữ nhẫn lại có giá trị đến vậy?

    Trong đời sống thường ngày, chữ nhẫn thường được hiểu là “nhịn” và “nhường”, chịu đựng nghịch cảnh, chấp nhận phần thua thiệt, mất mát về mình. Trong đời sống tôn giáo, chữ nhẫn thường được hiểu là sự tự chủ về tinh thần, đối với những sự sỉ nhục mà trong lòng không hề giận cũng không khởi tâm niệm trả thù. Chính vì vậy mà trong nhiều trường hợp, người ta thường hay lầm lẫn nó với sự nhu nhược, cam chịu một cách thụ động, hoặc hiểu nó là sự tự chủ với cảm giác cố gắng đè nén, kiềm chế để tu tập. Nếu chỉ có thế thì chữ nhẫn không thể có vị trí cực cao trong đời sống tinh thần của người phương Đông được. Cũng như bao đức tính khác, nếu không được hiểu đúng thì chữ nhẫn lại trở thành cái vỏ bọc hoa mỹ cho sự vô minh, cho lòng tham, hoặc là thái độ tự dối lừa mình.
    Có khi chúng ta nhẫn vì tình thế, có khi chúng ta nhẫn vì lòng có sở cầu. Nhẫn vì tình thế là nhu nhược, nhẫn vì sở sầu là tham lam.

    Tô Đông Pha đời Tống bàn về Trương Tử Phòng – một nhân vật tài trí kiệt xuất thời Tiền Hán ở Trung Quốc – nói rằng: “Kẻ được gọi là hào kiệt thời xưa, tất phải có khí độ hơn người. Nhân tình có chỗ không thể nhịn được, nên kẻ thất phu gặp nhục thì tuốt gươm đứng dậy, xông tới mà đánh. Cái đó chưa đủ gọi là dũng. Bậc đại dũng trong thiên hạ, gặp những biến cố bất ngờ mà không kinh hoảng, vô cớ bị lăng nhục cũng không nổi giận“. (Lưu hầu luận)

    Đó là cái nhẫn của kẻ ôm hoài bão lớn hoặc trong lòng có sở cầu mà chúng ta thấy rất nhiều trong lịch sử. Hàn Tín biết mình thân hoài tuyệt học, không thể mang lụy vô cớ vì một kẻ hạ lưu, nên chấp nhận cái nhục lòn trôn giữa chợ để sau này đem tài năng thi thố với đời. Trương Tử Phòng chấp nhận để một ông lão xa lạ mắng chửi, sai bảo như một kẻ tôi đòi để rồi được truyền thụ binh pháp. Câu Tiễn nhẫn nhục nằm gai nếm mật để mong đến ngày tiêu diệt nước Ngô. Những cái nhẫn đó, dù được ca ngợi như những tấm gương đáng để học hỏi, đều là những cái nhẫn hoàn toàn vì tư lợi, vì chính bản thân mình.

    Có nhiều khi ta buộc phải chấp nhận một cách nhu nhược những tình huống bất khả vãn hồi, nhưng ta lại dùng đến vũ khí “thắng lợi tinh thần” theo kiểu nhân vật A.Q của Lỗ Tấn để an ủi mình, để tự lừa mình bằng những hoang tưởng. A.Q là một kẻ bất tài vô tướng, sống bằng nghề làm thuê làm mướn trong làng, nhưng lại luôn luôn tự xem mình giỏi giang hơn thiên hạ. Bị người ta đánh đập, chửi mắng thì dùng thái độ khinh bỉ đối phương để đỡ đau, và tự nhủ “Nó đánh mình cũng như đánh bố nó!”. Đó là sự bạc nhược đớn hèn, không thể gọi là nhẫn. Chúng ta thường tự lừa mình bằng những suy nghĩ cao đạo kiểu đó, và cho đó là nhẫn!

    Trong kinh Phật, chữ nhẫn lại mang thêm một ý nghĩa thâm ảo khác. Nó hoàn toàn khác với chữ nhẫn của những người mang tham vọng hay lòng có sở cầu. Ta thường quen với khái niệm chữ nhẫn trong Nhẫn nhục Ba la mật, một trong Lục độ, có nghĩa là cam chịu mọi nghịch cảnh để tu tập với thân nhẫn, khẩu nhẫn và ý nhẫn. Thế nhưng trong chương Thập nhẫn của kinh Hoa Nghiêm, đức Phật lại nêu ra mười loại nhẫn xem như là cảnh giới chứng đắc thâm diệu của đại bồ tát; đó là: âm thanh nhẫn, thuận nhẫn, vô sanh pháp nhẫn, như huyễn nhẫn, như diệm nhẫn, như mộng nhẫn, như hưởng nhẫn, như ảnh nhẫn, như hóa nhẫn, như không nhẫn. Một điều rõ ràng là ta không thể hiểu chữ nhẫn trong Nhẫn nhục Ba la mật giống như chữ nhẫn trong thập nhẫn được.

    Thông thường chúng ta hiểu nhẫn trong kinh Phật theo nghĩa “kiên nhẫn, nhẫn nhục, nhẫn nại”. Tác giả Giải Không cũng hiểu chữ nhẫn theo nghĩa đó, nghĩa là cam chịu bao khốn cảnh để cứu độ chúng sinh, nên khi chú giải câu kinh văn đầu tiên của phẩm Thập nhẫn: “Phật tử! Bồ Tát ma ha tát hữu thập chủng nhẫn (Này các Phật tử! các đại bồ Tát có mười loại nhẫn), tác giả này liền bình chú ngay : “vị điều chúng sinh, hà nhẫn bất năng?”. (Vì muốn điều phục chúng sinh, có nhẫn nào mà không thực hiện được?) (1). Song có nên hiểu nhẫn như thế chăng?

    Ta thử trích một đoạn kinh văn trong phẩm Thập nhẫn nói về vô sinh pháp nhẫn :
    “Chư Phật-tử! Thế nào là đại Bồ-Tát vô-sanh-pháp nhẫn?
    Ðại Bồ-Tát nầy chẳng thấy có chút pháp nào sanh, cũng chẳng thấy có chút pháp nào diệt. Tại sao vậy? Vì nếu đã vô-sanh thời vô-diệt. Nếu đã vô-diệt thì vô-tận. Nếu vô-tận thời ly-cấu. Nếu ly-cấu thời vô-sai-biệt. Nếu vô-sai-biệt thời vô-xứ-sở. Nếu vô-xứ-sở thời tịch-tịnh. Nếu tịch-tịnh thời ly-dục. Nếu ly-dục thời vô-tác. Nếu vô-tác thời vô-nguyện. Nếu vô-nguyện thời vô trụ. Nếu vô-trụ thời vô-khứ vô-lai. Ðây gọi là thứ ba, vô-sanh-pháp-nhẫn của đại Bồ-Tát.” (2).

    Pháp nhẫn hay vô sinh pháp nhẫn là thuật ngữ được sử dụng rất nhiều trong kinh điển Đại thừa, và đã khiến các học giả phương Tây gặp không ít lúng túng khi dịch thuật ngữ này. Trong đoạn kinh văn trích ở trên thì ý nghĩa chữ nhẫn không hề có liên quan gì với nhẫn nhục mà ta thường hiểu. Theo đại sư Suzuki, sau đây là một vài cách dịch “vô sinh pháp nhẫn” của các học giả phương Tây :

    v - M.E Burnouf, trong bản dịch kinh Pháp Hoa — Saddharmapundarīka — ra tiếng Pháp đã dịch là : “Une patience miraculeuse dans la loi” (Sự kiên nhẫn kỳ diệu trong chánh pháp).

    v- Max Muller trong bản dịch kinh Vô Lượng Thọ -Sukkhāvatīvyūya — (S.B.E XLIX.), dịch là “Resignation to consequences which have not yet arisen” (Sự nhẫn thuận theo các quả chưa sinh khởi).

    v - Cecil Bendall và W.H.D Rouse trong bản dịch tiếng Anh cuốn “Bồ Tát Đại thừa học tập luận” -Śikshasamuccaya- của Śantideva (Tịch Thiên) dịch là :” Resignation to the idea of not being reborn” (Sự nhẫn thụ trước ý tưởng không tái sinh)

    v - H. Kern trong bản dịch kinh Pháp Hoa (S.B.E XXI.) dịch là “Acquiessence to the eternal law” (Sự thuận tòng pháp tắc thường hằng) (3).
    Ngoài ra, ta thử tham khảo một vài cách dịch khác như :

    v - Tỳ khưu Dharma, trong bản dịch tiếng Anh cuốn Bồ đề tư lương luận — Bodhisaṃbhāraka Sāstra Commentary của Long Thọ Bồ Tát — đã dịch là “unproduced dharmas patience”. Cách dịch này bám sát từng chữ trong tiếng Phạn nên rất tối nghĩa, unproduced: vô sinh, dharmas: pháp, patience: nhẫn.
    , trong bài Buddha’s Love and Human Love, (Chung-Hwa Buddhist Journal, No. 13, 2000) dịch là : “the ultimate insight that nothing arises or perishes “: kiến giải tối hậu về sự bất sinh bất diệt của vạn pháp.

    v - Mục thuật ngữ Phật học tại Website [url="http://www.buddhistdoor.com/glossary"][COLOR=#993526]Error dịch là “Clear cognition of the unproduced nature of all existences; to realize that all things are beyond birth and decay”: minh đạt bản chất bất sinh của vạn hữu; liễu giác được rằng vạn hữu siêu quá sinh diệt.

    v - Tự điển Phật học (Dictionnaire des termes Bouddhiques) dịch là : “Etape où l’on perçoit que rien ne naît ni ne meurt dans le monde des phénomènes (compréhension de la non-production et de la non-destruction du monde phénoménal)”: giai đoạn nhận thức được rằng không có gì sinh hay diệt trong thế giới hiện tượng (liễu chứng được tính bất sinh bất diệt của vạn hữu).

    Chúng ta dễ thấy trong hầu hết các cách dịch trên, ý nghĩa chữ nhẫn trong các loại nhẫn được liệt kê trong phẩm Thập nhẫn dường như chẳng có liên quan gì đến các khái niệm patience hay resignation theo nghĩa “kiên nhẫn, nhẫn nại, nhẫn nhục” của phương Tây cả. Các cách dịch “Acquiessence to the eternal law”, “compréhension de la non-production et de la non-destruction du monde phénoménal “, hoặc “Clear cognition of the unproduced nature of all existences; to realize that all things are beyond birth and decay” v.v…, hay đúng hơn là những lời chú thích, biểu đạt được khá sát nội dung của chữ nhẫn theo tinh thần kinh văn.
    Tôi không biết tiếng Phạn, nhưng biết rằng chữ nhẫn trong nhẫn nhục hay vô sinh pháp nhẫn chỉ là một, và đều được dịch từ chữ Kānti trong Phạn ngữ. Điều này đòi hỏi chúng ta phải hiểu chữ nhẫn theo một nghĩa khác rộng hơn. Chỉ khi nào hiểu được chữ nhẫn trong thập nhẫn thì ta mới có thể hiểu được nội hàm sâu xa trong Nhẫn nhục ba la mật.

    Tinh hoa của chữ nhẫn của đạo Phật nằm trong chữ TUỆ để hóa giải tam độc: tham – sân – si.

    Trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân loại, đỉnh cao của chữ nhẫn của đạo Phật kết tinh trong tinh thần đấu tranh bất bạo động của thánh Gandhi. Đây là cuộc đấu tranh mang tính nhân bản vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Có thể dùng bạo lực để đối kháng nhưng không đối kháng, vì muốn dùng tình thương để cảm hóa cái ác. Đó là bi trong nhẫn. Thản nhiên cam chịu bao nghịch cảnh, đó là dũng trong nhẫn. Hiểu rằng nếu chỉ có đấu tranh theo tinh thần bất bạo động, lấy “tình thương xóa bỏ hận thù” của đạo Phật mới có thể thực sự giải phóng được tâm thức nhân gian ra khỏi vòng luẩn quẩn của vô minh và thù hận; đó là tuệ trong nhẫn.
    Khi còn bé, chúng ta có thể đánh nhau bươu đầu sứt trán để giành cho được một con dế. Đến lúc trưởng thành, khi hồi tưởng lại, ta sẽ xem chuyện tranh chấp những con dế ngày xưa là vớ vẩn trẻ con. Thế nhưng trong cuộc sống, ta vẫn cứ tiếp tục tranh chấp để giành giật, không chịu nhường bước trước bất kỳ ai, chỉ khác một điều là chúng ta thay con dế của tuổi thơ bằng những “con dế” khác mang tên tình yêu, sự nghiệp, danh vọng, tiền tài, địa vị … Đến lúc đứng tuổi, ta lại thấy chuyện tranh chấp thời trai trẻ không đáng để bận tâm nữa. Nếu như tại thời điểm tranh chấp của thời thơ ấu mà chúng ta có được cái nhìn của người trưởng thành, hay tại thời điểm tranh chấp của thời trưởng thành mà chúng ta có được cái nhìn của bậc lão niên thông tuệ, thì hẳn ngay lúc tranh chấp đó ta sẽ thấy mọi chuyện đều vụn vặt buồn cười. Và ta dễ dàng bỏ qua với nụ cười khoan dung hỷ xả, và vui vẻ nhường người. Vậy chữ nhẫn của Phật giáo là phương châm giúp ta tránh được sự tranh chấp, không phải chỉ vì muốn nhường nhịn theo kiểu “dĩ hòa vi quý” hay nhẫn nhục để tu hành, mà vì ta có được cái nhìn sâu thẳm vào bản chất “như huyễn, như diệm, như mộng, như hưởng, như ảnh, như hóa, như không” của vấn đề mà ta đang đối mặt. Cái nhẫn được dùng để đối trị với si theo cách đó mới chính là nhẫn theo tinh thần Phật giáo. Nó là kết quả của trí tuệ. Vì kẻ trí quán sát được vấn đề y như thực, một điều mà ta phải mất đến mười năm hoặc vài mươi năm sau, khi hồi tưởng lại mới có thể nhận ra, nếu may mắn gặp được cơ duyên.

    Thông thường, nhẫn dùng để đối trị với sân trong quá trình tu học. Nóng giận là một cảm xúc rất dễ bộc phát, nhưng lại rất khó kiềm chế. Nhan Hồi – một cao đệ yểu mệnh của đức Khổng Tử – được hậu nho ca ngợi, tôn xưng là á thánh cũng nhờ vào ba chữ “Bất thiên nộ”, có nghĩa là “không giận lây” theo kiểu “giận cá chém thớt”. Khi ta dùng nhẫn để kiềm chế được sân, thì đó là sự dũng mãnh tự thắng được mình. Nó đòi hỏi đến công phu hàm dưỡng cực kỳ thâm sâu. Nhẫn được như vậy là dũng, nhưng vẫn còn cảm giác tự kiếm chế. Nhẫn mà còn có cảm giác tự kiềm chế, thì chưa phải là nhẫn theo tinh thần Phật giáo.

    Mỗi khi nổi giận ta luôn tìm cách trút giận vào bất kỳ đối tượng nào, ta muốn đập phá cho hả hê, cho “đã nư”, thì thực chất đó là tham, vì muốn thỏa mãn chính mình. Trong đời sống thường ngày, ta hay nổi giận khi cái-Tôi của ta bị xúc phạm. Thực chất, cái sân đó cũng là biến tướng của tham, do vì mong muốn được người ta kính trọng mà không được như ý nên nổi giận. Tự ngã lớn dần theo tính sân một cách vô hình, và được củng cố bởi nhu cầu muốn được thỏa mãn tính tham trong cơn giận. Nếu chúng ta sống không có ngã tướng thì lấy đâu ra sân để mà đối trị bằng nhẫn? Vậy nhẫn đó chính là tuệ.

    Nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm bảo “Chưa dễ ai là Bụt Thích Ca, Mọi điều nhân nghĩa nhẫn thì qua, Lòng vô sự: trăng in nước, Của thảng lai: gió thổi hoa”. Chữ nhẫn đây không còn là sự kiềm chế hay tự chủ nữa, mà là sự an nhiên của một người vô sự, đủ thông tuệ để nhìn ra được bản chất vô thường, “như huyễn, như mộng” của mọi điều ân oán thị phi.

    Trong phẩm Thập nhẫn, chữ nhẫn hoàn toàn mang nội hàm của trí tuệ, có nghĩa là dùng trí tuệ để trực nhận được các bản tính Như Thực của vạn pháp, và hành trì theo kiến giải đó. Trực nhận được bản tính của như huyễn của vạn pháp thì được như huyễn nhẫn, trực nhận được bản tính vô sinh của vạn pháp thì được Vô sinh pháp nhẫn, trực nhận được bản tính như hưởng của vạn pháp thì được như hưởng nhẫn v..v…. Nhẫn đây là tuệ. Chứng được bản tính của vạn pháp là vô sinh, là “như huyễn, như diệm, như mộng, như hưởng, như ảnh”… mà không kinh hãi, đó là dũng trong nhẫn.

    Chính vì nhẫn là tuệ, cho nên đức Phật mới dạy : “Chư Phật-tử! Ðại Bồ-Tát có mười thứ nhẫn, nếu được nhẫn nầy thời được đến nơi vô-ngại nhẫn-địa của tất cả Bồ-tát, tất cả Phật-pháp vô-ngại vô-tận.“(2)

    Từ lời dạy này, Phật tử chúng ta có thể sẽ đạt đến một tầm nhìn khác rộng hơn, khi hành trì nhẫn nhục.

    Chú thích:

    (1) Xin xem [url="http://club.xilu.com/mbrun/msgview-950431-152420.html"][COLOR=#993526]404 Not Found

    (2) Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Thập nhẫn, H.T Thích Trí Tịnh dịch.

    (3) Suzuki, Studies in the Lankavatra Sutra, NXB Routledge & Kegan Paul Ltd., London, 1968. tr.125

    .
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.
    Similar Threads
  • #2


    NHỮNG ĐIỀU CHƯA BIẾT VỀ CHỮ NHẪN

    Trong kinh điển, người biết nhẫn nhục, chính là người mạnh nhất. Còn theo thánh Gandhi: Nhẫn nhục ví như không khí, chẳng biết chống trả, nhưng có khả năng vô hiệu hóa những quả đấm của kẻ bạo tàn! Vì thế mà người xưa đã tốn rất nhiều giấy mực để viết về nó, đã răn dạy rất nhiều những lợi ích và tác hại xung quanh chữ nhẫn này. Thời hiện đại ngày nay thì sao?

    Từ những kinh nghiệm xương máu của thực tế cuộc sống mà người Hán đã sáng tạo ra cách viết chữ nhẫn: chữ đao (con dao) ở trên và chữ tâm (con tim) ở dưới. Lưỡi dao ấy ở ngay trên tâm, và nếu như gặp chuyện mà không biết nhẫn nhịn thì tránh sao khỏi đau đớn, có nhẫn nhịn mới chuyển nguy thành yên, bại thành thắng, dữ thành lành…

    Nhẫn, không phải là sự cam chịu tiêu cực.

    Đúng vậy, chẳng phải ngẫu nhiên mà chữ nhẫn lại có bộ đao phía trên như biểu hiện của những nỗi thống khổ sâu sắc như dao nhọn, chúng có thể khía vào trong tâm trí, trong con tim ta, làm cho ta đau đớn, tủi nhục và khó chịu.

    Nhưng, nhẫn, đừng nên hiểu một cách tiêu cực, là phải gồng mình cam chịu ôm nhục, là luồn cúi để đạt được mục đích. Nếu có chuyện không hay, hãy dùng trí tuệ để thấy đúng lẽ thật, buông xả mọi hơn thua với người ta và không cố chấp phiền hận.

    Người “chửi” mình, nếu đúng thì nhận, nếu không phải thì xả bỏ. Chứ nếu nhớ hoài suốt đời, thì tự mình chuốc lấy cái khổ cho mình và còn làm cho người khác khổ lây.

    Tóm lại, chữ nhẫn ngoài sự chịu đựng điềm tĩnh còn cần phải có sự tha thứ, phải có từ - bi - hỷ - xả. Nhẫn là độ lượng, khoan dung, nhận đúng bản chất mà kiên tâm nhẫn nại... Nhẫn, chính là thể hiện bản lĩnh của con người.

    Khổng Tử xưa đã nói: “Tiểu bất nhẫn, tắc loạn đại mưu” (Việc nhỏ mà không nhẫn được, thì việc lớn ắt sẽ hỏng).

    Nhiều gia đình thường treo chữ nhẫn trong nhà, như tự răn mình để giữ được hòa khí trong gia đình. Ôi chao, nhịn đi có một sự, đổi lại được những chín điều lành cơ mà.
    Vậy nên, anh em có tranh nhau tí đất đai, vợ chồng có nổi cơn tam bành, ta có “hận” sếp, có xích mích gì với hàng xóm, có bị ai “đì” đi nữa, thôi thì nhẫn đi.

    Con tim nhức nhối lắm, khi thấy mình phải chịu đựng thua thiệt, phải kém chị kém em, thành ra hậm hực, tức tối nổ con ngươi con mắt chỉ vì những thứ nhỏ nhặt.

    Người ta có cái ví đầm hàng hiệu xịn hơn, thế là phải đua đòi chẳng kém cạnh gì, kẻo mang tiếng “quê”! Hoặc người ta xe nọ xe kia, nếu mình không có, thì đau buồn mà bi luỵ trách móc số sao mãi chả giàu để được làm... đại gia.

    Mẹ chồng hủ lậu, lắm lời... cẩn thận đấy! Ra đường, nhẫn á, nhịn á, ganh nhau đến từng chỗ đỗ xe trước đèn xanh đèn đỏ, còi bấm cứ là nhức cả óc. Tông xe vào nhau, là gầm gừ như chuẩn bị xuống cắn xé nhau ngay!

    Đến cái chuyện quyền lợi hay tiền nong, ai mà động chạm, thì cứ liệu hồn. Tốt nhất là nên việc ai người đấy làm, tiền ai người ấy hưởng, chứ ức chế quá, là xử lý nhau ngay.
    Nhẹ thì bằng bom thư, cao hơn nữa, sẽ được chọn làm đối tượng để buôn dưa lê, nặng thì đơn kiện nặc danh, tệ hơn là thuê xã hội đen dằn mặt...

    Thuở phong kiến, chồng có là nông dân thì vợ cũng phải hầu như hầu ông chủ; thời này, chồng mà lười biếng, lại mắc tính loăng quăng bồ bịch, cờ bạc thì dè chừng! Vợ mà đỏng đảnh, hay “không biết đẻ”, hay nọ kia, lơ mơ là ông quăng quần áo ra ngoài đường.

    Cho nên, kết hôn cũng nhanh, mà chia tay, ly dị cũng quá lẹ. Chẳng có vấn đề gì phải kéo dài những mấy chục năm. Thời này, chữ nhẫn là chữ gì mà đòi hỏi phải mất thời gian đến vậy?

    Nhẫn, cũng không phải là nhục một cách hèn nhát

    Thời xưa, vua Câu Tiễn nằm gai nếm mật, nuốt mọi tủi nhục chỉ để chờ thời cơ làm nên chuyện lớn. Như vậy, cái chữ nhẫn nhục trở thành động cơ sống, thành quái chiêu của một số người nhằm đạt đến mục tiêu cần thiết của họ.


    Ngược lại, chữ nhẫn như trái tim bồ tát của Quan Âm Thị Kính khi bị “vu oan” mọi bề, lay động thân tâm của con người, đó là:

    “Chữ rằng nhẫn nhục nhiệm hòa - Nhẫn điều khó nhẫn mới là chân tu...”

    Nhẫn ngày nay, nhiều khi đã thành nhẫn nhục một cách hèn nhát. Nhẫn quá, thành ra... nhục. Nó là điều sỉ nhục, làm xấu hổ, tổn thương đến lòng tự ái của mình.

    Nhục, bởi vì sợ quyền thế, nhục vì đang nằm trong hoàn cảnh bất lợi chưa thể trả thù được, nhục để mong cầu có người khen, hay được chức trọng, quyền cao, nhẫn nhục vì khinh bỉ đối thủ, hay tự cho mình cao hơn người, không thèm chấp nê, phản đối.

    “Tránh voi chẳng xấu mặt nào...”, nhiều khi thấy cái sự bất bình ra đấy, nhưng chẳng liên quan đến ta, thì ta “mackeno”. Cái sự nhịn ấy, xem phần nó cũng mang tính AQ, rằng thôi, nhịn đi một tí, chết ai!

    Hiểu sai chữ nhẫn nhất là khi ghép chữ nhẫn với chữ tâm, để trở thành nhẫn tâm, ác độc. Cũng như hiểu chữ nhẫn với thói quen chịu đựng đến mức hèn yếu, bạc nhược hết ngày này, qua tháng khác, và cơ đồ sự nghiệp, thành quả chăíng thấy đâu, chỉ thấy con người ngày càng èo uột đi, thảm hại, nhưng họ vẫn tự ru mình là ta đang... nhẫn một cách chính đáng.

    Nhẫn nhục một cách hèn nhát, là mềm yếu, cam chịu vô ích, rồi tự mình chìm trong cái cõi mịt mờ của mình, sẽ thành kẻ chui sâu vào vỏ ốc, và điều này sẽ làm suy thoái xã hội, đạo đức con người, làm cho cái ác, cái tham, cái xấu có mầm mống và nguy cơ phát triển.

    Nhẫn nhục như thế, theo thuyết nhà Phật, là nhẫn nhục chấp tướng vì vẫn còn do dục vọng và lòng tham thúc đẩy chứ không phải nhẫn bà la mật.

    Nhưng nếu không biết nhẫn, bạn sẽ có một khuôn mặt... xấu xí

    Nếu bạn không biết giữ được cho mình một chữ nhẫn, lúc nào đầu óc bạn cũng căng ra, như một chảo lửa, bạn có thể phản ứng ngay tức khắc các vấn đề vừa xảy ra một cách nông nổi, thiếu suy nghĩ...

    Gặp chuyện khó chịu, không may, tức khắc lửa giận nổi lên, nếu nhẹ thì chỉ bộc lộ ra sắc mặt, hành động nóng nảy, nhưng nặng và đáng sợ hơn nữa, đó là để chất chứa trong lòng.

    Bạn biết không, những cơn nóng giận ấy khiến cho khuôn mặt con người bỗng chẳng dễ coi chút nào và trở nên rất xấu. Đôi khi, chẳng những chúng ta không giải quyết được việc gì, mà còn tự tạo thêm những hành động nông nổi, gây thêm bực bội đúng như các cụ đã nói: “Tâm oán giận, mạnh hơn lửa dữ”.

    Thật vậy, chỉ một phút nổi nóng, không tự kìm chế được mình mà không dằn được cơn tức giận, nghĩa vợ chồng phải phân rẽ, bạn bè trở thành kẻ oán thù, và mâu thuẫn dẫn đến xung đột (đánh đập vợ con đến tàn tật, vợ giết chồng, con giết cha, đốt phá nhà cửa, tự hủy hoại thân thể mình...)

    Tôi còn nhớ câu chuyện của một chị, nói rằng, thời mà anh chị chưa ly hôn, chị đi “đánh” ghen anh. Đêm hôm, không thấy anh về, trong một đêm mùa đông giá rét, chị quyết định lôi con nhỏ mới hai tuổi, đặt lên đằng sau xe đạp, đèo con đến nhà nhân tình của chồng, và căm phẫn đập cửa ầm ầm...

    Sau này, chị tự nhận ra rằng, chẳng phải vì thương con không có cha, chẳng phải lý do gì, ngoài lòng ích kỷ và hận thù nên chị quyết không ly dị. Cũng chỉ vì chị không nhẫn được, cơn nóng bốc lên đầu và chỉ còn nỗi căm hận.

    Cho dù đã bao lần, chị tự dặn mình rằng, đừng để con cái nghe thấy tiếng của hai vợ chồng cãi nhau. Nhưng biết sao được, khi cơn sân hận dâng lên, tiếng chì chiết, cãi vã, lẫn xỏ xiên, thậm chí thượng cẳng chân, hạ cẳng tay ngay trước mắt con cái, vô tình anh chị không biết rằng họ chính là một bằng chứng xấu xí của hôn nhân.

    Và nếu trước kia, chị nhất quyết không ký đơn ly dị để “hành hạ”, trả hận với chồng mình, thì sau khi đã hiểu ra: nhẫn không phải là chịu đựng, mà nhẫn còn là xả bỏ những nỗi nhọc nhằn uất hận, những đau buồn tủi nhục, để cuộc sống dễ chịu hơn, chị đã ký đơn ly dị, nhằm giải thoát cho cả gia đình thoát khỏi cảnh “địa ngục trần gian”.

    Chữ nhẫn, giống như vàng

    Bạn hãy đọc kỹ những câu răn về chữ nhẫn, bạn sẽ thấy, muôn màu cuộc sống bày ra trong sức mạnh của chữ nhẫn. Chữ nhẫn ẩn chứa những phương kế sống của một đời người.

    “... Có khi nhẫn để xoay vần - Thiên thời, địa lợi, nhân tâm hiệp hòa - Có khi nhẫn để vị tha - Có khi nhẫn để thêm ta, bớt thù - Có khi nhẫn: tỉnh giả ngu - Hơn hơn, thiệt thiệt đường tu khó lường - Có khi nhẫn để vô thường - Không không, sắc sắc đoạn trường trần ai - Có khi nhẫn để lắng tai/ Khôn khôn, dại dại nào ai tránh vòng - Có khi nhẫn để bao dung - Ta vui người cũng vui cùng có khi - Có khi nhẫn để tăng uy - Có khi nhẫn để kiên trì bền gan...”

    Việc lấy đức nhẫn làm sức mạnh (dĩ nhẫn vi lực) cho thấy lợi ích cũng như quyền năng biến hóa, nội lực mạnh mẽ của chữ nhẫn.

    Trong cuốn “Luận về chữ nhẫn” của Mạnh Chiêu Quân có viết: “Bạn chớ nên cáu gắt, cáu gắt sẽ làm tổn thương hòa khí; Bạn chớ nên tức giận, tức giận sẽ làm hủy hoại nguyên khí; Bạn chớ nên đùa giỡn, đùa giỡn sẽ làm hỏng tài khí; Bạn phải nhẫn nhịn, nhẫn nhịn sẽ được thần khí”...

    Cũng như câu tục ngữ của Việt Nam ta: “Chữ nhẫn là chữ tương vàng, ai mà nhẫn được, thì càng sống lâu”. Tự tìm được cho mình một chữ nhẫn thích hợp sẽ giúp ích cho cuộc sống của bạn, và nếu biết sử dụng chữ nhẫn sao cho đúng cách, sẽ mang lại cho con người một sức mạnh vô cùng!

    Nguồn: Tâm Việt group

    Comment

    Working...
    X
    Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom