• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Giai thoại thơ Đường

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Giai thoại thơ Đường

    Giai thoại thơ Đường


    ***



    Đêm đêm khí vẫn xông trời đất

    Long Tuyền là một thanh kiếm báu đời cổ ở Trung Quốc. Tương truyền đời Tấn Huệ đế, Quảng Vũ hầu Trương Hoa thấy khoảng giữa sao Đẩu và sao Ngưu có khí màu tía, nghe nói người Dự Chương là Lôi Hoán giỏi về cái học tinh vĩ thiên tượng, bèn gọi tới hỏi. Hoán nói “Đó là khí tinh hoa của kiếm báu ở Phong Thành xông lên trời vậy”. Trương Hoa nhân đó cử Hoán ra làm Huyện lệnh Phong Thành, sai tìm kiếm báu. Hoán tới Phong Thành, cho đào ở nền ngục thất được một cái hòm đá, bên trong có hai thanh kiếm, đều có khắc tên, một đề Long Tuyền, một đề Thái A, lấp lánh mờ mắt. “Thanh kiếm Long Tuyền” về sau trở thành một văn liệu phổ biến trong văn chương chữ Hán để ví với tài năng, phong thái của người anh hùng, nhưng ít khi câu chuyện về thanh kiếm này lại trở thành một đề tài sáng tác như trường hợp bài Cổ kiếm ca của Quách Nguyên Chấn.

    Quách Nguyên Chấn (Tân Đường thư chép là Quách Chấn, đây theo Cựu Đường thư) là người Quý huyện thuộc Tử Châu, thiên tư hùng mại. Năm 18 tuổi (có sách chép là 16 tuổi) thi đậu Thái học sinh (Tiến sĩ). Ra làm Huyện úy Thông Tuyền, xử đoán công việc ngang tàng hào hiệp, không câu nệ theo tiểu tiết pháp luật. Vũ hậu biết được, triệu về hạch hỏi. Đến khi trò chuyện, thấy là người lạ, bèn hỏi tới văn chương trước tác lúc bình nhật, Nguyên Chấn dâng bài Cổ kiếm ca (có sách chép là Bảo kiếm ca), toàn văn như sau:

    古剑篇
    郭震

    君不见
    昆吾铁冶飞炎烟,红光紫气俱赫然。
      良工锻炼凡几年,铸得宝剑名龙泉。
      龙泉颜色如霜雪,良工咨嗟叹奇绝。
      琉璃玉匣吐莲花,错镂金环映明月。
      正逢天下无风尘,幸得周防君子身。
      精光黯黯青蛇色,文章片片绿龟鳞。
      非直结交游侠子,亦曾亲近英雄人。
      何言中路遭弃捐,零落飘沦古狱边。
      虽复沉埋无所用,犹能夜夜气冲天。


    Quân bất kiến:
    Côn Ngô thiết dã phi viêm yên,
    Hồng quang tử khí câu hách nhiên.
    Lương công đoàn luyện phàm kỷ niên,
    Chú đắc bảo kiếm danh Long Tuyền.
    Long Tuyền nhan sắc như sương tuyết,
    Lương công ta tư thán kỳ tuyệt.
    Lưu ly ngọc hạp thổ liên hoa,
    Thác lũ kim hoàn sinh minh nguyệt.
    Chính phùng thiên hạ vô phong trần,
    Hạnh đắc dụng phòng quân tử thân.
    Tinh quang ảm ảm thanh xà sắc,
    Văn chương phiến phiến lục quy lân.
    Phi trực kết giao du hiệp tử,
    Diệc tằng thân cận anh hùng nhân.
    Hà ngôn trung lộ tao khí quyên,
    Linh lạc phiêu linh cổ ngục biên.
    Tuy phục trầm mai vô sở dụng,
    Do năng dạ dạ khí xung thiên.


    (Anh chẳng thấy:
    Sắt tốt Côn Ngô bay khói nóng,
    Ánh hồng hơi tía đều rát bỏng.
    Thợ hay rèn luyện mấy năm liền,
    Đúc được kiếm báu tên Long Tuyền.
    Long Tuyền màu sắc như sương tuyết,
    Thợ hay tấm tắc khen kỳ tuyệt.
    Bao ngọc lưu ly nảy hoa sen,
    Khâu vàng chạm trổ sáng ánh nguyệt.
    Gặp khi thiên hạ lặng phong trần,
    May được quân tử dùng phòng thân.
    Thân rắn sống xanh màu lóng lánh,
    Văn rùa lưỡi chớp vảy linh lung.
    Nếu chẳng kết giao cùng hiệp khách,
    Cũng từng thân cận với anh hùng.
    Sao nói giữa chừng bị bỏ vứt,
    Rơi rụng phiêu linh cạnh ngục thất.
    Tuy bị vùi chôn chẳng được dùng,
    Đêm đêm khí vẫn xông trời đất).

    Vũ hậu xem xong rất khen ngợi, truyền đưa cho bọn Học sĩ Lý Kiều đọc. Từ đó Nguyên Chấn bắt đầu được trọng dụng, dần làm tới Tể tướng (Thượng thư bộ Lại), kế ra làm Đại Tổng quản quân Sóc Phương rồi về triều làm Thượng thư bộ Binh, oai danh lừng lẫy. Thời Đường Minh hoàng được phong là Đại quốc công, sau có lỗi bị giáng, kế được phục chức Tư mã rồi chết. Về sau Đỗ Phủ qua ngang nhà cũ của Quách, có làm thơ rằng:

    Tráng công lâm sự đoán,
    Cố bộ thế hoành lạc.
    Cao vịnh Bảo kiếm thiên,
    Thần giao phó minh mạc

    (Hào hùng gặp việc không câu nệ,
    Ngoái lại vết xưa thầm gạt lệ.
    Cao giọng ngâm bài Bảo kiếm ca,
    U minh kết giao cảm tri kỷ).


    Về câu “Thần giao phó minh mạc” trong bài Quá Đại công cố trạch trên đây, Đường thi kỷ sự chú rằng:

    Nguyên Chấn có hai câu thơ rất hay :

    Cửu thú nhân thiên lão,
    Trường chinh mã thiểu phì”
    (Người già năm viễn thú,
    Ngựa ốm lối trường chinh).

    Tương truyền Nguyên Chấn ngụ trong núi, đêm thấy một người mặt to như cái mâm hiện ra dưới đèn bèn viết hai câu thơ nói trên vào trán, người ấy biến mất. Hôm sau xuất hành, thấy một cây to có vết như cái vành tai, hai câu thơ ghi ở chỗ ấy, mới biết là quỷ thần tới nghe thơ!

    Mặc dù đường công danh cũng gặp nhiều chuyện không may, Quách Nguyên Chấn vẫn có một kết cục nhìn chung khá trọn vẹn. Song được dùng thì làm quan, không được dùng thì giữ chí, người ấy đã hiện ra qua thơ ấy rồi.

    Bài Cổ kiếm ca với hai câu :“Nếu chẳng kết giao cùng hiệp khách, Cũng từng thân cận với anh hùng” đã cho thấy một tài thức hào mại hơn đời, và với hai câu cuối “Tuy bị vùi chôn chẳng được dùng, Đêm đêm khí vẫn xông trời đất” thì một thiên tư cứng cỏi không chịu khuất phục nghịch cảnh đã hiển hiện. Cho nên thân làm Tể tướng, tước tới quốc công, vào triều ra trấn lừng lẫy tiếng tăm, trở thành bậc danh thần một thời, cũng có gì là lạ đâu?


    (Cao Tự Thanh, Giai thoại thơ Đường)

    Đã chỉnh sửa bởi Visaolaithe; 31-10-2011, 05:52 PM.
    Similar Threads
  • #2

    THIÊN CỔ HẬN Thoa Đầu Phượng - Lục Du Đường Uyển




    Bài từ Thoa Đầu Phượng được Lục Du sáng tác trong một hoàn cảnh đặc biệt:

    Ban đầu Lục Du lấy người em họ (con cậu) là Đường Uyển, hai người rất tâm đầu ý hợp, nhưng thân mẫu của Lục Du lại không ưa Đường Uyển, lại nghe thêm những lời gièm pha nên bà buộc hai người phải ly hôn.

    Về sau, Lục Du lấy Vương Thị, Đường Uyển cũng tái giá, lấy Triệu Sĩ Trình. Mấy năm sau, vào mùa xuân, hai người tình cờ cùng đi chơi vườn Thẩm, ngẫu nhiên gặp nhau. Đường Uyển lấy tình anh em họ, gửi rượu và dã vị mời Lục Du. Lục Du vô cùng thương cảm, vung bút đề lên bức tường trong vườn Thẩm bài Thoa Đầu Phượng này.

    Đường Uyển sau khi đọc được bài này trong lòng rất đau khổ, làm một bài từ cũng theo điệu Thoa Đầu Phượng họa lại. Sau đó nàng đau buồn, lâm trọng bệnh mà qua đời.

    Lục Du hay tin như sét đánh ngang tai, mấy phen khóc đến chết đi sống lại. Từ đó về sau, cái tên Đường Uyển đã trở thành một đề tài quen thuộc trong sáng tác văn chương của Lục Du.

    Mãi đến khi 84 tuổi ông vẫn không quên người vợ này, người tri kỷ lúc đầu của mình. Người đời đánh giá đây chính là một mối tình “thiên cổ hận”.



    ***






    Đầu tiên là bài Thoa đầu phượng do Lục Du sáng tác:


    釵頭鳳

    紅酥手,
    黃滕酒,
    滿城春色宮牆柳。
    東風惡,
    歡情薄。
    一懷愁緒,
    幾年離索!
    錯!錯!錯!


    春如舊,
    人空瘦,
    淚痕紅浥鮫綃透。
    桃花落,
    閒池閣。
    山盟雖在,
    錦書難托。
    莫!莫!莫!


    Dịch nghĩa


    Thoa đầu phượng

    Hồng tô thủ,
    Hoàng đằng tửu
    Mãn thành xuân sắc cung tường liễu.
    Đông phong ác,
    Hoan tình bạc,
    Nhất hoài sầu tự,
    Kỷ niên ly tác.
    Thác! Thác! Thác!…

    Xuân như cựu,
    Nhân không sấu,
    Lệ ngân hồng ấp giao tiêu thấu.
    Đào hoa lạc,
    Nhàn trì các.
    Thệ hải minh sơn tuy tại,
    Cẩm thư nan thác
    Mạc! Mạc! Mạc!…

    Lục Du



    Thoa đầu phượng

    Tay mềm yếu,
    Rượu Hoàng Đằng
    Thành xuân sắc, liễu xanh tường
    Gió đông ác,
    Ân tình bạc
    Nỗi lòng buồn bã,
    Tháng năm tan tác
    Sai! Sai! Sai!

    Xuân như cũ,
    Người hao gầy
    Khăn lụa hồng đẫm lệ hoen
    Hoa đào rơi,
    Bến vắng lặng
    Núi thề còn đây,
    Thư tình khó đề
    Đừng! Đừng! Đừng!

    (@quan4.net)





    Còn đây là Thoa Đầu Phượng do Đường Uyển sáng tác:


    釵頭鳳

    世情薄,
    人情惡,
    雨送黃昏花易落。
    曉風乾,
    淚痕殘。
    欲箋心事,
    獨語斜闌。
    難!難!難!


    人成各,
    今非昨,
    病魂曾似秋千索。
    角聲寒,
    夜闌珊。
    怕人尋問,
    咽淚妝歡。
    瞞!瞞!瞞!


    Dịch nghĩa:


    Thoa đầu phượng

    Thế tình bạc,
    Nhân tình ác,
    Vũ tống hoàng hôn hoa dị lạc.
    Hiểu phong càn,
    Lệ ngân tàn.
    Dục tiên tâm sự,
    Độc ngữ tà lan.
    Nan! Nan! Nan!

    Nhân thành các,
    Kim phi tạc,
    Bệnh hồn tằng tự thu thiên tác.
    Giác thanh hàn,
    Dạ lan san.
    Phạ nhân tầm vấn,
    Yết lệ trang hoan
    Man! Man! Man!


    Thoa đầu phượng

    Đời bạc bẽo,
    Nhân tình ác
    Mưa tiễn hoàng hôn hoa tan tác
    Gió khô khan,
    Lệ đã cạn
    Tâm sự muốn ngỏ,
    Độc thoại miên man
    Khó! Khó! Khó!

    Người phiêu bạc,
    Nay đã khác
    Tựa tơ lòng thắt tâm can
    Tiếng tù vang,
    Đêm sắp tàn
    Sợ người vấn hỏi,
    Nuốt lệ giả vui
    Giấu! Giấu! Giấu!

    (@quan4.net)





    Còn có một số bài dựa từ ý thành thơ sau:

    Đôi tay mềm mại trắng hồng,
    Trao ta ly rượu Hoàng-Đằng ngát hương.
    Thành xuân, liễu biếc bên tường.
    Gió đông ác nghiệt có thương ai nào,
    Ân tình bạc bẽo làm sao!
    Mối sầu ôm mãi chừng nào mới nguôi.
    Bao năm xa cách nhau rồi.
    Sai! sai! sai quá đi thôi! các người…

    Xuân như cũ, vẫn xanh tươi,
    Nỗi buồn còn đó và người ốm đi.
    Lụa hồng ngấn lệ còn ghi.
    Lầu không, ao vắng, người đi xa rồi.
    Hoa đào lả tả rụng rơi,
    Minh sơn thệ hải bao lời tạc ghi.
    Bức thư gấm khó gửi đi.
    Đừng, đừng, đừng có gửi chi cho phiền…

    (Anh-Nguyên@vnthuquan.net)


    Tay xinh gửi rượu hoàng đằng,
    Đầy thành xuân sắc, bền tường liễu xanh.
    Gió đông ác nghiệt đã đành,
    Ai hay bạc cả ân tình vì đâu.
    Lòng riêng đeo nặng mối sầu,
    Bao năm xa cách đơn cô một mình.
    Sai! Sai! Sai! Xót xa tình.

    Người ơi, gầy võ dáng hình vì xuân
    Lụa hồng thấm ngấn lệ hoen,
    Hoa đào rơi rụng lầu xuân vắng người.
    Minh sơn thệ hải bao lời,
    Mà phong thư gấm gởi người được đâu.
    Thôi đừng phiền lụy chi nhau.

    (từ Nguyễn Thị Bích Hải@thivien.net)


    Nguồn : Tổng hợp từ Net ( sau khi lỡ xem phim tài liệu về chuyện này... hic hic hic !!! )
    Đã chỉnh sửa bởi Visaolaithe; 14-07-2011, 12:48 AM.

    Comment

    • #3

      bài thơ này khí phách quá

      thật là hay sao người xưa sáng tác hay thế nhỉ bây giờ hiếm đc như vậy

      Comment

      • #4

        Lưu Linh và Tửu Đức Tụng




        Trúc Lâm thất hiền


        Mọi người thường hay gọi những người say sưa tối ngày là “đệ tử của thần Lưu Linh”, nhưng có lẽ những người ấy cũng không biết Lưu Linh là ai, tại sao lại được phong “thần’ như vậy! Đó là một câu chuyện có nguồn gốc hẳn hoi, rất xa xưa và được dân gian truyền tụng.

        Lưu Linh tên chữ là Bá Luân, sống vào những năm 210-270, cuối nhà Ngụy (Tào Tháo) đầu nhà Tấn (Tư Mã Ý) bên Tàu, là thành viên của nhóm Trúc Lâm thất hiền (nhóm 7 người tài), rất nổi tiếng về văn chương, gồm: Nguyễn Tịch, Kê Khang, Lưu Linh, Sơn Đào, Vương Nhung, Hưởng Tú, Nguyễn Hàm…Thời đó, các thế lực phong kiến tranh giành quyền lợi, xâu xé, tàn sát lẫn nhau. Xã hội đầy rẫy bọn mua quan, bán tước hợm hĩnh. Mọi người đều chán ghét xã hội, nhất là giới trí thức, học giả. Họ trốn tránh chốn quan trường, tìm vui trong văn chương, và rượu.

        Trong nhóm Trúc Lâm Thất hiền, nói về văn chương thì Kê Khang, Nguyễn Tịch nổi tiếng hơn, nhưng về rượu thì Lưu Linh, Nguyễn Tịch quả là cực kỳ…vĩ đại. Tương truyền, Nguyễn Tịch uống rượu hàng đấu, hàng vò. Còn Lưu Linh, tuy học rộng, tài cao nhưng không hề màng một chút gì về chuyện đời, về danh lợi. Ông thường ngồi trên một chiếc xe hươu kéo, chở theo những vò rượu lớn và uống rượu triền miên, rồi sai người vác cuốc theo sau bảo nếu ông chết ở đâu thì chôn ở đấy.

        Vợ Lưu Linh thấy chồng uống nhiều rượu quá, thì can ngăn. Lưu Linh xin vợ được uống một lần cho say khướt, rồi chừa. Sau đó Lưu Linh khấn:

        Thiên sinh Lưu Linh
        Dĩ tửu vi danh
        Nhất ẩm nhất hộc
        Ngũ đấu giải trình
        Phu quân chi ngôn
        Thân bất khả thinh...


        Tạm dịch:

        Trời sinh Linh này
        Lừng danh kẻ say
        Mỗi lần một hộc
        Năm đấu đưa cay
        Lời can của vợ
        Ngang trời gió bay...


        Khấn xong, uống say mềm, Lưu Linh lăn ra ngủ. Tuy say suốt ngày, nhưng đối xử với mọi người, Lưu Linh là người thâm hậu, lễ nghĩa, không bao giờ làm phật lòng ai. Ông cũng không bị bả vinh hoa, nạn thi cử để tiến thân khổ sở. Ông suốt đời chỉ lấy bạn và rượu làm niềm vui. Để ca ngợi rượu, Lưu Linh đã viết Tửu Đức Tụng (ca ngợi đức rượu) coi như một tuyên ngôn, đến đời sau đám tửu đồ coi đấy là một áng danh văn về rượu.




        Lưu Linh - Tửu Đức Tụng

        Hữu đại nhân tiên sinh giả. dĩ thiên địa vi nhất triêu, vạn triêu vi tu du, nhật nguyệt vi quynh dũ, bát hoang vi đình cù. Hành vô triệt tích, cư vô thất lư, mộ thiên tịch địa, tùng ý sở như. Chỉ tắc thao chi chấp cô, động tắc khiết đề hồ, duy tửu thị vụ, yên tri kỳ dư?

        Hữu quí giới công tử, tấn thân xử sĩ, văn ngô phong thanh, nghị kỳ sở dĩ. Nãi phấn mệ nãng khâm, nộ mục thiết xỉ, trần thuyết lễ pháp, thị phi phong khởi. Tiên sinh vu thị phưong phủng anh thừa tào, hàm bôi sấu dao. Phấn nhiêm ky cứ, chẩm khúc tạ tao, vô tư vô lự, kỳ lạc đào đào, ngột nhiên nhi tuý, khoát nhiên nhi tỉnh. Tĩnh thính bất văn lôi đình chi thanh, thục chi bất thị Thái sơn chi hình, bất giác hàn thử chi thiết cơ, lợi dục chi cảm tình. Phủ quan vạn vật, nhiễu nhiễu yên như Giang Hán tam tái phù bình; nhị hào thị trắc yên, như quả loả dữ minh linh.


        Tửu Đức Tụng

        Có một tiên sinh đại nhân lấy trời đất làm một buổi, muôn năm làm chốc lát, lấy mặt trăng, mặt trời làm cửa ngõ, lấy thiên hạ làm sân, làm đường: đi không thấy vết xe, ở không cần nhà cửa, màn trời, chiếu đất, thích thế nào thì làm thế. Lúc ở thì nâng chén, cầm bầu. Lúc đi thì vác chai, xách nậm, lúc nào cũng chỉ có việc rượu chè, không thèm biết đến gì nữa.( Những ý tứ trên đây là Lưu Linh tự nói về mình).

        Có một công tử và một vị quan sang nghe tiếng tiên sinh như thế bèn tìm đến. Kẻ thì trừng mắt, nghiến răng, người thì giảng giải lễ phép, lời phải trái ầm ĩ, xôn xao như đàn ong vậy.
        Lúc đó, tiên sinh liền ôm vò, ghé vào thùng rượu, tợp một chén, mồm đầy những rượu, vểnh râu, dạng chân gối đầu vào men, lăn lưng vào bã, không nghĩ, không lo, hớn hở vui thú, ngất ngưởng say sưa, thoáng rồi lại tỉnh.. Lắng tai, cũng không nghe tiếng sấm sét. Nhìn kỹ, cũng không thấy hình núi Thái Sơn. Nóng, rét đến thân không biết, lợi dục cảm đến tình cũng không hay. Cúi xuống trông vạn vật rối rít ở trước mắt khác nào như bèo nổi bập bềnh trên sông Giang, sông Hán. Huống nữa, hai vị xin đứng cạnh, tiên sinh, bấy giờ xem cũng như con tò vò, con sâu róm mà thôi”.



        Comment

        • #5

          Về hai câu thơ nổi tiếng của Vương Bột



          Đằng Vương các



          落霞與孤鶩齊飛,
          秋水共長天一色。
          “Lạc hà dữ cô vụ tề phi,

          Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc”

          Về hai câu thơ nổi tiếng của Vương Bột

          Vương Bột (649-676), tự Tử An, người đất Long Môn là một nhà thơ có tài ở đời Đường. Ngay từ lúc lên sáu đã viết được nhiều bài văn, bài thơ khá hay. Mười sáu, mười bảy tuổi nổi danh hạ bút nên vần.

          Vương có thói quen, mỗi khi làm văn, mài mực sửa soạn nghiên bút rồi nằm đắp chăn ngủ. Khi tỉnh dậy, cầm ngay bút viết. Vương nổi tiếng là một thi sĩ cao danh thời Sơ Đường (618-713).

          Con của vua Cao Tông nhà Đường bấy giờ làm Thái Sử ở Hồng Châu, được phong là Đằng Vương, có dựng một cái gác bên sông Tầm Dương gọi là "Đằng Vương Các". Lúc Diêm Bá Dư ra giữ chức Đô Đốc Hàng Châu, đặt tiệc tại gác Đằng Vương để thết tân khách. Muốn khoe tài chàng rể, bảo làm trước một bài tự, rồi mời tất cả các nhà quyền quý, các mặc khách tao nhân xa gần đến dự; và yêu cầu mỗi người làm một bài tự ngay bữa tiệc.

          Vương Bột lúc bấy giờ, tuổi vừa 15, 16. Hay tin ấy, nhưng vì đường xá xa xôi có mấy trăm dặm, không đến họp được, lấy làm tiếc. Một ông già khuyên chàng cứ sửa soạn thuyền buồm, tự nhiên sẽ có gió thổi. Quả nhiên đêm đó có gió lớn. Vương cho thuyền khởi hành, và hôm sau tới Đằng Vương các vừa kịp lúc vào tiệc.

          Thấy Vương Bột, viên Đô Đốc họ Diêm khinh là con nít, miễn cưỡng cấp giấy bút. Nhưng cho người đứng bên cạnh Vương, hễ Vương viết được câu nào thì chép lại cho ông xem.

          Nghe báo câu mở đầu:

          南昌故郡,洪都新府。
          Nam Xương cố quận, Hồng Đô tân phủ”
          (Nam Xương là tên quận cũ, Hồng Đô là tên phủ mới)

          Diêm cười, nói: “Đó chỉ là lời bàn luận tầm thường của bọn học trò già!”.
          Nghe báo câu tiếp:

          星分翼軫,地接衡廬。
          “Tinh phân Dực Chẩn, địa tiếp Hành Lư”
          (Nơi phân ranh giới sao Dực và sao Chẩn, địa thế tiếp với Hành Sơn và Lư Sơn).

          Diêm trầm ngâm không thốt một lời.
          Khi nghe đến câu:

          落霞與孤鶩齊飛,
          秋水共長天一色。
          Lạc hà dữ cô vụ tề phi,
          Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc”

          (Ráng chiều với chiếc cò cô độc đang bay
          Làn nước thu với bầu trời mênh mông một màu)

          Diêm thú quá, đứng dậy buột miệng khen: “Quả là thiên tài, đáng lưu danh muôn thuở”.

          Bài của họ Vương đặc sắc hơn tất cả. Từ đó, danh càng vang dậy khắp nơi.




          Tượng Vương Bột ở phía dưới Đằng Vương Các.

          Bài phú "Đằng Vương các" viết theo thể biền ngẫu, dùng nhiều chữ cầu kỳ, nhiều điển khó hiểu nhưng lời thì cực đẹp nên rất khó dịch. Trong bài, Vương Bột nhắc qua địa lý và nhân vật ở quận, nơi xây gác Đằng Vương, rồi tả chủ khách trong tiệc, phong cảnh chung quanh khi ngồi trong gác trông ra, sau cùng kể cảm tưởng của chính mình.

          Cuối bài thơ, có 8 câu tuyệt diệu, nhất là 4 câu cuối:

          閒雲潭影日悠悠,
          物換星移幾度秋。
          閣中帝子今何在?
          檻外長江空自流。


          Nhàn vân đàm ảnh nhật du du,
          Vật hoán tinh di, không độ thu?
          Các trung đế tử kim hà tại?

          Hạm ngoại trường giang không tự lưu.

          Nghĩa:

          Đầm chiếu mây bay, trời lửng lơ
          Sao dời vật đổi, mấy thu rồi.
          Con vua trong gác nào đâu nhỉ?
          Dòng nước ngoài hiên vẫn tự trôi.


          Nhưng người có tài như thế mà mạng yểu. Nhân khi đi thăm cha làm quan ở Giao Chỉ, Vương bị đắm thuyền, chết ở giữa biển giữa 29 xuân xanh.

          Tương truyền rằng hai câu thơ:

          Lạc hà dữ cô vụ tề phi,
          Thu thủy cộng tràng thiên nhất sắc.


          Tuyệt diệu như thế mà có người cho Vương Bột còn dốt, nhưng không chỉ dốt chỗ nào. Vì thế khi chết, hồn còn uất ức nên trong đêm khuya thanh vắng thường hiện hình trên bãi bể, níu áo những văn nhân sĩ tử qua đường, miệng ngâm nga hai câu thơ trên và hỏi dốt chỗ nào, xin chỉ giúp. Nhưng ai nấy đều khen hay. Hồn Vương không bằng lòng, cho rằng sĩ tử kia còn dốt, thi khoa này không thể đậu. Quả thật như thế.

          Rồi, cũng từ đó, giọng ngâm hai câu thơ kia vẫn còn văng vẳng bi ai theo hình bóng họ Vương thơ thẩn, dật dờ trên bãi biển.

          Nhưng một hôm có một văn nhân đi ngang qua đấy, hồn Vương hiện hình níu lại hỏi, thì chàng văn nhân ấy cười bảo:

          - Hai câu thơ ấy không phải sai nhưng nhà ngươi còn dốt thật. Đã bao năm có tiếng là tứ kiệt Sơ Đường mà không nhận biết được cái dốt của mình trong hai câu thơ ấy ư?

          Nói xong dứt áo ra đi. Vương tha thiết yêu cầu giải thích. Khách không phụ lòng, nên bảo:

          - Hai câu thơ thừa chữ "dữ" và chữ "cộng". Nếu bỏ hai chữ thì thật tuyệt, vừa gọn vừa thanh thoát, lại nhất khí:

          Lạc hà cô vụ tề phi,
          Thu thủy tràng thiên nhất sắc.


          Vương Bột nhận ra, quả còn dốt thật, mới bái tạ lãnh lời chỉ giáo.

          Từ đó, trong đêm khuya thanh vắng, trên bãi biển không còn hình bóng của nhà thơ tài danh trẻ tuổi hiện ra nữa. Và giọng ngâm hai câu thơ bất hủ bi ai, não ruột kia cũng chìm mất trong không gian cao rộng, mịt mờ. Đây là một câu chuyện hoang đường.

          Do câu chuyện gió đưa thuyền Vương Bột đến Đằng Vương các làm cho Vương nổi tiếng tài danh, nên cổ thi có câu: "Thời lai, phong tống Đằng Vương các" (Thời tới thì gió đưa đến Đằng Vương) để chỉ sự may mắn của kẻ gặp thời. Những từ ngữ: "duyên Đằng", "gió đưa Đằng các" đều có ý nghĩa như thế.

          Trong "Đoạn trường tân thanh" của Nguyễn Du có câu: "Duyên Đằng thuận nẻo gió đưa" là do điển tích trên.

          (Tổng hợp)



          Đằng Vương các : là tên gọi của ba nhà lầu có gác do Đằng Vương Lý Nguyên Anh cho xây dựng tại các tỉnh Giang Tây, Tứ Xuyên và Sơn Đông. Ở đây là Đằng Vương các ở Nam Xương, tỉnh Giang Tây là một trong ba đại danh lầu của vùng Giang Nam, cùng với Nhạc Dương lâu ở Hồ Nam, Hoàng Hạc lâu ở Hồ Bắc.


          Comment

          Working...
          X
          Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom