• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Nhớ lũy tre, bờ giếng, ao làng thuở xưa - Phùng Hoàng Anh

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Nhớ lũy tre, bờ giếng, ao làng thuở xưa - Phùng Hoàng Anh



    Phùng Hoàng Anh

    Lũy Tre làng

    Một trong những nét đặc trưng của làng quê Việt Nam là hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình. Đó là những hình ảnh tiêu biểu, thân thuộc ở mỗi làng quê Việt. Tuy nhiên, nói tới làng mà thiếu đi hình ảnh lũy tre đầu làng hoặc cuối xóm thì thật là thiếu xót cho mỗi ai đã từng sinh ra và lớn lên ở làng quê.

    Ngày xưa, các cụ mắng con mắng cháu kém cỏi, lười học hành, ở nhà đi theo đít con trâu, thì các cụ thường nói : - Cả đời mày không đi ra khỏi lũy tre làng!

    Lũy tre làng là danh giới hành chính của một xóm, một làng hoặc một thôn nằm trong địa bàn một xã, ở trong lũy tre làng ấy có khoảng vài trăm hộ hoặc nhiều hơn thì một hai nghìn hộ dân sinh sống ở đó. Ngoài lũy tre làng là cánh đồng canh tác lúa, ngô, khoai, sắn của người dân thôn quê.

    Những hình ảnh quen thuộc ở làng quê vào mùa vụ, chúng ta thường thấy các bác nông dân ra đồng, trên vai thường vác cái cày, đi trước là con trâu. Những buổi trưa hè, trời nắng nóng, trên đường đi làm về, tới đầu làng, các bác nông dân thường buộc con trâu vào búi tre, cho nó trú nắng, còn các bác xúm lại, ngồi bệt trên tàu lá chuối vừa cắt trên cây, rồi làm vài điếu thuốc lào cho đã. Sau mỗi buổi làm việc đồng áng về, được ngồi nghỉ ngơi hóng mát dưới lũy tre làng trưa hè thì thật là thú vị. Các cụ ví: Trăm thằng hầu không bằng đầu ngọn gió. Gió đâu thổi về mà mát vậy, chỉ có ngồi ở lũy tre đầu làng mới mát đến như vậy!

    Nhà tôi ở gần cánh đồng làng, chỉ cách một con đường nhỏ và lũy tre xanh của nhà tôi là ra tới đồng. Vì thế, tuổi thơ của tôi luôn được chứng kiến những hình ảnh ấy vào những ngày mùa ở quê tôi. Những ông thợ cày thủa nào vào nhà tôi uống nước, hút thuốc lào với ông nội tôi, đến giờ tôi vẫn nhớ. Mặc dù, tôi xa quê đã hơn hai mươi năm. Có những người còn sống, có những người đã khuất. Họ như vừa đi ra khỏi rìa làng như thể họ vừa vác cày ra đồng…

    Lũy tre làng là nơi gắn bó với nhiều thế hệ tổ tiên của gia đình tôi, của người dân quê tôi. Ở nơi ấy gắn bó một phần kí ức tuổi thơ của tôi. Đời cụ nội tôi sống, bốn bề là lũy tre, tre bảo vệ làng, chống trộm cướp. Làng tôi giáp với làng Thanh Mai, thanh niên làng Thanh Mai ngày xưa có tiếng là ngổ ngáo, trộm cướp. Ông nội tôi kể lại: - Đêm đêm, chúng kéo đàn kéo lũ ra làng mình trộm cướp, cứ vào nhà ai có gì là chúng uy hiếp và lấy sạch đồ đạc, của cải, nhà tôi gần đầu làng, luôn phải hứng chịu những cảnh cướp trộm như vậy. Bởi thế, các cụ thường căn dặn các cô con gái trước khi quyết định lấy chồng rằng: - Lấy ruộng giữa đồng, lấy chồng giữa làng. Chắc là với thâm ý, tránh những chuyện như tôi vừa kể ở trên.

    Sau này, để phát quang cho nhà, cha tôi cùng một người bạn đã dùng hai quả bộc phá để đánh sập những lũy tre quanh nhà như bức tường thành kiên cố bao bọc quanh nhà từ bao nhiêu đời nay. Dưới lũy tre quanh nhà tôi, còn lộ ra mấy chiếc hầm cá nhân được cụ nội tôi đào từ hồi chống Pháp, dùng để trú ẩn sau những lần giặc Pháp càn vào làng, rồi hầm còn là nơi trú ẩn của những cán bộ đảng viên đầu tiên của xã tôi hoạt động cách mạng vào những năm 40 của thế kỉ XX. Năm tôi lên mười một, mười hai tuổi, tôi còn chui xuống hầm chơi trò ú tìm cùng đám trẻ con trong xóm. Hầm được đào kiểu hang ếch, trên có lát ván tre, chỉ đủ một người ngồi. Cũng tại những chiếc hầm này, ông nội tôi kể lại: - Có một chiến sĩ cộng sản đã từng được cụ nội tôi nuôi ăn ở tại hầm để hoạt động cách mạng, rồi một ngày nọ, người chiến sĩ ấy bị giặc Pháp theo dõi và tìm được nơi trú ẩn, cơ sở bị bại lộ, người chiến sĩ kia bị chúng bắt và tra tấn dã man, đau đớn quá, không chịu nổi, ông đành chỉ nhà cụ nội tôi có hầm chứa Việt Minh, cụ nội tôi lập tức bị giặc Pháp bắt và trói vào cột nhà, chúng dùng súng ngắn bắn trượt qua tai cụ nội tôi nhằm uy hiếp tinh thần và chúng bắt khai ra các đồng chí đã từng trú ẩn ở đây, ông nội tôi bị chúng bắt trói quặt cánh khuỷu, rồi chúng giẫm lên bụng, đổ nước xà phòng vào mồm, nhưng cả cụ nội tôi và ông nội tôi vẫn không chịu khai cho chúng bất cứ một thông tin nào của tổ chức. Tra tấn dã man như vậy nhưng chúng không có được thông tin gì cả, chúng bắt giam ông nội tôi xuống nhà tù Sơn Tây. Chúng đánh đập ông nội tôi khiến mặt mày sưng húp, những vết thâm đen do máu đọng lại khắp trên cơ thể, nhưng ông tôi quyết một lòng không khai… Mãi cho đến năm 1964, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã kí tặng gia đình cụ tôi tấm Huy chương Kháng chiến để ghi nhận gia đình có công với cuộc kháng chiến lâu dài của dân tộc… Ảnh cụ nội tôi bị cơn lũ năm 1971 cuốn trôi đi mất trong tập album gia đình. Nay tôi treo tấm huy chương ấy có ghi tên cụ nội tôi thay di ảnh ở trên bàn thờ gia tiên, bên dưới là di ảnh ông nội và bà nội tôi. Người dân quê tôi, gia đình tôi sống đầm ấm trong lũy tre làng bao bọc như vậy đó!

    Thủa nhỏ, chúng tôi còn mang quang ghánh đi quét lá tre rụng về để đun nấu. Khi ấy, cha tôi là công chức, hàng tháng có tem phiếu mua chất đốt, than phân phối nhưng vẫn không đủ chất đốt dùng đun nấu cho gia đình, lúc nhàn rỗi, anh em chúng tôi thường đi quét lá tre quanh xóm, hoặc ra sân trường quét lá xà cừ về nấu…

    Thế hệ cụ tôi, ông nội tôi đã từng sống trong lũy tre làng vì đất nước liên tục xảy ra chiến tranh do Pháp xâm lược. Đến thế hệ cha tôi cũng phải xa làng lên đường đi đánh Mỹ, đất nước hòa bình cha tôi chuyển sang công tác ở Tỉnh, sau này về huyện… Đến thế hệ anh em tôi lớn lên, được cha mẹ nuôi ăn học, mỗi đứa lập nghiệp mỗi nơi, chẳng đứa nào chịu về làng. Mẹ tôi bực mà nói: Lũ chúng bay là quân bỏ làng! Vâng, làng và lũy tre gắn bó với chúng tôi như vậy đó. Bao đời nay, lũy tre làng vẫn tồn tại như một biểu tượng của văn hóa làng, một thứ không thể thiếu trên mỗi làng quê nước Việt.

    Khoảng hơn chục năm gần đây, tôi thường xuyên về thăm quê, nhưng hình ảnh lũy tre làng đang dần vắng bóng trên quê hương tôi. Vừa rồi, có dịp đưa cô bạn đi chụp ảnh cưới ở làng Việt cổ Đường Lâm, cô du học ở Pháp từ năm 2001, đến 2006 thì học xong, nay tìm được người bạn đời trăm năm, nhớ về làng quê Việt, nên chọn bối cảnh nông thôn, dân dã để chụp những bức hình kỉ niệm trong trang phục lễ cưới với người bạn đời quốc tịch Pháp, chàng sống ở thành phố Lyon. Cô muốn chụp một tấm hình bên lũy tre làng. Nhưng tìm quanh làng Việt cổ chẳng thấy có lũy tre nào, đất chật, người đông, trồng tre không còn hợp thời nữa, nên người ta chặt bỏ hết, để trồng thứ cây khác đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, và nét văn hóa thì đang mất dần theo thời gian. Còn cô bạn tôi, sau khi rời nước Việt sang Pháp sống với chồng mình, chắc sẽ rất nhớ hình ảnh lũy tre làng, nơi tuổi thơ của cô gắn bó một thời. Ôi! Hình ảnh lũy tre làng mai sau chắc chỉ còn tìm thấy trong những thước phim tư liệu, trong thơ ca, và trong các trang văn… mà thôi!



    Mùa mít chín

    Quê tôi nội tôi nằm ở ven đê sông Hồng, với bãi bồi phù sa màu mỡ thích hợp với việc trồng các loại cây ăn quả như chuối, táo, ổi, và nhiều loại cây ăn quả khác. Còn quê ngoại tôi thì nằm sát bên bờ sông Tích, một dòng sông thơ mộng, nhỏ bé, xinh xắn, uốn lượn được khởi nguồn từ núi Ba Vì rồi chảy về xuôi. Quê ngoại tôi là một làng thuộc vùng đồi gò trung du ngoại thành Hà Nội. Nơi đây đất đai không màu mỡ như vùng bãi ven sông Hồng. Bởi thế các loại cây ăn quả chủ yếu được trồng ở đây là cây mít, một loại cây dễ thích nghi với vùng đất cằn cỗi, bạc màu, sỏi đá như làng đồi – quê ngoại của tôi. Hoa trái vườn nhà, mùa nào thứ ấy, nhưng tôi nhớ nhất vẫn là cây mít trong vườn nhà ngoại. Nó đã lưu lại trong kí ức tuổi thơ tôi nhiều kỉ niệm.

    Những ngày này, dạo chơi trên các miền đất vùng đồi gò, trung du Ba Vì, tới đâu ta cũng bắt gặp hình ảnh cây mít sai chĩu quả, từ dưới chân gốc tỏa lên khắp các cành. Cây mít có ở rất nhiều nơi, có khi ở hai bên vệ đường, cũng có khi ta bắt gặp ở một ngã ba ngã tư trên một con đường làng trung du. Mỗi khi nhìn thấy hình ảnh những cây mít ấy, trong kí ức tuổi thơ tôi lại ùa về hình ảnh cây mít trong vườn nhà ngoại.

    Mẹ tôi kể rằng, vào những năm đầu của thế kỉ XX, ông ngoại tôi đã khai hoang cả một quả đồi lớn, rộng chừng vài héc ta ở ven bờ sông Tích. Trong vườn, ông ngoại tôi trồng chủ yếu là cây mít, xung quanh bao bọc bởi những rặng tre. Đây là những loại cây hợp phù với thổ nhưỡng vùng trung du, chúng dễ thích nghi với vùng đất cằn cỗi này. Đất sỏi cằn cỗi là vậy nhưng cây mít vẫn vươn mình theo thời gian tỏa bóng mát trong vườn nhà ngoại.

    Ngoại tôi đã mất từ lâu, ngoại mất khi tôi chưa chào đời. Nhưng cho đến nay, những cây mít ấy vẫn hiện diện trong vườn nhà ngoại còn xanh tốt, tỏa bóng thời gian sum suê trái chín theo chu kì thời gian mỗi năm một lần. Mỗi mùa mít chín, bao giờ mẹ tôi cũng hái những quả mít to nhất, ngon nhất, rồi đem vào nhà, dùng dao nhỏ tách đôi quả mít ra, rồi dùng lá mướp lau nhựa mít bên trong chiếc cuống vừa lột bỏ, rồi bóc tách những múi mít to bằng cái chén hoa Hồng thủa trước, sắp xếp từng lượt vào một chiếc đĩa men to, rồi dâng lên bàn thờ ngoại thắp hương. Đó là một cách giáo dục của mẹ tôi về đạo lí uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây. Tôi hiểu lắm cái chân lí ấy. Bởi một đời cây phải đổi bằng đời người. Cây cho ta hoa trái ít nhất cũng phải dăm chục năm trở đi.



    Mùa mít chín lại đến, phiên chợ quê lại họp đông vui, tấp nập kẻ bán người mua. Ở đó tôi như gặp lại dáng mẹ năm nào đã cho tôi đi cùng, gánh mít đem bán. Một mùa mít chín nữa lại về, mẹ tôi đã mất, mỗi khi nhìn thấy những hình ảnh quen thuộc về người phụ nữ, trên hai vai quang gồng quang gánh, dăm ba quả mít chín, trên đôi thúng tre, mùi mít chín thơm lan tỏa khắp chợ. Trong lòng tôi lại dưng dưng, ngân ngấn nước mắt nhớ về dáng mẹ ngày xưa.
    Mới đó thôi, những cây mít đã qua đi hơn ba thập kỷ, bằng số tuổi tôi hiện nay. Nhưng nhiều lúc ngồi buồn nhớ mẹ, tôi cảm thấy đời người còn ngắn hơn cả đời cây, sống trên đồi cao chon von chót vót đất càng đỏ càng khô bao nhiêu mít càng tăng tuổi thọ bấy nhiêu. Cây mít trong vườn ngoại, nếu theo lời mẹ kể thì cây mít đã sống trên 100 tuổi, được xếp diện "mít trưởng lão", còn những cây mít sau này thì xếp vào loại mít 50 tuổi thuộc lớp hậu sinh. Trong số những cây mít còn lại ở vườn mít nhà ngoại thì có 2 loại mít: mít mật và "mít dai". Ngoài ra còn có một cây mít khi chín múi trắng như mỡ mà mẹ tôi vẫn thường gọi tên cho nó là Cây Mít Mỡ.

    Loại mít mật khi bổ ra ăn thường phải dùng đũa, vì trong mỗi múi mít ấy như những túi mật chảy ra rất nhiều, nó không khô ráo như mít dai, đối với "mít dai" chỉ cần gỡ hết lớp xơ nhỏ là cầm trên tay ăn vô tư. Sở thích ăn mít là tùy thuộc ở mỗi người, người thì thích ăn mít mật nhất, người thì lại thích ăn mít dai. Riêng bà xã nhà tôi, năm nào cũng phải nhắc đi nhắc lại bà chị tôi quản vườn mít để dành một quả mít dai to nhất, gai đều nhất, không bị sâu, không bị thối, không bị vẹo, để về thắp hương ông ngoại và cả mẹ tôi như khi mẹ tôi vẫn còn sống.

    Trên khắp nước Việt Nam, quanh năm chúng ta được thưởng thức hoa trái, nhưng trong số những loại hoa quả ấy, tôi vẫn nhớ nhất mùa mít đến. Bởi cây mít đã gắn bó với gia đình ngoại tôi từ rất xưa, từ khi mẹ tôi còn bé, đến nay cả ông ngoại và mẹ đã mất, bản thân tôi đã gần bốn mươi tuổi đời, hẳn cây mít mãi là hình ảnh thân thương, gần gũi, bình dị trong vườn nhà ngoại.



    Ao Làng

    Từ lâu, văn học dân gian đã nói tới hai từ ao làng như một hình ảnh không thể thiếu trong mỗi làng quê Việt Nam nói chung, và quê tôi – làng Phương Khê nói riêng, ao làng là nơi lưu giữ những kỉ niệm, kí ức tuổi thơ sâu đậm của mỗi con người, ao làng là nơi gắn bó máu thịt với những ai xa quê, để mỗi khi lòng buồn man mác mà nhớ về quê hương, ở nơi xa ấy họ thường nhớ về hình ảnh quen thuộc, thân thương: ao làng, giếng làng, cây đa, cây gạo cổ thụ của làng!

    Ao làng đã lưu giữ trong tôi những kỉ niệm, kí ức vui có, buồn có. Nhưng cho dù vui hay buồn thì ao làng đã gắn bó với tôi cả một quãng đời tuổi ấu thơ.

    Những trưa hè, trốn nhà để cùng chúng bạn ra ao tắm táp. Mẹ vác roi đi tìm, ra bờ ao thấy quần áo của con mình vứt đống ở trên bờ. Mẹ đứng trên bờ, rồi nói vọng xuống ao trong tiếng tì tùm, ủng oẳng của những bàn chân đang quẫy đạp trên nước mà rằng :

    - Nhà có phúc con biết lội, nhà có tội con biết trèo!

    Sao con không ngủ trưa mà trốn ra đây tắm táp, con không sợ chết đuối à?

    Nhà tôi ở gần ao, gần sông Hồng, thủa chăn trâu cắt cỏ, tôi ra sức tập bơi mà vẫn chẳng biết bơi, nhà ở gần sông nước mà tôi lại không biết bơi thì thật là buồn! Cha tôi chặt đổ cả một thân cây chuối hột sau nhà to bằng cột đình, rồi thả xuống ao, nó nổi lên cho tôi bám vào thân cây để tập bơi, rồi tôi nghe lời chúng bạn bắt cả chuồn chuồn cho cắn vào rốn của mình mà rút cuộc tôi vẫn chẳng biết bơi. Nhiều lúc nghĩ vẩn nghĩ vơ, hay do mình là mạng Thổ ( đất ), Thổ ném xuống nước thì chỉ có mà chìm nghỉm, chẳng thấy tăm hơi. Theo các thầy Tử vi thường hay nói về số của tôi thì : Tôi dễ mắc nạn sông nước, mỗi khi có việc đi đâu tôi đều hết sức tránh những nơi sông sâu nước chảy xiết.

    Ao làng như một định danh về vị trí cư trú của gia đình tôi, tôi đi đâu xa, ai hỏi về nơi sinh, tôi thường giải thích với họ rằng : Nhà tôi ở xóm Ao, thôn Phương Khê. Một cái tên nôm na, dân dã nhưng đã ăn sâu vào trí nhớ của mỗi người dân quê tôi. Ngay cả khi cúng khấn những người quá cố trong ngày giỗ, ngày Tết, trong bài khấn bao giờ ông nội tôi, cha tôi cũng nhắc tên địa danh xóm Ao như để định danh nơi về của tổ tiên !

    Ao làng tôi còn có cả một kho chuyện dân gian kì bí. Mẹ tôi thường hay kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện, trong đó câu chuyện về đôi vịt vàng thường hay xuất hiện ở Ao làm tôi nhớ nhất. Mẹ tôi bảo có nhiều người nhìn thấy, và đã từng bắt đôi vịt ấy về, rồi nhốt chúng vào chiếc cối đá mà người ta thường hay giã gạo, rồi đậy chiếc mâm gỗ lên trên. Nhưng rồi, đôi vịt vàng ấy biến mất lúc nào mà chủ nhà không hay. Không biết đôi vịt vàng ấy bây giờ ở đâu, đã có ai bắt được chúng chưa, và chúng có là tài sản của riêng ai không? Đến giờ mải mưu sinh nơi đất khách quê người, câu chuyện ấy chỉ còn đọng lại trong kí ức tuổi thơ của tôi.

    Ao làng tôi không rộng lắm, quanh bờ ao là những rặng tre, rặng ổi của người dân sống xung quanh, soi bóng xuống mặt ao làm cho khung cảnh thôn quê bớt đi sự tẻ nhạt, nó giống như những nét chấm phá, những mảng màu trên một bức tranh nơi thôn dã.

    Ao làng tôi xưa kia có ba cầu ao lên xuống được xây bằng ghạch nghiêng có nhiều bậc, ở đó tôi thấy dáng mẹ tôi rửa rau, giặt giũ...Còn tôi đã bao lần lên xuống cầu ao ấy, khi thì ngồi thả cần câu cá, khi thì ghánh nước tưới rau, ...Tất cả đều chìm vào trong kí ức tuổi thơ của tôi.

    Bây giờ xa quê, tôi đã từng đi tắm ở bao nhiêu con sông, bao nhiêu bãi biển trên đất nước mình như bãi biển Trà Cổ đẹp bậc nhất ở vùng Đông Bắc của Việt Nam, bãi biển Cửa Lò sầm uất ở miền Trung, hay bãi biển mũi Nai, mũi Né ở miền Nam nước ta, điểm cuối cùng của tổ quốc thân yêu, lòng tôi chợt nhớ về ao làng như lời bài ca dao xưa vang vọng lại :

    Ta về ta tắm ao ta

    Dù trong dù đục, ao nhà vẫn hơn.

    Nhưng ôi thôi, ao làng giờ không còn nữa, người ta đã cho lấp ao đi để xây nhà văn hóa thôn. Những hình ảnh thân thương như mặt ao trưa hè hàng tre rủ bóng, con trâu miệng nhai cỏ dưới lũy tre soi bóng mặt ao giờ không còn nữa. Những chiếc cầu giờ đã tan biến mất. Đứng trước khu ao xưa, tôi lại nhớ những vần thơ của cụ Tú Xương đã viết rằng :

    “ Sông kia rày đã nên đồng

    Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai

    Vẳng nghe tiếng ếch bên tai

    Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò ”

    Sự đổi thay của làng quê Việt Nam nói chung và làng tôi nói riêng đang dần làm tan biến đi nhiều nét đẹp văn hóa làng, trong đó hình ảnh ao làng một thời gắn bó với tôi và người dân quê tôi giờ chỉ còn trong kí ức tuổi thơ tôi một thời quá vãng!
    Similar Threads
Working...
X
Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom