• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Kỷ niệm về Thi sĩ Đông Hồ

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Kỷ niệm về Thi sĩ Đông Hồ

    Kỷ niệm về Thi sĩ Đông Hồ
    Nguyễn Triệu Nam

    dactai" align="left" border="0" alt="" style="padding:7px;" />Ông là một nhà thơ, một nhà nho học, Pháp học vào thời Nam Phong, Đông Dương Tạp Chí. Nổi danh với thiên bút ký khóc vợ. Nói đến danh tác Linh Phượng Lệ Ký của Đông Hồ, người ta liên tưởng ngay đến Giọt Lệ Thu của nữ sĩ Tương Phố. Bà khóc chồng. Ông khóc vợ. Ngẫu nhiên mà có sự tương hợp về nghịch cảnh. Do đó, trong văn giới, nảy sinh một giai thoại nực cười. Cười ra nước mắt. Có người dựng chuyện là hai ông bà thi sĩ ấy đã gặp gỡ nhau bàn tính việc kết hợp để khi sống thì đồng sàng, lúc chết thì đồng quách. Thật ra, họ chỉ gặp gỡ nhau trong văn chương thôi. Nhà thơ của Hà Tiên Thập Cảnh đã làm sáng tỏ chân lý. Đó là tục huyền. Gá nghĩa đá vàng với Mộng Tuyết, một nữ sĩ có cái mỹ danh màu mè là Thất Tiểu Muội. Làm bạn với Đông Hồ, bà ta trở thành đồng chủ nhân Yễm Yễm Thư Trang.

    Về thơ, Đông Hồ chủ trương giữ nguyên khuôn thước cũ nhưng lời mới, ý mới. Thi phong trang trọng. Thi tứ xúc tích. Thi ngữ trau truốt. Tuy nhiên, một số bài vẫn phảng phất một cái gì cổ kính. Chẳng hạn như bài thơ Khóc Vợ:

    Chăn gối cùng nhau những ấm êm,
    Bỗng làm ngọc nát, bỗng châu chìm.
    Đầm đìa giọt lệ khăn hồng thấm,
    Lạnh lẽo đêm xuấn giấc mộng tìm.
    Hình dáng mơ màng khi thức, ngủ,
    Tiếng hơi quanh quẩn nếp y xiêm.
    Bảy năm vui, khổ, ngàn năm biệt,
    Sớm gió, chiều mưa lắm nỗi niềm.

    Đọc bài thơ ai oán ấy, tưởng đâu sự việc diễn ra trong thời Mồ Cô Phượng, Đồi Thông Hai Mộ trở về trước, với chiếc khăn hồng thông dụng để thấm lệ. Hoặc giả, trong thời Tự Đức, ngược dòng tuế nguyệt, trở lại cái thời xa xưa, với xiêm y, chỉ có khuê nữ mới vận. Nhưng mà, không. Lại là thập kỷ 20. (Mở dấu ngoặc đơn có lẽ hơi thừa. Xiêm là cái váy. Duy có phụ nữ ở miền Bắc mới vận. Chớ, ngay từ thời còn Đàng Trong, Đàng Ngoài, đàn bà, con gái ở miền Nam đâu có vận váy.)

    Đông Hồ là một cây bút có hạng, cùng thế hệ với thân phụ tôi. Năm 41, gia phụ dạy học ở Vinh. Chuyên về hai môn Sử và Pháp ngữ. Trường trung học tư thục nổi tiếng Minh Tân, nơi ông dạy, sau cải danh là Lễ Văn, bao hàm ý nghĩa tiên học lễ, hậu học văn. Hồi đó, Đông Hồ thường trao đổi thư từ với gia phụ. Những bức thư Nhà thơ viết, tôi đều được phép đọc. Nội dung bao la nhưng toàn xoay quanh chủ đề văn học. Giấy viết thư là một loại giấy đặc biệt, hiếm có. Viết bằng bút chấm mực. Dĩ nhiên, vì thời đó chưa có bút bi. Ngòi bút, có lẽ là ngòi răng cưa hoặc ngòi Mala của Pháp. Mực xanh. Đó là thứ mực Nhà Nước Bảo Hộ cấp cho các trường công ở Trung và Nam phần. Còn ở Bắc phần thì là mực tím. Chữ Đông Hồ khá đẹp. Chữ đứng, nắn nót như thể viết écriture. Nét chữ chân phương, mát mắt, dễ đọc.

    Năm 55, tôi ở Dĩ An với ông bác ruột (anh của mẹ). Thường đi Sài Gòn chơi. Sáng đi, chiều về. Số là bà bác dâu tôi thất lộc sớm cho nên bác tôi không cầm lòng được mà khóc mỗi khi đọc bài thơ Khóc Vợ của Đông Hồ.
    Ông đã giúp tôi lùng kiếm kỳ được bảy tác phẩm của gia phụ. Bảy cuốn này đều do nhà Tân Dân xuất bản.

    Vì biết Đông Hồ là chủ nhân Yễm Yễm Thư Trang, nơi tái bản nhiều tác phẩm thời tiền chiến nên bác tôi bảo hãy liên lạc với tác giả Linh Phượng Lệ Ký, hỏi xem ông ấy có cần in lại sách của gia phụ thì bán bản quyền. Thế là, một hôm nhằm chủ nhật, tôi đến Yễm Yễm Thư Trang. May thay! Bữa đó Nhà thơ có mặt tại thư quán. Lần thứ nhất diện kiến Đông Hồ, tôi nhận ra ông liền. Vì đã từng thấy ảnh ông in trong Nhà Văn Hiện Đại của Vũ Ngọc Phan, do nhà Tân Dân xuất bản. Vì là ấn bản đầu tiên nên nước ảnh rất rõ. Không mờ như mấy lần tái ấn sau này.

    Đông Hồ là mẫu người nệ cổ, có phần kiểu cách. Hay dùng điển tích xưa mỗi khi nói chuyện. Tiếp xúc với văn hữu, thường chêm những cổ ngữ, nhất là những kính ngữ. Cách trang phục cũng cổ nữa. Lễ lạc hay tiếp tân, đều vận quốc phục, khăn đóng, áo dài, giầy Gia Định. Về hình thức bề ngoài, có thể coi con người Đông Hồ là phiên bản của hình ảnh một công dân Gia Định Thành thời Minh Mạng. Tiếp khách quý, Nhà thơ còn đốt trầm cho thêm phần trịnh trọng. Chỉ khách quý ngang vai hoặc trên vai mình thì mới bày vẽ như thế. Khách dưới vai, đáng tuổi con cháu thì khỏi. Đông Hồ là bạn thân của gia phụ. Tôi coi ông như một người bác nên không có cái vụ phải hít khói trầm đầy phổi. Biết rõ là Đông Hồ nhưng tôi vẫn làm như không biết mà hỏi sau khi kính cẩn thi lễ:

    - Xin lỗi cho được phép hỏi. Chẳng hay tiên sinh có phải là Đông Hồ Lâm Tấn Phác, tác giả bài văn Linh Phượng không à?

    Ông đáp:
    - Vâng, chính là Lâm này. Chẳng hay có chuyện gì mà anh lui tới tệ xá vậy? Mời vào dùng trà đã.

    Đông Hồ dùng tiếng anh để gọi tôi. Vì hồi ấy tôi còn trẻ. Mới hăm sáu tuổi. Ưa chuộng văn thơ nhưng chưa từng cầm bút viết văn, làm thơ. Nghe tiếng anh thốt ra từ miệng một nhà thơ mà mình ngưỡng mộ, thấy gần gũi, thân mật làm sao. Thân mật như thể, ngày nào, gia từ quen dùng tiếng anh để gọi tôi và xưng mợ với các con vậy.

    Sau khi tự giới thiệu mình là trưởng nam của nhà văn quá cố Nguyễn Triệu Luật, tôi đề cập thẳng ý định muốn tái bản bảy tác phẩm của Nhà văn. Đông Hồ hỏi tôi có giấy tờ gì chứng minh cho mối liên hệ huyết thống ấy không. Tôi trả lời có. Rồi trưng ra đủ văn bản pháp lý mang theo. Bảy cuốn sách thì hiện để ở nhà. Ký kết hợp đồng xong sẽ trao.

    Chủ nhân Yễm Yễm Thư Trang bảo:

    - Chúng tôi có đọc bảy tác phẩm ấy từ lâu rồi. Đọc cả bài phê bình của Vũ Ngọc Phan nữa. Sách có giá trị lắm. Nếu không in lại sẽ thất lạc, rất uổng. Được. Chúng tôi chấp nhận in. Tất nhiên là in đúng nguyên bản. Nhưng có ý kiến này. Là nên bôi những chữ, những câu tiếng Pháp đi. Bỏ luôn cái đoạn ví thân phận Đặng Thị Huệ lúc thất thế với thân phận con hải âu – albatros – miêu tả trong thơ Baudelaire. Anh nghĩ sao?

    Tôi đáp:
    - Thưa tiên sinh, tôi cũng có ý ấy. Chưa kịp phát biểu thì ngài đã nêu lên trước. Vâng, tôi đồng ý.
    - Vậy anh hãy ghi nhan đề mấy cuốn sách đó. Để chúng tôi căn cứ vào đó mà đánh máy hợp đồng.
    - Vâng. Nhưng, thưa tiên sinh, ngài tính trả cho bao nhiêu tiền cơ à?

    Tôi hỏi. Chủ nhân bảo:

    - Chúng tôi chưa nói hết mà, anh bạn trẻ. Chúng tôi không trị giá từng cuốn một. Mà là trả gồm cả bảy cuốn. Ba chục ngàn đồng. Trả liền một lần sau khi ký kết. Ba chục ngàn đồng, trả đứt một lần. Anh bằng lòng chớ?

    Tôi gật đầu. Bằng lòng liền. Mừng húm. Vì số tiền ấy, đối với tối, nó rất lớn. Hồi đó, giá một chỉ vàng có hai ngàn đồng. Không nên kỳ nèo thêm. Già néo đứt dây, hư đường, hư bột hết.
    Đông Hồ bảo:

    - Sáng mai, đúng chín giờ, anh trở lại đây ký hợp đồng và nhận tiền.
    Y hẹn, hôm sau, tôi đến Yễm Yễm Thư Trang. Giữ lời hứa, tôi trao cho nhà xuất bản bảy tác phẩm. Rồi nhận tấm chi phiếu ba chục ngàn đồng. Đông Hồ nói:
    - Thời buổi nhiễu nhương, nhiều nhà văn, nhà thơ mất hết ấn bản trong lúc chạy loạn. Vậy mà anh còn giữ được đủ sách của ông thân sinh. Đáng khen lắm.

    - Thưa tiên sinh, ngài dạy quá lời rồi. Tôi đâu có giữ được. Chạy loạn là mất sạch. Vào trong Nam này, tôi phải lùng kiếm muốn đỏ con mắt không ra. May thay nhà sách Cảnh Hưng ở quận 3 còn giữ được bốn cuốn. Tôi thuê sách để đọc rồi lấy luôn. Ba cuốn khác, mua ở vỉa hè. Vì thế mới có đủ.

    - Vậy cũng đáng khen chớ. Có điều này nói để anh biết: Xưa nay, chưa bao giờ chúng tôi mua một lần mấy tác phẩm cả. Nay, mua cả bảy tác phẩm, lại trả tiền một lần là dứt, chớ không trả lắt nhắt. Thì đó phải kể là một sự hy hữu, một ngoại lệ.

    - Vâng, quả vậy, thưa tiên sinh. Cảm ơn ngài về tấm thịnh tình, theo như tôi cạn nghĩ, rất hi hữu vào đáng quý ấy.
    - Không có chi. Anh đừng nghĩ vậy.

    Tiếp xúc với Đông Hồ lần này là lần thứ hai, tôi hơi lấy làm lạ. Lạ, vì thấy người bạn thân của cha mình không hề để tâm đến cách xưng hô sao cho thích hợp. Khác hẳn với Lê Văn Trương và Vũ Hoàng Chương, hai vị ấy gọi tôi bằng cháu, xưng bác hoặc chú với tôi. Nghe hai tiếng tiên sinh và ngài tôi gọi ông, Nhà thơ cũng cứ để nguyên. Bề ngoài lạnh băng là vậy. Nhưng bên trong đượm nồng thiện cảm. Ông bùi ngùi nói:

    - Tôi rất mến trọng ông Luật, không muốn khơi lại cố sự đau lòng.
    Lời nói hàm xúc làm sao! Tuy vậy kịp hiểu ngay là Đông Hồ không muốn nhắc đến cái chết của gia phụ.

    Một năm sau, bảy tác phẩm được ấn hành. Tôi đến Yễm Yễm Thư Trang, lấy mỗi cuốn một chục ấn bản để tặng bạn hữu, quyến thuộc. Tên nhà xuất bản được ghi là Bốn Phương. Nhận thấy, sáu cuốn được đề là lịch sử ký sự. Đề như vậy là đúng với thể loại. Không như nhà Tân Dân đề là lịch sử tiểu thuyết cho cả bảy cuốn. Tiểu thuyết chỉ có cuốn Hòm Đựng Người thôi. Sáu cuốn kia là ký sự: Bà Chúa Chè, Chúa Trịnh Khải, Loạn Kiêu Binh, Rắn Báo Oán, Ngược Đường Trường Thi, Bốn Con Yêu, và Hai Ông Đồ.

    Bữa hôm ấy, tôi không gặp Đông Hồ. Chỉ gặp bà Thái Thị Sửu, đại diện nhà xuất bản Bốn Phương. Cho nên chẳng có gì để bàn luận của. Mãi đến năm 62, tôi có điện thoại cho ông, nói về bản hợp đồng. Ông bảo:
    - Thời hạn năm năm đã hết. Giờ, anh có quyền tái bản, bán cho ai tùy ý. Tôi có nhờ cụ Vi báo tin ấy, anh chưa hay à? Anh bạn trẻ à, tôi vì muốn cho văn đàn có đủ sách của Nguyễn Triệu Luật để, mai này, sẽ in toàn bộ tác phẩm trong một tập dày dễ cho việc tra cứu. Cũng vì kính mến ông thân sinh ra anh là bạn thân của mình nên mới nhận tái bản. Không lỗ lã là may. Huề vốn thôi. Sách in ra, toàn bán câu giầm, anh còn lạ gì.

    Có một dạo, sau vụ ly hôn, tôi tá túc ở Hoàng Mai Hiên, nhà của kịch tác gia Vi Huyền Đắc, một ông chú họ. Một hôm, Đông Hồ lại chơi. Cũng vẫn trịnh trọng trong bộ quốc phục chỉnh tề. Hôm đó, tôi ở nhà nên được hân hạnh hầu chuyện. Nhà văn họ Vi nói:

    - Chẳng mấy khi rồng đến nhà tôm. Ngu đệ vốn quen ăn vận xuềnh xoàng, lại kỵ khói trầm, hóa ra thất lễ với văn huynh. Mong đại ca thể tất cho.
    Nhà thơ xứ Hà Tiên chỉ cười mà không nói gì. Rồi nhập cuộc trà đàm. Đổi trao tương đắc. Mải vui câu chuyện dứt ra không được. Nếu ghi chép lại đầy đủ thì một trăm trang cũng chưa hết chuyện. Cho nên tôi không ghi ở đây. Chỉ ghi mẩu đối thoại ngắn ngủi giữa tác giả Linh Phượng Lệ Ký và kẻ hậu bối này thôi.

    - Thưa tiên sinh, tôi có đọc tập thơ Trinh Trắng của tiên sinh. Quả tình hâm mộ. Xin đặc miễn cho phần phê bình về nội dung. Chỉ nêu lên một nhận xét về việc in ấn thôi. Vậy được chớ à?

    Tôi hỏi. Nhà thơ đáp:

    - Tôi biết trước là anh sẽ nói gì. Tuy nhiên, anh cứ phát kiến.

    Tôi nói:
    - Từ 45 trở về trước, thi phẩm thường in khổ lớn, bằng tờ giấy pơ-luya. Co chữ 12. Chẳng hạn như tập Lửa Thiêng của Huy Cận, Mây của Vũ Hoàng Chương, Quê Ngoại của Hồ Dzếnh, Tiếng Vọng Sông Ngân của Ngân Giang. Tập Trinh Trắng của tiên sinh in khổ lớn hơn như thế. Bằng tờ Paris Match. Do đó, chữ phải lớn theo. Co chữ 16 lận. Chỉ có sách giáo khoa dành cho học trò lớp Năm, đang tập đánh vần, mới in chữ lớn nhường ấy. Cả một mẫu mã độc đáo thuộc ngoại lệ. Xin lỗi tiên sinh, không hiểu ngài nghĩ thế nào mà lại cho in ấn một cách đặc dị, không giống ai như vậy? Xin cho kẻ hèn này được lãnh hội tôn ý.

    Đông Hồ bảo:
    - Có lẽ anh nói chưa hết ý đâu. Vậy cứ nói tiếp cho.
    - Vâng, ngài đã cho phép thì tôi xin nói thẳng. Một thi phẩm đã hay thì dầu in khổ nhỏ nó vẫn hay. Mà đã dở thì dầu in khổ lớn nó vẫn dở. Trinh Trắng là một tập thơ hay. Cũng như Quách Tấn, tiên sinh chủ trương dùng bình cũ để chứa rượu mới. Bình cũ nơi Đông Hồ là bình quý. Rượu mới nơi Đông Hồ là rượu quý. Xem vậy cần gì phải khoác cho hình thức bề ngoài cái vẻ đồ xộ khiến đã có nhiều văn hữu bình rằng tiên sinh có ý khoa trương, muốn cho thiên hạ chỉ để ý đến mình, chớ không để ý đến người khác. Thưa tiên sinh, kẻ hậu bối này nhận xét bông lông như thế, có điều gì không phải, mong ngài vui lòng chỉ giáo cho.

    Đông Hồ:
    - Anh nhận xét rất xác đáng. Có điều cần nói ở đây là tác giả không có ý khoa trương. Thích thì làm vậy thôi. Thử xem có ai hưởng ứng với vậy in ấn khác thường như thế không. Không có ai cả. Các nhà thơ vẫn in khổ lớn bằng tờ pơ-luya. Như Trúc Sĩ với tập Sao Rơi, Đinh Hùng với tập Đường Vào Tình Sử. Hiện thời có khuynh hướng in ấn thi phẩm theo khổ tiểu thuyết. Lắm lúc nhìn tập Trinh Trắng, tôi cũng cảm thấy bực dọc. Nội dung thì đắc ý, cố nhiên thế. Còn về hình thức in ấn nặng phần trình diễn, giờ mới thấy là ngược đời. Chừng nào tái bản sẽ in theo khổ 22 x 28.
    - Thưa tiên sinh, nếu tái ấn chỉ cần chụp thâu nhỏ lại. Co chữ 16 sẽ thành co 12. Khỏi sắp chữ.

    - Phải sắp chữ lại, anh à. Vì kiểu chữ trong Trinh Trắng nó thô quá. Sẽ sắp kiểu romain nó thanh nhã hơn nhiều. Cảm ơn anh về sự góp ý.
    Từ sau ngày tao ngộ ở Hoàng Mai Hiên, tôi không có dịp nào gặp lại Đông Hồ cả nữa. Mãi sau này mới được tin ông đã mất. Gục ngã trên bục giảng của trường Đại Học Văn Khoa: cái chết bất ngờ của Nhà thơ thật bi thiết nhưng thật là đẹp. Đông Hồ là một trong những cây bút điêu luyện có nhiều công trong phong trào Thơ Mới. Tuy sinh ra trong thời đại mới nhưng ông vẫn giữ được vẹn nguyên những giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam. Ông đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm sáng giá mà tiêu biểu là Hà Tiên Mạc Thị Sử, Văn Học Hà Tiên, Linh Phượng Lệ Ký, Gái Xuân, Trinh Trắng đáng được ghi bằng nét vàng trong Văn Học Sử.
    Sống trên đời

    Similar Threads
Working...
X
Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom