• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Hương Phi, Mối Tình Tuyệt Vọng Của Vua Càn Long

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Hương Phi, Mối Tình Tuyệt Vọng Của Vua Càn Long

    Hương Phi, Mối Tình Tuyệt Vọng Của Vua Càn Long


    Nguyễn Vạn Lý


    Trong nhiều thế kỷ, những khách thương Trung Hoa trên đường đi Ấn Ðộ và Tây Phương, phải vượt qua một vùng đất khắc nghiệt. Vùng đất ấy ngày nay được gọi là Trung Á và Tân Cương của Trung Hoa. Những nỗi gian nan nguy hiểm của cuộc hành trình thì thật là khủng khiếp. Họ phải đi qua những sa mạc nóng cháy không có nước, vượt qua những ngọn núi cao, dốc đứng và hiểm trở, trong khi lúc nào cũng bị những thổ dân hung hãn ở sa mạc tấn công. Ðấy là một vùng đất đáng sợ cho khách thương. Nhưng từ thời đế quốc La Mã, và có thể trước đó nữa, những đoàn thương nhân cưỡi lạc đà chở sản phẩm từ Trung Hoa đã bất chấp những sự nguy hiểm và khổ cực của con đường sa mạc này.

    Vì là một địa điểm chiến lược, vùng Trung Á bao giờ cũng là mối ưu tư của các hoàng đế Trung Hoa. Từ thời nhà Hán, các hoàng đế Trung Hoa khi hùng mạnh thường phái quân viễn chinh để chinh phục vùng này, và thiết lập những căn cứ quân sự tại đây, để bảo vệ các khách thương Trung Hoa. Nhưng vào những thời kỳ khác, khi trong nước loạn lạc, các vua chúa Trung Hoa mải lo đối phó với những vấn đề nội bộ, thì những tiền đồn này lọt vào tay các thế lực trong vùng. Khi nội bộ ổn định rồi, các hoàng đế lại phải tìm cách tái chiếm khu vực, và thường là tổn thất khá nhiều sinh mạng cho cả hai bên. Những sắc dân Tây Phương, một số thuộc giống Nhật Nhĩ Man, xâm nhập vào Trung Á khi Trung Hoa yếu kém, và như vậy vùng này trở thành quê hương của nhiều giống dân khác nhau. Những giống dân này phải lìa bỏ quê hương gốc vì lý do kinh tế hoặc tôn giáo.

    Những ốc đảo trong vùng Trung Á trở thành những vương quốc nhỏ, hoặc những đô thị lớn. Vào thời nhà Ðường, một nền văn minh cao đã phát triển tới đây; nhiều chùa chiến, đền thờ Hồi giáo và những nhà thờ của giáo hội Thiên Chúa Nestorian đã đứng cạnh nhau. Ðây là một bằng chứng rõ ràng về sự đa dạng của tín ngưỡng và nòi giống của những người sinh sống trong vùng đất này. Những khách thương từ Trung Hoa, Ấn Ðộ hoặc Ba Tư thường lưu lại trong các thành phố tại đây, để hưởng thụ sự tiện nghi của văn minh sau những cuộc phấn đấu sinh tử với thiên nhiên khắc nghiệt. Khi trở về quê hương, họ mang theo những truyện về những mỹ nhân và những truyện kỳ lạ về những triều đình xa hoa của của những ông vua sống cô lập tại sa mạc. Những truyện kể lại trải qua nhiều đời vẫn giữ nguyên vẹn như lúc khởi đầu, và đối với thế giới bên ngoài thì miền Trung Á đã trở thành một nơi mang huyền thoại của những chuyện tình thơ mộng và những nỗi nguy hiểm khôn lường, trong khi sự bí mật luôn luôn bao phủ những miền đất xa xôi, tô điểm thêm những yếu tố thần bí vào một nền văn hoá mang nặng tính chất truyền thuyết.

    Nhưng sự phì nhiêu của những ốc đảo tùy thuộc vào một yếu tố, và chỉ một yếu tố thôi: đó là nước. Một hệ thống dẫn nước rất công phu đã biến một phần của sa mạc thành những khu vườn hoa. Nhưng các trận chiến tranh của Thành Cát Tư Hãn vào thế kỷ thứ 13 đã tiêu diệt dân chúng trong vùng, nên không còn người khai thông việc dẫn nước. Dần dần cát bao vây các đô thị, đền đài, dinh thự, và những nghệ phẩm vô giá bị xoá bỏ hết. Khi đường thủy thay thế đường bộ, miền Trung Á không còn là con đường chính đi từ Trung Hoa sang Tây Phương nữa. Cả một vùng mênh mông bị thoái hoá, và chỉ còn là cái bóng mờ của quá khứ.

    Vào thế kỷ thứ 18, khi vua Càn Long nhà Thanh ngồi trên ngai vàng Trung Hoa thì vinh quang của vùng Trung Á đã nhạt rồi. Nhưng một biến cố lớn xảy ra và vùng này bỗng trở nên quan trọng, bước ra khỏi sự thờ ơ và quên lãng của người đời. Hai anh em nhà họ Hojas cai trị miền Trung Á bỗng vùng lên chống lại sự bảo hộ của nhà Thanh, và tranh dành quyền làm chủ khu vực. Càn Long phải phái quân đội tới can thiệp. Hai anh em nhà họ Hojas gồm có người anh được gọi là Ðại Hojas, và người em là Tiểu Hojas. Khi đại quân nhà Thanh tới tái lập trật tự thì anh em nhà Hojas thất bại, không chống cự lại được quân nhà Thanh, và phải bỏ chạy tới nương nhờ quốc vương Badakshan, một ông vua của một nước láng giềng trong vùng.

    Tiểu Hojas đem theo người vợ trong cuộc chạy trốn. Người vợ của Tiểu Hojas được gọi là Công chúa Hương Phi, và nhan sắc của Hương Phi tuyệt vời đến nỗi danh tiếng về sắc đẹp của nàng được truyền tụng khắp nơi. Ở đâu người ta cũng bàn tán về người phụ nữ tuyệt sắc này. Người ta không biết nhiều về tuổi thơ ấu cũng như thời kỳ mới lấy chồng của Hương Phi, ngoại trừ chỉ biết rằng nàng sống với chồng tại Aksu, một thành phố cách xa Bắc Kinh sáu tháng đường bộ. Tuy ở xa hàng ngàn dặm, Càn Long cũng nghe nói về sắc đẹp và mùi hương thơm đặc biệt tỏa ra từ thân thể nàng Hương Phi. Mùi hương này tuyệt diệu đến nỗi nó làm mọi cảm giác của những ai lại gần nàng phải tê dại đờ đẫn. Người ta tin rằng sắc đẹp của nàng là cái đẹp từ một thế giới khác. Chính vì cái mùi hương đặc biệt từ thân thể nàng mà nàng đưọc gọi là Hương Phi, một nàng công chúa thơm tho.

    Giống như tất cả đàn ông đã được trông thấy Công chúa Hương Phi, quốc vương Badakshan bỗng thấy say mê và thèm khát được làm chủ nàng. Lợi dụng cơ hội là người đang bảo vệ chồng nàng, quốc vương nghĩ rằng có thể đạt được giấc mộng làm chủ nàng bằng cách chặt đầu chồng nàng, và gửi về Bắc Kinh như một lễ vật cầu hoà với vua Càn Long. Làm như thế, quốc vương Badakshan hy vọng giải hoà được với vua Càn Long, và đồng thời giữ được Công chúa Hương Phi làm của riêng. Nhưng kế hoạch giữ lại Hương Phi của quốc vương đã không thể thực hiện được, vì một yếu tố phụ thuộc mà lúc đầu quốc vương không biết được. Viên tướng do Càn Long sai tới để dẹp loạn, nhận được lệnh phải mang cho bằng được Công chúa Hương Phi về Trung Hoa cho nhà vua. Ngay sau khi ám sát Tiểu Hojas, quốc vương Badakshan nhận được lệnh phải nộp Hương Phi. Quốc vương Badakshan không có một lựa chọn nào khác hơn là phải vâng lệnh, và vô cùng tiếc rẻ khi phải viết bản phúc thư trả lời sau đây:

    "Hương Phi là người đàn bà Hồi giáo đẹp nhất. Chiếm được nàng không phải dễ, nhưng bỏ bông hoa thơm tho ấy còn khó hơn nữa. Tôi xin đổi nàng lấy mười cặp nhẫn bạch ngọc của tỉnh Hồ Nam."

    Có lẽ quốc vương Badakshan quyết định chịu nộp Hương Phi cho Càn Long một phần là vì ông nhận thức rằng ông không có cơ hội thành công trong ước nguyện làm chủ thân xác và tâm hồn Hương Phi. Kể từ lúc phải xa lìa Tiểu Hojas, Hương Phi rơi vào một tình trạng tuyệt vọng. Mọi hăm dọa cũng như lời khuyên giải hầu như không thể làm cho nàng vâng lời; nàng không chịu ăn uống. Cả quốc vương và viên tướng Trung Hoa tiếp nhận nàng từ trong lều vải sau khi trả phí khoản trao đổi với quốc vương, đều e ngại rằng nàng sẽ tự tử khi họ không thể đánh thức nàng ra khỏi trạng thái ngơ ngác thẫn thờ, một nỗi đau khổ không cùng phải xa cách người chồng yêu quý của nàng. Nàng không biết chồng nàng đã bị giết rồi. Nếu biết thế, chắc chắn Hương Phi không bao giờ chịu đi Trung Hoa; nàng sẽ tự tử ngay tại quê hương nàng, để linh hồn nàng gần gũi linh hồn người chồng yêu dấu. Viên tướng Trung Hoa đành phải dùng sự lừa dối, và bảo đảm với nàng rằng chồng nàng còn sống và đang trên đường đi Bắc Kinh để xin vua Càn Long tha tội. Viên tướng yêu cầu nàng đi theo quân đội của ông ta để nàng có thể được đoàn tụ với chồng tại triều đình nhà Thanh. Các tì nữ của nàng được hối lộ để giúp nàng bình tĩnh, và tất cả sửa soạn làm một cuộc hành trình lâu dài trở về kinh đô Trung Hoa.

    Người Trung Hoa vốn nổi tiếng về tài quan sát tỉ mỉ từng chi tiết, và đã sắp xếp để Hương Phi hưởng mọi tiện nghi trên đường trở về Bắc Kinh. Ý muốn của vua Càn Long là luật lệ phải tuân theo. Công chúa Hương Phi, cũng giống như tất cả những vật quý và hiếm mà nhà vua muốn, phải được trao cho nhà vua hoàn toàn nguyên vẹn, có nghĩa là sắc đẹp của Hương Phi không được những nhọc mệt của cuộc hành trình dài làm giảm đi. Một cuộc hành trình dài sáu tháng qua sa mạc quả thực là một thử thách cam go cho bất cứ một người đẹp chân yếu tay mềm nào, vì thế người ta phải làm một chiếc xe đủ rộng để nàng có thể nằm xuống được. Bánh xe được bọc nỉ để cho xe chạy êm ái, và những tấm màn thêu che kín cửa sổ của xe. Hai tì nữ yêu thích nhất được đi theo nàng, trong khi hai chục gái nô lệ hầu hạ mọi nhu cầu của nàng, và một toán quân bao vây bảo vệ chiếc xe ngày đêm.

    Công chúa Hương Phi có thói quen mỗi ngày phải tắm một lần bằng sữa cừu hoặc sữa lừa ngựa, trước khi các tì nữ bôi lên người nàng một thứ nước hoa đặc biệt, và tất cả những thứ này phải cung cấp đầy đủ trong cuộc hành trình. Vì thế những tiếng kêu quen thuộc của những con cừu sữa đi theo đạo quân tiếp tục cuộc hành trình chậm chạp qua sa mạc. Nhiều nhân vật lịch sử danh tiếng, kể cả người khách thương Marco Polo nổi tiếng, cũng đi cùng một con đường mà Hương Phi đang đi, nhưng không một người nào có thể lãng mạn bằng nàng công chúa xinh đẹp này. Nàng nằm ngả người trên chiếc xe ngựa cùng với những tì nữ tươi trẻ, trong khi kẻ hầu dâng sữa cho nàng tắm một cách thật thong thả.

    Trong cuộc hành trình, nàng thường nói cười với một chàng thanh niên tuấn tú. Ðó là một hoàng tử, con của vua Càn Long. Khi có hoàng tử trẻ đi bên mình, hoặc ngồi một mình với các tì nữ, Hương Phi dường như quên đi nỗi sầu riêng của nàng, và cười đùa như một đứa trẻ. Trong lúc đó nàng nghĩ nàng được an toàn, vì không ai dám nhìn nàng một cách thèm muốn và không một sự nguy hiểm nào hăm dọa đức hạnh của nàng. Tuy không phải là một phụ nữ Trung Hoa, Hương Phi có một quan niệm Khổng Tử về hôn nhân. Nàng hết sức trung thành với chồng. Người chồng đó, dù sống hay đã chết, sẽ vĩnh viễn là chủ nàng. Chừng nào nàng còn sống, nàng cảm thấy nàng thuộc về chồng, và cũng như nhiều phụ nữ khác, nàng thà chết còn hơn là mất danh dự. Quốc vương Badakshan đã nhận ra rằng nàng sẽ không cho bất cứ người đàn ông nào, ngoài Tiểu Hojas, được làm chủ thân xác nàng. Vua Càn Long cũng sẽ đau đớn khi biết được sự thực ấy.

    Sau một cuộc hành trình dài, đoàn quân chiến thắng cùng với người nữ tù binh chiến tranh xinh đẹp, nàng công chúa của Aksu, về đến Nhiệt Hà, kinh đô mùa hạ của các hoàng đế Mãn Thanh. Cung điện tại Nhiệt Hà do ông nội của Càn Long là Khang Hy xây lên. Khang Hy là ông vua thứ hai và cũng là ông vua vĩ đại nhất của nhà Thanh. Giống như tổ tiên, Khang Hy rất thích săn bắn. Trong những núi rừng quanh Nhiệt Hà có rất nhiều muông thú cho nhà vua săn bắn. Hơn nữa vua Khang Hy còn có một lý do thứ hai khiến ông muốn ở Nhiệt Hà về mùa hè. Ông muốn liên lạc mật thiết với các thân vương Mông Cổ, và Nhiệt Hà nằm bên ngoài Vạn Lý Trường Thành, và là một nơi lý tưởng để gặp gỡ các thân vương Mông Cổ, đến để nhắc lại lời thề thần phục hoàng đế nhà Thanh.

    Giống Khang Hy, Càn Long cũng thích sống tại Nhiệt Hà. Càn Long đã cho xây thêm nhiều dinh thự và hoa viên, cho tới khi kinh đô mùa Hạ trở thành một hệ thống chi chít những dinh thự đền đài, công viên và hồ nước trong xanh. Nhà vua thích mọi nơi trong cung cấm Nhiệt Hà. Nhà vua cũng làm thơ ca ngợi cung điện mới. Giống như các quân vương nổi tiếng của Trung Hoa, Càn Long cũng là một học giả và thư viện của nhà vua tại Nhiệt Hà là một nơi nổi tiếng có nhiều tác phẩm hiếm và quí. Các sưu tầm của nhà vua về nghệ thuật gồm rất nhiều nghệ phẩm quí và đẹp. Càn Long là một người vừa khôn ngoan vừa nhân từ. Nhà vua được hàng triệu người Trung Hoa tôn thờ như thần thánh, và danh tiếng của nhà vua vang khắp thế giới.

    Càn Long là một người quyền uy nhất thế giới vào thời ấy, và cũng chính con người ấy cho triệu nàng công chúa từ Aksu đến gặp mặt, sau khi nàng tới cung điện Nhiệt Hà. Càn Long không phải là một người tàn ác, và Hương Phi không hề sợ hãi Càn Long. Ðứng trước một vị thiên tử kiêu hãnh, Hương Phi chỉ đứng đó, lặng lẽ khóc. Nàng không thèm quan tâm đến sự huy hoàng của cung điện nhà Thanh. Nhà vua càng vĩ đại bao nhiêu thì nàng càng khó trốn thoát khỏi quyền lực của nhà vua bấy nhiêu. Phản ứng của nàng là một sự tuyệt vọng cùng cực. Càn Long đã biết hương thơm của nàng trước khi nàng bước vào cung riêng của nhà vua. Nhưng khi ngẩng đầu lên nhìn nàng, nhà vua vô cùng kinh ngạc sững sờ trước một sắc đẹp không lời nào tả hết được. Nhà vua nghĩ rằng trên mặt đất này chưa có ai đẹp đến thế. Trong một lúc lâu, Càn Long ngồi im lặng chiêm ngưỡng Hương Phi trước khi sai đem nàng ra ngoài, sau khi tặng nàng rất nhiều vàng ngọc châu báu.

    Có thể những dòng máu khác nhau hoà hợp trong người Hương Phi, và sự kết hợp giữa tinh túy Ðông và Tây đã tạo ra vẻ đẹp khác thường như thế ở Hương Phi. Linh mục Castiglione, một thừa sai Dòng Tên tại triều Càn Long, đã vẽ chân dung Hương Phi, và nàng trông thật vô cùng yêu kiều đáng yêu. Nhưng nhà thông thái của Dòng Tên chỉ vẽ y phục nàng như một sự tượng trưng. Ông vẽ nàng mặc áo giáp, đầu đội mũ sắt và ngực che bằng những mảnh giáp đồng. Cái bề ngoài đó diễn tả cái áo giáp nàng mặc bên trong lòng nàng khi nàng bắt buộc phải gặp vua Càn Long. Ðối với Hương Phi thì Càn Long chỉ là một tên sát nhân đã giết chồng nàng, và dù Càn Long tử tế hoặc chu đáo đến thế nào cũng không làm nàng nghĩ khác đi. Những tặng phẩm xa hoa, hoặc nữ trang quí giá cũng không có hiệu quả gì. Ngay những tặng phẩm đó nàng cũng không thèm nhìn tới. Mỗi khi Càn Long tới thăm nàng, nàng thường im lặng hoặc bỏ trốn, trèo lên nấp trên đỉnh cái tháp, trong khi các người hầu xin lỗi nhà vua đã không tìm thấy nàng.

    Những khi không có mặt vua Càn Long, Hương Phi có thể quên đi nỗi sầu buồn của nàng, và chơi đùa với các tì nữ. Một hôm vua Càn Long tới gần cung điện của nàng, ông nghe thấy tiếng cười trong trẻo của nàng. Càn Long nấp sau một tấm màn ngắm nhìn Hương Phi mà nàng không biết. Hương Phi ngồi trên ghế, ngực để trần và mớ tóc dài xõa xuống sau lưng. Nằm dưới chân nàng trên sàn nhà là hai tì nữ, ngực cũng cởi trần, và hai bàn chân ngọc ngà xinh đẹp của nàng đặt lên hai bộ ngực trần ấy. Trong khi đó các người hầu khác trong cung bò khắp phòng, đuổi theo những viên ngọc trai mà Hương Phi liệng ra. Ðấy là những viên ngọc trai Càn Long đã tặng cho Hương Phi. Trước cảnh ấy, Càn Long rất vui thích, bước vội vào phòng, miệng cười ha hả. Các tì nữ hoảng sợ vội quỳ xuống trước mặt nhà vua. Trái lại Hương Phi dường như không trông thấy gì khác thường. Nàng thong thả rút một chiếc gương và bắt đầu sửa lại mái tóc, không tỏ ra là nàng biết sự hiện diện của nhà vua.

    Thái độ như thế có thể làm một người đàn ông khác tức giận, nhưng Càn Long là một người khác thường; ông có lòng nhân từ và tin rằng sự tử tế sẽ giúp ông chinh phục được người đàn bà mà ông rất yêu quí thèm muốn. Nhà vua quá khôn ngoan không cưỡng chiếm Hương Phi bằng sức mạnh. Nhà vua chờ đợi, và trong khi chờ đợi, trí óc nhà vua tìm đủ cách làm vừa lòng nàng. Theo lời khuyên của viên tể tướng Hoà Thân, nhà vua sai xây một thành phố nhỏ kiểu Hồi giáo ngay bên trong vườn ngự uyển, khi nhà vua từ Nhiệt Hà trở về Bắc Kinh vào mùa thu. Thành phố Hồi giáo được xây về phía nam bức tường cung điện của Hương Phi. Toà thành này rất giống thành phố Aksu cũ của Hương Phi, có khu chợ Hồi giáo, hoa viên và một ngôi đền thờ Hồi giáo, tại đó Hương Phi có thể tới cầu nguyện.

    Cái ý kiến xây một dẫy quán bán hàng theo kiểu Hồi giáo cho Hương Phi cũng gây hứng khởi cho vua Càn Long, vì nhà vua cũng thích những quán bán hàng ấy. Vào ngày đầu năm, nhà vua rất thích tổ chức một phiên chợ Hồi giáo trong khu vực Di Hoà Viên gần Bắc Kinh. Nhà vua cũng cho xây một khu vực tương tự trong khuôn viên cung điện tại Nhiệt Hà. Tất cả đủ loại cửa tiệm Hồi giáo được mở ra, tại đó người ta bày bán đồ cổ, đồ sứ, và các hàng thêu. Khách được tự do lui tới các tửu lâu và trà lâu, và những người bán hàng rong được phép đến bán hàng hoá của họ. Vào ngày Tết, nhà vua đi dọc theo một dẫy những quầy hàng, nghe những tên tửu bảo rao món ăn của tửu lâu, những người bán hàng rao hàng của họ, và quang cảnh rất là ồn ào náo nhiệt. Nhà vua thích cái bầu không khí vui nhộn ấy.

    Hương Phi cũng thích thú lắm, vì nàng tưởng như được trở về sinh sống tại quê hương cũ. Nhưng nàng chỉ vui thích khi không có vua Càn Long. Khi lần đầu vua Càn Long dẫn nàng đi xem cái thành phố Hồi giáo vừa xây xong cho riêng nàng, nàng đứng nhìn quanh rồi ôm mặt khóc nức nở. Cái hình ảnh quen thuộc chỉ gợi nàng nhớ lại những ngày sống hạnh phúc bên người chồng yêu dấu tại quê hương cũ của nàng. Những giọt nước mắt của nàng khiến vua Càn Long đau xót, nhưng nhà vua không tỏ lộ nỗi thất vọng của mình. Sau đó Hương Phi thường tới và ngồi trong ngôi tháp gần giáo đường, tại đó một tu sĩ Hồi giáo dâng lời cầu nguyện cho tiên tri Allah. Những nghi lễ cầu nguyện này tiếp tục rất lâu, ngay cả sau khi Hương Phi đã chết rồi. Mãi đến năm 1908 những nghi lễ cầu nguyện tại ngôi đền này mới thực sự chấm dứt.

    Hương Phi được phong chức Quí Nhân, một cung phi hàng thứ tư. Cái tước hiệu này giúp nàng có một địa vị trong cung cấm, nhưng nàng không bao giờ hài lòng, và nàng cũng không bao giờ thèm muốn ao ước một cái gì trong cung điện nhà Thanh. Một cung điện được xây đặc biệt cho nàng trong một khu vườn tuyệt đẹp, tại đó nàng sống không bị ai quấy nhiễu với những đầy tớ người Hồi giáo. Nhưng một cung điện này hoặc nhiều cung điện khác xây riêng cho nàng cũng chẳng có gì khác đối với Hương Phi. Nàng chỉ là một con chim hoang, bị giam trong chiếc lồng son trái với ý muốn của nàng. Trong chiếc lồng son ấy, nàng chỉ tưởng nhớ người chồng đã chết và quê hương sa mạc của nàng. Nàng hăm dọa tự tử nhiều lần, đến nỗi những người hầu được lệnh phải thận trọng canh gác nàng cực kỳ nghiêm ngặt. Trong triều các quan còn lo ngại rằng không những nàng chỉ tự tử mà thôi, nàng còn có ý định giết vua Càn Long nữa. Một lần khi vua Càn Long bước vào phòng nàng sau khi uống quá nhiều rượu. Nhà vua bước lại cạnh Hương Phi và vuốt ve cánh tay nàng. Nhanh như chớp, nàng rút ra một con dao găm, và đã có thể đâm chết nhà vua nếu nhà vua không mau lẹ tránh sang bên cạnh. Càn Long là một ông vua giỏi võ nghệ. Tuy thế mũi dao cũng đâm phải tay Càn Long và máu tuôn xối xả. Các cung nhân phải túm vào buộc vết thương cho Càn Long, trong lúc Hương Phi ôm mặt khóc và xin cho được trở về quê hương.

    Sau nhiều lần Càn Long yêu cầu, Hương Phi đồng ý nhảy một điệu múa kiếm của người Hồi giáo. Ðiệu múa thoạt đầu hơi chậm, nhưng mỗi lúc một nhanh hơn khi nàng cầm lấy kiếm. Lưỡi kiếm trong tay nàng múa loang loáng càng lúc càng nhanh, cho tới lúc không nhanh hơn được nữa, nàng lao ra khỏi cửa, và với một nhát chém, nàng chặt đứt một cây lê. Trong một phút, cảnh đó chấm dứt. Nàng trở lại ngồi trước mặt vua Càn Long, ngồi bất động, im lặng và lạnh lùng, mái tóc trên đầu vẫn y nguyên, không xổ ra lấy một sợi.

    Người Trung Hoa thời đó tin rằng một con cáo có thể đội lốt hình người trong một thời gian nào đấy, và thường là một mỹ nhân. Những con hồ ly làm đàn ông say mê, y như Hương Phi làm vua Càn Long phải say mê vậy. Và giống như Hương Phi, những con hồ ly tinh không biết ơn lòng tử tế của con người. Triều thần nhà Thanh cảm thấy trước mặt họ là một người thuộc một bộ tộc lạ lùng, và họ tin rằng một con cáo đội lốt người cũng cư xử như Hương Phi, không tốt hơn không tệ hơn, nhưng một ngày nào đó con hồ ly tinh sẽ biến mất, và sẽ không còn sống tới lúc tự tay kết thúc đời mình như nàng công chúa Hương Phi của thành phố sa mạc Aksu. Nhưng người ta cho biết rằng sau khi chết, Hương Phi vẫn đẹp y như lúc còn sống. Nàng trông như vẫn còn sống. Khuôn mặt nàng vẫn còn đẹp và màu hồng của má và môi nàng không nhạt đi. Vậy Hương Phi có phải là một con cáo thành tinh không?

    Ngay Càn Long cũng có thể nghĩ Hương Phi là một con cáo thành tinh, bởi vì tuy nhà vua là một người cực kỳ thông minh, nhưng trí óc ông cũng không thể vượt quá những niềm tin của thời đại ông. Hồi còn trẻ, trong một trò chơi vô ý, vua Càn Long đã gây ra cái chết của một phi tần trong cung. Người phi tần ấy họ Mã, một cung phi yêu dấu của nhà vua. Càn Long không bao giờ nguôi nhớ Mã Phi và cũng không bao giờ quên cái lỗi lầm của ông đã gây nên cái chết của Mã Phi. Nhiều năm sau Càn Long tin rằng ông nhận ra được cái hồn của Mã Phi đã đầu thai vào một gã thiếu niên khiêng kiệu cho ông. Nhà vua gọi gã thiếu niên khiêng kiệu vào cung riêng, và nói chuyện với gã rất lâu. Cuối cùng Càn Long thương yêu, che chở và cất nhắc gã thiếu niên đó như con.

    Cái gã thiếu niên đó chính là Hoà Thân, về sau làm đến chức tể tướng, và quyền lực chỉ kém vua Càn Long. Hắn được vua Càn Long gả công chúa cho, và kể từ đó tham vọng của Hoà Thân không bao giờ thoả mãn. Vì tin rằng Hòa Thân mang cái linh hồn của Mã Phi yêu quí, nên Càn Long yêu mến Hoà Thân suốt đời, nhưng Hoà Thân phản lại lòng tin yêu của Càn Long, và trở thành một người cực kỳ tham nhũng và tàn ác, gây tổn hại cho cái quan niệm cai trị phóng khoáng của Càn Long. Hòa Thân đã gieo mầm cho cho những cuộc phản Thanh trong những đời vua nhà Thanh sau này, và cuối cùng đưa tới sự xụp đổ của nhà Thanh vào năm 1911. Dường như những người nắm giữ quyền bính vĩ đại thường không may mắn trong tình yêu. Người đàn bà Càn Long yêu đã định giết ông, và người đàn ông mà Càn Long tin yêu hơn tất cả mọi người khác đã là công cụ làm cho nhà Thanh của ông xụp đổ.

    Lòng đam mê của Càn Long đối với nàng Hương Phi xinh đẹp ngày càng gia tăng. Các tì nữ và thái giám hầu cận Hương Phi thiết tha năn nỉ Hương Phi đáp lại lòng yêu thương của Càn Long. Hương Phi trả lời nếu Càn Long cưỡng ép nàng thành một thứ phi của Càn Long thì nàng sẽ giết chết Càn Long rồi tự tử. Ðây là một sự hăm dọa trực tiếp cho sinh mạng của thiên tử, và lập tức được báo cáo cho hoàng hậu của Càn Long. Hoàng hậu rất lo lắng, nhưng Càn Long không thể nghĩ đến ai khác ngoài người đàn bà Hồi giáo đẹp mê hồn ấy. Nhà vua thường ngồi hàng giờ trong cung của Hương Phi, lặng lẽ ngắm nhìn nàng mặc dù nàng không bao giờ liếc mắt nhìn về phía nhà vua. Càn Long quên cả viếng thăm thái hậu, và sức khỏe của nhà vua suy giảm rõ rệt. Sự đam mê đã không cho tâm hồn Càn Long được bình yên, và đã khiến Càn Long quên việc trong cung cấm và biếng nhác quốc sự.

    Lần đầu hoàng hậu nghĩ rằng đã đến lúc bà phải hành động. Vì hoàng hậu không có ảnh hưởng gì tới Càn Long, nên bà tới gặp thái hậu. Hai người đàn bà bàn bạc với nhau, và quyết định phải loại bỏ người đàn bà Hồi giáo xinh đẹp mà họ cho là rất nguy hiểm cho thiên tử nhà Thanh. Hai người dự định một âm mưu và sẵn sàng thi hành mưu kế của họ.

    Ngày Ðông Chí đã tới gần khi mà hoàng đế nhà Thanh phải sống ba ngày trong Trai Giới điện trước khi dâng lễ tế Thiên Ðịa. Ðây là cơ hội bà thái hậu mong chờ. Ngay khi Càn Long vào Trai Giới điện, thái hậu cho gọi Hương Phi tới gặp bà. Khi Hương Phi đứng trước mặt, bà thái hậu già cũng phải kinh ngạc trước sắc đẹp tuyệt trần của nàng. Bà phải kêu lên: "Thật là một con quỷ mê hồn! Thảo nào con ta đã bị mê hoặc."

    Bà thái hậu bắt đầu hỏi Hương Phi. Nàng có biết ơn lòng tử tế của hoàng đế không? Hương Phi thẳng thắn trả lời nàng thù ghết hoàng đế. Nàng rất hạnh phúc bên người chồng cũ, nhưng quân lính của hoàng đế đã chiếm quê hương của nàng, và giết người đàn ông nàng yêu dấu. Hoàng đế đã theo đuổi nàng bằng một tình yêu rất nghiêm chỉnh, nhưng nàng không bao giờ động lòng. Ðáng lẽ nàng đã giết hoàng đế rồi, nhưng hoàng đế được bảo vệ quá cẩn mật. Kiêu hãnh và thách đố, người con gái Hồi giáo xinh đẹp đứng thẳng trước mặt mẹ và vợ của một hoàng đế quyền uy nhất trái đất, và trình bầy nỗi khổ tâm của mình. Chính bà thái hậu già cũng phải kính phục nàng, mặc dầu bà không muốn công nhận như thế. Bà lên tiếng bằng một giọng rất dịu dàng, hỏi nàng muốn gì.

    Thoạt đầu Hương Phi xin được phép trở về quê hương, và khi lời yêu cầu này bị từ chối, nàng xin được tự tử. Hương Phi nói: "Thiếp cầu xin cho phép thiếp được chết toàn thây. Xin cho thiếp được rời bỏ thế giới này với lòng trinh tiết của thiếp còn nguyên vẹn." Nàng quỳ xuống đất, và nhắc đi nhắc lại lời cầu xin này.

    Có lẽ bà thái hậu cũng có cảm tình với một người đàn bà thích cái chết hơn là tái giá. Ðúng ra đó là một quan điểm mà không người đàn bà Trung Hoa nào có thể bất đồng ý. Theo truyền thống Trung Hoa, những người đàn bà đạo đức nhất là những goá phụ không bao giờ tái giá, lúc nào cũng trung thành với lòng tưởng niệm người chồng quá cố cho tới chết. Vì thế viên tổng thái giám được lệnh dẫn Hương Phi ra ngoài, và cho phép nàng được hoàn thành ước nguyện của nàng. Hương Phi cúi rất thấp chào từ biệt thái hậu, trước khi được dẫn ra ngoài, để bước vào một căn phòng gần Hoa Nguyệt Môn để tự tử. Ðây là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất Hương Phi bày tỏ một sự kính trọng hoặc biết ơn đối với triều đình nhà Thanh.

    Càn Long đang ở trong Trai Giới điện khi một tên thái giám thân tín báo tin cho biết Hương Phi đã được lệnh tới gặp thái hậu. Ðáng lẽ Càn Long phải ở trong Trai Giới điện thêm một ngày nữa, nhưng nhà vua đã phá luật lệ, và vội vàng chạy về cung của thái hậu. Lo lắng cho Hương Phi, Càn Long kính cẩn hỏi thăm mẹ về nàng. Có lẽ bà thái hậu già cũng cảm thấy khó khăn phải kể cho con nghe cái gì đã xảy ra cho Hương Phi. Nhưng với một niềm tin thanh thản, bà thái hậu nghĩ rằng bà đã hành động đúng cho quyền lợi của con trai và của quốc gia. Bà kể cho Càn Long biết về cái chết của một người đàn bà tuyệt sắc mà nhà vua đã say mê. Bà nắm tay con trai và khuyên con nên cố quên nàng mỹ nhân Hồi giáo ấy, và ráng hồi phục khỏi nỗi đau đớn đã tàn phá làm hại sức khoẻ và trái tim của con bà.

    Vì nghi thức luân lý bắt buộc, Càn Long không dám nói một lời phản đối mẹ, và nhà vua chỉ biết cúi đầu xuống. Một tên thái giám dẫn Càn Long tới căn phòng nơi Hương Phi nằm trong một cỗ quan tài do người Hồi giáo làm cho nàng. Nàng chưa bao giờ đẹp như thế. Khuôn mặt tuyệt mỹ của nàng vẫn còn hồng, và thân thể nàng vẫn chưa lạnh. Càn Long ôm mặt khóc khi trông thấy xác của Hương Phi. Nhà vua vuốt mắt cho nàng, tháo một chiếc nhẫn từ ngón tay nàng trước khi quay vội đi để đương đầu với thực tế của một cuộc đời cô đơn, từ nay không còn nàng Hương Phi đáng yêu nữa. Trong cung điện nhà Thanh có rất nhiều đàn bà đẹp, nhưng không một người nào thay thế được chỗ của Hương Phi trong trái tim Càn Long.

    Mối tình của Càn Long dành cho Hương Phi thật là đẹp đẽ đắm say, nhưng cũng đau đớn tuyệt vọng. Ðiều đáng khen là nhà vua không dùng quyền lực tuyệt đối của một thiên tử để chiếm đoạt Hương Phi. Ông là một bậc chính nhân quân tử, và hiểu rằng người ta không thể cưỡng đoạt được tình yêu.

    Càn Long ra lệnh chôn Hương Phi trong một ngôi mộ đơn sơ bên cạnh một lăng mộ vĩ đại. Lăng mộ ấy sẽ là nơi chôn Càn Long khi nhà vua chết. Nơi an nghỉ của Hương Phi thật là gần lăng mộ của Càn Long, theo đúng luật lệ cho phép. Thực ra Càn Long muốn chôn Hương Phi ngay bên trong lăng mộ của ông, nhưng điều đó không thể thực hiện được theo luật lệ của hoàng gia. Dù sống hay chết, Càn Long vẫn bị ngăn cách với người ông vô cùng yêu mến ao ước bằng một bức tường không thể vượt qua được.
    Similar Threads
Working...
X
Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom